2022
Chúa Giê Su Ky Tô là Sức Mạnh của Giới Trẻ
Tháng Mười Một năm 2022


14:11

Chúa Giê Su Ky Tô là Sức Mạnh của Giới Trẻ

Hãy đặt sự tin cậy của các em nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài sẽ dẫn các em đi đúng đường. Ngài là sức mạnh của các em.

Trong khi chuẩn bị sứ điệp này cho ngày hôm nay, tôi đã cảm thấy có những sự thúc giục mạnh mẽ để ngỏ lời với các em thiếu nữ và thiếu niên.

Tôi cũng đang nói với anh chị em đã qua tuổi trẻ, ngay cả với những anh chị em không thể thực sự còn nhớ được lúc mình còn trẻ.

Và tôi nói với tất cả những ai yêu mến những người trẻ tuổi của chúng ta và muốn họ được thành công trong đời.

Đối với thế hệ đang vươn lên, tôi có một sứ điệp đặc biệt dành cho các em từ Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô.

Sứ Điệp của Đấng Cứu Rỗi dành cho Các Em

Các bạn trẻ thân mến của tôi, nếu Đấng Cứu Rỗi đang ở đây ngay bây giờ, thì Ngài sẽ nói gì với các em?

Tôi tin rằng Ngài sẽ bắt đầu bằng cách bày tỏ tình yêu thương sâu đậm của Ngài dành cho các em. Ngài có thể nói điều đó bằng lời, nhưng điều đó cũng sẽ tuôn chảy mạnh mẽ—ngay từ sự hiện diện của Ngài—đến nỗi nó sẽ rất hiển nhiên, chạm đến đáy lòng của các em, làm tràn đầy tâm hồn các em!

Tuy nhiên, vì chúng ta đều yếu đuối và không hoàn hảo nên một số mối bận tâm có thể len lỏi vào tâm trí các em. Các em có thể nhớ tới những lỗi lầm mà mình đã mắc phải, những lần các em đã đầu hàng cám dỗ, những điều mà các em ước gì mình đã không làm—hoặc ước gì mình đã làm giỏi hơn.

Đấng Cứu Rỗi sẽ cảm nhận được điều đó và tôi tin rằng Ngài sẽ trấn an các em bằng những lời Ngài đã phán trong thánh thư:

“Chớ sợ hãi.”1

“Không nghi ngờ chi hết.”2

“Hãy vui lên.”3

“Lòng các ngươi chớ hề bối rối.”4

Tôi không nghĩ rằng Ngài sẽ bào chữa cho những lỗi lầm của các em. Ngài sẽ không coi chúng là điều nhỏ nhặt. Không, Ngài sẽ bảo các em phải hối cải—từ bỏ tội lỗi của các em, thay đổi, để Ngài có thể tha thứ cho các em. Ngài sẽ nhắc nhở các em rằng cách đây 2000 năm, Ngài đã gánh lấy các tội lỗi đó để các em có thể hối cải. Đó là một phần của kế hoạch hạnh phúc đã được Cha Thiên Thượng nhân từ ban cho chúng ta.

Chúa Giê Su có thể nêu ra rằng các giao ước của các em lập với Ngài—được lập khi các em chịu phép báp têm và được tái lập mỗi lần các em dự phần Tiệc Thánh—mang lại cho các em mối quan hệ đặc biệt với Ngài. Mối quan hệ mà thánh thư mô tả là được mang chung ách để với sự giúp đỡ của Ngài, các em có thể mang bất cứ gánh nặng nào.5

Tôi tin rằng Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô muốn các em nhìn thấy, cảm nhận và biết rằng Ngài là sức mạnh của các em. Rằng với sự giúp đỡ của Ngài, sẽ không có giới hạn nào cho những gì các em có thể hoàn thành. Rằng tiềm năng của các em là vô hạn. Ngài sẽ muốn các em tự nghĩ về bản thân mình theo như cách Ngài nghĩ về các em. Và điều đó rất khác với cách thế gian nghĩ về các em.

Chắc chắn là Đấng Cứu Rỗi sẽ phán rằng các em là con gái hoặc con trai của Thượng Đế Toàn Năng. Cha Thiên Thượng của các em là Đấng vinh quang nhất trong vũ trụ, tràn đầy tình yêu thương, niềm vui, sự trong sạch, sự thánh thiện, ánh sáng, ân điển và lẽ thật. Và một ngày nào đó, Ngài muốn các em thừa hưởng tất cả những gì Ngài có.6

Đó là lý do tại sao các em có mặt trên thế gian—để học hỏi, tăng trưởng và tiến bộ cùng trở thành con người mà Cha Thiên Thượng muốn tạo các em ra như vậy.

Để làm cho điều này được khả thi, Ngài đã gửi Chúa Giê Su Ky Tô đến làm Đấng Cứu Rỗi của các em. Đó là mục đích đằng sau kế hoạch hạnh phúc vĩ đại của Ngài, Giáo Hội của Ngài, chức tư tế của Ngài, thánh thư—tất cả.

Đó là vận mệnh thiêng liêng của các em. Đó là tương lai của các em. Đó là sự lựa chọn của các em!

Lẽ Thật và Những Sự Lựa Chọn

Trọng tâm kế hoạch của Thượng Đế dành cho hạnh phúc của các em là khả năng lựa chọn của các em.7 Dĩ nhiên, Cha Thiên Thượng muốn các em chọn niềm vui vĩnh cửu với Ngài và Ngài sẽ giúp các em đạt được điều đó chứ Ngài sẽ không bao giờ áp đặt điều đó lên các em.

Vì vậy, Ngài cho phép các em lựa chọn: Ánh sáng hay bóng tối? Tốt hay xấu? Niềm vui hay nỗi khổ? Cuộc sống vĩnh cửu hay cái chết thuộc linh?8

Nghe giống như một sự lựa chọn dễ dàng, phải không? Nhưng bằng cách nào đó, ở trên thế gian này đây, nó có vẻ phức tạp hơn tôi nghĩ.

Vấn đề là không phải lúc nào chúng ta cũng nhìn thấy mọi sự việc rõ ràng như chúng ta muốn. Sứ Đồ Phao Lô đã so sánh điều đó với việc xem “như trong một cái gương, cách mập mờ.”9 Có rất nhiều sự nhầm lẫn trên thế gian về điều đúng và điều sai. Lẽ thật bị bóp méo để làm cho cái xấu dường như là tốt và cái tốt dường như là xấu.10

Nhưng khi các em tha thiết tìm kiếm lẽ thật—lẽ thật vĩnh cửu, bất biến—thì những lựa chọn của các em trở nên rõ ràng hơn nhiều. Phải, các em vẫn có cám dỗ và thử thách. Những điều tệ hại vẫn xảy ra. Vẫn có những điều khó hiểu. Vẫn có những điều bi thảm. Nhưng các em có thể đối phó được khi biết mình là ai, tại sao có mặt ở đây và khi các em tin cậy Thượng Đế.

Vậy các em tìm thấy lẽ thật ở đâu?

Lẽ thật chứa đựng trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Và sự trọn vẹn của phúc âm đó được giảng dạy trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

Chúa Giê Su Ky Tô phán: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha.”11

Khi các em có những lựa chọn quan trọng để đưa ra thì Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi của Ngài là lựa chọn tốt nhất. Khi các em có thắc mắc, Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi của Ngài là câu trả lời đúng nhất. Khi các em cảm thấy yếu đuối, Chúa Giê Su Ky Tô là sức mạnh của các em.

Ngài ban sức mạnh cho kẻ nhọc nhằn, thêm lực lượng cho kẻ chẳng có sức.

Những ai trông đợi Đức Giê Hô Va thì chắc được sức mới.12

Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ

Để giúp các em tìm ra Đường Đi và giúp các em làm cho giáo lý của Đấng Ky Tô thành ảnh hưởng hướng dẫn trong cuộc sống của các em, Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đã chuẩn bị một tài liệu mới, một phiên bản được chỉnh sửa của sách Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ.

Phiên bản năm 2011 của sách Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ

Trong hơn 50 năm, sách Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ đã là sách hướng dẫn cho các thế hệ trẻ Thánh Hữu Ngày Sau. Tôi luôn giữ một quyển trong túi và chia sẻ nó với những người tò mò về tiêu chuẩn của chúng ta. Nó đã được cập nhật và làm mới lại để đối phó hữu hiệu hơn với những thử thách và cám dỗ trong thời kỳ chúng ta. Phiên bản mới của sách Củng Cố Sức Mạnh của Giới Trẻ sẽ có sẵn trực tuyến trong 50 ngôn ngữ khác nhau và cũng có sẵn bằng bản in. Đó sẽ là một sự hướng dẫn quan trọng để lựa chọn trong cuộc đời của các em. Hãy chấp nhận sách đó làm một quyển cho riêng các em và chia sẻ nó với bạn bè của các em.

Phiên bản năm 2022 của sách Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ

Phiên bản mới này của sách Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ có tiêu đề phụ là Sách Hướng Dẫn để Lựa Chọn.

Rõ ràng là sự hướng dẫn tốt nhất mà các em có thể có để đưa ra những lựa chọn là Chúa Giê Su Ky Tô. Chúa Giê Su Ky Tô sức mạnh của giới trẻ.

Vì vậy, mục đích của Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ là hướng các em đến với Ngài. Tài liệu này dạy các em những lẽ thật vĩnh cửu về phúc âm phục hồi của Ngài—những lẽ thật về việc các em là ai, Ngài là ai và điều mà các em có thể hoàn thành với sức mạnh của Ngài. Nó dạy các em cách đưa ra những lựa chọn ngay chính dựa trên các lẽ thật vĩnh cửu đó.13

Cũng là điều quan trọng để biết những điều mà sách Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ không làm. Nó không đưa ra quyết định cho các em. Nó không cho các em câu trả lời “có” hoặc “không” về mọi lựa chọn mà các em có thể gặp phải. Sách Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ tập trung vào nền tảng về những lựa chọn của các em. Nó tập trung vào các giá trị, nguyên tắc và giáo lý thay vì mọi hành vi cụ thể.

Qua các vị tiên tri của Ngài, Chúa đã luôn chỉ dẫn chúng ta theo hướng đó. Ngài đang khẩn nài chúng ta “gia tăng khả năng thuộc linh của [chúng ta] để nhận được sự mặc khải.”14 Ngài đang mời chúng ta “nghe lời Ngài.”15 Ngài đang kêu gọi chúng ta noi theo Ngài trong những cách cao quý và thánh thiện hơn.16 Và hằng tuần chúng ta đang học theo cách tương tự trong chương trình Hãy Đến Mà Theo Ta.

Tôi thiết tưởng rằng sự hướng dẫn có thể cho các em bản liệt kê dài những bộ quần áo các em không nên mặc, những lời các em không nên nói và những bộ phim các em không nên xem. Nhưng điều đó có thực sự hữu ích trong một giáo hội toàn cầu không? Phương pháp đó có thực sự chuẩn bị cho các em sống cả một cuộc đời giống như Đấng Ky Tô không?

Joseph Smith đã nói: “Tôi dạy cho họ các nguyên tắc đúng và họ tự quyết định lấy.”17

Và Vua Bên Gia Min đã nói với dân ông trong Sách Mặc Môn: “Tôi không thể kể hết tất cả những điều mà bởi đó các người có thể phạm tội được; vì có nhiều đường lối và nhiều cách thức khác nhau, nhiều đến đỗi tôi không thể đếm được.”18

Vua Bên Gia Min nói tiếp: “Nhưng tôi có thể nói với các người rằng, … tự kiểm soát lấy mình, cùng tư tưởng, lời nói và việc làm của mình, và tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế, và kiên trì trong đức tin về … Chúa chúng ta, cho đến ngày cuối cùng của mình.”19

Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô

Có quy tắc thì có sai không? Dĩ nhiên là không. Chúng ta đều cần chúng mỗi ngày. Nhưng là điều sai lầm nếu chỉ tập trung vào các quy tắc thay vì tập trung vào Đấng Cứu Rỗi. Các em cần biết lý do và cách thức tuân theo các tiêu chuẩn và rồi cân nhắc kết quả của những lựa chọn về các tiêu chuẩn đó. Các em cần phải tin cậy Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài sẽ dẫn các em đi đúng đường. Ngài là sức mạnh của các em.20

Quyền Năng của Giáo Lý Chân Chính

Sách Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ đã mạnh dạn tuyên bố giáo lý của Chúa Giê Su Ky Tô. Sách này mạnh dạn mời các em lựa chọn dựa trên giáo lý của Đấng Ky Tô. Và nó mạnh dạn mô tả các phước lành mà Chúa Giê Su Ky Tô hứa với những người đi theo Con Đường của Ngài.21

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy: “Khi ước muốn lớn nhất của anh chị em là để cho Thượng Đế ngự trị [trong cuộc sống của mình], thì nhiều quyết định sẽ trở nên dễ dàng hơn. … Có nhiều vấn đề trở thành không quan trọng! Anh chị em biết cách tốt nhất để được gọn gàng chỉnh tề. Anh chị em biết xem và đọc gì, dành ra thời gian của mình ở đâu và kết giao với ai. Anh chị em biết điều anh chị em muốn đạt được. Anh chị em biết con người mà anh chị em …muốn trở thành.”22

Một Tiêu Chuẩn Cao Hơn

Chúa Giê Su Ky Tô có những tiêu chuẩn rất cao dành cho các tín đồ của Ngài. Và lời mời gọi hãy thiết tha tìm kiếm ý muốn của Ngài và sống theo các lẽ thật của Ngài chính là tiêu chuẩn cao nhất có thể!

Những lựa chọn quan trọng về vật chất và thuộc linh không nên chỉ dựa trên sở thích cá nhân, hoặc những gì thuận tiện hay phổ biến.23 Chúa không phán: “Hãy làm bất cứ điều gì ngươi muốn.”

Mà Ngài đang phán: “Hãy để cho Thượng Đế ngự trị.”

Ngài đang phán: “Hãy đến mà theo ta.”24

Ngài đang phán: “Hãy sống một cách thánh thiện hơn, cao quý hơn, chín chắn hơn.”

Ngài đang phán: “Hãy tuân giữ các lệnh truyền của ta.”

Chúa Giê Su Ky Tô là tấm gương hoàn hảo của chúng ta, và chúng ta cố gắng với tất cả mãnh lực của lòng mình để noi theo Ngài.

Các bạn thân mến của tôi, tôi xin nhắc lại, nếu Đấng Cứu Rỗi đang đứng ở đây ngày hôm nay, thì Ngài sẽ bày tỏ tình yêu thương vô tận của Ngài dành cho các em, sự tin tưởng hoàn toàn của Ngài nơi các em. Ngài sẽ nói với các em rằng các em có thể làm được điều này. Các em có thể xây đắp một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc vì Chúa Giê Su Ky Tô là sức mạnh của các em. Các em có thể tìm thấy sự tin tưởng, sự bình an, an toàn, hạnh phúc và cảm thấy mình thuộc vào, bây giờ và vĩnh viễn, vì các em sẽ tìm thấy tất cả những điều đó nơi Chúa Giê Su Ky Tô, trong phúc âm của Ngài và trong Giáo Hội của Ngài.

Tôi long trọng làm chứng về điều này với tư cách là một Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô và để lại cho các em phước lành chân thành của tôi với lòng biết ơn và tình yêu thương sâu đậm dành cho các em, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Lu Ca 5:10; 8:50; 12:7; Giáo Lý và Giao Ước 38:15; 50:41; 98:1.

  2. Giáo Lý và Giao Ước 6:36.

  3. Ma Thi Ơ 14:27; Giăng 16:33; Giáo Lý và Giao Ước 61:36; 68:6; 78:18.

  4. Giăng 14:1, 27.

  5. Xin xem Ma Thi Ơ 11:28–30.

  6. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 84:38.

  7. Các em có thể nói rằng kế hoạch của Đức Chúa Cha là nhằm cho phép các em bày tỏ ước muốn của mình qua những lựa chọn của các em để các em có thể nhận được kết quả trọn vẹn về điều các em mong muốn. Như Anh Cả Dale G. Renlund đã dạy: “Mục tiêu của Cha Thiên Thượng trong vai trò làm cha mẹ là không phải bảo con cái Ngài làm điều ngay đúng; mà là bảo con cái Ngài chọn làm điều ngay đúng và cuối cùng sẽ trở nên giống như Ngài” (“Ngày Nay Hãy Chọn Ai,”Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 104).

  8. Xin xem 2 Nê Phi 2:26–27.

  9. 1 Cô Rinh Tô 13:12.

  10. Xin xem Ê Sai 5:20.

  11. Giăng 14:6.

  12. Xin xem Ê Sai 40:29–31.

  13. Là Các Thánh Hữu Ngày Sau, chúng ta thường được biết đến vì những gì chúng ta làm và không làm—những hành vi của chúng ta. Điều này có thể tốt, nhưng còn tốt hơn nữa nếu được biết đến vì những gì chúng ta biết (các lẽ thật thúc đẩy các hành vi của chúng ta) và vì những ai chúng ta biết (Đấng Cứu Rỗi—và tình yêu mến của chúng ta dành cho Ngài đã truyền cảm ứng như thế nào cho các hành vi của chúng ta).

  14. Russell M. Nelson, “Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 96.

  15. Xin xem Russell M. Nelson, “Hãy Nghe Lời Người,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 88–92.

  16. Phương pháp dựa trên nguyên tắc của sách hướng dẫn mới Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ phù hợp với các sáng kiến khác gần đây đã được Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi giới thiệu, gồm có Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, công việc phục sự, chương trình giảng dạy Hãy Đến Mà Theo Ta đặt gia đình làm trọng tâm, chương trình Thiếu Nhi và Giới Trẻ, Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, và quyển Sách Hướng Dẫn Tổng Quát mới. Rõ ràng là Chúa đang xây đắp khả năng thuộc linh của chúng ta. Ngài đang cho thấy sự tin cậy ngày càng gia tăng nơi dân giao ước của Ngài trong những ngày sau này.

  17. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (năm 2007), trang 284.

  18. Mô Si A 4:29. Bằng một cách nào đó, đây là điều mà những người Pha Ri Si vào thời Chúa Giê Su đã cố gắng làm. Với lòng nhiệt thành để ngăn chặn mọi người vi phạm luật pháp, họ đã biên soạn hàng trăm quy tắc dựa trên sự hiểu biết của họ về các bài viết thiêng liêng. Điều mà những người Pha Ri Si đã sai là họ nghĩ rằng các quy tắc của họ sẽ cứu họ. Sau đó, khi Đấng Cứu Rỗi hiện đến, họ đã không nhận ra Ngài.

  19. Mô Si A 4:30; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  20. Ngày nay, một lý do khác để cần có một phương pháp dựa trên nguyên tắc là sự đa dạng văn hóa ngày càng gia tăng trong Giáo Hội của Chúa. Các nguyên tắc là vĩnh cửu và chung cho mọi người. Các quy tắc cụ thể hoặc việc áp dụng của các nguyên tắc đó có hiệu quả ở một số nơi nhưng không hiệu quả ở những nơi khác. Điều đoàn kết chúng ta là Chúa Giê Su Ky Tô và các lẽ thật vĩnh cửu mà Ngài đã dạy, ngay cả khi việc áp dụng cụ thể khác nhau theo thời gian và giữa các nền văn hóa. Vì vậy, vấn đề với việc liệt kê mọi điều có thể phải làm và không nên làm thì hoàn toàn không thực tế và không được tán thành. Vấn đề là nó làm chệch hướng sự tập trung của chúng ta khỏi Nguồn sức mạnh thực sự của chúng ta, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô.

  21. Cách đây nhiều năm, Chủ Tịch Boyd K. Packer đã nói những lời mạnh mẽ này: “Giáo lý chân chính, khi được hiểu thì thay đổi thái độ và hành vi. Việc nghiên cứu các giáo lý của phúc âm sẽ cải thiện hành vi nhanh hơn một việc nghiên cứu về hành vi mà sẽ cải thiện hành vi” (“Chớ Sợ,” Liahona, tháng Năm năm 2004, trang 79).

    Chủ Tịch Ezra Taft Benson đã dạy một lẽ thật tương tự: “Chúa làm việc bằng cách bắt đầu từ trong ra ngoài. Thế gian làm việc bằng cách bắt đầu từ ngoài vào trong. … Thế gian thường định hướng hành vi của con người, nhưng Đấng Ky Tô có thể thay đổi bản chất của con người” (“Born of God,” Ensign, tháng Mười Một năm 1985, trang 6).

    Khi tiên tri An Ma trong Sách Mặc Môn nhìn thấy điều ác trên thế gian xung quanh mình, ông đã tìm đến lời của Thượng Đế vì ông biết lời đó “có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm trí dân chúng hơn gươm đao, hay bất cứ điều gì khác, đã xảy đến cho họ—vậy nên, An Ma nghĩ rằng họ cần phải thử dùng tới hiệu năng của lời Thượng Đế” (An Ma 31:5).

  22. Russell M. Nelson, “Hãy Để Cho Thượng Đế Ngự Trị,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 94. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã minh họa phương pháp này khi ông dạy chúng ta về việc tôn trọng ngày Sa Bát: “Khi còn rất trẻ, tôi đã nghiên cứu các bản liệt kê mà những người khác đã lập ra về những việc cần làm và những việc không được làm vào ngày Sa Bát. Mãi cho đến sau này tôi đã học được từ thánh thư rằng hành động và thái độ của tôi về ngày Sa Bát tạo thành một dấu hiệu giữa tôi và Cha Thiên Thượng. Với sự hiểu biết đó, tôi không còn cần bản liệt kê về những việc cần làm và không nên làm. Khi tôi phải đưa ra một quyết định về một sinh hoạt có thích hợp cho ngày Sa Bát hay không, tôi chỉ cần tự hỏi: ‘Tôi muốn dâng lên Thượng Đế dấu hiệu gì?’ Câu hỏi đó làm cho sự lựa chọn của tôi về ngày Sa Bát rất rõ ràng” (“Ngày Sa Bát Là Ngày Vui Thích,” Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 130).

  23. Anh Cả David A. Bednar đã dạy rằng “các nguyên tắc ngay chính … giúp chúng ta nhìn xa hơn những sở thích cá nhân và ước muốn ích kỷ của mình bằng cách mang đến quan điểm quý báu về lẽ thật vĩnh cửu trong khi chúng ta đương đầu với những hoàn cảnh, thử thách, quyết định, và kinh nghiệm khác nhau của cuộc sống trần thế” (“Các Nguyên Tắc Phúc Âm của Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 123–124).

  24. Lu Ca 18:22.