2019
Nuôi Dưỡng những Lời Nói của Đấng Ky Tô
Tháng Năm 2019


2:3

Nuôi Dưỡng những Lời Nói của Đấng Ky Tô

Sự nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô có thể xảy ra bất cứ lúc nào và bất cứ dịp nào, nếu chúng ta đã chuẩn bị tâm hồn mình.

Cha Thiên Thượng yêu thương chúng ta. Ngài đã ban cho một kế hoạch hoàn hảo để chúng ta vui hưởng các phước lành của Ngài. Trong cuộc sống này, chúng ta đều được mời gọi đến cùng Đấng Ky Tô và nhận được phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô qua phép báp têm, tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh và trung tín sống theo phúc âm. Nê Phi mô tả sự cam kết của chúng ta để chịu phép báp têm giống như việc đi vào “con đường chật và hẹp,” và ông nhắc nhở chúng ta tiếp tục “tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô, … nuôi dưỡng lời của Đấng Ky Tô và kiên trì đến cùng,” hầu nhận được tất cả các phước lành mà Cha Thiên Thượng đã dành cho chúng ta (2 Nê Phi 31:19–20).

Nê Phi nhắc nhở chúng ta thêm rằng nếu chúng ta chịu “nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô,” thì những lời này “sẽ cho [chúng ta] biết tất cả những gì [chúng ta] phải làm” (2 Nê Phi 32:3) và chúng ta sẽ được ban cho quyền năng để khắc phục “những tên lửa của kẻ thù nghịch” (1 Nê Phi 15:24).

Nuôi Dưỡng Là Gì?

Lúc còn trẻ, tôi đã nghĩ rằng ăn tiệc chỉ là có một bữa ăn thịnh soạn với cơm, sushi và nước tương. Bây giờ tôi biết việc ăn tiệc thực sự còn có ý nghĩa nhiều hơn là thưởng thức một bữa ăn ngon. Đó là một kinh nghiệm về niềm vui, sự dinh dưỡng, ăn mừng, chia sẻ, bày tỏ tình yêu thương với gia đình và những người thân yêu, truyền đạt lời tạ ơn của chúng ta lên Thượng Đế, và xây đắp các mối quan hệ trong khi thưởng thức những món ăn phong phú, vô cùng ngon miệng. Tôi tin rằng khi nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô, chúng ta nên nghĩ về cùng một kinh nghiệm đó. Nuôi dưỡng thánh thư không chỉ là đọc thánh thư. Mà nó sẽ còn mang lại cho chúng ta niềm vui thực sự và xây đắp mối quan hệ của chúng ta với Đấng Cứu Rỗi.

Điều này được dạy rõ ràng trong Sách Mặc Môn. Hãy nhớ lại giấc mơ của Lê Hi, mà trong đó ông thấy một cây “có trái hấp dẫn, làm người ta cảm thấy vui sướng.” Trái cây này tượng trưng cho tình yêu thương của Thượng Đế, và khi Lê Hi nếm trái cây này, thì ông nhận thấy nó “có một hương vị ngọt ngào hơn hết tất cả những trái cây khác mà [ông] đã từng nếm.” Trái cây ấy “làm cho tâm hồn [ông] chan hòa một niềm hân hoan cực độ” và đó là điều mà ông muốn chia sẻ với gia đình ông (1 Nê Phi 8:10–12).

Khi ăn, chúng ta có thể sẽ nhận thấy rằng số lượng hoặc loại thực phẩm là không quan trọng nếu lòng chúng ta tràn đầy sự biết ơn. Gia đình của Lê Hi đã sống nhờ vào thịt sống trong vùng hoang dã, nhưng Nê Phi đã mô tả thử thách khó khăn này rằng: “Những phước lành của Chúa đã ban cho chúng tôi thật lớn lao thay” đến nỗi “vợ của chúng tôi … rất mạnh khỏe” và có thể “chịu đựng cuôc hành trình mà không ta thán” (1 Nê Phi 17:1–2).

Đôi khi sự nuôi dưỡng gồm có thử nghiệm và nếm thử. An Ma nói về một hạt giống tốt được gieo vào lòng chúng ta. Khi thử nghiệm nó, chúng ta sẽ nhận biết rằng hạt giống bắt đầu “trở thành ngon ngọt” (xin xem An Ma 32:28–33).

Nuôi Dưỡng những Lời Nói của Đấng Ky Tô

Các phước lành của việc nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô rất mạnh mẽ và làm thay đổi cuộc sống. Có ba phước lành đặc biệt tôi muốn mời anh chị em áp dụng trong cuộc sống của anh chị em.

Trước hết, những lời nói của Đấng Ky Tô có thể giúp chúng ta “gia tăng khả năng về phần thuộc linh [của mình] để tiếp nhận sự mặc khải” (Russell M. Nelson, “Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 96) và hướng dẫn chúng ta một cách an toàn trong suốt cuộc sống của mình. Mặc Môn dạy rằng những lời nói của Đấng Ky Tô có “khuynh hướng dẫn dắt dân chúng làm điều chính đáng,” và chúng mạnh mẽ hơn bất cứ điều gì mà “gươm đao” có thể làm được (An Ma 31:5). Khi đã tìm kiếm sự thông sáng của Thượng Đế trong việc đối phó với những thử thách của mình, thì lúc nào tôi cũng dùng thử “hiệu năng của lời Thượng Đế,” (An Ma 31:5), tôi đã cảm thấy được soi dẫn và được làm cho có khả năng để đưa ra những quyết định sáng suốt, vượt qua những cám dỗ, và ban phước cho cuộc sống của tôi với đức tin gia tăng nơi Đấng Ky Tô và tình yêu thương đối với những người xung quanh tôi. Vị tiên tri của chúng ta, Russell M. Nelson, đã dạy chúng ta rằng “trong những ngày tới, chúng ta sẽ không thể nào tồn tại được về mặt thuộc linh nếu không có ảnh hưởng dìu dắt, hướng dẫn, và an ủi liên tục của Đức Thánh Linh” (“Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta,” trang 96). Sự mặc khải cần thiết sẽ đến khi chúng ta dùng thử “hiệu năng của lời Thượng Đế,” và lời đó sẽ mạnh mẽ hơn bất cứ điều gì khác mà chúng ta có thể thử hoặc tưởng tượng.

Thứ hai, khi chúng ta chiến đấu với con người thật của mình và thiếu lòng tự trọng, thì “những lời êm ái của Thượng Đế” (Gia Cốp 2:8) trong thánh thư sẽ giúp chúng ta biết rằng chúng ta thực sự là ai và mang đến cho chúng ta sức mạnh vượt xa sức mạnh của riêng mình. Việc nhận ra con người thật của mình là con của Thượng Đế là một trong những giây phút tuyệt vời nhất tôi đã từng trải qua. Trong thời niên thiếu của mình, tôi đã không biết gì về những lời dạy của Đấng Cứu Rỗi. Khi lần đầu tiên tôi đọc Kinh Tân Ước, những lời nói của Đấng Ky Tô đã thực sự chữa lành tâm hồn bị tổn thương của tôi. Tôi nhận biết rằng tôi không cô đơn một mình và tôi là con của Thượng Đế. Khi nhận ra con người thực sự của mình với Thượng Đế, tôi nhận biết được tiềm năng vô hạn của bản thân qua Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô.

Ê Nót cũng chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của ông về sự soi sáng đến từ việc suy ngẫm những lời nói của Đấng Ky Tô. Khi Ê Nót lắng nghe những lời mà cha của ông đã dạy về “cuộc sống vĩnh cửu và niềm vui của các thánh đồ in sâu vào tim [ông],” tâm hồn ông “tràn đầy sự khao khát; [ông] bèn quỳ xuống trước Đấng Sáng Tạo [ông] và kêu cầu Ngài với lời cầu nguyện và khẩn cầu mãnh liệt” (Ê Nót 1:3–4). Trong lời cầu nguyện đó, ông đã tiến đến việc biết Đấng Cứu Rỗi và học được rằng chúng ta có giá trị lớn lao, được yêu thương và có thể được tha thứ cho những lỗi lầm của chúng ta và thực sự là con cái của Thượng Đế.

Thứ ba, chúng ta có thể cải tiến cuộc sống của người khác qua những lời nói của Đấng Ky Tô. Giống như Ê Nót đã có thời gian và chốn riêng của mình, là nơi mà những lời nói của Đấng Ky Tô đã làm cảm động lòng ông, Chúa cũng sẽ làm phần vụ của Ngài để làm cảm động lòng của những người mà chúng ta mong muốn chia sẻ phúc âm. Nhiều người trong số chúng ta có thể đã cảm thấy nản lòng vì kết quả chúng ta mong muốn đã không xảy ra khi cố gắng mời một người nào đó nghe phúc âm. Bất kể kết quả là như thế nào, Chúa cũng mời gọi chúng ta mở miệng và chia sẻ sứ điệp phúc âm với họ.

Cách đây hai năm, Chúa đã làm động lòng người mẹ thân yêu của tôi và điều đó đã giúp bà quyết định tiếp nhận giáo lễ báp têm. Tôi đã chờ đợi cái ngày đó xảy ra trong gần 35 năm. Để bà đưa ra quyết định đó, nhiều tín hữu của Giáo Hội đã thực sự phục sự bà như Đấng Ky Tô đã làm. Một ngày Chủ Nhật nọ, bà cảm thấy mình nên đi nhà thờ. Bà tuân theo sự thúc giục đó. Trong khi bà ngồi ở hàng ghế đầu và chờ giáo lễ Tiệc Thánh bắt đầu, thì có một cậu bé bốn tuổi đến đứng trước mặt bà và nhìn bà. Bà mỉm cười chào nó. Cậu bé đột nhiên bỏ đi và trở về chỗ ngồi của nó ở phía bên kia của hàng ghế nơi mẹ tôi đang ngồi. Cậu bé này nhặt lên một vật gì đó từ chỗ ngồi của nó và quay lại đưa cho mẹ tôi một quyển thánh ca rồi quay trở lại chỗ ngồi của nó. Mẹ tôi thấy một quyển thánh ca được đặt trên mỗi chiếc ghế xen kẽ nhau trong giáo đường. Bà đã có thể dễ dàng nhặt một quyển từ cái ghế bên cạnh bà. Tuy nhiên, bà rất cảm kích trước hành động ngây thơ và tử tế của cậu bé, là điều nó đã học được ở nhà và ở nhà thờ. Đó là một khoảnh khắc xúc động đối với bà. Bà có một ấn tượng mạnh mẽ rằng Thượng Đế đang mời gọi bà đến mà theo Đấng Cứu Rỗi. Bà cảm thấy mình nên chịu phép báp têm. Cậu bé này đã không tìm kiếm sự công nhận về điều nó đã làm, mà nó chỉ làm hết sức mình để sống theo lời của Thượng Đế và yêu thương người lân cận. Sự tử tế của nó đã tạo ra một sự thay đổi quan trọng trong lòng của mẹ tôi.

Những lời nói của Đấng Ky Tô sẽ làm cảm động sâu xa tấm lòng và mở mắt của những người chưa thấy Ngài. Trên đường đi đến Em Ma Út, hai môn đồ đã đi cùng Chúa Giê Su. Họ buồn bã và không hiểu được rằng Đấng Cứu Rỗi đã chiến thắng cái chết. Trong nỗi đau buồn của mình, họ đã không nhận ra rằng Đấng Ky Tô hằng sống đang đi cùng họ. Mặc dù Chúa Giê Su đã “cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh Thánh,” nhưng họ vẫn không nhận ra Ngài là Đấng Cứu Rỗi phục sinh cho đến khi họ ngồi và bẻ bánh với Ngài. Rồi “đôi mắt” của họ đã mở ra. Khi chúng ta—hay bạn bè, những người cộng sự và hàng xóm của mình—ăn và bẻ bánh với Ngài, thì đôi mắt hiểu biết của chúng ta sẽ mở ra. Khi các môn đồ ở Em Ma Út suy nghĩ về thời gian của họ với Đấng Cứu Rỗi phục sinh, thì họ nói rằng lòng của họ đã nóng nảy trong khi Ngài mở thánh thư ra cùng họ (xin xem Lu Ca 24:27–32). Điều này sẽ đúng như vậy với tất cả chúng ta.

Phần kết

Để kết thúc, tôi làm chứng rằng sự nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô có thể xảy ra bất cứ lúc nào và bất cứ dịp nào, nếu chúng ta chuẩn bị tâm hồn mình để tiếp nhận những lời nói đó. Sự nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô sẽ mang lại sự mặc khải hỗ trợ cuộc sống, tái khẳng định con người thật và giá trị đích thực của chúng ta trước mặt Thượng Đế với tư cách là con của Ngài, và dẫn dắt những người bạn của chúng ta đến cùng Đấng Ky Tô và cuộc sống trường cửu. Tôi xin được kết thúc bằng cách lặp lại lời mời gọi của Nê Phi rằng: “Các người phải tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô, với một niềm hy vọng hết sức xán lạn, và với tình yêu thương Thượng Đế và mọi người. Vậy nên, nếu các người tiến tới, nuôi dưỡng lời của Đấng Ky Tô, và kiên trì đến cùng, này, Đức Chúa Cha có phán rằng: Các ngươi sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu” (2 Nê Phi 31:20). Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.