2022
Nhờ Ngài, Chúng Ta Có Thể Làm Những Việc Khó Khăn
Tháng Mười Một năm 2022


10:53

Nhờ Ngài, Chúng Ta Có Thể Làm Những Việc Khó Khăn

Chúng ta tăng trưởng trong vai trò môn đồ của mình khi chúng ta thực hành đức tin nơi Chúa trong những lúc khó khăn.

Trong giáo vụ trần thế của Đấng Cứu Rỗi, Ngài đã để ý đến một người mù. Các môn đồ của Chúa Giê Su hỏi: “Thưa thầy ai đã phạm tội, người hay là cha mẹ người, mà người sanh ra thì mù như vậy?”

Câu trả lời chắc chắn, đầy yêu thương và chân thành của Đấng Cứu Rỗi trấn an chúng ta rằng Ngài quan tâm đến những nỗi vất vả của chúng ta: “Đó chẳng phải tại người hay tại cha mẹ đã phạm tội; nhưng ấy để cho những việc Đức Chúa Trời được tỏ ra trong người.””1

Mặc dù một số thử thách có thể xảy đến vì sự cố ý không vâng lời, nhưng chúng ta biết rằng nhiều thử thách của cuộc sống xảy đến vì những lý do khác. Bất kể nguồn gốc của những thử thách của chúng ta là gì đi nữa, thì chúng cũng có thể là cơ hội quý báu để phát triển.

Gia đình chúng tôi đã không được miễn khỏi những nghịch cảnh của cuộc sống. Khi lớn lên, tôi ngưỡng mộ các gia đình đông con. Những gia đình như vậy luôn cuốn hút tôi, nhất là khi tôi tìm thấy Giáo Hội ở tuổi niên thiếu qua người cậu của tôi là Sarfo, và vợ của ông ở Takoradi, Ghana.

Khi Hannah và tôi kết hôn, chúng tôi mong muốn được làm tròn các phước lành tộc trưởng của mình, mà nêu rõ rằng chúng tôi sẽ được ban phước với nhiều con cái. Tuy nhiên, trước khi đứa con trai thứ ba của chúng tôi ra đời, các bác sĩ đã cho biết rõ là Hannah sẽ không thể có con nữa. Thật biết ơn, mặc dù Kenneth được sinh ra trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng của hai mẹ con, thằng bé đã ra đời an toàn và mẹ nó đã bình phục. Thằng bé đã có thể bắt đầu hoàn toàn hòa nhập vào cuộc sống gia đình của chúng tôi.—kể cả việc tham dự nhà thờ, cầu nguyện chung với gia đình hằng ngày, học thánh thư, buổi họp tối gia đình, và các sinh hoạt giải trí lành mạnh.

Mặc dù chúng tôi phải điều chỉnh những kỳ vọng của mình về một gia đình đông con, nhưng đó cũng là một niềm vui để thực hành những lời giảng dạy từ “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới” với ba đứa con yêu dấu của chúng tôi. Việc tuân theo những lời giảng dạy đó đã thêm nhiều ý nghĩa cho đức tin đang ngày càng gia tăng của tôi.

Như bản tuyên ngôn viết: “Hôn nhân giữa người nam và người nữ là thiết yếu cho kế hoạch vĩnh cửu của Ngài. Con cái phải được sinh ra trong vòng ràng buộc hôn nhân và được nuôi nấng bởi một người cha và một người mẹ biết tôn trọng những lời thệ ước hôn nhân với lòng chung thủy trọn vẹn.”2 Khi thực hành các nguyên tắc này, chúng tôi đã được ban phước.

Tuy nhiên, vào một dịp cuối tuần trong thời gian phục vụ với tư cách là chủ tịch giáo khu, chúng tôi dường như đã trải qua thử thách tồi tệ nhất mà người làm cha mẹ có thể gặp phải. Gia đình chúng tôi trở về sau một sinh hoạt của Giáo Hội và quây quần để ăn trưa. Rồi ba đứa con trai của chúng tôi đã đi ra khu vực được rào kín để chơi.

Vợ tôi cảm thấy nhiều ấn tượng lặp đi lặp lại rằng có điều gì đó không ổn. Cô ấy yêu cầu tôi kiểm tra các con trong khi chúng tôi rửa chén. Tôi cảm thấy rằng chúng được an toàn vì chúng tôi có thể nghe được tiếng cười nói sôi nổi của chúng trong lúc chơi đùa.

Cuối cùng, khi cả hai chúng tôi đi kiểm tra các con trai của mình, đầy hốt hoảng, chúng tôi thấy thằng bé Kenneth 18 tháng tuổi bất lực trong một xô nước mà các anh trai của nó không nhìn thấy. Chúng tôi vội vàng đưa thằng bé đến bệnh viện, nhưng mọi nỗ lực để cứu sống nó đều vô ích.

Chúng tôi rất đau khổ vì sẽ không có cơ hội để nuôi dạy đứa con quý báu của mình trong cuộc sống trần thế này. Mặc dù chúng tôi biết Kenneth sẽ sẽ mãi mãi là một phần của gia đình của chúng tôi, nhưng tôi tự hỏi tại sao Thượng Đế để cho thảm kịch này xảy đến khi tôi đang cố gắng hết khả năng để làm vinh hiển chức vụ kêu gọi của mình. Tôi vừa trở về nhà sau khi làm tròn một trong các bổn phận của mình trong việc phục sự Các Thánh Hữu. Tại sao Thượng Đế không thể nhìn vào sự phục vụ của tôi và cứu con trai và gia đình chúng tôi khỏi thảm kịch này? Càng nghĩ về điều đó thì tôi càng đau xót hơn.

Vợ tôi chưa từng đổ lỗi cho tôi vì đã không làm theo những thúc giục của cô ấy, nhưng tôi đã học được một bài học làm thay đổi cuộc sống và đặt ra hai quy tắc mà sẽ không bao giờ vi phạm:

Quy tắc 1: Lắng nghe và lưu tâm đến những thúc giục của vợ mình.

Quy Tắc 2: Nếu anh chị em không chắc chắn vì bất cứ lý do nào, thì hãy xem lại quy tắc số 1.

Mặc dù kinh nghiệm đó thật xót xa và chúng tôi vẫn còn đau buồn nhưng gánh nặng quá lớn của chúng tôi cuối cùng đã được giảm bớt.3 Vợ chồng tôi đã học được những bài học cụ thể từ sự mất mát đó. Chúng tôi tiến đến việc cảm thấy được hiệp nhất và ràng buộc bởi các giao ước đền thờ của mình; chúng tôi biết Kenneth thuộc về chúng tôi trong thế giới mai sau vì nó được sinh ra trong giao ước. Chúng tôi cũng đạt được kinh nghiệm cần thiết để phục sự những người khác và thông cảm với nỗi đau của họ. Tôi làm chứng rằng nỗi đau xót của chúng tôi đã tan biến khi chúng tôi thực hành đức tin nơi Chúa. Sự thiếu vắng Kenneth trong gia đình chúng tôi vẫn còn đó, nhưng chúng tôi đã học được với Sứ đồ Phao Lô rằng chúng tôi “làm được mọi sự nhờ Đấng [củng cố chúng tôi]” nếu chúng tôi tập trung vào Ngài.4

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy: “Khi điểm tập trung trong cuộc sống của chúng ta là vào kế hoạch cứu rỗi của Thượng Đế … và Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài, thì chúng ta có thể cảm thấy niềm vui bất kể điều gì đang xảy ra—hoặc không xảy ra—trong cuộc sống của mình.” Ông nói thêm: “Niềm vui đến từ Ngài và vì Ngài.”5

Chúng ta có thể vui vẻ và được tràn đầy bình an trong những lúc khó khăn. Tình yêu thương mà chúng ta cảm nhận được nhờ vào Đấng Cứu Rỗi và Sự Chuộc Tội của Ngài trở thành một nguồn sức mạnh cho chúng ta trong những giây phút thử thách của mình. “Tất cả những gì bất công [và khó khăn] trong cuộc sống đều có thể được làm cho đúng nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.”6 Ngài đã phán truyền: “Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi.”7 Ngài có thể giúp chúng ta chịu đựng bất cứ nỗi đau đớn, bệnh tật, và thử thách nào chúng ta gặp phải trên trần thế.

Chúng ta tìm thấy nhiều câu chuyện trong thánh thư về các vị lãnh đạo tài ba và cao quý, chẳng hạn như Giê Rê Mi, Gióp, Joseph Smith, và Nê Phi, là những người đã không được miễn khỏi những khó khăn và thử thách của cuộc sống trần thế. Họ là những người trần thế đã học cách vâng lời Chúa ngay cả trong những điều kiện khắc nghiệt.8

Trong những ngày khủng khiếp ở Ngục Thất Liberty, Joseph Smith đã thốt lên: “Hỡi Thượng Đế, Ngài ở đâu? Và đâu là lều bao phủ chốn ẩn náu của Ngài?”9 Chúa đã dạy Joseph biết “kiên trì chịu đựng”10 và hứa rằng nếu ông làm như vậy, tất cả những điều này sẽ mang đến cho ông kinh nghiệm và sẽ có ích cho ông.11

Khi suy ngẫm về những kinh nghiệm riêng của mình, tôi nhận thấy rằng mình đã học được một số bài học bổ ích nhất trong những thời điểm khó khăn nhất trong cuộc sống, những thời điểm đưa tôi ra khỏi vùng an toàn của mình. Những khó khăn tôi gặp phải khi còn trẻ, khi tìm hiểu về Giáo Hội qua lớp giáo lý, khi là một người mới cải đạo, và là một người truyền giáo toàn thời gian và những thử thách mà tôi gặp phải trong học vấn của mình, trong việc cố gắng làm vinh hiển những sự kêu gọi, và trong việc nuôi dạy một gia đình đã giúp tôi chuẩn bị cho tương lai. Tôi càng vui vẻ đáp ứng với những hoàn cảnh khó khăn bằng đức tin nơi Chúa, thì tôi càng phát triển trong vai trò môn đồ của mình.

Không có gì ngạc nhiên với những điều khó khăn xảy đến trong cuộc sống của chúng ta khi bước vào con đường chật và hẹp.12 Chúa Giê Su Ky Tô đã học “vâng lời bởi những sự khốn khổ mình đã chịu.”13 Khi noi theo Ngài, nhất là trong những lúc khó khăn của mình, chúng ta có thể tiến triển để trở nên giống như Ngài hơn.

Một trong những giao ước mà chúng ta lập với Chúa trong đền thờ là sống theo luật hy sinh. Sự hy sinh luôn luôn là một phần phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Đó là một lời nhắc nhở về sự hy sinh chuộc tội vĩ đại của Chúa Giê Su Ky Tô cho tất cả những người đã sống hoặc sẽ sống trên thế gian.

Những người truyền giáo của Anh Cả Morrison

Tôi biết rằng Chúa luôn bù đắp cho những ước muốn ngay chính của chúng ta. Anh chị em có nhớ về việc nhiều con cái mà tôi đã được hứa trong phước lành tộc trưởng không? Phước lành đó đang được làm tròn. Vợ chồng tôi đã phục vụ với vài trăm người truyền giáo, từ hơn 25 quốc gia, trong Phái Bộ Truyền Giáo Ghana Cape Coast. Chúng tôi yêu quý họ như thể họ thật sự là con cái của chúng tôi.

Tôi làm chứng rằng chúng ta tăng trưởng trong vai trò môn đồ của mình khi chúng ta thực hành đức tin nơi Chúa trong những lúc khó khăn. Khi chúng ta làm như vậy, Ngài sẽ thương xót củng cố chúng ta và giúp chúng ta mang lấy gánh nặng của mình. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.