2022
Hiệu Năng của Lời Thượng Đế
Tháng Mười Một năm 2022


10:16

Hiệu Năng của Lời Thượng Đế

Lời của những vị tiên tri ngày xưa và thời nay đều có hiệu năng chính bởi vì lời của họ cũng là lời của Chúa.

Trong Sách Mặc Môn, chúng ta từng đọc về một quyết định quan trọng của tiên tri An Ma trong một câu thánh thư sâu sắc. Trước khi ôn lại những lời quen thuộc đó, xin hãy cùng tôi xem xét lại những hoàn cảnh khó khăn trước khi quyết định này được đưa ra.

Một nhóm người, tự gọi mình là dân Giô Ram, đã tách khỏi dân Nê Phi1 và tụ họp lại ở ranh giới của vùng đất gần dân La Man.2 Trước đó không lâu, dân Nê Phi đã đánh bại dân La Man trong một trận chiến chưa từng có, mà trong đó hàng ngàn người đã tử trận,3 và “rất lo sợ dân Giô Ram sẽ giao thiệp với dân La Man, vì như vậy có nghĩa là [sẽ có] sự mất mát lớn lao.”4 Ngoài những lo ngại về chiến tranh, An Ma biết được rằng dân Giô Ram, những người đã “từng được nghe giảng lời của Thượng Đế,”5 đang hướng đến việc thờ thần tượng và “làm sai lạc đường lối của Chúa.”6 Tất cả những điều này làm An Ma khổ tâm và là “nguyên nhân của nỗi buồn rầu lớn lao.”7

Khi ở trong những hoàn cảnh phức tạp và đầy thử thách này, An Ma đã suy ngẫm về điều nên làm. Qua quyết định của ông, chúng ta đọc được những lời đã được lưu lại nhằm truyền cảm hứng và hướng dẫn chúng ta khi chúng ta đối phó với những hoàn cảnh phức tạp và đầy thử thách trong thời kỳ của mình.8

“Và bấy giờ, vì việc giảng đạo có khuynh hướng dẫn dắt dân chúng làm điều chính đáng—phải, nó có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm trí dân chúng hơn gươm đao, hay bất cứ điều gì khác, đã xảy đến cho họ—vậy nên, An Ma nghĩ rằng họ cần phải thử dùng tới hiệu năng của lời Thượng Đế.”9

Trong số nhiều giải pháp khả thi, đức tin của An Ma đã dẫn họ đến việc nương cậy vào quyền năng của lời Thượng Đế. Không phải ngẫu nhiên mà một số bài giảng mạnh mẽ nhất trong thánh thư đã được đưa ra ngay sau quyết định đó. Trong chương 32 và 33 của sách An Ma, chúng ta đọc được bài giảng tuyệt vời của ông về đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, và trong chương 34, chúng ta đọc được những lời giảng dạy có ảnh hưởng sâu sắc từ A Mu Léc về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Sự Minh Họa về Hiệu Năng của Lời Thượng Đế

Thật vậy, trong suốt thánh thư, chúng ta đã đọc về các phước lành kỳ diệu được ban cho những người đã chọn để thử hiệu năng của lời Thượng Đế trong cuộc sống của họ.10 Tôi mời anh chị em cùng suy ngẫm ba ví dụ khi chúng ta bắt đầu tập trung vào Sách Mặc Môn—một quyển sách mà Chủ Tịch Russell M. Nelson đã miêu tả là “sách hướng dẫn sự sinh tồn ngày sau của chúng ta.”11

Trước hết, khi nhắc nhở dân ông rằng Chúa đã giải cứu tổ phụ của họ như thế nào, An Ma đã dạy: “Này, Ngài đã thay đổi lòng họ; phải, Ngài đã thức tỉnh họ khỏi một giấc ngủ triền miên, và họ đã thức tỉnh trong Thượng Đế. Này, họ đã ở trong bóng tối; tuy nhiên linh hồn họ được soi sáng bởi ánh sáng của lời nói vĩnh viễn.”12 Có lẽ anh chị em đang cảm thấy như thể mình đang ở trong bóng tối. Anh chị em có mong mỏi được soi dẫn về phần thuộc linh không? Nếu có, xin hãy thử hiệu năng của lời Thượng Đế.

Thứ nhì, khi suy ngẫm về việc Chúa đã cải đạo dân La Man, mà ông đã chứng kiến khi đi truyền giáo, Am Môn đã nói: “Này, đã có biết bao nhiêu ngàn đồng bào của chúng ta được Ngài cởi bỏ những nỗi đau đớn của ngục giới; và họ được dẫn đến để hát lên lời ca ngợi tình yêu cứu chuộc, và sở dĩ được như vậy là nhờ sức mạnh của lời Ngài ở trong chúng ta.13 Thưa các anh chị em, có nhiều người trong chúng ta đang khao khát để một người mà chúng ta yêu thương được dẫn đến để hát lên lời ca ngợi tình yêu cứu chuộc. Trong tất cả các nỗ lực của mình, chúng ta hãy nhớ thử hiệu năng của lời Thượng Đế, mà vốn đã ở trong chúng ta.

Thứ ba, chúng ta đọc được trong sách Hê La Man rằng: “Phải, chúng ta thấy rằng, bất cứ ai muốn đều có thể có được lời của Thượng Đế, là lời sống và mãnh lực, đánh tan tất cả những xảo quyệt, những cạm bẫy, cùng những mưu chước của quỷ dữ, và dẫn dắt người của Đấng Ky Tô đi vào con đường chật và hẹp, vượt qua vực thẳm vĩnh viễn của sự khốn cùng … và đặt linh hồn họ … ở bên tay phải của Thượng Đế trong vương quốc thiên thượng.”14 Anh chị em có mong muốn đánh tan tất cả những xảo quyệt, những cạm bẫy, cùng những mưu chước của quỷ dữ, mà rất phổ biến trong triết lý của thời kỳ chúng ta không? Anh chị em có mong muốn xóa đi sự hoang mang bị gây ra bởi quá nhiều thông tin, để chú tâm nhiều hơn vào con đường giao ước không? Xin hãy thử hiệu năng của lời Thượng Đế.

Là một người từng được thay đổi bởi quyền năng của lời Thượng Đế, cá nhân tôi làm chứng về lẽ thật này, mà đã được giảng dạy sâu sắc bởi vị tiên tri yêu mến của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson: “Đối với tôi, quyền năng của Sách Mặc Môn là rõ ràng nhất qua sự thay đổi lớn lao trong cuộc sống của những ai đã đọc sách ấy ‘với một tấm lòng chân thành, với chủ ý thật sự cùng có đức tin nơi Đấng Ky Tô.’ Nhiều người cải đạo đã từ bỏ nhiều điều mà họ từng trân quý để tuân theo những nguyên tắc trong sách ấy. … Quyển sách này sẽ là công cụ hữu hiệu nhất của anh [chị] em trong việc mang người khác đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô.”15

Nguồn Gốc của Hiệu Năng

Trong những minh họa này, chúng ta chứng kiến được hiệu năng của lời Thượng Đế trong cuộc sống của các con cái của Ngài. Có thể chúng ta sẽ hỏi rằng: “Nguồn gốc của hiệu năng hay quyền năng đó là gì?”

Khi chúng ta cân nhắc câu hỏi này, điều quan trọng nên nhớ là từ “lời”, như được sử dụng trong thánh thư, có ít nhất hai ý nghĩa. Anh Cả David A. Bednar gần đây đã dạy rằng “một trong các danh xưng của Chúa Giê Su Ky Tô là ‘Ngôi Lời,’” và rằng “lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi, như được ghi chép trong thánh thư, cũng là ‘lời dạy.’”16

Tiên tri Nê Phi đã minh họa về mối quan hệ giữa hai ý nghĩa này khi ông viết: “Hãy nghe theo những lời này và hãy tin Đấng Ky Tô; và nếu các người không tin những lời này, thì hãy tin Đấng Ky Tô. Và nếu các người tin Đấng Ky Tô thì các người sẽ tin những lời này, vì đây là những lời của Đấng Ky Tô, và Ngài đã ban những lời này cho tôi.”17 Do đó, chúng ta hiểu được rằng lời của những vị tiên tri ngày xưa và thời nay đều có hiệu năng chính bởi vì lời của họ cũng là lời của Chúa.18 Thưa các bạn thân mến, việc chấp nhận lẽ thật vĩnh cửu này là rất quan trọng cho sự sinh tồn về mặt thuộc linh của chúng ta trong những ngày sau19, như được tiên tri là sẽ có “sự đói kém đến trong đất, chẳng phải là đói về bánh, cũng chẳng phải khát về nước, bèn là về nghe lời của Chúa.”20

Cuối cùng, hiệu năng của lời Thượng Đế chính là Chúa Giê Su Ky Tô.21 Khi hiểu rõ điều này hơn, chúng ta có thể hiểu mối quan hệ có tầm quan trọng vĩnh cửu giữa vai trò của chính Đấng Cứu Rỗi với các tiên tri của Ngài. Tình thương yêu của chúng ta dành cho Ngài, mong muốn của chúng ta được đến gần Ngài hơn và được Ngài yêu thương,22 sẽ thôi thúc chúng ta thử hiệu năng của lời Thượng Đế trong cuộc sống của mình—cả hiệu năng đến từ Ngài với tư cách là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc cho cá nhân chúng ta23, lẫn hiệu năng đến từ Ngài qua lời của “các bình chứa của Chúa.”24 Chúng ta sẽ nhận ra rằng, dù cho những nguồn tài liệu khác mà chúng ta dùng để nghiên cứu về Đấng Cứu Rỗi và lời của các vị tiên tri của Ngài có hữu ích đến đâu đi nữa, thì chúng vẫn không bao giờ thay thế được Ngài và lời của các vị tiên tri. Chúng ta phải uống thường xuyên và tận tình25 trực tiếp từ nguồn nước chính.26

Tôi bày tỏ tình thương yêu của mình đối với mỗi người trong các anh chị em. Trong tình thương yêu đó, tôi nài nỉ anh chị em hãy trải nghiệm hiệu năng của lời Thượng Đế, đặc biệt là qua Sách Mặc Môn, mỗi ngày trong cuộc sống. Khi làm như vậy, anh chị em sẽ trải nghiệm được lời hứa mang tính tiên tri này từ Chủ Tịch Russell M. Nelson: “Tôi hứa rằng khi các anh chị em thành tâm học hỏi Sách Mặc Môn mỗi ngày, các anh chị em sẽ đưa ra những quyết định tốt hơn—mỗi ngày. Tôi hứa rằng khi các anh chị em suy ngẫm những gì mình học hỏi, các cửa sổ trên trời sẽ mở ra, và các anh chị em sẽ nhận được câu trả lời cho những câu hỏi của mình và nhận được sự chỉ dẫn cho cuộc sống của mình. Tôi hứa rằng khi các anh chị em hằng ngày đắm chìm trong Sách Mặc Môn, các anh chị em sẽ trở nên miễn nhiễm với những điều tà ác trong ngày.”27

Tôi làm chứng rằng Cha Thiên Thượng đã ban cho chúng ta lời Ngài bởi vì Ngài thương yêu chúng ta một cách hoàn hảo và muốn mỗi người chúng ta được trở về nhà sống với Ngài mãi mãi. Tôi làm chứng về “Ngôi Lời … đã trở nên xác thịt,”28 chính là Chúa Giê Su Ky Tô, và về quyền năng của Ngài để cứu rỗi và cứu chuộc chúng ta. Tôi biết rằng hiệu năng của Ngài đến qua lời các đấng tiên tri của Ngài, cả trong quá khứ lẫn hiện tại.

Tôi thành tâm cầu nguyện rằng chúng ta có thể có sự khôn ngoan và nhu mì để giữ chặt29 lời của Thượng Đế và giữ vững trên con đường giao ước dẫn đến sự tôn cao và cuộc sống vĩnh cửu.30 Mong rằng chúng ta sẽ tiếp tục trải nghiệm được sự thay đổi lớn lao sẵn có cho mỗi chúng ta qua hiệu năng của lời Thượng Đế.31 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem An Ma 30:59.

  2. Xin xem An Ma 31:3.

  3. Xin xem An Ma 28:2.

  4. An Ma 31:4. Xin lưu ý rằng An Ma và dân ông trước đây đã từng trải nghiệm một “mối giao thiệp” như vậy giữa dân Am Li Si và dân La Man, mà đã dẫn đến nhiều nỗi buồn phiền và mất mát lớn lao (xin xem An Ma 2:21–38; 3:1–3).

  5. An Ma 31:8.

  6. An Ma 31:1.

  7. An Ma 31:2.

  8. Xin xem Mặc Môn 8:34–35.

  9. An Ma 31:5; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  10. Ví dụ, xin xem 1 Nê Phi 15:24; An Ma 32:41–43; 36:26; 37:8, 44–45.

  11. Russell M. Nelson, “Đón Nhận Tương Lai bằng Đức Tin,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 76.

  12. An Ma 5:7; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  13. An Ma 26:13; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  14. Hê La Man 3:29–30; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  15. Russell M. Nelson, “The Book of Mormon: A Miraculous Miracle” (bài nói chuyện đưa ra tại hội nghị dành cho các vị lãnh đạo phái bộ truyền giáo mới, ngày 23 tháng Sáu năm 2016), có trích dẫn một phần trong Mô Rô Ni 10:4.

  16. David A. Bednar, “Nhưng Chúng Tôi Không Lưu Ý Đến Họ,” Liahona, tháng Năm năm 2022, trang 16.

  17. 2 Nê Phi 33:10; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  18. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 1:38.

  19. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 1:14–18.

  20. A Mốt 8:11.

  21. Xin xem An Ma 34:6.

  22. Xin xem Giăng 15:10.

  23. Xin xem Mác 5:25–34.

  24. Mô Rô Ni 7:31.

  25. “Có một cách tốt hơn để chuẩn bị, bởi vì đức tin mãnh liệt cũng sẽ sớm phai tàn. Chúng ta có thể quyết định để kiên trì học hỏi lời của Đấng Ky Tô trong thánh thư và qua những lời giảng dạy của các vị tiên tri tại thế. Đó là điều tôi sẽ làm. Tôi sẽ quay lại Sách Mặc Môn để nghiên cứu sâu sắc và thường xuyên hơn” (Henry B. Eyring, “Sự Chuẩn Bị Thuộc Linh: Bắt Đầu Sớm và Hãy Kiên Định,” Liahona, tháng Mười Một năm 2005, trang 39).

  26. “Đối với tôi, việc đọc thánh thư không phải là để theo đuổi học thuật. Đúng hơn, đó là do sự yêu mến lời Chúa và lời của các vị tiên tri của Ngài. …

    “Tôi không bận tâm nhiều với việc đọc những quyển sách chú giải dài dòng được viết ra để giải thích những điều được tìm thấy trong thánh thư. Thay vì thế, tôi thích ở gần cội nguồn, để tận hưởng dòng nước tinh khiết đến từ nền tảng của lẽ thật—lời của Thượng Đế như chính Ngài ban ra và như được ghi lại trong những quyển sách mà chúng ta công nhận là thánh thư. Qua việc đọc thánh thư, chúng ta nhận được sự đảm bảo từ Thánh Linh rằng những gì chúng ta đọc đến từ Thượng Đế để soi sáng, ban phước, và mang niềm vui đến với con cái của Ngài” (Gordon B. Hinckley, “Feasting upon the Scriptures,” Tambuli, tháng Sáu năm 1986, trang 2, 4).

  27. Russell M. Nelson, “Sách Mặc Môn: Cuộc Sống Của Chúng Ta Sẽ Ra Sao nếu không có Sách Này?”, Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 62–63.

  28. Giăng 1:14.

  29. Xin xem 1 Nê Phi 8:30.

  30. “Con đường giao ước là con đường duy nhất dẫn đến sự tôn cao và cuộc sống vĩnh cửu” (Russell M. Nelson, “Sức Mạnh của Đà Thúc Đẩy Phần Thuộc Linh,” Liahona, tháng Năm năm 2022, trang 98).

  31. Xin xem An Ma 5:11–13.