Liahona
Đừng Bỏ Lỡ Cơ Hội Phục Vụ Truyền Giáo Cao Niên
Tháng Bảy năm 2024


“Đừng Bỏ Lỡ Cơ Hội Phục Vụ Truyền Giáo Cao Niên,” Liahona, tháng Bảy năm 2024.

Tuổi Già Trung Tín

Đừng Bỏ Lỡ Cơ Hội Phục Vụ Truyền Giáo Cao Niên

Các giao ước của chúng ta mời gọi chúng ta phục vụ lẫn nhau, làm nhân chứng cho Thượng Đế và an ủi những người cần được an ủi. Việc phục vụ với tư cách là một người truyền giáo cao niên là một cách để đáp lại những lời mời này, ban phước cho cuộc sống của chúng ta và những người chúng ta phục vụ.

Hình Ảnh
cặp vợ chồng cao niên vội vã lên máy bay

Hiện có 34.000 người truyền giáo cao niên đang phục vụ toàn thời gian hoặc trong các công việc truyền giáo phục vụ là những người, mà giống như những người truyền giáo trẻ tuổi cùng phục vụ với họ, đang tìm thấy niềm vui lớn lao trong cuộc hành trình truyền giáo. Những người độc thân và các cặp vợ chồng có thể phục vụ với tư cách là những người truyền giáo cao niên trong nhiều sự chỉ định phục vụ khác nhau.

Và hiện nay nhu cầu đang rất lớn. Trong đại hội trung ương tháng Mười năm 2023, Anh Cả Ronald A. Rasband thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã khuyến khích các tín hữu lớn tuổi nên cân nhắc phục vụ truyền giáo cao niên. Ông hỏi: “‘Các anh chị đang làm gì trong giai đoạn này của cuộc đời mình?’ Có rất nhiều cách mà những người truyền giáo cao niên làm được điều mà không ai khác có thể làm được. Các anh chị là một lực lượng phi thường để làm điều tốt lành, có nhiều năm kinh nghiệm trong Giáo Hội, và sẵn sàng khích lệ và giải cứu con cái của Thượng Đế.”

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã giải thích cách những người truyền giáo cao niên được kêu gọi như sau: “Cơ hội cho những người truyền giáo cao niên rất khác nhau và to lớn. Sự kêu gọi phục vụ của họ được chính thức đưa ra sau quá trình cầu nguyện và xem xét thành tâm các yếu tố như nghề nghiệp trước đây, kinh nghiệm ngôn ngữ và khả năng cá nhân của họ. Trong số tất cả các điều kiện để được đi phục vụ, một ước muốn để phục vụ có thể là điều kiện quan trọng nhất.” Ông cũng mô tả những đóng góp của những người truyền giáo cao niên là “không thể thay thế được.”

Một người truyền giáo cao niên bày tỏ: “Một số người truyền giáo cao niên đang làm việc trong văn phòng phái bộ truyền giáo hoặc với BYU–Pathway hoặc các sáng kiến nhân đạo có cơ cấu được xác định rõ ràng”. “Bản thân chúng tôi đã phục vụ một vài công việc truyền giáo như vậy. Do đó, chúng tôi cảm thấy hơi không chắc chắn khi được kêu gọi tham gia phục vụ công việc MLS (hỗ trợ tín hữu và lãnh đạo). Nhưng sau khi bắt đầu, chúng tôi thực sự yêu thích sự linh hoạt và sáng tạo mà công việc truyền giáo này mang lại cho chúng tôi khi đến thăm các tín hữu cũng như củng cố các chi nhánh địa phương.”

Một chị truyền giáo cao niên đang phục vụ tại một trung tâm thăm viếng chia sẻ: “Khi chồng tôi qua đời, tôi không biết phải làm gì với thời gian của mình nữa. Hiện giờ tôi đã có nhiều việc để làm, nhiều nơi để đi, nhiều người để gặp gỡ. Có nhiều người đang trông cậy nơi tôi.”

Một chị tín hữu đã đúc kết sau khi trở về nhà từ công việc truyền giáo cao niên của mình: “Anh chị em không cần phải lo sợ, ngay cả khi anh chị em không phục vụ truyền giáo khi còn trẻ. Đó là một vai trò mới đối với tất cả mọi người. Chúng ta đều cùng nhau học cách trông cậy nơi Chúa cũng như trông cậy lẫn nhau và thấy rằng ‘chính do những chuyện nhỏ nhặt tầm thường mà những chuyện lớn mới thành được’ [An Ma 37:6].”

Các Phước Lành cho Người Truyền Giáo

Cũng giống như những người truyền giáo cao niên, công việc truyền giáo cao niên rất đa dạng. Có rất nhiều loại hình truyền giáo—mỗi loại đều có những thử thách, niềm vui, và lợi ích cá nhân riêng. Nhưng dù là loại hình truyền giáo cao niên nào đi nữa cũng sẽ có một vài điểm chung như: việc học thánh thư đầy ý nghĩa, cầu nguyện thường xuyên và chân thành, nhiệt thành phục vụ, sự soi dẫn liên tục từ Đức Thánh Linh, và một cơ hội độc đáo để tạo ra một sự khác biệt.

Một người truyền giáo cao niên đã chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ cảm thấy gần Chúa hơn khi phục vụ với tư cách là những người truyền giáo cao niên.” “Tôi biết có một vài yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi, đặc biệt là con cháu ở nhà. Vậy nên tôi giao phó mọi thứ vào tay Chúa. Và Ngài đã ban phước cho gia đình chúng tôi. Chúng tôi chưa bao giờ gần gũi với các cháu của mình như khi gặp gỡ chúng mỗi tuần qua ứng dụng Zoom. Chúng tôi đã nói về những điều mà trước đây chúng không bao giờ quan tâm đến. Mặc dù điều này sẽ không xảy ra với tất cả mọi người, nhưng trong trường hợp của chúng tôi, một người con trai của chúng tôi đã quay trở lại nhà thờ trong thời gian chúng tôi phục vụ, và một người con trai khác đã tái hôn và sau đó được làm lễ gắn bó trong đền thờ.”

Một người truyền giáo cao niên khác cho biết: “Việc học thánh thư cá nhân và theo cặp đồng hành hằng ngày của chúng tôi trở nên có ý nghĩa hơn vì chúng tôi đang tìm cách áp dụng thánh thư, chứ không phải chỉ đơn giản là đọc thánh thư mà thôi. Tôi không đọc chỉ để ‘lấy số lượng,’ như đôi khi đã từng làm trong quá khứ. Khi phục vụ, dường như tôi liên tục nhắc đến một câu thánh thư mà chúng tôi đọc trong ngày hôm đó hoặc trong tuần đó, vậy nên tôi bắt đầu kỳ vọng sẽ sử dụng những câu thánh thư mà gần đây tôi đã đọc mỗi ngày. Tôi trở nên ít thụ động hơn trong việc học thánh thư, với kỳ vọng rằng tôi sẽ đề nhắc đến một câu thánh thư đã đọc được trong ngày hôm đó.”

Một chị truyền giáo cao niên cho biết: “Công việc phục vụ truyền giáo đã thổi một làn gió mới vào cuộc sống của tôi.” “Công việc truyền giáo mang lại cho tôi một mục đích đầy ý nghĩa, một niềm hứng khởi mới trong cuộc sống và một điều gì đó để làm ngoài việc chơi gôn hay trông cháu.”

Một người truyền giáo cao niên khác nói: “Sự phục vụ là một con đường hai chiều.” “Khi chúng tôi suy nghĩ—một cách hơi tự phụ—về những gì chúng tôi đang làm cho người khác và chúng tôi đã không gặt hái được nhiều thành công. Nhưng khi chúng tôi nhận ra bản thân đã học hỏi và phát triển nhiều đến mức nào, không chỉ chúng tôi thay đổi mà người khác cũng dường như quan tâm nhiều hơn đến hành động và lời nói của mình. Chúng tôi đã cho đi nhiều và đã được đền đáp lại nhiều hơn gấp bội.

Các Mối Quan Hệ Vững Mạnh Hơn

Khi các tín hữu phục vụ với tư cách là những người truyền giáo cao niên, họ phát triển những mối quan hệ sâu đậm kéo dài suốt đời. Nhiều người trở nên gắn bó mật thiết với những người mà họ phục vụ. Họ cũng nuôi dưỡng mối quan hệ vững mạnh với những người truyền giáo khác và các vị lãnh đạo địa phương. Một người truyền giáo cao niên cho biết: “Chúng tôi đã thiết lập mối quan hệ bạn bè với những người truyền giáo trẻ tuổi, các cặp vợ chồng khác, và những người mà chúng tôi sẽ không thể nào gặp được nếu chúng tôi không đi truyền giáo.” “Chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau. Tại một thời điểm mà tôi nghĩ rằng mỗi ngày đều sẽ trôi qua giống hệt nhau, việc đi truyền giáo đã mang đến cho chúng tôi một khởi đầu mới và những người bạn mới để cùng đồng hành trên cuộc hành trình này.”

Công việc truyền giáo cao niên cũng có thể giúp các cặp vợ chồng củng cố hôn nhân của họ. Khi người ta về hưu hoặc làm việc ít hơn, các cặp vợ chồng có thể nhận thấy rằng họ cần phải xem xét lại mục đích chung vì họ có thể không còn nuôi dạy con cái trong nhà nữa. Họ cũng có thể đã quen làm việc trong sở trường riêng cùng với lịch trình của riêng mình. Việc già đi hoặc nghỉ hưu có thể thay đổi điều đó. Việc cùng nhau bắt đầu một trải nghiệm mới, cho dù là phục vụ từ nhà hay toàn thời gian trong công việc truyền giáo cao niên, có thể giúp tạo ra một mục đích mới cho một cặp vợ chồng và củng cố sự trông cậy của họ vào nhau.

“Người xưa có nói khi về hưu thì ‘chúng ta chỉ kiếm được một nửa thu nhập nhưng gấp đôi người chồng so với trước đây,’” một chị truyền giáo cao niên đã bông đùa. “Việc phục vụ truyền giáo tại một khu vực xa nhà đã cho phép chúng tôi thảo luận về những thay đổi theo những cách thức mà trước đây chúng tôi chẳng bao giờ làm được. Sau khi chồng tôi nghỉ hưu, chúng tôi đã có chiến tranh lạnh mỗi khi xảy ra mâu thuẫn. Giờ đây, thay vì mỗi người một phương và phớt lờ nhau, chúng tôi không muốn tạo ra một ảnh hưởng tiêu cực đến công việc của Chúa, vì vậy chúng tôi ngồi xuống và thảo luận về những điều khiến bản thân cảm thấy phiền muộn.”

Một người truyền giáo cao niên bày tỏ: “Vợ chồng tôi bắt đầu trò chuyện mỗi đêm về tấm lòng thương xót dịu dàng mà chúng tôi phát triển mỗi ngày trong khi phục vụ truyền giáo.” “Điều đó không những giúp chúng tôi tập trung nhiều hơn vào những gì đã xảy ra và ít tập trung vào bản thân hơn mà còn cho chúng tôi cơ hội nhìn thấy những điều tốt đẹp xung quanh mình ngay cả khi có những thời điểm trong ngày diễn ra không suôn sẻ.”

Vợ ông nói thêm: “Và vì đó là điều cuối cùng chúng tôi đã làm mỗi đêm, nên chúng tôi đi ngủ ít căng thẳng và hài lòng hơn trong suốt những năm qua. Điều đó thậm chí còn giúp tôi ngủ ngon hơn!”

Các Phước Lành cho Những Người mà Họ Phục Vụ

Cuộc sống ngập tràn giây phút thăng trầm—những ngày tốt lành và những ngày tồi tệ. Công việc truyền giáo cũng vậy. Nhưng việc phục vụ Chúa mang đến nhiều phần thưởng thực chất, không chỉ sau khi công việc truyền giáo kết thúc mà còn trong suốt công việc truyền giáo nữa. Giống như lời của người anh họ Mạc Đô Chê đã nói với Ê Xơ Tê: “Song nào ai biết rằng chẳng phải vì cớ cơ hội hiện lúc nầy mà ngươi được vị hoàng hậu sao?” (Ê Xơ Tê 4:14; sự nhấn mạnh được thêm vào). Khi nhìn lại công việc phục vụ truyền giáo của mình, nhiều người truyền giáo cao niên đã cảm thấy rằng họ được chỉ định thực hiện một nhiệm vụ hoặc một khu vực mà họ có đủ điều kiện để đáp ứng một nhu cầu cụ thể.

Tôi đã cảm nhận được điều tốt lành đầy quyền năng mà một cặp vợ chồng truyền giáo cao niên có thể đem lại khi tôi sống tại Louisiana, Hoa Kỳ. Ngay sau khi được kêu gọi phục vụ trong hội đồng thượng phẩm của Giáo Khu New Orleans Louisiana, tôi được chỉ định hỗ trợ Chi Nhánh Port Sulphur. Chỉ có một vài anh em chức tư tế tích cực trong chi nhánh. Hầu hết các chức vụ giảng dạy và lãnh đạo đều là phụ nữ mà chồng của họ không phải là tín hữu. Thỉnh thoảng, những người truyền giáo cao niên hoặc các vị lãnh đạo giáo khu được chỉ định phục vụ một chi nhánh, nhưng họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các gia đình chỉ có một vài người là tín hữu.

Sau đó, một cặp vợ chồng cao niên từ Wyoming, Hoa Kỳ, được chỉ định hỗ trợ chi nhánh này. Họ là những người nông dân trong nhiều năm và đã làm việc trong một nhà máy sản xuất phô mai địa phương gần nhà. Nhờ có xuất thân và kinh nghiệm sống như vậy nên họ dễ dàng kết giao với nhiều người tại khu vực Port Sulphur đang công tác trong ngành dầu mỏ. Cặp vợ chồng cao niên này đã dành rất nhiều thời gian để xây đắp mối quan hệ cũng như phục sự các gia đình chỉ có một vài người là tín hữu trong chi nhánh. Nhờ vào sự phục vụ và tình yêu thương của họ, trong thời gian họ phục vụ tại Port Sulphur, chi nhánh này đã được củng cố và ban phước một cách độc đáo qua sự phục vụ trung tín của họ. Một vài anh em trong các gia đình chỉ có một vài người là tín hữu này đã gia nhập Giáo Hội, giúp củng cố nhóm túc số các anh cả và chi nhánh.

Những người truyền giáo cao niên ban phước cho nhiều cuộc sống—của chính họ cũng như của những người khác’. Đừng bỏ lỡ những cơ hội tuyệt vời để phục vụ và phát triển!

Ghi Chú

  1. Ronald A. Rasband,“Sự Vui Mừng của Các Ngươi Sẽ Lớn Lao Biết Bao,” Liahona, tháng Mười Một năm 2023, trang 53.

  2. Russell M. Nelson, “Senior Missionaries and the Gospel,” Liahona, tháng Mười Một năm 2004, trang 81.

  3. Russell M. Nelson, “Thuyết Giảng Phúc Âm về Sự Bình An,” Liahona, tháng Năm năm 2022, trang 7.

  4. “Niềm vui. Niềm hy vọng. Quyền năng nâng đỡ từ Thượng Đế. Sự bảo vệ khỏi cám dỗ. Sự chữa lành. Tất cả những điều này—và còn nhiều điều nữa (kể cả sự tha thứ tội lỗi)—sẽ nhỏ giọt xuống chúng ta từ thiên thượng khi chúng ta chia sẻ phúc âm.” (Marcus B. Nash, “Các Ngươi Hãy đưa Cao Sự Sáng Của Mình,” Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 72).

In