“Làm Thế Nào Tôi Có Thể Tin Cậy Cha Thiên Thượng Khi Tôi Cảm Thấy Đơn Độc?,” Liahona, tháng Bảy năm 2024.
Các Thành Niên Trẻ Tuổi
Làm Thế Nào Tôi Có Thể Tin Cậy Cha Thiên Thượng Khi Tôi Cảm Thấy Đơn Độc?
Tôi đã cố gắng phát triển đức tin nhưng vẫn phải đối mặt với rất nhiều thử thách. Làm thế nào tôi có thể tiếp tục tin cậy nơi Chúa?
Khi tôi chín tuổi, các anh chị em họ của tôi đã giới thiệu tôi với những người truyền giáo. Tôi gia nhập Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, nhưng lại là một trong số ít thành viên trong gia đình trực hệ của tôi làm như vậy. Kể từ đó, tôi ngày càng học cách yêu mến phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô nhiều hơn. Tuy nhiên, trong một khoảng thời gian, việc tin cậy nơi Cha Thiên Thượng và các lẽ thật của Ngài trở nên vô cùng khó khăn đối với tôi, tôi thực sự gặp khó khăn trong việc tiếp tục tiến bước với đức tin.
Việc sống khác thế gian với tư cách là một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô có thể khó khăn ở bất cứ nơi đâu, nhưng việc lớn lên tại Hồng Kông với tư cách là một tín hữu Giáo Hội gặp nhiều khó khăn hơn nhiều so với tưởng tượng.
Đầu tiên, nhiều người trong khu vực này không thích Giáo Hội và nghĩ rằng Giáo Hội có liên quan đến những điều xấu. Một từ tiếng Trung Quốc được sử dụng trước đây cho từ “Mặc Môn,” để chỉ Giáo Hội, có chứa một âm sắc mà trong tiếng Trung Quốc mang nghĩa là “ma quỷ.” Đối với một số người, điều này tạo nên một sự hiểu lầm không đáng có về các giá trị của Giáo Hội.
Hơn nữa, vì đã có quá nhiều tôn giáo truyền thống khác được thiết lập và số lượng tín hữu của Giáo Hội tại Hồng Kông còn hạn chế, nên rất dễ để cảm thấy cô đơn hoặc bị cô lập. Nhiều người nghi ngờ Giáo Hội, không hoàn toàn hiểu những lời giảng dạy của Giáo Hội và không sẵn lòng lắng nghe điều các tín hữu muốn chia sẻ.
Tôi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ những rào cản này khi tôi còn là một thiếu niên, nhưng thông qua những kinh nghiệm đó, tôi đã học được rất nhiều về ý nghĩa của việc tin cậy Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.
Việc Sống Theo Phúc Âm Có Đáng Bõ Công Không?
Ở trường trung học, cha mẹ tôi là bạn với một trong các giáo viên của tôi. Người giáo viên này là một Ky Tô hữu đang tham gia một giáo phái khác. Vào thời điểm đó, tôi là tín hữu duy nhất của Giáo Hội trong lớp, và nhiều bạn học cùng lớp cũng như giáo viên đưa ra một vài suy đoán cá nhân về Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô và các tín hữu của Giáo Hội.
Riêng người giáo viên này đã có nhiều quan điểm tiêu cực rất mạnh mẽ về đức tin của tôi, khiến cho mọi việc trở nên phức tạp vì cô ấy là một người bạn của gia đình tôi.
Một là, tôi thường xuyên buồn ngủ trong lớp học của cô ấy vì tôi phải dậy sớm để tham dự lớp giáo lý sáng sớm, điều đó làm cho cô ấy lo lắng rằng tôi sẽ bị tụt lại phía sau trong việc học tập của mình. Cô ấy cũng đặt tôi vào tình thế khó xử và thử thách tôi với vô vàn câu hỏi giáo lý phức tạp mà tôi không biết cách trả lời. Cô ấy thậm chí còn giao các tài liệu chống Giáo Hội cho tôi đọc như là một dạng bài tập về nhà! Cô ấy đã cố gắng hết sức để thuyết phục tôi từ bỏ đức tin của mình.
Đó là một khoảng thời gian đầy thử thách đối với đức tin của tôi. Tại sao khi tôi đang cố gắng ở gần Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, thì việc giữ sự trung tín lại gây ra nhiều thử thách và khó khăn trong cuộc sống của tôi đến vậy? Chẳng phải lẽ ra tôi phải được ban phước vì đã tuân giữ các lệnh truyền và hy sinh giấc ngủ để tham dự lớp giáo lý hay sao?
Thay vào đó, điểm số của tôi sa sút, đức tin của tôi suy yếu, và mối quan hệ giữa tôi với giáo viên, gia đình, và Cha Thiên Thượng đều đang lâm nguy.
Suốt một thời gian dài, tôi bắt đầu tự hỏi liệu việc sống theo phúc âm có đáng bõ công không. Tôi bắt đầu bỏ lớp giáo lý và chẳng mấy chốc tôi cảm thấy đức tin của mình suy yếu dần. Có vẻ dễ dàng hơn khi nhượng bộ những gì thế giới xung quanh đang gây áp lực cho tôi phải làm.
Chọn để Tin Cậy
Tôi tiếp tục cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng để được hướng dẫn và hiểu biết. Bất chấp sự bối rối và thất vọng sâu sắc mà tôi cảm thấy về hoàn cảnh của mình, một điều gì đó trong lòng tôi vẫn tiếp tục giữ vững niềm tin. Tôi nói chuyện với những người bạn trung tín và tâm sự với bạn bè trong nhà thờ về điều tôi đang trải qua, và tôi được khuyến khích nói chuyện với giảng viên lớp giáo lý về những khó khăn của mình.
Cô ấy đáp lại với lòng trắc ẩn và khuyến khích tôi tiếp tục tham gia lớp giáo lý sáng sớm với một tấm lòng ngập tràn hy vọng. Cô ấy hứa với tôi rằng tôi sẽ thấy các phước lành đổ xuống nếu tôi tiếp tục giữ vững đức tin và tin cậy rằng Chúa đã chuẩn bị nhiều điều cho tôi và sẽ biến những thử thách của tôi trở thành phước lành (xin xem 2 Nê Phi 2:1–2).
Do vậy, bất chấp những thử thách đang gặp phải, tôi vẫn chọn để tin cậy.
Bẵng đi một thời gian, tôi cảm thấy tâm thái của mình thay đổi. Thay vì tập trung vào những khó khăn mà tôi đang phải đối mặt, tôi tập trung vào lòng biết ơn đối với phúc âm. Tôi bắt đầu tập trung vào phước lành của gia đình, danh tính thiêng liêng của tôi, cũng như các lẽ thật vĩnh cửu của phúc âm. Và cuối cùng, tôi nhận ra rằng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô biết rõ hoàn cảnh của tôi và luôn đứng bên cạnh tôi trong những giây phút mà tôi cảm thấy đơn độc.
Điều này đã thay đổi tất cả mọi thứ.
Khi tôi tiếp tục tin cậy hai Ngài, cùng tuân giữ các giáo lệnh, hối cải hằng ngày, và làm những việc nhỏ nhặt mỗi ngày để kết nối với hai Ngài, tôi cảm thấy nền tảng đức tin của mình được gia tăng và củng cố.
Chủ Tịch Russell M. Nelson gần đây đã chia sẻ: “Hãy chịu trách nhiệm đối với chứng ngôn của chính anh chị em về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài. Hãy nỗ lực cho chứng ngôn đó. Hãy nuôi dưỡng chứng ngôn đó để nó sẽ phát triển. Hãy áp dụng chứng ngôn đó bằng lẽ thật. Đừng làm suy yếu chứng ngôn đó bằng những triết lý sai lầm của những người nam và người nữ không tin. Khi anh chị em đặt ưu tiên cao nhất cho việc tiếp tục củng cố chứng ngôn của mình về Chúa Giê Su Ky Tô, hãy chờ xem những phép lạ xảy đến trong cuộc sống của mình.”
Và khi tôi làm như vậy, một phép lạ đã xảy ra.
Tin Cậy Nơi Chúa Có Nghĩa Là Gì
Sau một thời gian né tránh mọi cuộc trò chuyện về đức tin với giáo viên của tôi, một ngày nọ khi cô ấy tìm đến tôi và đặt câu hỏi, tôi cảm thấy bản thân đã sẵn sàng để trả lời những câu hỏi đó với đức tin đã được làm mới của mình. Tôi lễ phép hỏi liệu cô ấy đã từng đến dự một buổi lễ của giáo hội hoặc là đã đọc bất kỳ phần nào trong Sách Mặc Môn hay chưa. Khi cô ấy trả lời là không, tôi cảm thấy được soi dẫn để chia sẻ chứng ngôn của mình về các lẽ thật đơn giản.
Tôi nói với cô ấy rằng cô ấy không bao giờ có thể biết được một điều gì đó có thật hay không nếu như cô ấy không tự mình trải qua điều đó hoặc tìm kiếm câu trả lời. Tôi giải thích rằng tôi biết phúc âm là chân chính vì tôi đã nỗ lực để nhận được những câu trả lời đó và đã cảm nhận trong lòng mình rằng những điều đó là chân thật. Tôi mời cô ấy làm điều tương tự, và từ đó, mối quan hệ giữa chúng tôi trở nên hòa nhã hơn nhiều.
Thách thức đức tin mà tôi đã phải đối mặt thời niên thiếu thực sự đã chuẩn bị cho tương lai của tôi với tư cách là một môn đồ của Đấng Ky Tô. Tôi đã thấy rất nhiều phước lành và lời hứa được làm trọn khi tôi tiếp tục tin cậy vào Chúa thay vì quan điểm của người khác. Như Nê Phi từng nói, “Hỡi Chúa, con đã tin cậy nơi Ngài, và con sẽ tin cậy Ngài mãi mãi. Con sẽ không bao giờ đặt niềm tin cậy vào cánh tay xác thịt” (2 Nê Phi 4:34).
Khi mọi thứ không diễn ra theo kế hoạch hoặc khi chúng ta phải đối mặt với những khó khăn không lường trước, sẽ rất dễ để cảm thấy như Cha Thiên Thượng đã dẫn dắt chúng ta đến sai lầm, bỏ rơi chúng ta, hoặc đơn giản là không quan tâm đến chúng ta.
Nhưng điều đó không đúng.
Trên thực tế, trong những thời điểm khó khăn và đau khổ đó, tôi luôn được nhắc nhở về ý nghĩa của việc đặt trọn lòng tin cậy nơi Chúa. Tôi phải để cho vai trò môn đồ và đức tin của tôi trở nên có ý nghĩa và mang tính thay đổi cuộc sống thay vì máy móc và lặp lại. Chủ Tịch Nelson cũng đã dạy: “Đức tin phát triển mạnh mẽ của anh chị em sẽ giúp anh chị em biến thử thách thành cơ hội và sự tăng trưởng vô song.”
Tôi có thể thấy việc lựa chọn đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô đã ban phước cho tôi theo nhiều cách mà tôi chưa từng dám nghĩ đến. Điều này không có nghĩa là tôi luôn né tránh được nỗi đau buồn, khó khăn, hoặc sự hoang mang, nhưng nó có nghĩa là tôi biết phải tìm đến nơi nào để có được sự bình an và ổn định.
Chủ Tịch Nelson trìu mến nhắc nhở chúng ta rằng: “Xin hãy biết điều này: nếu tất cả mọi thứ và mọi người khác trên thế giới mà anh chị em tin cậy đều không chắc chắn, thì Chúa Giê Su Ky Tô và Giáo Hội của Ngài sẽ không bao giờ làm anh chị em thất vọng.”
Bất kể anh chị em đang phải đối mặt với điều gì trong cuộc sống, cho dù đó là những kỳ vọng không được đáp ứng, áp lực từ lời lẽ của thế gian, vấn đề gia đình, khó khăn về sức khỏe tâm thần, bất ổn tài chính, nỗi đau lòng, sự bất công, hoặc bất kỳ thử thách nào khác, tôi mời anh chị em tiếp tục đặt lòng tin cậy nơi Chúa. Ngài biết rõ hoàn cảnh của anh chị em. Ngài biết anh chị em. Ngài có sẵn các phước lành tuyệt vời dành cho anh chị em. Ngay cả trong những giây phút mà anh chị em không muốn tin cậy Ngài, xin hãy vẫn chọn để làm như vậy. Lời hứa của Ngài chắc chắn được làm trọn. Ngài sẽ dẫn dắt anh chị em đến niềm vui, hy vọng, và phép lạ theo đúng kỳ định.
Ngài dẫn dắt tôi như vậy khi tôi tiếp tục tin cậy nơi Ngài.