2022
Nhìn Biết Cha
Tháng Mười Một năm 2022


10:49

Nhìn Biết Cha

(Giăng 17:3)

Mong muốn thiết tha nhất của tôi là anh chị em sẽ biết được Chúa Giê Su qua nhiều danh xưng của Ngài và anh chị em sẽ trở nên giống như Ngài.

Một vài năm trước, tôi đã có một bước ngoặt của cuộc đời trong một buổi lễ Tiệc Thánh ở tiểu giáo khu nhà của chúng tôi tại Arizona. Khi lời cầu nguyện Tiệc Thánh nêu ra sự sẵn lòng của chúng ta để “mang danh [của Chúa Giê Su Ky Tô],”1 Đức Thánh Linh đã nhắc nhở tôi rằng Chúa Giê Su có nhiều danh xưng. Rồi câu hỏi này đến với tấm lòng tôi: “Tuần này, tôi nên mang lấy danh xưng nào của Chúa Giê Su?”

Ba danh xưng xuất hiện trong suy nghĩ của tôi, và tôi đã viết chúng xuống. Mỗi danh xưng đó có các thuộc tính của Đấng Ky Tô mà tôi đang muốn phát triển trọn vẹn hơn. Trong tuần kế tiếp, tôi đã tập trung vào ba danh xưng đó và cố gắng tiếp thu những thuộc tính và đặc điểm tương ứng. Kể từ đó, tôi đã tiếp tục đặt ra câu hỏi “Tuần này, tôi nên mang lấy danh xưng nào của Chúa Giê Su?” như một phần trong sự thờ phượng cá nhân của mình. Việc trả lời câu hỏi đó và nỗ lực để phát triển các thuộc tính của Đấng Ky Tô có liên quan đã ban phước cho cuộc sống của tôi.

Trong Lời Cầu Nguyện Thay tuyệt vời của Ngài, Chúa Giê Su đã bày tỏ lẽ thật này: “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng Cha đã sai đến.”2 Hôm nay, tôi muốn chia sẻ với anh chị em về những phước lành và quyền năng đến từ việc biết Chúa Giê Su Ky Tô qua nhiều danh xưng của Ngài.

Một cách đơn giản để chúng ta biết một người nào đó là tìm hiểu tên của họ. Người ta thường nói “tên của một người là âm thanh du dương nhất và quan trọng nhất trong bất kỳ ngôn ngữ nào”.3 Anh chị em có bao giờ gọi sai tên của một ai đó hoặc quên mất tên của họ không? Alexis vợ tôi và tôi thì thỉnh thoảng đã gọi một trong những đứa con của chúng tôi là “Lola”. Rủi thay, như anh chị em có thể đoán ra, Lola là con chó của chúng tôi! Xấu tốt thế nào thì việc quên tên của một ai đó cho người đó thấy là anh chị em có lẽ không biết họ rõ cho lắm.

Chúa Giê Su biết và gọi mỗi người bằng tên của họ. Với Y Sơ Ra Ên thời xưa, Chúa đã phán: “Đừng sợ, vì ta đã chuộc ngươi. Ta đã lấy tên ngươi gọi ngươi; ngươi thuộc về ta”.4 Vào buổi sáng Phục Sinh, chứng ngôn của Ma Ri về Đấng Ky Tô đã phục sinh được củng cố khi Chúa Giê Su gọi tên của bà.5 Tương tự, Thượng Đế đã gọi tên của Joseph Smith khi đáp ứng cho lời cầu nguyện bởi đức tin của ông.6

Trong một vài trường hợp, Chúa Giê Su đã đặt cho các môn đồ Ngài những cái tên mới thể hiện bản chất, khả năng, và tiềm năng của họ. Đức Giê Hô Va đã ban cho Gia Cốp cái tên mới là Y Sơ Ra Ên, có nghĩa là “người thắng Thượng Đế” hay là “hãy để cho Thượng Đế ngự trị”.7 Chúa Giê Su đã ban cho Gia Cơ và Giăng cái tên Bô A Nẹt, nghĩa là các “con trai của sấm sét”.8 Vì thấy được khả năng lãnh đạo của ông trong tương lai, Chúa Giê Su đã ban cho Si Môn cái tên Sê Pha tức là Phi E Rơ, có nghĩa là một hòn đá.9

Cũng giống như Chúa Giê Su biết tên của mỗi người chúng ta, chúng ta có thể biết Chúa Giê Su rõ hơn qua việc tìm hiểu nhiều danh xưng của Ngài. Như các tên Y Sơ Ra Ên và Phi E Rơ, nhiều tên gọi của Chúa Giê Su là các danh hiệu giúp chúng ta hiểu được sứ mệnh, mục đích, tính cách, và các thuộc tính của Ngài. Khi chúng ta biết được nhiều danh xưng của Chúa Giê Su, chúng ta sẽ hiểu hơn sứ mệnh thiêng liêng của Ngài và tính cách vị tha của Ngài. Việc biết nhiều tên gọi của Ngài cũng truyền cảm hứng cho chúng ta trở nên giống như Ngài hơn—phát triển các thuộc tính của Đấng Ky Tô mà mang lại niềm vui và mục đích cho cuộc sống chúng ta.

Một vài năm trước, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nghiên cứu tất cả các thánh thư về Chúa Giê Su Ky Tô theo Sách Hướng Dẫn Thánh Thư.10 Sau đó, ông đã mời những người thành niên trẻ tuổi nghiên cứu cũng chính những thánh thư đó. Nói đến nhiều danh xưng của Chúa Giê Su, Chủ Tịch Nelson cho rằng: “Hãy nghiên cứu tất cả mọi điều về Chúa Giê Su Ky Tô một cách thành tâm và siêng năng cùng tìm cách hiểu điều mà mỗi danh hiệu và tên gọi khác nhau của Ngài có nghĩa là gì đối với cá nhân của [anh chị em].”11

Vâng theo lời mời của Chủ Tịch Nelson, tôi bắt đầu lập ra bản liệt kê của riêng mình về các tên gọi của Chúa Giê Su. Danh sách của tôi giờ đây có hơn 300 danh xưng của Ngài, và tôi chắc rằng còn rất nhiều tên gọi khác mà tôi chưa khám phá ra.

Mặc dù có vài danh xưng của Chúa Giê Su chỉ được dùng riêng cho Ngài,12 tôi muốn chia sẻ 5 tên gọi và danh hiệu còn được dùng cho mỗi người chúng ta. Tôi mời anh chị em lập bản liệt kê của riêng mình khi anh chị em tìm hiểu về Chúa Giê Su qua nhiều danh xưng của Ngài. Khi làm như vậy, anh chị em sẽ tìm thấy nhiều danh xưng khác—cùng với các thuộc tính của Đấng Ky Tô tương ứng với các danh xưng đó—mà anh chị em sẽ muốn bản thân mình có được với tư cách là môn đồ trong giao ước của Ngài.13

Thứ nhất, Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Chăn Lành.14 Vì thế nên Ngài biết đàn chiên của mình,15 “kêu tên chiên mình”,16 và, với tư cách là Chiên Con của Thượng Đế, đã hy sinh mạng sống cho chiên của Ngài.17 Tương tự, Chúa Giê Su muốn chúng ta trở thành những người chăn lành, đặc biệt trong gia đình chúng ta và với tư cách là những người anh em và chị em phục sự. Một cách chúng ta thể hiện tình thương yêu dành cho Chúa Giê Su là chăn chiên của Ngài.18 Với những con chiên bỏ đàn đi lang thang, những người chăn hiền lành đi vào nơi hoang vắng để tìm chiên lạc và rồi ở bên chúng cho đến khi chúng trở về an toàn.19 Là những người chăn hiền lành và khi các điều kiện địa phương cho phép, chúng ta nên tìm cách dành nhiều thời gian hơn cho việc phục sự mọi người tại nhà của họ. Trong sự phục sự của chúng ta, tin nhắn và công nghệ nên được sử dụng để nâng cao, chứ không thể thay thế việc tiếp xúc trực tiếp.20

Thứ hai, Chúa Giê Su là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của Những Sự Tốt Lành Sau Này.21 Vì biết mình sẽ bị đóng đinh chỉ vài giờ sau đó, Chúa Giê Su đã phán: “Ta đã bảo các ngươi những điều đó, hầu cho các ngươi có lòng bình yên trong ta. Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi”22. Ngày nay, khi thế giới của chúng ta thường xuyên bị phân cực và chia rẽ, chúng ta rất cần rao truyền và rèn luyện tính lạc quan, tích cực, và hy vọng. Cho dù quá khứ của chúng ta có thử thách nào đi nữa, thì đức tin luôn luôn hướng chúng ta đến tương lai,23 làm cho chúng ta ngập tràn hy vọng, cho phép chúng ta thực hiện lời mời của Chúa Giê Su để vững lòng và vui vẻ.24 Việc vui vẻ sống theo phúc âm giúp chúng ta trở thành các môn đồ của những sự tốt lành sẽ đến.

Một danh xưng khác của Chúa Giê Su là Ngài Lúc Nào Cũng Vậy Hôm Qua cũng như Hôm Nay và Mãi Mãi Về Sau25. Kiên định là một thuộc tính của Đấng Ky Tô. Chúa Giê Su luôn luôn vâng theo ý muốn của Cha Ngài,26 và Ngài liên tục đưa tay ra để giải cứu, giúp đỡ, và chữa lành chúng ta.27 Khi chúng ta kiên định hơn trong việc sống theo phúc âm, chúng ta sẽ trở nên giống như Chúa Giê Su hơn28. Mặc dù quan điểm về điều nào là đúng trên thế gian sẽ giống như một quả lắc dao động dữ dội khi con người bị lay động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc29, việc kiên định sống theo phúc âm giúp chúng ta đứng vững vàng và không xê dịch trong những cơn bão tố của cuộc đời.30 Chúng ta cũng có thể cho thấy tính kiên định bằng cách chấp nhận lời mời của Chủ Tịch Nelson để “dành thời gian cho Chúa”.31 Sức mạnh thuộc linh lớn lao đến từ những việc nhỏ nhặt tầm thường32 như phát triển “các thói quen thuộc linh và nề nếp ngay chính”33 với việc cầu nguyện hằng ngày, hối cải, học thánh thư, và phục vụ người khác.

Thứ tư, Chúa Giê Su là Đấng Thánh của Y Sơ Ra Ên.34 Cuộc đời của Ngài là một mẫu mực về sự thánh thiện. Khi chúng ta noi theo Chúa Giê Su, chúng ta có thể trở nên một người thánh thiện trong dân Y Sơ Ra Ên35. Chúng ta gia tăng mức độ thánh thiện khi thường xuyên đến đền thờ, nơi mà dòng chữ “Thánh cho Chúa” được khắc trên mỗi cổng vào. Sau mỗi lần thờ phượng trong đền thờ, chúng ta ra về với quyền năng lớn lao hơn để làm cho nhà của mình thành những nơi thánh thiện.36 Với những ai hiện không có một giấy giới thiệu để bước vào đền thờ thánh, tôi mời anh chị em hãy gặp vị giám trợ của mình và chuẩn bị bản thân để bước vào hoặc quay trở lại nơi thánh thiện đó. Thời gian ở trong đền thờ sẽ làm gia tăng mức độ thánh thiện trong cuộc sống của chúng ta.

Một danh xưng cuối cùng của Chúa Giê Su là Đấng Trung Tín và Chân Thật37. Cũng như Chúa Giê Su mãi mãi trung tín và luôn luôn chân thật, mong muốn tha thiết nhất của Ngài là chúng ta cho thấy những đức tính này trong cuộc sống mình. Khi đức tin của chúng ta lung lay, thì chúng ta có thể kêu cầu lên Chúa Giê Su “Chúa ơi, xin cứu lấy tôi!” giống Phi E Rơ khi ông bắt đầu chìm xuống mặt biển Ga Li Lê cuồn cuộn sóng38. Vào ngày đó, Chúa Giê Su đã đưa tay giải cứu người môn đồ sắp chết chìm. Ngài đã làm điều tương tự cho tôi, và Ngài sẽ làm điều tương tự cho anh chị em. Đừng bao giờ từ bỏ Chúa Giê Su—vì Ngài sẽ chẳng bao giờ từ bỏ anh chị em!

Khi chúng ta trung tín và chân thật, chúng ta nghe theo lời kêu gọi của Chúa Giê Su để “ở trong [Ngài]”, cũng có nghĩa là “ở lại với Ngài”.39 Khi chúng ta đối mặt với những câu chất vấn, khi bị nhiếc móc vì đức tin của mình, khi những người ở trong các tòa nhà rộng lớn vĩ đại của thế gian đưa tay chỉ trỏ khinh miệt chúng ta, chúng ta hãy tiếp tục trung tín và chân thật. Trong những giây phút này, chúng ta nhớ đến lời khẩn nài của Chúa Giê Su: “Hãy hướng về ta trong mọi ý nghĩ; chớ nghi ngờ, và chớ sợ hãi”40. Khi chúng ta làm theo như vậy, Ngài ban cho chúng ta đức tin, hy vọng, và sức mạnh cần có để ở lại với Ngài mãi mãi.41

Thưa anh chị em, Chúa Giê Su muốn chúng ta biết Ngài bởi vì danh Ngài là danh hiệu duy nhất dưới gầm trời này mà nhờ đó chúng ta được cứu.42 Chúa Giê Su là Đường Đi, Lẽ Thật, và Sự Sống—chẳng bởi Ngài thì không ai được đến cùng Cha Thiên Thượng.43 Chúa Giê Su là con đường duy nhất! Bởi lý do đó, Chúa Giê Su đã đưa tay ra mời gọi “Hãy đến cùng ta”44, “Theo ta”45, “Đi cùng ta”46, và “Học theo ta.”47

Tôi xin hết lòng làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô—rằng Ngài hằng sống, Ngài yêu thương anh chị em, và Ngài biết tên của anh chị em. Ngài là Con Độc Sinh của Thượng Đế,48 Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha49. Ngài là Hòn Đá cho chúng ta, là Đồn Lũy, là Khiên Che, là Nơi Nương Dựa, là Đấng Giải Cứu chúng ta50. Ngài là Sự Sáng Soi trong Tối Tăm51. Ngài là Đấng Cứu Rỗi52 và Đấng Cứu Chuộc53 của chúng ta. Ngài Là Sự Sống Lại và Sự Sống54. Mong muốn thiết tha nhất của tôi là anh chị em sẽ biết được Chúa Giê Su qua nhiều danh xưng của Ngài và anh chị em sẽ trở nên giống như Ngài khi cho thấy các thuộc tính thiêng liêng của Ngài trong cuộc sống của mình. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.