2022
Anh Chị Em Vẫn Còn Sẵn Lòng Chứ?
Tháng Mười Một năm 2022


11:30

Anh Chị Em Vẫn Còn Sẵn Lòng Chứ?

Sự sẵn lòng của chúng ta để noi theo Chúa Giê Su Ky Tô tương ứng trực tiếp với lượng thời gian chúng ta cam kết đứng ở những nơi thánh thiện.

Ngày Chủ Nhật nọ, trong khi tôi đang chuẩn bị dự phần Tiệc Thánh sau vài tuần thực hiện các chỉ định cho đại hội giáo khu, một ý nghĩ thú vị và mạnh mẽ đến với tâm trí tôi.

Khi thầy tư tế bắt đầu dâng lời ban phước bánh, những lời tôi đã nghe rất nhiều lần trước đây tác động mạnh mẽ vào tâm trí và tấm lòng tôi. “Và được làm chứng cùng Cha, hỡi Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, rằng họ tình nguyện mang danh Con của Cha, và luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài, cùng tuân giữ các giáo lệnh mà Ngài đã ban cho họ, để họ có thể luôn được Thánh Linh của Ngài ở cùng họ”.1 Đã bao nhiêu lần chúng ta làm chứng với Thượng Đế rằng chúng ta sẵn lòng tình nguyện?

Khi tôi suy ngẫm về tầm quan trọng của những lời thiêng liêng này, từ tình nguyện gây ấn tượng với tôi hơn bao giờ hết. Những kinh nghiệm ngọt ngào và thiêng liêng tràn ngập tâm trí và tấm lòng tôi, với tình yêu thương và lòng biết ơn về sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi, và vai trò quyết định của Ngài trong kế hoạch của Đức Chúa Cha để cứu chuộc tôi và gia đình tôi. Rồi, tôi nghe và cảm thấy như bị những lời ban phước nước xuyên thấu tâm can: “Để họ được làm chứng cùng Cha … rằng họ luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài”.2 Trong giây phút đó, tôi hiểu rõ rằng việc tuân giữ các giao ước của mình không thể chỉ là những ý định tốt.

Việc dự phần Tiệc Thánh không phải là một nghi thức tôn giáo thụ động mà chỉ ngụ ý sự đồng thuận của chúng ta. Đó là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về Sự Chuộc Tội có thật và vô hạn của Đấng Cứu Rỗi, cũng như sự cần thiết để luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài. Việc sẵn lòng tập trung vào Đấng Cứu Rỗi quan trọng đến nỗi nó là sứ điệp chủ đạo của hai câu thánh thư được trích dẫn nhiều nhất trong Giáo Hội: chính là hai lời cầu nguyện Tiệc Thánh. Việc hiểu được lẽ thật về điều Cha Thiên Thượng vô cùng sẵn lòng ban cho mỗi người chúng ta qua Con Trai Độc Sinh của Ngài nên khơi dậy những nỗ lực hết sức của chúng ta để luôn luôn sẵn lòng đáp lại Ngài.

Nền tảng thuộc linh của chính chúng ta có được xây đắp vững chắc nơi Chúa Giê Su Ky Tô không?

Nếu nền tảng thuộc linh của chúng ta nông cạn hoặc hời hợt thì chúng ta có lẽ có khuynh hướng dựa vào phân tích được-mất về các mối quan hệ xã hội hoặc dựa theo chỉ số đo mức độ bất tiện cá nhân để chịu sẵn lòng hay không. Và nếu chúng ta tin vào câu chuyện cho rằng Giáo Hội chủ yếu cấu thành từ các chính sách chính trị sai lầm hoặc lỗi thời, những hạn chế cá nhân phi thực tế, và cam kết về thời gian, thì các quyết định của chúng ta để sẵn lòng cũng sẽ thiếu sót như vậy. Chúng ta không nên kỳ vọng nguyên tắc về sự sẵn lòng sẽ tạo xu hướng tích cực với những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội hoặc đam mê TikTok. Những lời giáo huấn và nguyên tắc của thế gian hiếm khi nào hòa hợp với lẽ thật thiêng liêng.

Giáo Hội là một nơi quy tụ những cá nhân không hoàn hảo nhưng yêu mến Thượng Đế và sẵn lòng noi theo Chúa Giê Su Ky Tô. Sự sẵn lòng đó khởi nguồn từ sự thật rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống. Chúng ta chỉ có thể biết được lẽ thật thiêng liêng này nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh. Do đó, sự sẵn lòng của chúng ta tương ứng trực tiếp với lượng thời gian chúng ta cam kết đứng ở những nơi thánh thiện, là nơi có ảnh hưởng của Đức Thánh Linh.

Chúng ta nên dành ra nhiều thời gian hơn cho cuộc trò chuyện có ý nghĩa về những lo lắng của mình với Cha Thiên Thượng nhân từ và dành ít thời gian hơn để tìm kiếm ý kiến của những người khác. Chúng ta cũng có thể chọn thay đổi việc lướt tin tức hằng ngày sang việc đọc những lời của Đấng Ky Tô trong thánh thư và nghe những lời của các vị tiên tri tại thế của Ngài.

Mức độ chúng ta coi trọng việc tuân giữ ngày Sa Bát, trung thực khi đóng tiền thập phân, giữ một giấy giới thiệu đi đền thờ có hiệu lực, tham dự đền thờ, và tôn trọng các giao ước đền thờ thiêng liêng đều là những dấu chỉ đầy thuyết phục về sự sẵn lòng của chúng ta và là bằng chứng cho sự cam kết của chúng ta. Chúng ta có sẵn lòng cải thiện nỗ lực hời hợt của mình trong việc củng cố đức tin của mình nơi Đấng Ky Tô không?

Cha Thiên Thượng yêu thương chúng ta trọn vẹn, nhưng tình thương yêu đó cũng có kỳ vọng lớn lao. Ngài mong đợi chúng ta sẵn lòng đặt Đấng Cứu Rỗi làm trọng tâm của cuộc sống mình. Đấng Cứu Rỗi là tấm gương hoàn hảo cho chúng ta về sự sẵn lòng tuân phục Đức Chúa Cha trong mọi sự. Ngài “là đường đi, lẽ thật, và sự sống”.3 Ngài sẵn lòng chuộc tội cho chúng ta. Ngài sẵn lòng làm nhẹ những gánh nặng, xua tan những sợ hãi, ban sức mạnh cho chúng ta, và mang bình an cùng sự hiểu biết vào tấm lòng chúng ta trong những lúc đau khổ, phiền muộn.

Mặc dù vậy, đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô vẫn là một sự lựa chọn. “Nếu [chúng ta] không thể làm gì khác hơn là muốn tin”4 vào những lời của Ngài thì chúng ta đã có một cách để từ đó bắt đầu hoặc thiết lập lại hành trình đức tin của mình. Những lời của Ngài, nếu được gieo vào tấm lòng chúng ta như một hạt giống và nảy nở nhờ được chăm sóc tốt, sẽ bắt rễ và đức tin của chúng ta sẽ phát triển thành sự tin chắc và trở nên một nguyên tắc về hành động và quyền năng. Sách Mặc Môn là nguồn gốc ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến sự tăng trưởng và phục hồi đức tin của chúng ta. Sự sẵn lòng là chất xúc tác cho đức tin.

Theo kế hoạch thiêng liêng thì cuộc sống trần thế không hề dễ dàng và đôi lúc có thể khó mà chịu đựng nổi. Tuy nhiên, “[chúng ta] có sinh tồn thì [chúng ta] mới hưởng được niềm vui”!5 Việc tập trung vào Đấng Cứu Rỗi và các giao ước của chúng ta mang lại niềm vui lâu dài! Mục đích của cuộc sống trần thế là để chứng tỏ sự sẵn lòng của chúng ta. “Nhiệm vụ trọng đại của cuộc sống, [và cái giá của vai trò môn đồ], là học hỏi và sau đó thực thi ý muốn của Thượng Đế”6. Cuộc sống môn đồ chân chính đưa đến niềm vui trọn vẹn. Chúng ta có sẵn lòng trả giá cho cuộc sống làm môn đồ không?

Con đường giao ước không chỉ là một việc cần làm trong lịch trình; nó là một tiến trình phát triển thuộc linh và gia tăng cam kết với Chúa Giê Su Ky Tô. Mục đích cốt lõi của mỗi lệnh truyền, nguyên tắc, giao ước, và giáo lễ là để xây đắp đức tin và sự tin cậy nơi Đấng Ky Tô. Do đó, lòng quyết tâm của chúng ta để tập trung cuộc sống mình nơi Đấng Ky Tô phải kiên định—chứ không hời hợt hoặc tùy điều kiện, hoàn cảnh của mình. Chúng ta không thể dành ra vài ngày đi du lịch hoặc dành thời gian cho cá nhân mà bỏ qua việc sẵn lòng “đứng lên làm nhân chứng cho Thượng Đế bất cứ lúc nào, trong bất cứ việc gì, và ở bất cứ nơi đâu”7. Cuộc sống môn đồ đòi hỏi nỗ lực lớn lao bởi vì sự đồng hành của Đức Thánh Linh mà chúng ta nhận được từ đó là vô giá.

Chắc chắn rằng Chúa đã nghĩ đến thời kỳ của chúng ta khi Ngài dạy câu chuyện ngụ ngôn về mười người nữ đồng trinh. Ngài đã phán về năm người khôn ngoan là họ “đã chọn Đức Thánh Linh làm Đấng hướng dẫn của mình, và không bị lừa gạt”8, trong khi đèn của những người dại dột “gần tắt” bởi vì thiếu dầu.9 Có lẽ những lời của Nê Phi mô tả đúng nhất những người từng là các tín hữu trung tín của Giáo Hội: “Nó sẽ dẹp yên những kẻ khác và ru ngủ họ trong một sự an toàn trần tục, khiến họ phải thốt ra rằng: Mọi việc đều tốt đẹp ở Si Ôn”10.

Sự an toàn trần tục là tìm kiếm và tin cậy những điều của thế gian thay vì Đấng Ky Tô—nói cách khác, là nhìn qua lăng kính trần tục thay vì lăng kính thuộc linh. Đức Thánh Linh cho chúng ta khả năng để thấy “những điều đúng với sự thật hiện hữu, và đúng với sự thật mà những điều ấy sẽ có”11. Chỉ “bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, [mà chúng ta mới] có thể biết được lẽ thật của tất cả mọi điều”12 và không bị lừa gạt. Chúng ta tập trung vào Đấng Ky Tô trong cuộc sống mình và cam kết sẵn lòng tuân theo các lệnh truyền của Ngài không phải vì chúng ta mù quáng mà bởi vì chúng ta có thể thấy rõ.13

Còn những người nữ đồng trinh dại khờ thì sao? Tại sao họ không sẵn lòng mang theo bình dầu thuộc linh? Có phải chỉ vì họ chần chừ không? Họ quá tùy tiện không dự tính trước có lẽ do bình dầu thì bất tiện và có vẻ không cần thiết. Cho dù bởi lý do nào đi nữa thì họ đã bị lừa gạt về vai trò quyết định của Đấng Ky Tô. Đây là bản chất lừa dối của Sa Tan, và là lý do tại sao ngọn đèn chứng ngôn của họ cuối cùng đã tắt vì thiếu dầu thuộc linh. Câu chuyện ngụ ngôn này là phép ẩn dụ về thời kỳ của chúng ta. Nhiều người đã rời bỏ Đấng Cứu Rỗi và các giao ước của họ từ lâu trước khi họ rời bỏ Giáo Hội của Ngài.

Chúng ta sống trong thời kỳ chưa từng có nhưng đã được các vị tiên tri thời xưa tiên đoán từ lâu, là thời đại khi Sa Tan gây cuồng nộ “trong trái tim con cái loài người, và khích động họ giận dữ chống lại những gì tốt đẹp”14. Quá nhiều người trong số chúng ta sống trong thế giới ảo tràn ngập nội dung giải trí và có thông điệp thù địch với thiên tính và niềm tin nơi Đấng Ky Tô.

Ảnh hưởng thuộc linh mạnh mẽ nhất trong cuộc sống của một đứa trẻ chính là tấm gương ngay chính của cha mẹ, ông bà đầy tình yêu thương, là những người trung tín tuân giữ các giao ước thiêng liêng của chính họ. Những bậc cha mẹ chủ tâm dạy con cái họ đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, để cho chúng cũng “có thể hiểu được nguồn gốc nào mà chúng có thể tìm kiếm được sự xá miễn các tội lỗi của chúng”15. Việc tuân giữ giao ước một cách tùy tiện và không kiên định đưa đến sự yếu đuối thuộc linh. Thiệt hại về mặt thuộc linh thường là nghiêm trọng nhất đối với con cái và cháu chắt của chúng ta. Thưa các bậc ông bà, cha mẹ, chúng ta vẫn còn sẵn lòng chứ?

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã cảnh báo rằng: “Trong những ngày tới, chúng ta sẽ không thể nào tồn tại được về mặt thuộc linh nếu không có ảnh hưởng dìu dắt, hướng dẫn, và an ủi liên tục của Đức Thánh Linh”16. Đây là lời cảnh báo rõ ràng và không thể nhầm lẫn được để chuẩn bị đèn của chúng ta và tích trữ thêm dầu thuộc linh của mình. Chúng ta vẫn còn sẵn lòng vâng theo các vị tiên tri tại thế chứ? Dầu thuộc linh trong đèn của anh chị em đang ở mức nào? Những thay đổi nào trong cuộc sống cá nhân sẽ cho phép anh chị em có được ảnh hưởng của Đức Thánh Linh liên tục hơn?

Ngày nay, như trong thời của Chúa Giê Su, sẽ có người sẽ quay lưng, không sẵn lòng chấp nhận cái giá của cuộc sống môn đồ. Khi sự chỉ trích gay gắt và hằn học càng ngày càng nhắm thẳng vào Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi và những người noi theo Ngài, thì cuộc sống môn đồ của chúng ta sẽ đòi hỏi một sự sẵn lòng nhiều hơn để củng cố quyết tâm của chúng ta để noi theo Ngài và không lưu ý đến chúng.17

Nếu nền tảng thuộc linh của anh chị em được xây dựng vững chắc nơi Chúa Giê Su Ky Tô thì chúng ta sẽ không vấp ngã và chúng ta không cần phải sợ hãi.

“Này, Chúa đòi hỏi tấm lòng thành và tâm hồn đầy thiện chí; và những kẻ có thiện chí và biết tuân lời sẽ hưởng sự tốt lành của đất Si Ôn vào những ngày sau cùng này”18.

Cầu xin cho chúng ta luôn luôn sẵn lòng. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.