Quyền Năng Tán Trợ với Đức Tin
Bằng cách giơ tay lên để tán trợ, các anh em lập một lời hứa với Thượng Đế rằng các anh em sẽ tán trợ những người tôi tớ này của Ngài.
Nhiều lần tôi đã được nghe các vị lãnh đạo chức tư tế dâng lên lời cảm tạ về đức tin trong việc tán trợ của những người mà họ phục vụ. Từ biểu cảm trong giọng nói của họ, các anh em biết rằng lòng biết ơn của họ là sâu sắc và chân thành. Mục đích của tôi hôm nay là để truyền đạt lòng cảm kích của Chúa về sự tán trợ của các anh em dành cho các tôi tớ của Ngài trong Giáo Hội của Ngài. Và cũng là để khuyến khích các anh em thực hành và phát triển trong quyền năng đó để tán trợ những người khác với đức tin của các anh em.
Trước khi được sinh ra, các anh em đã cho thấy quyền năng này. Hãy nghĩ về những điều chúng ta biết về thế giới linh hồn trước khi chúng ta được sinh ra. Cha Thiên Thượng đã trình bày một kế hoạch cho các con cái của Ngài. Chúng ta đã ở đó. Lu Xi Phe, một người anh linh hồn của chúng ta, đã chống lại kế hoạch mà sẽ cho phép chúng ta có quyền tự do để lựa chọn. Đức Giê Hô Va, Con Trai Yêu Dấu của Cha Thiên Thượng, đã tán trợ kế hoạch đó. Lu Xi Phe đã lãnh đạo một cuộc nổi loạn. Tiếng nói tán trợ của Đức Giê Hô Va đã chiến thắng, và Ngài đã tình nguyện trở thành Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.
Việc các anh em đang ở trong cuộc sống trần thế hiện tại này cho thấy rằng các anh em đã tán trợ Đức Chúa Cha và Đấng Cứu Rỗi. Các anh em cần có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô để tán trợ kế hoạch hạnh phúc cùng vai trò của Chúa Giê Su Ky Tô trong kế hoạch này khi các anh em hầu như không biết về những thử thách mà các anh em sẽ đối mặt trong cuộc sống trần thế.
Đức tin để tán trợ các tôi tớ của Thượng Đế cũng góp phần lớn lao vào hạnh phúc của các anh em trong cuộc sống này. Khi các anh em chấp nhận một thử thách của người truyền giáo về việc cầu nguyện để biết rằng Sách Mặc Môn là lời của Thượng Đế, các anh em đã có đức tin để tán trợ một tôi tớ của Chúa. Khi các anh em chấp nhận lời mời gọi để chịu phép báp têm, các anh em đã tán trợ một tôi tớ khiêm nhường của Thượng Đế.
Khi các anh em để một ai đó đặt tay lên đầu mình và nói: “Hãy tiếp nhận Đức Thánh Linh,” các anh em đã tán trợ người ấy với tư cách là một người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc.
Kể từ ngày hôm đó, bằng việc phục vụ một cách trung tín, các anh em đã tán trợ mỗi người đã truyền giao chức tư tế cho các anh em và mỗi người đã sắc phong cho các anh em một chức phẩm trong Chức Tư Tế đó.
Từ những kinh nghiệm chức tư tế ban đầu của các anh em, mỗi lần tán trợ chỉ là một sự kiện đơn giản về việc tin cậy một người tôi tớ của Thượng Đế. Bây giờ, nhiều người trong số các anh em đã tiến triển tới vị trí mà việc tán trợ được đòi hỏi nhiều hơn.
Các anh em lựa chọn để tán trợ tất cả những người được Chúa kêu gọi—trong bất cứ chức vụ nào mà Chúa kêu gọi họ. Sự lựa chọn đó diễn ra ở trong các đại hội trên khắp thế giới. Việc đó đã diễn ra trong đại hội này. Trong các buổi họp như vậy, tên của những người nam và những người nữ—là các tôi tớ của Thượng Đế—được đọc lên và các anh em được mời gọi để giơ tay tán trợ họ. Các anh em có thể từ chối không biểu quyết tán trợ, hoặc có thể chính thức hứa với đức tin trong việc tán trợ của mình. Bằng cách giơ tay lên để tán trợ, các anh em lập một lời hứa. Các anh em lập một lời hứa với Thượng Đế rằng các anh em sẽ tán trợ những người tôi tớ này của Ngài.
Đây là những con người không hoàn hảo, cũng như các anh em. Việc giữ những lời hứa của các anh em sẽ đòi hỏi một đức tin không thể lay chuyển rằng Chúa đã kêu gọi họ. Việc giữ những lời hứa đó cũng sẽ mang đến hạnh phúc vĩnh cửu. Việc không giữ những lời hứa này sẽ mang đến sự đau buồn cho các anh em và cho những người các anh em yêu thương—và thậm chí là những mất mát ngoài sức tưởng tượng của các anh em.
Các anh em có thể đã được hỏi, hoặc sẽ được hỏi, liệu các anh em có tán trợ vị giám trợ của mình, vị chủ tịch giáo khu, Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương và Các Chức Sắc Trung Ương khác của Giáo Hội hay không. Các anh em có thể được yêu cầu để tán trợ các chức sắc và các vị lãnh đạo trong một buổi đại hội. Đôi khi các anh em cũng có thể được yêu cầu tán trợ trong một cuộc phỏng vấn với một vị giám trợ hoặc chủ tịch giáo khu.
Lời khuyên của tôi là các anh em hãy đặt ra những câu hỏi này cho bản thân mình trước đó, với sự suy ngẫm cẩn thận và thành tâm. Khi làm như vậy, các anh em có thể nghĩ về những ý nghĩ, lời nói và việc làm của mình gần đây. Hãy cố gắng ghi nhớ và nghĩ về các câu trả lời mà các anh em sẽ đưa ra khi Chúa phỏng vấn các anh em vì biết rằng một ngày nào đó Ngài sẽ làm vậy. Các anh em có thể chuẩn bị bằng cách tự hỏi những câu hỏi như sau:
-
Tôi đã từng nghĩ tới hay nói về yếu kém của những người tôi đã hứa sẽ tán trợ không?
-
Tôi đã từng tìm kiếm những bằng chứng rằng Chúa đang dẫn dắt họ không?
-
Tôi có tận tình và trung thành làm theo sự lãnh đạo của họ không?
-
Tôi đã từng nói về bằng chứng mà tôi có thể thấy rằng họ là những tôi tớ của Thượng Đế không?
-
Tôi có thường xuyên cầu nguyện cho đích danh họ và bằng những cảm xúc yêu thương không?
Đối với hầu hết chúng ta, những câu hỏi đó sẽ dẫn đến cảm giác bứt rứt và sự cần thiết phải hối cải. Chúng ta được Thượng Đế truyền lệnh là không phán xét những người khác một cách không ngay chính, nhưng trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta nhận ra rằng điều đó rất khó tránh khỏi. Hầu như khi làm việc chung với người khác, thì đều dẫn tới việc chúng ta sẽ đánh giá họ. Và trong hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống, chúng ta so sánh bản thân mình với những người khác. Chúng ta có thể làm những điều này vì nhiều lý do, một số lý do có thể hợp lý, nhưng điều đó thường dẫn chúng ta đến việc không tán thành.
Chủ Tịch George Q. Canon đã đưa ra một lời cảnh báo mà cá nhân tôi cũng muốn đưa ra cho các anh em. Tôi tin ông đã nói lẽ thật rằng: “Thượng Đế chọn các tôi tớ của Ngài. Ngài xác nhận rằng nếu họ cần bị kết tội thì đó là quyền của Ngài. Ngài không trao quyền đó cho chúng ta để chỉ trích và kết tội họ. Không có một người nào, cho dù đức tin của họ có mạnh mẽ đến mức nào, cho dù họ có thẩm quyền Chức Tư Tế cao đến thế nào, có thể nói xấu những người được Chúa xức dầu và tìm lỗi lầm trong thẩm quyền của Thượng Đế trên thế gian mà không khiến Ngài phật lòng. Đức Thánh Linh sẽ rời bỏ người nào làm như vậy, và người này sẽ đi vào trong bóng tối. Vì lẽ đó, các anh em không thấy rằng việc chúng ta phải cẩn thận thì quan trọng đến mức nào sao?”1
Tôi đã nhận thấy rằng các tín hữu của Giáo Hội trên khắp thế giới nhìn chung là trung tín với nhau và với những người chủ tọa họ. Dù vậy, vẫn có những điều mà chúng ta có thể cải thiện và phải cải thiện. Chúng ta có thể làm tốt hơn nữa việc sử dụng quyền năng để tán trợ lẫn nhau. Điều đó đòi hỏi đức tin và nỗ lực. Đây là bốn gợi ý mà tôi đề nghị cho chúng ta thực hành trong đại hội này.
-
Chúng ta có thể nhận ra những hành động cụ thể mà những người nói chuyện đề nghị và có thể bắt đầu thực hiện những hành động đó ngay hôm nay. Khi chúng ta làm như vậy, quyền năng của chúng ta trong việc tán trợ họ sẽ gia tăng.
-
Chúng ta có thể cầu nguyện cho họ khi họ nói chuyện để Đức Thánh Linh sẽ khiến những lời nói của họ ảnh hưởng đến những người cụ thể mà chúng ta yêu thương. Khi chúng ta biết được rằng lời cầu nguyện của chúng ta được đáp ứng, quyền năng của chúng ta trong việc tán trợ các vị lãnh đạo đó sẽ gia tăng.
-
Chúng ta có thể cầu nguyện rằng những người nói chuyện cụ thể sẽ được ban phước và trở nên tốt hơn khi họ đưa ra những sứ điệp của họ. Khi chúng ta thấy rằng họ được trở nên tốt hơn, chúng ta sẽ gia tăng đức tin để tán trợ họ, và sự tán trợ này sẽ kéo dài.
-
Chúng ta có thể lắng nghe từ những người nói chuyện về các sứ điệp mà như một sự đáp ứng cho lời cầu nguyện xin sự giúp đỡ của cá nhân chúng ta. Khi sự đáp ứng đến, và nó sẽ đến, chúng ta sẽ tăng trưởng trong đức tin để tán trợ tất cả các tôi tớ của Chúa.
Ngoài sự cải thiện việc tán trợ những người phục vụ trong Giáo Hội, chúng ta sẽ biết được rằng còn có một nơi khác mà chúng ta có thể gia tăng trong quyền năng này. Điều này có thể mang đến cho chúng ta những phước lành thậm chí còn lớn hơn. Đó là trong mái nhà và gia đình.
Tôi có nói chuyện với một người trẻ tuổi nắm giữ chức tư tế sống trong một cùng một nhà với cha của em ấy. Tôi xin nói cho các anh em biết, từ kinh nghiệm của bản thân tôi, việc một người cha cảm nhận được đức tin trong việc tán trợ của các anh em có ý nghĩa gì. Ông ấy trông có vẻ tự tin. Nhưng ông ấy đối mặt với nhiều thử thách hơn các anh em nghĩ. Đôi khi ông ấy không thể tìm ra giải pháp để vượt qua những vấn đề của mình.
Sự ngưỡng mộ của các anh em dành cho ông ấy sẽ giúp đỡ ông ấy một phần nào đó. Tình yêu thương của các anh em dành cho cha mình thậm chí sẽ giúp đỡ ông ấy nhiều hơn nữa. Nhưng điều mà sẽ giúp đỡ nhiều nhất là những lời nói chân thành như thế này: “Cha ơi, con đã cầu nguyện cho cha, và con đã cảm thấy rằng Chúa sẽ giúp đỡ cha. Mọi việc rồi sẽ có cách giải quyết. Con biết là sẽ như vậy.”
Những lời nói như thế cũng có quyền năng khi được nói ngược lại, là người cha nói với người con trai. Khi một người con trai phạm một tội lỗi nghiêm trọng, có lẽ trong một vấn đề về thuộc linh, em ấy có thể cảm thấy rằng mình đã thất bại. Là người cha của em ấy, trong thời điểm đó, các anh em có thể ngạc nhiên sau khi các anh em cầu nguyện để biết mình nên làm gì, Đức Thánh Linh sẽ soi dẫn cho các anh em để nói rằng: “Con trai à, cha luôn ở bên con dù bất kể điều gì. Chúa yêu thương con. Với sự giúp đỡ của Ngài, con có thể trở về cùng với Ngài. Cha biết rằng con có thể làm được và sẽ làm được. Cha yêu con.”
Trong nhóm túc số chức tư tế và trong gia đình, đức tin được gia tăng trong việc tán trợ lẫn nhau là cách thức chúng ta xây dựng Si Ôn và là điều mà Chúa muốn chúng ta tạo ra. Với sự giúp đỡ của Ngài, chúng ta có thể làm được và sẽ làm được. Điều này sẽ đòi hỏi chúng ta học cách yêu mến Chúa với tất cả tấm lòng, năng lực, tâm trí, và sức mạnh và yêu thương lẫn nhau như chúng ta yêu thương bản thân mình.
Khi chúng ta gia tăng trong tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô, chúng ta sẽ được mềm lòng. Tình yêu thương đó sẽ làm chúng ta khiêm nhường và dẫn chúng ta đến việc hối cải. Sự trông cậy của chúng ta nơi Chúa và trông cậy lẫn nhau sẽ gia tăng. Và rồi chúng ta sẽ hiệp thành một, như Chúa đã hứa rằng chúng ta có thể làm được.2
Tôi làm chứng rằng Cha Thiên Thượng biết và yêu thương các anh em. Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô hằng sống. Đây là Giáo Hội của Ngài. Chúng ta nắm giữ chức tư tế của Ngài. Ngài sẽ tôn vinh những nỗ lực để gia tăng quyền năng thực hành chức tư tế cùng quyền năng trong việc tán trợ lẫn nhau của chúng ta. Tôi làm chứng như vậy trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.