2022
Vai Trò Làm Môn Đồ Lâu Dài
Tháng Mười Một năm 2022


10:23

Vai Trò Làm Môn Đồ Lâu Dài

Chúng ta có thể tìm thấy sự tự tin và bình an về mặt thuộc linh khi nuôi dưỡng các thói quen thánh thiện và các việc làm ngay chính mà có thể duy trì và thổi bùng ngọn lửa đức tin của mình.

Vào mùa hè vừa qua, hơn 200.000 em giới trẻ của chúng ta trên khắp thế giới đã lớn mạnh hơn trong đức tin khi tham gia một trong hàng trăm sự kiện kéo dài một tuần của đại hội Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ, hay còn gọi là FSY. Sau sự cách ly của cơn đại dịch được gỡ bỏ, đối với nhiều em, việc tham dự là một hành động của đức tin nơi Chúa. Nhiều em trong số các em giới trẻ tham gia này dường như cùng hướng đến sự cải đạo sâu sắc hơn. Khi tuần lễ của đại hội kết thúc, tôi thích hỏi họ: “Mọi việc như thế nào rồi?”

Đôi lúc, họ đáp lại kiểu như vầy: “Thực ra, vào thứ Hai, con rất bực bội với mẹ của mình vì bà ấy bắt con đến tham gia. Và con chẳng quen biết ai cả. Và con không nghĩ là đại hội này phù hợp cho mình. Và con chẳng có người bạn nào. … Nhưng hôm nay là thứ Sáu, và con chỉ muốn ở lại đây. Con chỉ muốn cảm nhận Thánh Linh trong cuộc sống của mình. Con muốn sống một cuộc sống như thế.”

Mỗi em đều có những câu chuyện riêng để kể về những giây phút khi họ hiểu biết rõ ràng và khi cảm thấy rằng các ân tứ thuộc linh đến với họ và giúp họ tăng trưởng. Chính tôi cũng đã thay đổi sau mùa hè này của đại hội FSY khi thấy Thánh Linh của Thượng Đế không ngừng đáp ứng những ước muốn ngay chính từ tấm lòng của các em giới trẻ này, là những người đã có can đảm để tin cậy Ngài trong tuần lễ được Ngài gìn giữ.

Giống như những con tàu vỏ thép sáng loáng trên biển, chúng ta sống trong một môi trường dễ bị bào mòn về phần thuộc linh, nơi mà những niềm tin vững chắc nhất phải được duy trì cẩn thận, nếu không chúng có thể bị trầy xước, hao mòn, và sau đó vỡ vụn.

Chúng Ta Có Thể Làm Những Điều Gì Để Duy Trì Ngọn Lửa đức tin của mình?

Các trải nghiệm như đại hội FSY, cắm trại, lễ Tiệc Thánh, và công việc truyền giáo có thể giúp củng cố chứng ngôn của chúng ta, đưa chúng ta qua những cung đường phát triển và khám phá thêm về phần thuộc linh để hướng đến những nơi tương đối bình an. Nhưng chúng ta phải làm gì để đứng vững và tiếp tục “tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô” (2 Nê Phi 31:20) thay vì lùi lại phía sau? Chúng ta phải tiếp tục làm những điều đã giúp đưa chúng ta đến mức độ thuộc linh hiện tại, như cầu nguyện thường xuyên, đắm mình trong thánh thư, và phục vụ chân thành.

Đối với một số người trong chúng ta, điều này thậm chí đòi hỏi việc tin cậy nơi Chúa, ngay cả trong việc tham dự lễ Tiệc Thánh. Nhưng sau khi chúng ta đến đó, thì ảnh hưởng chữa lành của lễ Tiệc Thánh của Chúa, sự tràn ngập các nguyên tắc phúc âm, và sự nuôi dưỡng từ các cộng đồng của Giáo Hội có thể có thể giúp chúng ta nâng cao sức mạnh thuộc linh khi trở về nhà.

Sức Mạnh để Đích Thân Nhóm Họp Cùng Nhau Đến Từ Đâu?

Tại FSY, hơn vài trăm ngàn em giới trẻ của chúng ta đến để biết rõ hơn về Đấng Cứu Rỗi bằng cách sử dụng công thức đơn giản là hai hoặc ba người nhóm lại trong danh Ngài (xin xem Ma Thi Ơ 18:20), học hỏi phúc âm và thánh thư, cùng nhau ca hát, cùng nhau cầu nguyện, và tìm kiếm sự bình an trong Đấng Ky Tô. Đây là một cách thức hiệu quả để cảm nhận được Thánh Linh mạnh mẽ.

Giờ đây, các em thiếu niên và thiếu nữ từ khắp nơi trên thế giới này đã trở về nhà để xác định ý nghĩa của việc vẫn “tin cậy nơi Chúa” (Châm Ngôn 3:5; chủ đề của giới trẻ năm 2022) khi bị vây quanh bởi các ảnh hưởng ồn ào của thế gian. Việc “nghe lời Ngài” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:17) ở một nơi yên tĩnh để suy ngẫm với quyển thánh thư đang mở là một chuyện. Nhưng lại là chuyện khác khi chúng ta mang vai trò môn đồ vào một thế gian đầy sự sao lãng, nơi mà chúng ta phải cố gắng để “nghe lời Ngài”, mặc cho những mối bận tâm cá nhân và đức tin đang suy yếu. Không nghi ngờ gì nữa, giới trẻ của chúng ta đã thể hiện sự anh hùng khi họ toàn tâm toàn trí đứng lên để chống lại những thay đổi về mặt đạo đức trong thời kỳ chúng ta.

Các Gia Đình Có Thể Làm Gì Ở Nhà để Tiếp Tục Theo Đà Thúc Đẩy Mà Các Sinh Hoạt Giáo Hội Đã Tạo Nên?

Tôi đã từng phục vụ với tư cách là chồng của chủ tịch Hội Thiếu Nữ giáo khu. Một tối nọ, tôi được giao nhiệm vụ sắp xếp bánh quy ở tiền sảnh trong lúc vợ tôi đang điều khiển một buổi họp đặc biệt trong giáo đường dành cho các bậc cha mẹ và con gái của họ để chuẩn bị tham dự buổi cắm trại Hội Thiếu Nữ trong tuần tiếp theo. Sau khi giải thích cho họ biết phải ở đâu và mang theo những gì, cô ấy nói: “Này, vào sáng thứ Ba khi các anh chị em đưa các cô con gái đáng yêu của mình đến chỗ xe buýt, hãy ôm chúng thật chặt. Và các anh chị em hãy hôn tạm biệt chúng—vì chúng sẽ không quay về đâu.”

Tôi nghe tiếng ai đó giật mình, rồi nhận ra đó là tôi. “Không quay về là sao?”

Nhưng sau đó cô ấy nói tiếp: “Khi các anh chị em đưa con gái mình đến đó vào sáng thứ Ba, chúng sẽ bỏ lại sau lưng những phiền nhiễu nhỏ nhặt và dành ra một tuần để cùng nhau học hỏi, phát triển, và tin cậy nơi Chúa. Chúng tôi sẽ cùng nhau cầu nguyện, ca hát, nấu nướng, phục vụ, và chia sẻ chứng ngôn với nhau, và làm những điều mà cho phép chúng tôi cảm nhận Thánh Linh của Cha Thiên Thượng, suốt cả tuần, cho đến khi chúng tôi thấm nhuần những điều này. Và vào thứ Bảy, các em gái bước xuống xe buýt đó sẽ khác với các em gái mà các anh chị em đưa đến vào thứ Ba. Chúng sẽ trở thành những con người mới. Và nếu các anh chị em giúp chúng tiếp tục từ cấp độ thuộc linh cao hơn đó, thì chúng sẽ làm các anh chị em kinh ngạc. Chúng sẽ tiếp tục thay đổi và phát triển. Và gia đình của các anh chị em cũng vậy.”

Vào ngày thứ Bảy đó, mọi việc xảy ra đúng như cô ấy dự đoán. Khi đang xếp lều, tôi nghe tiếng vợ tôi từ một khu vực nhóm họp nhỏ trong rừng, nơi mà các em gái tụ họp trước khi lên đường về nhà. Tôi nghe cô ấy nói: “Ồ, các em đây rồi. Chúng tôi đã quan sát các em suốt cả tuần. Những cô gái thứ Bảy của chúng tôi.”

Các thanh thiếu niên kiên cường của Si Ôn đang hành trình qua những thời kỳ tuyệt vời. Trách nhiệm đặc biệt của họ là tìm kiếm niềm vui trong thế giới đầy những sao lãng đã được tiên tri này mà không thuộc về thế giới ấy, vì nó không quan tâm đến sự tin kính. Khoảng một trăm năm trước, dường như văn sĩ G. K. Chesterton đã thấy nỗ lực để đặt trọng tâm vào gia đình và được Giáo Hội hỗ trợ khi ông nói: “Chúng ta phải xem vũ trụ này như một lâu đài của quỷ để chinh phục, đồng thời cũng là mái nhà của riêng mình, để chúng ta trở về vào mỗi tối” (Orthodoxy [năm 1909], trang 130).

May mắn thay, họ không phải đấu tranh trong đơn độc. Họ có nhau. Và họ có các anh chị em. Và họ noi theo một vị tiên tri tại thế, Chủ Tịch Russell M. Nelson, người lãnh đạo với sự lạc quan của một vị tiên kiến khi tuyên bố rằng nỗ lực vĩ đại của thời kỳ này—sự quy tụ Y Sơ Ra Ên—sẽ vừa vĩ đại vừa uy nghi (xin xem “Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên” [buổi họp đặc biệt toàn cầu dành cho giới trẻ, ngày 3 tháng Sáu năm 2018], HopeofIsrael.ChurchofJesusChrist.org).

Mùa hè năm nay, vợ tôi, là Kalleen, và tôi trong lúc quá cảnh sân bay ở Amsterdam, nơi mà cách đây nhiều năm, khi tôi còn là một người truyền giáo mới. Sau nhiều tháng vật lộn với việc học tiếng Hà Lan, chuyến bay thuộc hãng hàng không KLM của chúng tôi sắp hạ cánh, và vị cơ trưởng phát một thông báo qua hệ thống âm thanh mà chúng tôi không hiểu được. Sau một phút im lặng, vợ tôi lầm bầm: “Em nghĩ đó là tiếng Hà Lan.” Chúng tôi ngước lên, dường như cả hai đều nghĩ: Hết hy vọng học tiếng Hà Lan rồi.

Nhưng chưa hẳn là mọi thứ đều vô vọng. Trong lúc ngạc nhiên khi nghĩ về những hành động trong đức tin mà chúng tôi đã làm, trên đường đi qua sân bay để hướng đến nhiều phép lạ mà chúng tôi sắp được trải nghiệm với tư cách là người truyền giáo, tôi chợt quay trở lại thực tại khi gặp một người truyền giáo đang lên máy bay trở về nhà. Anh ấy tự giới thiệu mình và hỏi: “Thưa chủ tịch Lund, bây giờ tôi nên làm gì? Tôi cần làm gì để tiếp tục vững mạnh?”

Thực ra, giới trẻ của chúng ta cũng có cùng câu hỏi đó trong tâm trí khi họ rời khỏi các đại hội FSY, những buổi cắm trại của giới trẻ, các chuyến đi đền thờ, và bất cứ lúc nào họ cảm thấy quyền năng từ thiên thượng: “Làm thế nào để việc yêu mến Thượng Đế chuyển tiếp thành vai trò làm môn đồ lâu dài?”

Tôi đã cảm thấy tràn ngập tình yêu thương đối với người truyền giáo sáng suốt này khi đang phục vụ những giờ cuối cùng trong công việc truyền giáo của anh ấy, và trong sự tĩnh lặng nhất thời của Thánh Linh, tôi nghe giọng mình nấc nghẹn khi đơn thuần đáp rằng: “Anh không cần phải mang bảng tên mới có thể mang lấy danh Ngài.”

Tôi muốn đặt tay mình lên vai anh ấy và nói: “Đây là điều anh cần làm. Anh hãy về nhà, và chỉ cần giống như anh lúc này. Anh tốt lành đến mức anh dường như tỏa sáng trong bóng tối. Tính kỷ luật và sự hy sinh của anh trong quá trình truyền giáo đã biến anh thành một người con trai tuyệt vời của Thượng Đế. Hãy tiếp tục làm ở nhà những điều mà đã rất hiệu quả đối với anh trong lúc truyền giáo. Anh đã học cách cầu nguyện, ngôn ngữ cầu nguyện, và Đấng mà mình dâng lên lời cầu nguyện. Anh đã học được lời Ngài và đã thương yêu Đấng Cứu Rỗi bằng cách cố gắng trở nên giống như Ngài. Anh đang thương yêu Cha Thiên Thượng giống như Ngài đã yêu thương Cha Ngài, phục vụ người khác giống như Ngài đã phục vụ, và sống theo các lệnh truyền giống như Ngài—và khi anh thất bại trong việc đó, thì anh đã hối cải rồi. Vai trò làm môn đồ của anh không chỉ là khẩu hiệu trên một chiếc áo—nó đã trở thành một phần của cuộc sống mà anh cố ý dành ra để phục vụ người khác. Vậy nên, anh hãy về nhà và làm như thế. Hãy trở nên như thế. Hãy tiếp tục trên đà thúc đẩy phần thuộc linh này trong suốt cuộc đời của anh.”

Tôi biết rằng qua việc tin cậy nơi Chúa Giê Su Ky Tô và con đường giao ước của Ngài, chúng ta có thể tìm thấy sự tự tin và bình an về mặt thuộc linh khi nuôi dưỡng các thói quen thánh thiện và các việc làm ngay chính mà có thể duy trì và thổi bùng ngọn lửa đức tin của mình. Cầu mong rằng mỗi người chúng ta ngày càng đến gần hơn những ngọn lửa ấm áp đó và, dù có điều gì xảy ra, hãy ở lại. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.