2019
Lựa Chọn của Tôi Sẽ Dẫn Đến Đâu?
Tháng Năm 2019


2:3

Lựa Chọn của Tôi Sẽ Dẫn Đến Đâu?

Chúng ta đưa ra những lựa chọn hoặc quyết định tốt hơn nếu chúng ta nhìn vào các khả năng chọn lựa và suy ngẫm xem chúng sẽ dẫn chúng ta đến đâu.

Phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô khuyến khích chúng ta nghĩ về tương lai. Phúc âm này giải thích mục đích của cuộc sống trần thế và thực tế của cuộc sống mai sau. Phúc âm phục hồi còn dạy những ý kiến tuyệt vời về tương lai để hướng dẫn các hành động của chúng ta hôm nay.

Ngược lại, chúng ta đều biết những người chỉ quan tâm về hiện tại mà thôi: sống cho ngày hôm nay, tận hưởng nó, và không lo lắng gì cho tương lai.

Hiện tại và tương lai của chúng ta sẽ hạnh phúc hơn nếu chúng ta luôn luôn ý thức về tương lai. Khi chúng ta đưa ra những quyết định hiện thời, chúng ta nên luôn luôn hỏi: “Lựa chọn của tôi sẽ dẫn đến đâu?”

I.

Một số quyết định là những lựa chọn giữa việc làm một điều gì đó và việc không làm gì cả. Tôi đã nghe một ví dụ về loại lựa chọn này tại một buổi đại hội giáo khu ở Hoa Kỳ nhiều năm trước đây.

Buổi đó diễn ra trong khuôn viên xinh đẹp của một trường đại học. Một đám đông các sinh viên trẻ đang ngồi trên bãi cỏ. Người nói chuyện mà đã mô tả hoàn cảnh này kể rằng họ đang dõi theo một con sóc dễ thương đuôi xù đang chơi đùa quanh gốc của một cái cây lớn đẹp đẽ. Đôi khi nó chạy trên mặt đất, đôi khi leo lên leo xuống và chạy vòng quanh thân cây. Nhưng tại sao cảnh tượng quen thuộc đó lại thu hút đám đông sinh viên?

Căng người nằm dài trên bãi cỏ gần đó là một con chó săn Ái Nhĩ Lan. Nó là mục tiêu khiến nhóm sinh viên quan tâm, và con sóc là mục tiêu của con chó đó. Mỗi khi con sóc khuất dạng trong thoáng chốc vì trèo quanh thân cây, con chó săn sẽ lặng lẽ bò tới trước một chút và rồi trở về tư thế có vẻ không chút hứng thú của mình. Chính điều này thu hút sự chú ý của các sinh viên. Im lặng ngồi yên, mắt của họ dán chặt vào sự việc mà kết quả đang càng lúc càng rõ ràng hơn.

Cuối cùng, con chó săn tới đủ gần để nhảy chồm về phía con sóc và há miệng bắt nó. Tất cả các sinh viên hoảng hốt kêu lên, và đám đông sinh viên ào lên giành con vật bé nhỏ ra khỏi con chó, nhưng đã quá trễ. Con sóc đã chết.

Bất cứ ai trong đám đông đó đã có thể cảnh báo con sóc vào bất kỳ lúc nào bằng cách vẫy tay hoặc la to lên, nhưng không một ai làm vậy. Họ chỉ nhìn trong khi hậu quả chắc chắn đến càng lúc càng gần hơn. Không ai hỏi: ″Lựa chọn của tôi sẽ dẫn đến đâu?″ Khi điều có thể dự đoán xảy ra, tất cả vội chạy đi ngăn chặn hậu quả, nhưng đã quá trễ. Niềm ân hận đến mức phát khóc là tất cả những gì họ có thể làm.

Câu chuyện có thật đó là một dạng ngụ ngôn. Nó áp dụng vào những việc xảy ra trong chính cuộc sống chúng ta và trong những cuộc đời và hoàn cảnh xung quanh chúng ta. Khi chúng ta thấy những mối đe dọa đang tiến đến gần những người hoặc điều mà chúng ta yêu quý, chúng ta có lựa chọn để nói ra hoặc hành động hay vẫn im lặng. Chúng ta nên tự hỏi rằng: ″Lựa chọn của tôi sẽ dẫn đến đâu?″ Khi mà các hậu quả sẽ là ngay lập tức và nghiêm trọng, thì chúng ta không thể chịu ngồi yên mà không làm gì cả. Chúng ta phải đưa ra những cảnh báo thích đáng hoặc ủng hộ các nỗ lực ngăn chặn phù hợp trong khi vẫn còn thời gian.

Các quyết định mà tôi vừa mô tả gồm có những lựa chọn giữa việc hành động hoặc không hề hành động. Phổ biến hơn là những lựa chọn giữa một hành động này và một hành động khác. Những quyết định này gồm có các lựa chọn giữa điều thiện và điều ác, nhưng chúng ta thường hay thấy đó là những lựa chọn giữa hai điều tốt. Trong trường hợp này cũng vậy, chúng ta cần hỏi lựa chọn của chúng ta sẽ dẫn đến đâu. Chúng ta đưa ra nhiều lựa chọn giữa hai điều tốt, thường về cách mà chúng ta sẽ sử dụng thời gian của mình. Không có gì xấu khi chơi trò chơi điện tử hay nhắn tin hoặc xem TV hoặc nói chuyện trên điện thoại. Nhưng mỗi việc làm này đều đòi hỏi cái gọi là “chi phí cơ hội,” có nghĩa là nếu chúng ta dành thời gian làm một việc, thì chúng ta mất cơ hội làm một việc khác. Tôi chắc rằng anh chị em có thể hiểu rằng chúng ta cần phải suy nghĩ kỹ về điều chúng ta đang đánh mất bởi thời gian mà chúng ta dành cho một sinh hoạt, thậm chí ngay cả khi bản thân sinh hoạt đó hoàn toàn tốt.

Cách đây một thời gian, tôi đưa ra một bài nói chuyện có tựa đề “Tốt, Tốt Hơn, Tốt Nhất.” Trong bài nói chuyện đó tôi nói rằng “chỉ vì một điều gì đó tốt thì không phải là lý do đủ để làm điều đó. Chúng ta không có đủ thời gian để hoàn thành tất cả mọi điều tốt. Có một số điều thì tốt hơn là chỉ tốt không thôi, và đây là những điều đáng được quan tâm hàng đầu trong cuộc sống của chúng ta. … Chúng ta phải từ bỏ một số điều tốt để chọn những điều khác tốt hơn hoặc tốt nhất.”1

Hãy xem xét những kết quả lâu dài từ các lựa chọn của anh chị em. Những quyết định chúng ta đưa ra trong hiện tại có ảnh hưởng gì đến tương lai của chúng ta? Hãy ghi nhớ tầm quan trọng của việc có được nền học vấn, học phúc âm, tái lập các giao ước của chúng ta bằng cách dự phần Tiệc Thánh, và tham dự đền thờ.

II.

“Lựa chọn của tôi sẽ dẫn đến đâu?” cũng quan trọng trong việc chọn cách chúng ta nhận định hoặc nghĩ về bản thân mình. Quan trọng hơn cả, mỗi chúng ta là một người con của Thượng Đế với một vận mệnh đầy tiềm năng để có được cuộc sống vĩnh cửu. Mỗi kiểu nhận định khác, kể cả về nghề nghiệp, dòng dõi, đặc tính thể chất hay địa vị, đều chỉ là tạm thời hoặc tầm thường theo khía cạnh vĩnh cửu. Đừng chọn nhận định bản thân mình hay nghĩ về mình theo cách mà sẽ đặt ra giới hạn trong mục tiêu mà anh chị em có thể cố gắng đạt được.

Các anh em, và các chị em mà có thể xem hoặc đọc điều tôi nói ở đây, tôi hy vọng anh chị em biết lý do tại sao các vị lãnh đạo của anh chị em đưa ra những lời giảng dạy và khuyên nhủ mà chúng tôi đưa ra. Chúng tôi yêu quý anh chị em, và Cha Thiên Thượng của chúng ta cùng Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, yêu thương anh chị em. Kế hoạch của Hai Ngài dành cho chúng ta là “kế hoạch hạnh phúc vĩ đại” (An Ma 42:8). Kế hoạch đó và các lệnh truyền của Hai Ngài cùng những giáo lễ và giao ước dẫn chúng ta đến niềm hạnh phúc vui sướng lớn lao nhất trong cuộc đời này và trong cuộc sống mai sau. Với tư cách là các tôi tớ của Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, chúng tôi giảng dạy và khuyên nhủ theo như Hai Ngài chỉ thị cho chúng tôi qua Đức Thánh Linh. Chúng tôi không có mong muốn nào khác ngoại trừ việc nói lên điều chân chính và khuyến khích anh chị em làm điều Hai Ngài đã vạch ra như một con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu, “là ân tứ lớn lao nhất trong tất cả mọi ân tứ của Thượng Đế” (Giáo Lý và Giao Ước 14:7).

III.

Đây là một ví dụ khác về sự ảnh hưởng đến tương lai bởi các quyết định đưa ra trong hiện tại. Ví dụ này liên quan đến sự lựa chọn để hy sinh trong hiện tại nhằm đạt được một mục tiêu quan trọng trong tương lai.

Tại một buổi đại hội giáo khu tại Cali, Colombia, một chị phụ nữ kể rằng chị cùng vị hôn phu của mình mong muốn được kết hôn trong đền thờ mà vào thời điểm đó đền thờ gần nhất là ở đất nước Peru xa xôi. Trong một thời gian dài, họ dành dụm tiền để mua vé xe đò. Cuối cùng họ lên xe đò đi đến Bogotá, nhưng khi đến đó, họ biết rằng không còn một chiếc ghế nào còn trống trên xe đò đi đến Lima, Peru. Họ có thể đi về nhà mà không kết hôn hoặc kết hôn ở ngoài đền thờ. May mắn thay, có một lựa chọn khác. Họ có thể đi xe đò đến Lima nếu họ chịu ngồi trên sàn xe đò trong suốt chuyến đi dài năm ngày năm đêm. Họ đã chọn làm điều này. Chị ấy nói rằng việc đó rất khó, mặc dù một số người đôi khi cho anh chị ngồi vào ghế của họ để những người ấy có thể duỗi người trên sàn xe.

Điều gây ấn tượng với tôi trong bài nói chuyện đó là khi chị tuyên bố rằng chị biết ơn vì vợ chồng chị đã có thể đến được đền thờ bằng cách này, bởi vì nó đã thay đổi cảm nghĩ của họ về phúc âm và cách họ cảm nhận về lễ hôn phối trong đền thờ. Chúa đã ban thưởng cho họ bằng sự tăng trưởng đến từ sự hy sinh. Chị ấy cũng quan sát rằng chuyến đi năm ngày của họ đến đền thờ đã mang lại lợi ích lớn hơn nhiều trong việc xây đắp phần thuộc linh của họ so với nhiều chuyến đi đến đền thờ mà không phải hy sinh gì.

Trong nhiều năm kể từ khi tôi nghe được chứng ngôn đó, tôi đã tự hỏi cuộc đời của cặp vợ chồng trẻ ấy sẽ khác biệt ra sao nếu họ đã lựa chọn khác đi—bỏ qua sự hy sinh cần thiết để được kết hôn trong đền thờ.

Thưa các anh em, chúng ta phải đưa ra vô số những lựa chọn trong đời, một số thì rất quan trọng và một số dường như chẳng đáng kể. Khi nhìn lại, chúng ta có thể thấy một sự khác biệt lớn đến từ một số lựa chọn mà chúng ta đã đưa ra trong đời mình. Chúng ta đưa ra những lựa chọn hoặc quyết định tốt hơn nếu chúng ta nhìn vào các khả năng chọn lựa và suy ngẫm xem chúng sẽ dẫn chúng ta đến đâu. Khi làm như vậy, chúng ta đang vâng theo lời khuyên nhủ của Chủ Tịch Russell M. Nelson là khi làm việc gì cũng phải nhớ đến mục tiêu cuối cùng của chúng ta.2 Đối với chúng ta, mục tiêu cuối cùng là luôn luôn ở trên con đường giao ước đi qua đền thờ hướng đến cuộc sống vĩnh cửu, ân tứ lớn lao nhất trong tất cả mọi ân tứ của Thượng Đế.

Tôi làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô và về những tác dụng của Sự Chuộc Tội của Ngài cùng những lẽ thật khác trong phúc âm vĩnh cửu của Ngài, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.