2019
Công Việc Truyền Giáo: Chia Sẻ Những Gì Trong Đáy Lòng Anh Chị Em
Tháng Năm 2019


2:3

Công Việc Truyền Giáo: Chia Sẻ Những Gì Trong Đáy Lòng Anh Chị Em

Dù anh chị em ở đâu trên thế giới này, thì đều có rất nhiều cơ hội để chia sẻ tin lành về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Vào tháng trước, vị tiên tri yêu dấu của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson, đã mời Mười Hai Vị Sứ Đồ cùng đi với ông đến tham dự lễ cung hiến Đền Thờ Rome Italy. Trong chuyến đi, tôi đã nghĩ tới Sứ Đồ Phao Lô và các cuộc hành trình của ông. Trong thời của ông, đi từ Giê Ru Sa Lem tới thành Rô Ma phải mất khoảng 40 ngày. Ngày nay, trên một trong những chiếc máy bay yêu thích của tôi, chuyến đi chỉ mất chưa đầy 3 tiếng đồng hồ.

Các học giả Kinh Thánh tin rằng Phao Lô đang ở thành Rô Ma khi viết một số bức thư vô cùng quan trọng trong việc củng cố các tín hữu Giáo Hội thời đó cũng như thời nay.

Phao Lô cùng với các tín hữu khác thuộc Giáo Hội cổ xưa, Các Thánh Hữu Thời Kỳ Đầu, đều hiểu rất rõ sự hy sinh. Nhiều người bị ngược đãi khủng khiếp, thậm chí cho đến chết.

Trong suốt 200 năm qua, các tín hữu của Giáo Hội Phục Hồi của Chúa Giê Su Ky Tô, Các Thánh Hữu Ngày Sau, cũng đã trải qua sự ngược đãi trong nhiều hình thức. Nhưng bất chấp sự ngược đãi đó (và đôi khi chính vì sự ngược đãi đó), Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô vẫn tiếp tục phát triển và ngày nay được tìm thấy trên khắp địa cầu.

Có Nhiều Điều Phải Làm

Tuy nhiên, trước khi chúng ta làm một cái bánh ăn mừng, tự khen ngợi mình vì thành công xuất sắc này, thì chúng ta cũng nên thật sự thấu hiểu sự phát triển của Giáo Hội và tầm quan trọng của nó.

Có khoảng bảy tỷ rưỡi dân số trên thế giới, so với khoảng 16 triệu tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô—quả thật là một nhóm giáo dân rất nhỏ.1

Trong khi đó, con số những người tin vào Ky Tô Giáo ở một số nơi trên thế giới đang giảm bớt.2

Ngay cả trong Giáo Hội phục hồi của Chúa—mặc dù nhìn chung con số tín hữu tiếp tục gia tăng—quá nhiều tín hữu không nhận lấy các phước lành của việc tham dự nhà thờ thường xuyên.

Nói một cách khác, dù anh chị em ở đâu trên thế giới này, thì đều có rất nhiều cơ hội để chia sẻ tin lành3 về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô với những người mình gặp, học cùng và sống cùng, hoặc làm việc và giao du cùng.

Trong năm vừa qua, tôi đã có cơ hội thú vị để được tham gia tích cực vào các hoạt động truyền giáo toàn cầu của Giáo Hội. Tôi thường suy ngẫm và cầu nguyện về sứ mệnh to lớn của Đấng Cứu Rỗi dành cho các môn đồ của Ngài—là chúng ta, con cái của Ngài— “vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp têm cho họ.”4

Tôi đã vất vả với câu hỏi “Làm thế nào chúng ta, với tư cách là các tín hữu và môn đồ của Đấng Ky Tô, có thể làm tròn sứ mệnh to lớn đó trong cuộc sống hằng ngày của mình một cách tốt nhất?”

Hôm nay tôi mời anh chị em suy ngẫm cũng câu hỏi đó trong lòng và trong tâm trí của mình.5

Một Ân Tứ cho Công Việc Truyền Giáo

Các vị lãnh đạo Giáo Hội đã nhấn mạnh đến lời kêu gọi khẩn thiết “Mỗi tín hữu là một người truyền giáo!” trong nhiều thập niên.6

Các tín hữu của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô—trong những thời kỳ trước lẫn thời kỳ của chúng ta—đã hào hứng và vui vẻ chia sẻ phúc âm với bạn bè và người quen. Lòng họ rạo rực với chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô, và họ thật lòng mong muốn người khác có được cùng một niềm vui mà họ đã tìm thấy nơi phúc âm của Đấng Cứu Rỗi.

Một số tín hữu của Giáo Hội dường như có năng khiếu trong việc này. Họ thích làm người đại diện của phúc âm. Họ rất mạnh dạn, vui vẻ phục vụ và dẫn đầu công việc với tư cách là các tín hữu truyền giáo.

Tuy nhiên, nhiều người khác lại do dự hơn. Khi công việc truyền giáo được thảo luận trong các buổi họp Giáo Hội, họ thường từ từ cúi đầu xuống thấp, thu mình nhỏ lại đằng sau hàng ghế phía trước, mắt tập trung vào quyển thánh thư hoặc nhắm lại trầm tư suy ngẫm để tránh nhìn thẳng vào mắt của các tín hữu khác.

Tại sao lại như vậy? Có lẽ là vì chúng ta cảm thấy có lỗi vì không làm nhiều hơn để chia sẻ phúc âm. Có lẽ chúng ta cảm thấy không chắc về cách chia sẻ phúc âm. Hoặc chúng ta có thể cảm thấy lo sợ phải làm điều chúng ta không biết chắc mình có thể làm.

Tôi hiểu được những cảm nghĩ này.

Nhưng hãy nhớ rằng, Chúa không đòi hỏi chúng ta phải thông thạo và hoàn hảo trong những nỗ lực truyền giáo. Thay vì thế, “Chúa đòi hỏi tấm lòng thành và tâm hồn đầy thiện chí.”7

Nếu anh chị em đang vui vẻ làm công việc truyền giáo rồi, thì hãy tiếp tục làm như vậy, và hãy là tấm gương cho những người khác. Chúa sẽ ban phước cho anh chị em.

Tuy nhiên, nếu vì lý do nào đó anh chị em cảm thấy mình còn đang lưỡng lự trong việc chia sẻ sứ điệp phúc âm, tôi xin đề nghị năm điều ai cũng có thể làm mà không cảm thấy có lỗi để tham gia vào sứ mệnh to lớn của Đấng Cứu Rỗi nhằm giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên.

Năm Đề Nghị Đơn Giản

Thứ nhất, hãy đến gần Thượng Đế. Giáo lệnh lớn đầu tiên là yêu mến Thượng Đế.8 Đó là lý do chính yếu tại sao chúng ta tồn tại trên thế gian này. Hãy tự hỏi mình: “Tôi có thật sự tin tưởng nơi Cha Thiên Thượng không?”

“Tôi có yêu mến và tin cậy Ngài không?”

Anh chị em càng đến gần Cha Thiên Thượng của chúng ta hơn, thì ánh sáng và sự vui mừng của Ngài sẽ tỏa ra từ bên trong anh chị em. Những người khác sẽ nhận thấy có điều gì đó độc đáo và đặc biệt về anh chị em. Và họ sẽ hỏi về điều đó.

Thứ hai, hãy làm lòng mình tràn đầy tình yêu thương dành cho người khác. Đây là giáo lệnh lớn thứ hai.9 Hãy cố gắng để thực sự xem mọi người xung quanh như thể họ là con cái của Thượng Đế. Hãy phục sự họ—cho dù tên của họ có trong danh sách anh chị em phục sự của mình hay không.

Hãy cười đùa với họ. Vui mừng với họ. Than khóc với họ. Tôn trọng họ. Chữa lành, khuyến khích, và củng cố họ.

Hãy cố gắng bắt chước theo tình yêu thương của Đấng Ky Tô và cho thấy lòng trắc ẩn đối với họ—thậm chí đối với những người không tử tế với anh chị em, những người chế giễu và muốn hại anh chị em. Hãy yêu thương họ và đối xử với họ như là các con cái của Cha Thiên Thượng.

Thứ ba, cố gắng bước đi trên con đường làm môn đồ. Khi tình yêu mến của anh chị em dành cho Thượng Đế và con cái Ngài trở nên sâu đậm hơn, thì cam kết của anh chị em để noi theo Chúa Giê Su Ky Tô cũng vậy.

Anh chị em học hỏi về đường lối của Ngài bằng cách nuôi dưỡng lời của Ngài và lắng nghe cùng áp dụng những lời giảng dạy của các vị tiên tri và sứ đồ. Anh chị em tin tưởng hơn và có can đảm hơn để đi theo đường lối của Ngài khi anh chị em giao tiếp với Cha Thiên Thượng với một tấm lòng khiêm nhường, dễ dạy.

Việc bước đi trên con đường làm môn đồ đòi hỏi phải tập luyện—mỗi ngày, từng bước nhỏ một, “từ ân điển này đến ân điển khác,”10 “hàng thêm hàng.”11 Có lúc chúng ta tiến bộ nhưng tiến trình này rất khó và chậm.

Điều quan trọng là anh chị em không bỏ cuộc; hãy tiếp tục cố gắng để làm điều đúng. Cuối cùng rồi anh chị em sẽ trở nên tốt hơn, vui vẻ hơn, và chân thành hơn. Việc nói với người khác về tín ngưỡng của mình sẽ trở nên bình thường và tự nhiên. Thực ra, phúc âm sẽ trở thành một phần thiết yếu và quý giá trong cuộc sống của anh chị em đến mức anh chị em sẽ cảm thấy không bình thường nếu không nói với người khác về phúc âm. Điều đó có thể không xảy ra ngay lập tức—đó là một nỗ lực suốt đời. Nhưng điều đó sẽ xảy ra.

Thứ tư, hãy chia sẻ những gì trong đáy lòng anh chị em. Tôi không yêu cầu anh chị em ra đứng góc đường và cầm loa hô to lên những câu trong Sách Mặc Môn. Điều tôi yêu cầu là anh chị em hãy luôn luôn tìm kiếm cơ hội để nói về tín ngưỡng của mình trong những cách thức tự nhiên và bình thường với người khác—cả trực tiếp lẫn trực tuyến. Tôi yêu cầu anh chị em hãy “đứng lên làm nhân chứng”12 về quyền năng của phúc âm vào bất cứ lúc nào—và khi cần, hãy sử dụng lời nói.13

Bởi vì “Tin Lành … là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu,” nên anh chị em có thể tin tưởng, can đảm, và khiêm nhường khi chia sẻ phúc âm.14 Sự tin tưởng, can đảm, và khiêm nhường có vẻ như là những thuộc tính trái ngược nhau, nhưng không phải vậy. Chúng phản ảnh lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi để không giấu những giá trị và nguyên tắc của phúc âm ở dưới một cái thùng, nhưng hãy để cho ánh sáng của anh chị em tỏa sáng, để những việc lành của anh chị em có thể ngợi khen Cha của anh chị em ở trên trời.15

Có nhiều cách thức tự nhiên và bình thường để làm điều này, từ những cử chỉ tử tế hằng ngày cho đến chứng ngôn cá nhân trên YouTube, Facebook, Instagram, hay Twitter cho đến những cuộc trò chuyện đơn giản với những người anh chị em gặp. Năm nay chúng ta đang học Kinh Tân Ước ở nhà và trong Trường Chủ Nhật. Thật là một cơ hội tuyệt diệu để mời bạn bè và hàng xóm đến nhà thờ và đến nhà của anh chị em để học hỏi về Đấng Cứu Rỗi với anh chị em. Hãy chia sẻ với họ ứng dụng Thư Viện Phúc Âm, nơi mà họ có thể tìm thấy tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta. Nếu anh chị em biết những người trẻ tuổi và gia đình họ, hãy đưa cho họ quyển sách nhỏ Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ, và mời họ đến và xem những người trẻ tuổi của chúng ta cố gắng sống theo các nguyên tắc đó như thế nào.

Nếu một người nào đó hỏi anh chị em về những ngày cuối tuần ra sao, thì hãy đừng ngần ngại nói về những kinh nghiệm anh chị em có ở nhà thờ. Hãy kể về các em thiếu nhi đứng lên trước giáo đoàn và hát với lòng đầy thiết tha về cách chúng đang cố gắng để được giống như Chúa Giê Su. Hãy kể về nhóm thanh thiếu niên đã dành ra thời gian giúp những người cao tuổi trong viện dưỡng lão thu thập lịch sử cá nhân. Hãy kể về sự thay đổi mới đây trong lịch trình nhóm họp ngày Chủ Nhật và điều đó đã ban phước cho gia đình anh chị em như thế nào. Hoặc giải thích lý do tại sao chúng ta nhấn mạnh rằng đây là Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô và rằng chúng ta là Các Thánh Hữu Ngày Sau, giống như các tín hữu thuộc Giáo Hội thời xưa cũng được gọi là Các Thánh Hữu.

Trong bất cứ cách thức nào dường như là tự nhiên và bình thường đối với anh chị em, hãy chia sẻ với mọi người lý do tại sao Chúa Giê Su Ky Tô và Giáo Hội của Ngài là quan trọng đối với anh chị em. Hãy mời họ “đến và xem.”16 Rồi sau đó mời họ hãy đến và giúp đỡ. Có vô số cơ hội cho mọi người để giúp đỡ trong Giáo Hội của chúng ta.

Hãy cầu nguyện không chỉ cho những người truyền giáo để tìm ra những người chọn lọc. Hãy hết lòng cầu nguyện hằng ngày rằng anh chị em sẽ tìm thấy những người mà sẽ đến và xem, đến và giúp đỡđến và ở lại. Hãy cho những người truyền giáo toàn thời gian biết về nỗ lực của anh chị em. Họ giống như các thiên sứ, sẵn sàng giúp đỡ!

Khi anh chị em chia sẻ tin lành, phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, thì hãy làm như vậy với tình thương yêu và lòng kiên nhẫn. Nếu chúng ta giao tiếp với người khác chỉ với kỳ vọng là họ sẽ sớm mặc vào bộ đồ trắng và hỏi đường đến hồ nước báp têm gần nhất, thì chúng ta đang sai lầm.

Những người đến và xem có lẽ sẽ không bao giờ gia nhập Giáo Hội; một số người sẽ gia nhập sau này. Đó là lựa chọn của họ. Nhưng điều đó không thay đổi tình yêu thương của chúng ta dành cho họ. Và điều đó không thay đổi những nỗ lực nhiệt thành của chúng ta để tiếp tục mời các cá nhân và gia đình hãy đến và xem, đến và giúp đỡ, đến và ở lại.

Thứ năm, hãy tin cậy là Chúa sẽ làm phép lạ. Hãy hiểu rằng công việc của anh chị em không phải là để cải đạo mọi người. Đó là vai trò của Đức Thánh Linh. Vai trò của anh chị em là chia sẻ những gì trong đáy lòng anh chị em và kiên định sống theo niềm tin của mình.

Vì vậy, xin đừng thất vọng nếu một người nào đó không chấp nhận sứ điệp phúc âm ngay lập tức. Đó không phải là lỗi của anh chị em.

Đó là giữa cá nhân đó và Cha Thiên Thượng.

Vai trò của anh chị em là yêu mến Thượng Đế và người lân cận của mình, tức là con cái của Ngài.

Tin tưởng, yêu thương, làm theo.

Hãy đi theo con đường này, và Thượng Đế sẽ làm phép lạ qua anh chị em để ban phước cho các con cái quý báu của Ngài.

Năm đề nghị này sẽ giúp anh chị em làm những điều các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô đã làm từ thời xưa. Phúc âm của Ngài và Giáo Hội của Ngài là một phần quan trọng của cuộc sống và của con người anh chị em cũng như điều anh chị em làm. Vì thế, hãy mời những người khác đến và xemđến và giúp đỡ, rồi Thượng Đế sẽ làm công việc cứu rỗi của Ngài, và họ sẽ đến và ở lại.

Nhưng Nếu Việc Chia Sẻ Phúc Âm Rất Khó Thì Sao?

“Nhưng,” anh chị em có thể hỏi, “nếu tôi làm tất cả những điều này và người ta phản ứng tiêu cực thì sao? Nếu họ chỉ trích Giáo Hội thì sao? Nếu họ không làm bạn với tôi nữa thì sao?”

Vâng, điều đó có thể xảy ra. Kể từ thời xưa, các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô đã thường bị ngược đãi.17 Sứ đồ Phao Lô nói: “Khi [anh chị em] chia sẻ sự thương khó của Đấng Ky Tô … hãy vui mừng.”18 Các Thánh Hữu thời kỳ đầu vui mừng “về mình đã được kể là xứng đáng chịu nhục vì danh Đức Chúa [Giê Su].”19

Hãy nhớ rằng Chúa làm việc theo những cách thức huyền nhiệm. Có lẽ là cách anh chị em đáp ứng giống như Đấng Ky Tô đối với sự khước từ có thể làm mềm một tấm lòng chai đá.

Với tư cách là Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi ban phước cho anh chị em với sự tin tưởng để làm nhân chứng sống về các giá trị phúc âm, với lòng can đảm để luôn được nhận ra là một tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, với sự khiêm nhường để phụ giúp trong công việc của Ngài như là một cách biểu lộ tình yêu thương của anh chị em dành cho Cha Thiên Thượng và con cái của Ngài.

Các bạn thân mến của tôi, các bạn sẽ vui mừng biết rằng mình là một phần tử quan trọng trong sự quy tụ Y Sơ Ra Ên đã được báo trước từ lâu, chuẩn bị cho Đấng Ky Tô đến trong “quyền năng và vinh quang lớn lao; cùng với tất cả các thiên sứ thánh.”20

Cha Thiên Thượng biết anh chị em. Chúa yêu thương anh chị em. Thượng Đế sẽ ban phước cho anh chị em. Công việc này là do Ngài quy định. Anh chị em có thể làm công việc này. Tất cả chúng ta đều có thể cùng nhau làm công việc này.

Tôi làm chứng như thế trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Vị tiên tri vĩ đại Nê Phi đã thấy trong khải tượng rằng mặc dù Giáo Hội của Chiên Con của Thượng Đế sẽ lan rộng “khắp trên mặt đất,” bởi vì sự tà ác trên thế gian nên tổng số “người thuộc Giáo Hội [sẽ] rất ít” (1 Nê Phi 14:12; xin xem thêm Lu Ca 12:32).

  2. Ví dụ, một nghiên cứu mới đây của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew (Pew Research Center) khám phá rằng ở Hoa Kỳ, “tỷ lệ phần trăm người thành niên (18 tuổi trở lên) là những người tự nhận mình là Ky Tô hữu đã sụt giảm gần tám điểm phần trăm chỉ trong bảy năm, từ 78.4% trong … năm 2007 xuống 70.6% trong năm 2014. Trong cùng thời gian đó, tỷ lệ phần trăm người Mỹ không theo đạo—tự nhận mình là vô thần, theo thuyết bất khả thi hoặc ‘không tin gì cả’’—đã tăng vọt hơn sáu điểm, từ 16.1% đến 22.8%” (“America’s Changing Religious Landscape,” Pew Research Center, ngày 12 tháng Năm năm 2015, pewforum.org).

  3. Từ phúc âm có nghĩa là “tin lành.” Tin lành là Chúa Giê Su Ky Tô đã thực hiện Sự Chuộc Tội hoàn hảo mà sẽ cứu chuộc tất cả nhân loại khỏi mộ phần và thưởng cho mỗi cá nhân tùy theo việc làm của người ấy. Sự Chuộc Tội này bắt đầu với sự kêu gọi của Ngài trong tiền dương thế, tiếp tục trong suốt cuộc sống trần thế của Ngài, và kết thúc với Sự Phục Sinh đầy vinh quang của Ngài. Biên sử ghi lại trong Kinh Thánh về cuộc sống trần thế, giáo vụ, và sự hy sinh của Ngài được gọi là Các Sách Phúc Âm: Ma Thi Ơ, Mác, Lu Ca, và Giăng.

  4. Ma Thi Ơ 28:19.

  5. “Thật vậy, ta nói cho các ngươi hay, những người bạn của ta, ta để lại cho các ngươi những lời này để suy ngẫm trong lòng mình” (Giáo Lý và Giao Ước 88:62).

    “Nhưng này, ta nói cho ngươi hay rằng, ngươi phải nghiên cứu kỹ trong tâm trí mình; rồi ngươi phải hỏi ta xem điều đó có đúng không; và nếu đúng thì ta sẽ làm cho tâm can ngươi hừng hực trong ngươi, như vậy, ngươi sẽ cảm thấy rằng điều đó là đúng” (Giáo Lý và Giao Ước 9:8).

  6. Chủ Tịch David O. McKay khuyến khích “mỗi tín hữu [hãy là] một người truyền giáo” khi ông chủ tọa Phái Bộ Truyền Giáo Châu Âu từ năm 1922 đến năm 1924, và ông đã chia sẻ chính sứ điệp đó với Giáo Hội tại đại hội trung ương ngay từ năm 1952 (xin xem “‘Every Member a Missionary’ Motto Stands Firm Today,” Church News, ngày 20 tháng Hai năm 2015, news.ChurchofJesusChrist.org).

  7. Giáo Lý và Giao Ước 64:34.

  8. Xin xem Ma Thi Ơ 22:37–38.

  9. Xin xem Ma Thi Ơ 22:39.

  10. Giáo Lý và Giao Ước 93:12.

  11. Ê Sai 28:10.

  12. Mô Si A 18:9.

  13. Ý nghĩ này thường được cho là của Thánh Francis ở Assisi; xin xem thêm Giăng 10:36–38.

  14. Rô Ma 1:16.

  15. Xin xem Ma Thi Ơ 5:15–16.

  16. Giăng 1:46; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  17. Xin xem Giăng 15:18.

  18. 1 Phi E Rơ 4:13, Phiên Bản Tiếng Anh Tiêu Chuẩn; xin xem thêm các câu 1–19 để biết thêm về cách mà các tín đồ của Đấng Ky Tô nên xem sự đau khổ vì lợi ích của phúc âm.

  19. Công Vụ Các Sứ Đồ 5:41.

  20. Giáo Lý và Giao Ước 45:44.