Liahona
Một Câu Chuyện Thành Công trong Công Việc Truyền Giáo: Thành Quả Sau 60 Năm
Tháng Bảy năm 2024


“Một Câu Chuyện Thành Công trong Công Việc Truyền Giáo: Thành Quả Sau 60 Năm,” Liahona, tháng Bảy năm 2024.

Một Câu Chuyện Thành Công trong Công Việc Truyền Giáo: Thành Quả Sau 60 Năm

Thật là một kinh nghiệm vui mừng đối với tôi khi biết rằng một hạt giống phúc âm được trồng cách đây nhiều năm nay đã kết trái.

Hình Ảnh
hạt giống dưới đất và một cái cây đang đâm hoa kết trái

Tranh do Carolyn Vibbert minh họa

Tôi mãi yêu thích Giáo Lý và Giao Ước 18:10: “Dưới mắt của Thượng Đế thì giá trị của con người rất lớn lao.” Và đôi khi việc mang một ai đó về cho Đấng Cứu Rỗi đòi hỏi nhiều người trong chúng ta cùng hiệp sức chia sẻ những chứng ngôn của mình (xin xem 2 Cô Rinh Tô 13:1).

Tôi đã được nhắc nhở về khái niệm tuyệt vời này của công việc hiệp sức truyền giáo khi tôi nhận được một email vào một ngày nọ. Một anh tín hữu giới thiệu mình là con trai của chủ tịch phái bộ truyền giáo ở Wichita, Kansas, đã thắc mắc liệu tôi có phải là vợ của Robert Monson không. Anh tín hữu này nói tiếp rằng mình đang tìm Anh Cả Monson, là người đã phục vụ ở Phái Bộ Truyền Giáo Central States vào năm 1959. Anh Cả Monson là chồng của tôi.

Anh tín hữu này kể cho tôi nghe về hai anh cả trẻ tuổi mới vừa được soi dẫn để vào một tòa nhà chung cư. Họ gõ cánh cửa đầu tiên và gặp một cụ bà, bà ấy đã mời họ quay lại vào ngày hôm sau. Họ đã đặt lịch hẹn.

Khi họ quay trở lại vào ngày hôm sau, họ phát hiện rằng cụ bà này có một bộ ba quyển thánh thư tổng hợp (Sách Mặc Môn, Giáo Lý và Giao Ước, và Trân Châu Vô Giá) mà những người truyền giáo đã tặng cho bà vào năm 1959. Bà đã đọc ba quyển thánh thư đó nhiều lần và biết những lời giảng dạy trong sách đó là chân chính. Lúc bấy giờ, bà đã không gia nhập Giáo Hội vì chồng bà không muốn bà tham dự nhà thờ hoặc chịu phép báp têm. Chồng của bà mới vừa qua đời, và bà đã cầu nguyện để có thể tìm gặp lại những người truyền giáo. Trong bộ ba quyển thánh thư tổng hợp của bà có viết tên của hai người truyền giáo từ năm 1959: Robert Monson và Granade Curran, là chồng tôi và người bạn đồng hành của anh ấy.

Trong vài tuần tiếp theo, cụ bà này đã được dạy về kế hoạch cứu rỗi và các phước lành của đền thờ. Con trai bà ấy đã qua đời ở tuổi 22, và bà rất vui mừng khi biết mình có thể có cơ hội được gặp lại con của mình. Khi những người truyền giáo mời bà chịu phép báp têm, bà đã vui vẻ chấp nhận lời mời của họ.

Cả chồng tôi và người bạn đồng hành của anh ấy, Anh Cả Curran, đều đã qua đời, nhưng tôi có thể hình dung ra hình ảnh họ tham dự lễ báp têm tuyệt vời này từ phía bên kia bức màn che.

Khi con trai của chủ tịch phái bộ truyền giáo kể cho tôi nghe câu chuyện này, tôi được nhắc nhở rằng Đấng Cứu Rỗi không quên bất kỳ ai trong chúng ta. Ngài luôn ở bên chúng ta nếu chúng ta cho phép Ngài ngự trị trong cuộc sống của mình. Kinh Tân Ước kể câu chuyện về Xa Chê, là người đã trèo lên một cây sung để nhìn thấy Đấng Cứu Rỗi (xin xem Lu Ca 19:1–10). Ngay cả khi ở trên cây, Xa Chê vẫn được Đấng Cứu Rỗi tìm thấy, là Đấng đã xin dùng bữa tại nhà ông. Tương tự như vậy, một tín hữu cao tuổi đã cầu nguyện và đợi những người truyền giáo đến gõ cửa nhà mình, và họ đã đến. Đấng Cứu Rỗi biết tất cả chúng ta. “Bởi Con [của] người đã đến tìm và cứu kẻ bị mất.” (Lu Ca 19:10).

Hai cặp người truyền giáo—một cặp cách đây hơn 60 năm và một cặp gần đây—đã đưa người phụ nữ này đến với Chúa Giê Su Ky Tô, đồng thời củng cố chứng ngôn của họ và tìm thấy niềm vui trong Chúa. Tôi cảm thấy khiêm nhường khi là người ngoài cuộc trong câu chuyện này, cảm nhận được niềm vui của tất cả những người đã tham gia vào nỗ lực đưa người phụ nữ này đến với Đấng Cứu Rỗi (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 18:15).

Tác giả hiện đang sống ở Utah, Hoa Kỳ.

In