2022
Hãy Trung Thành với Thượng Đế và Công Việc của Ngài
Tháng Mười Một năm 2022


13:53

Hãy Trung Thành với Thượng Đế và Công Việc của Ngài

Chúng ta đều cần phải tìm kiếm chứng ngôn của riêng mình về Chúa Giê Su Ky Tô, kiềm chế dục vọng của mình, hối cải tội lỗi của mình, và trung thành với Thượng Đế và công việc của Ngài.

Tháng Mười năm ngoái, tôi được chỉ định cùng với Chủ Tịch M. Russell Ballard và Anh Cả Jeffrey R. Holland đến thăm Vương Quốc Anh, nơi cả ba chúng tôi đã phục vụ với tư cách là những người truyền giáo trẻ tuổi. Chúng tôi có đặc ân được giảng dạy và làm chứng, cũng như hồi tưởng lại lịch sử Giáo Hội ban đầu ở Quần Đảo Anh, nơi ông tổ của tôi là Heber C. Kimball và các cộng sự của ông là những người truyền giáo đầu tiên.1

Khi trêu chọc chúng tôi về sự chỉ định này, Chủ Tịch Russell M. Nelson lưu ý rằng là điều bất thường để chỉ định ba Sứ Đồ đến thăm nơi mà họ đã phục vụ với tư cách là những người truyền giáo khi còn trẻ. Ông thừa nhận rằng tất cả đều mong muốn được chỉ định đi thăm phái bộ truyền giáo ban đầu của mình. Với nụ cười thật tươi trên gương mặt, ông giải thích một cách ngắn gọn tiền lệ rằng nếu có một nhóm ba Sứ Đồ khác đã phục vụ trong cùng một phái bộ cách đây hơn 60 năm, thì họ cũng có thể nhận được một sự chỉ định tương tự.

Heber C. Kimball

Để chuẩn bị cho sự chỉ định đó, tôi đã đọc lại Cuộc Đời của Heber C. Kimball, được viết bởi người cháu trai Orson F. Whitney, là người sau này được kêu gọi làm sứ đồ. Quyển sách này được người mẹ yêu quý của tôi tặng cho tôi khi tôi gần bảy tuổi. Chúng tôi đang chuẩn bị tham dự lễ cung hiến Đài kỷ niệm This Is the Place (Chính Là Nơi Này Đây) vào ngày 24 tháng 7 năm 1947 do Chủ Tịch George Albert Smith thực hiện.2 Mẹ tôi muốn tôi biết thêm về tổ tiên của tôi Heber C. Kimball.

Quyển sách này chứa đựng một lời phát biểu thâm thúy được cho là của Chủ Tịch Kimball mà có ý nghĩa đối với thời kỳ của chúng ta. Trước khi chia sẻ lời phát biểu này, tôi xin đưa ra một chút bối cảnh.

Trong khi Tiên Tri Joseph Smith bị giam trong Ngục Thất Liberty, Các Sứ Đồ Brigham Young và Heber C. Kimball có trách nhiệm trông nom cuộc di tản của Các Thánh Hữu ra khỏi Missouri trong những hoàn cảnh bất lợi khủng khiếp. Cuộc di tản được đòi hỏi phần lớn là bởi lệnh tiêu diệt do Thống Đốc Lilburn W. Boggs ban hành.3

Gần 30 năm sau, khi suy ngẫm về lịch sử này với một thế hệ mới, Heber C. Kimball, lúc bấy giờ đang ở trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã dạy: “Hãy để tôi nói với các anh chị em, rằng nhiều người trong số các anh chị em sẽ thấy thời điểm mà các anh chị em gặp phải mọi khó khăn, thử thách và bắt bớ mà các anh chị em có thể đối phó và rất nhiều cơ hội để cho thấy rằng các anh chị em trung thành với Thượng Đế và công việc của Ngài.”4

Heber nói tiếp: “Để đương đầu với những khó khăn sắp tới, các anh chị em cần phải tự mình hiểu biết về lẽ thật của công việc này. Những khó khăn sẽ gay go đến mức người nam hay người nữ mà không có sự hiểu biết riêng hoặc lời chứng này thì sẽ sa ngã. Nếu các anh chị em chưa có chứng ngôn, thì hãy sống ngay chính, kêu cầu Chúa và đừng dừng lại [cho đến] khi các anh chị em [đạt được] chứng ngôn đó. Nếu không làm như vậy thì các anh chị em sẽ không đứng vững được. … Sẽ đến lúc mà không có người nam hay người nữ nào có thể chịu đựng được với ánh sáng vay mượn của người khác. Mỗi người sẽ phải được hướng dẫn bởi ánh sáng bên trong chính mình. … Nếu không có ánh sáng đó, các anh chị em sẽ không đứng vững được; do đó, hãy tìm kiếm chứng ngôn về Chúa Giê Su và bám chặt lấy chứng ngôn đó, để khi đến lúc thử thách, các anh chị em không thể vấp ngã và sa ngã.”5

Mỗi người chúng ta đều cần một chứng ngôn riêng về công việc của Thượng Đế6 và vai trò chính yếu của Chúa Giê Su Ky Tô. Tiết 76 của Giáo Lý và Giao Ước đề cập đến ba mức độ vinh quang và so sánh vinh quang thượng thiên với mặt trời. Sau đó, tiết này so sánh trung thiên giới với mặt trăng.7

Điều thú vị là mặt trời có ánh sáng riêng của nó, nhưng mặt trăng lại là ánh sáng phản chiếu hay là “ánh sáng vay mượn.” Khi đề cập đến trung thiên giới, câu 79 nói: “Đây là những người không quả cảm trong việc làm chứng về Chúa Giê Su.” Chúng ta không thể đạt đến thượng thiên giới và sống với Thượng Đế Đức Chúa Cha bằng ánh sáng vay mượn; chúng ta cần chứng ngôn của riêng mình về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài.

Chúng ta sống trong một thế giới mà có rất nhiều sự bất chính8 và sự trở lòng bỏ Thượng Đế vì những lời giáo huấn của loài người.9 Một trong những ví dụ có sức thuyết phục nhất trong thánh thư về mối quan tâm của Heber C. Kimball để tìm kiếm một chứng ngôn về công việc của Thượng Đế và Chúa Giê Su Ky Tô được mô tả trong lời khuyên dạy của An Ma cho ba người con trai của ông—Hê La Man, Síp Lân và Cô Ri An Tôn.10 Hai người con trai của ông đã trung thành với Thượng Đế và công việc của Ngài. Nhưng một người con trai đã có một số quyết định tệ hại. Đối với tôi, ý nghĩa lớn nhất của lời khuyên dạy của An Ma là ông đã đưa ra với tư cách là một người cha vì lợi ích của chính con cái ông.

Mối quan tâm đầu tiên của An Ma, giống như mối quan tâm của Heber C. Kimball, là mỗi người con đều có chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô và trung thành với Thượng Đế và công việc của Ngài.

Trong lời dạy xuất sắc của An Ma cho con trai mình là Hê La Man, ông đã đưa ra lời hứa sâu sắc rằng những ai “đặt niềm tin nơi Thượng Đế sẽ được nâng đỡ trong những thử thách, trong những khó khăn và những thống khổ của mình, và sẽ được nâng cao vào ngày sau cùng.”11

Mặc dù An Ma đã nhận được một sự biểu hiện mà ông nhìn thấy một thiên sứ, nhưng điều này rất hiếm. Những ấn tượng do Đức Thánh Linh mang đến thì phổ biến hơn. Những ấn tượng này có thể quan trọng không kém gì những sự biểu hiện của thiên sứ. Chủ Tịch Joseph Fielding Smith đã dạy: “Những ấn tượng trong tâm hồn đến từ Đức Thánh Linh còn có ý nghĩa nhiều hơn so với một khải tượng. Khi Thánh Linh giao tiếp với phần thuộc linh, thì ảnh hưởng trong tâm hồn khó xóa nhòa hơn rất nhiều.”12

Điều này dẫn chúng ta đến lời khuyên dạy của An Ma cho con trai thứ hai của ông, Síp Lân. Síp Lân cũng ngay chính như anh trai Hê La Man của ông. Lời khuyên dạy mà tôi muốn nhấn mạnh là An Ma 38:12, trong đó có đoạn viết: “Hãy lưu ý kiềm chế mọi dục vọng của mình, để cho con được tràn đầy tình thương.”

Kiềm chế là một từ thú vị. Khi cưỡi ngựa, chúng ta sử dụng dây cương để hướng dẫn nó. Một từ đồng nghĩa hay có thể là chỉ dẫn, kiểm soát hoặc ngăn giữ. Kinh Cựu Ước cho chúng ta biết là chúng ta đã reo mừng khi biết mình sẽ có thể xác.13 Thân thể không xấu xa—nó đẹp đẽ và thiết yếu—nhưng một số dục vọng, nếu không được kiềm chế đúng cách và thích hợp, thì có thể tách chúng ta khỏi Thượng Đế và công việc của Ngài cùng tác động xấu đến chứng ngôn của chúng ta.

Chúng ta hãy nói về hai dục vọng cụ thể—thứ nhất, cơn tức giận và thứ hai, sự thèm khát.14 Điều thú vị là nếu cả hai dục vọng này không được kiềm chế hoặc không được kiểm soát thì đều có thể gây ra nhiều nỗi đau lòng, làm giảm ảnh hưởng của Thánh Linh, và tách chúng ta khỏi Thượng Đế và công việc của Ngài. Kẻ nghịch thù tận dụng mọi cơ hội để lấp đầy cuộc sống của chúng ta bằng những hình ảnh bạo lực và vô luân.

Trong một số gia đình, việc người chồng hoặc người vợ tức giận đánh người phối ngẫu hay đứa con là không hiếm. Vào tháng Bảy, tôi đã tham gia trong một diễn đàn All-Party Parliamentary của Vương Quốc Anh ở Luân Đôn.15 Bạo lực đối với phụ nữ và giới trẻ được nhấn mạnh là một vấn đề nghiêm trọng trên toàn thế giới. Ngoài bạo lực ra, những người khác còn ngược đãi bằng lời nói. Bản tuyên ngôn về gia đình cho chúng ta biết rằng những người nào “ngược đãi người phối ngẫu hay con cái một ngày kia sẽ đứng chịu trách nhiệm trước mặt Thượng Đế.”16

Chủ Tịch Nelson đã đặc biệt nhấn mạnh điều này sáng hôm qua.17 Hãy quyết định rằng bất kể cha mẹ có lạm dụng anh chị em hay không thì anh chị em cũng sẽ không ngược đãi bằng tay chân hoặc bằng lời nói hay tình cảm với người phối ngẫu hoặc con cái mình.

Trong thời kỳ chúng ta, một trong những thử thách quan trọng nhất là sự tranh cãi và chửi bới liên quan đến các vấn đề xã hội. Trong nhiều trường hợp, cơn tức giận và lời lẽ mắng nhiếc đã thay thế lý trí, sự thảo luận và sự lễ độ. Nhiều người đã từ bỏ lời khuyên của Sứ Đồ trưởng của Đấng Cứu Rỗi, Phi E Rơ, là phải tìm kiếm những đức tính giống như Đấng Ky Tô như sự tiết độ, lòng kiên nhẫn, sự tin kính, tình yêu thương anh em và lòng bác ái.18 Họ cũng đã từ bỏ đức tính khiêm nhường giống như Đấng Ky Tô.

Ngoài việc kiểm soát cơn tức giận và kiềm chế những dục vọng khác, chúng ta còn cần có cuộc sống đạo đức thanh sạch bằng cách kiểm soát ý nghĩ, lời lẽ và hành động của mình. Chúng ta cần tránh hình ảnh sách báo khiêu dâm, đánh giá mức độ thích hợp của những gì chúng ta đang nhận trực tuyến trong nhà của mình và tránh mọi hình thức hành vi tội lỗi.

Điều này đưa chúng ta đến lời khuyên dạy của An Ma cho con trai Cô Ri An Tôn của ông. Không giống như hai người anh của mình, là Hê La Man và Síp Lân, Cô Ri An Tôn tham gia vào sự phạm giới về mặt đạo đức.

Vì Cô Ri An Tôn đã làm điều vô luân nên An Ma cần phải dạy cho anh ta về sự hối cải. Ông phải dạy cho anh ta biết về sự nghiêm trọng của tội lỗi và cách hối cải sau đó.19

Vì vậy, lời khuyên dạy có tính cách ngăn ngừa của An Ma là phải kiềm chế dục vọng, nhưng lời khuyên dạy của ông đối với những người đã phạm giới thì phải hối cải. Chủ Tịch Nelson đã đưa ra lời khuyên thâm thúy cho các tín hữu về sự hối cải tại đại hội trung ương tháng Tư năm 2019. Ông nói rõ rằng sự hối cải hằng ngày là điều không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. “Sự hối cải không phải là một sự kiện mà là một tiến trình.” Ông dạy: “Đó là bí quyết để có được hạnh phúc và sự an tâm.” “Sự hối cải hằng ngày là con đường dẫn đến sự thanh khiết, và sự thanh khiết mang lại quyền năng.”20 Nếu Cô Ri An Tôn làm theo điều Chủ Tịch Nelson khuyên bảo, thì anh ta sẽ hối cải ngay khi bắt đầu có những ý nghĩ không thanh sạch. Những sự phạm giới nghiêm trọng đã chẳng xảy ra.

Lời khuyên dạy cuối cùng mà An Ma đưa ra cho các con trai của mình là một số giáo lý quan trọng nhất trong tất cả các thánh thư. Nó liên quan đến Sự Chuộc Tội được Chúa Giê Su Ky Tô hoàn thành.

An Ma đã làm chứng rằng Đấng Ky Tô sẽ cất bỏ tội lỗi.21 Nếu không có Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, thì nguyên tắc công lý vĩnh cửu sẽ đòi hỏi sự trừng phạt.22 Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, nên lòng thương xót có thể thắng thế đối với những người đã hối cải và có thể cho phép họ trở lại nơi hiện diện của Thượng Đế. Thật là tốt cho chúng ta để suy ngẫm về giáo lý tuyệt vời này.

Không ai có thể trở về với Thượng Đế chỉ bằng việc làm tốt của mình; chúng ta đều cần hưởng lợi từ sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi. Tất cả đều đã phạm tội, và chỉ qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô mà chúng ta mới có thể nhận được lòng thương xót và sống với Thượng Đế.23

An Ma đã đưa ra lời khuyên dạy tuyệt vời cho Cô Ri An Tôn mà cũng dành cho tất cả chúng ta là những người đã hoặc sẽ trải qua tiến trình hối cải, bất kể tội lỗi nhỏ nhặt hay nghiêm trọng đến đâu như những tội lỗi mà Cô Ri An Tôn đã phạm phải. Câu 29 của An Ma 42 chép: “Và giờ đây, hỡi con trai của cha, cha mong rằng con không nên để những điều này làm băn khoăn con nữa, mà chỉ nên để cho những tội lỗi của mình làm băn khoăn mình, với sự băn khoăn mà sẽ đưa con đến sự hối cải.”

Cô Ri An Tôn đã nghe theo lời khuyên dạy của An Ma và cả hai đều hối cải và phục vụ một cách vinh dự. Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi nên sự chữa lành có sẵn cho tất cả mọi người.

Trong thời An Ma, trong thời Heber, và chắc chắn là trong thời kỳ của mình, chúng ta đều cần phải tìm kiếm chứng ngôn của riêng mình về Chúa Giê Su Ky Tô, kiềm chế dục vọng của mình, hối cải tội lỗi của mình, và tìm kiếm sự bình an qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và trung thành với Thượng Đế và công việc của Ngài.

Trong một bài nói chuyện mới gần đây và một lần nữa vào buổi sáng hôm nay, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói như thế này: “Tôi khẩn nài các em hãy chịu trách nhiệm về chứng ngôn của các em về Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy nỗ lực cho chứng ngôn đó. Hãy sở hữu chứng ngôn đó. Hãy chăm sóc cho chứng ngôn đó. Hãy nuôi dưỡng chứng ngôn đó để nó sẽ phát triển. Sau đó, hãy trông đợi các phép lạ sẽ xảy ra trong cuộc sống của các em.”24

Tôi biết ơn là bây giờ chúng ta sẽ nghe bài nói chuyện của Chủ Tịch Nelson. Tôi làm chứng rằng Chủ Tịch Nelson là vị tiên tri của Thượng Đế trong thời kỳ của chúng ta. Tôi yêu thương và trân quý nguồn soi dẫn và sự hướng dẫn kỳ diệu mà chúng tôi nhận được qua ông.

Với tư cách là Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi chia sẻ lời chứng chắc chắn về thiên tính của Đấng Cứu Rỗi và Sự Chuộc Tội của Ngài là có thật trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Ronald K. Esplin, “A Great Work Done in That Land,” Ensign, tháng Bảy năm 1987, trang 20: “Vào ngày 13 tháng Sáu, Anh Cả Kimball, Orson Hyde, Joseph Fielding và người bạn của Heber là Willard Richards rời Kirtland để đi đến Anh. Ở New York, vào ngày 22 tháng Sáu, những người dân Canada là Isaac Russell, John Goodson và John Snyder đã đi cùng họ. Sau đó, bảy người truyền giáo đã đặt chỗ trên tàu Garrick để đi Liverpool.” (Xin xem bài viết của Heber C. Kimball, năm 1837–1866; nhật ký và bài viết của Willard Richards, năm 1821–1854, Thư Viện Lịch Sử của Giáo Hội, Salt Lake City.)

  2. Đài Kỷ Niệm This Is the Place (Chính Là Nơi Này Đây) nằm ở phía đông Salt Lake City, Utah, tại cửa Hẻm Núi Emigration tưởng niệm 100 năm ngày Các Thánh Hữu đến Thung Lũng Salt Lake vào ngày 24 tháng Bảy năm 1847. Đài kỷ niệm này có các bức tượng của Brigham Young, Heber C. Kimball và Wilford Woodruff.

  3. Khoảng 8.000 đến 10.000 Thánh Hữu Ngày Sau đã chạy trốn khỏi Missouri vào đầu năm 1839 để thoát khỏi những hành động bạo lực của các đội viên dân phòng và đám đông. Dưới sự hướng dẫn của Brigham Young và Heber C. Kimball, một ủy ban đã được thành lập để thu góp hàng hóa, đánh giá nhu cầu và thiết lập các tuyến đường cho chuyến hành trình gian nan dài 200 dặm (320 kilômét) vào mùa đông đến Illinois. Các cư dân đầy lòng trắc ẩn của thị trấn Quincy đã cung cấp nơi trú ẩn tạm thời cho Các Thánh Hữu đang khổ sở với chỗ ở và thực phẩm. (Xin xem Saints: The Story of the Church of Jesus Christ in the Latter Days, tập 1, The Standard of Truth, 1815–1846 [năm 2018], trang 375–377; William G. Hartley, “The Saints’ Forced Exodus from Missouri,” trong Richard Neitzel Holzapfel và Kent P. Jackson, các biên tập viên, Joseph Smith: The Prophet and Seer [năm 2010], trang 347–389.)

  4. Trong Orson F. Whitney, Life of Heber C. Kimball: An Apostle, the Father and Founder of the British Mission (năm 1945), trang 449; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  5. Trong Orson F. Whitney, Life of Heber C. Kimball, trang 450.

  6. Xin xem Môi Se 1:39; xin xem thêm “Công Việc Cứu Rỗi và Tôn Cao,” phần 1.2 trong Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, ChurchofJesusChrist.org. Chúng ta đến cùng Đấng Ky Tô và phụ giúp công việc của Thượng Đế bằng cách sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, chăm sóc người hoạn nạn, mời gọi tất cả mọi người tiếp nhận phúc âm, và hợp nhất các gia đình cho thời vĩnh cửu. Xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 110, mô tả các chìa khóa được ban cho vì công việc cứu rỗi.

  7. Xin xem thêm 1 Cô Rinh Tô 15:40–41.

  8. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 45:27.

  9. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 45:29.

  10. An Ma là con trai của tiên tri An Ma. Ông là vị trưởng phán quan của quốc gia, thầy tư tế thượng phẩm và vị tiên tri. Ông đã trải qua một sự cải đạo kỳ diệu khi còn là thanh niên.

  11. An Ma 36:3.

  12. Joseph Fielding Smith, “The First Presidency and the Council of the Twelve,” Improvement Era, tháng Mười Một năm 1966, trang 979.

  13. Xin xem Gióp 38:7.

  14. Xin xem An Ma 39:9. An Ma dạy cho Cô Ri An Tôn: “Chớ đi theo [sự thèm khát] của mắt mình nữa.”

  15. All-Party Parliamentary Group, các phiên họp của quốc hội, , thứ Ba ngày 5 tháng Bảy năm 2022, “Preventing Violence and Promoting Freedom of Belief.”

  16. Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” ChurchofJesusChrist.org; xin xem thêm Patrick Kearon, “Ngài Sống Dậy với Sự Chữa Lành trong Đôi Cánh của Ngài: Chúng Ta Có Thể Thắng Hơn Bội Phần,” Liahona, tháng Năm năm 2022, trang 37–39.

  17. Xin xem Russell M. Nelson, “Điều Gì Là Đúng Thật?,” Liahona, tháng Mười Một năm 2022, trang 29.

  18. Xin xem 2 Phi E Rơ 1:5–10.

  19. Xin xem An Ma 39:9.

  20. Russell M. Nelson, “Chúng Ta Có Thể Làm Tốt Hơn và Trở Nên Tốt Hơn,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 67, 68.

  21. Xin xem An Ma 39:15.

  22. Xin xem An Ma 42:16.

  23. Xin xem 2 Nê Phi 25:23.

  24. Russell M. Nelson, Facebook, ngày 1 tháng Tám năm 2022, facebook.com/russell.m.nelson; Twitter, ngày 1 tháng Tám năm 2022, twitter.com/nelsonrussellm; Instagram, ngày 1 tháng Tám năm 2022, instagram.com/russellmnelson; xin xem thêm “Những Lựa Chọn cho Thời Vĩnh Cửu” (buổi họp đặc biệt devotional toàn cầu dành cho các thành niên trẻ tuổi, ngày 15 tháng Năm năm 2022), broadcasts.ChurchofJesusChrist.org.