Liahona
Hai Lẽ Thật Giúp Tôi Hiểu Được Lòng Khiêm Nhường
Tháng Bảy năm 2024


“Hai Lẽ Thật Giúp Tôi Hiểu Được Lòng Khiêm Nhường,” Liahona, tháng Bảy năm 2024.

Các Thành Niên Trẻ Tuổi

Hai Lẽ Thật Giúp Tôi Hiểu Được Lòng Khiêm Nhường

Sự khiêm tốn có thể giúp hóa giải lòng kiêu ngạo và cảm giác không xứng đáng.

Hình Ảnh
các nam thành niên trẻ tuổi trong một lớp học tại nhà thờ

Ảnh các tín hữu tại Paraguay do Leslie Nilsson chụp

Có một sự thật rằng: Tôi là con của Thượng Đế. Và đó là một lẽ thật kỳ diệu và thiêng liêng.

Một sự thật khác cũng quan trọng không kém: Vì tất cả mọi người trên thế gian đều là con cái của Thượng Đế nên họ cũng là những cá thể tuyệt vời và thiêng liêng.

Cả hai lẽ thật này có vẻ khá hiển nhiên, nhưng tôi đã phải mất rất lâu để thực sự tiếp thu và hiểu ý nghĩa của chúng trong cuộc sống của mình. Đôi khi phạm phải bản tính kiêu ngạo khi tiếp cận một vấn đề nào đó, tôi luôn cho rằng cách của mình là đúng hoặc tôi có năng lực hơn người khác. Tuy nhiên, lại có những lúc tôi cảm thấy mình không xứng đáng hoặc kém giá trị hơn những người xung quanh.

Câu trả lời cho cả hai sự tranh đấu này là như nhau:

Lòng khiêm nhường.

Tôi Đã Có Đủ Chưa?

Một kinh nghiệm thực sự khiến tôi khiêm nhường đã xảy ra trong công việc truyền giáo của tôi. Tôi thấy hầu hết những người truyền giáo đều phải vật lộn với cảm giác không xứng đáng khi họ cố gắng đưa mọi người đến với Chúa Giê Su Ky Tô. Trong công việc truyền giáo của mình, tôi đã dành hàng giờ mỗi ngày chỉ để cố gắng tìm được một ai đó để giảng dạy và bị từ chối hết lần này đến lần khác. Tôi không cảm thấy mình thành công. Tôi không cảm thấy rằng những nỗ lực của mình là đủ. Cuối cùng, tôi bắt đầu cảm thấy rằng mình chưa làm đủ.

Mặc dù có vẻ như sự khiêm nhường không phải là điều tôi cần, nhưng khi tôi giải thích cảm nghĩ của mình với chủ tịch phái bộ truyền giáo, ông ấy đã giúp tôi hiểu ra một phần của vấn đề chính là tôi đã nghĩ rằng bản thân mình được miễn trừ khỏi những trở ngại mà tất cả những người truyền giáo trên khắp thế giới đều phải đối mặt. Nhưng tôi không phải là người truyền giáo đầu tiên cảm thấy bị từ chối, và chắc chắn tôi cũng không phải là người cuối cùng.

Bằng một cách nào đó, tôi đã tự thuyết phục bản thân rằng những khó khăn của tôi hoàn toàn là do bản thân gây ra, mặc dù sự thật là một số người truyền giáo giỏi nhất trong lịch sử—như Mười Hai Vị Sứ Đồ nguyên thủy, các con trai của Mô Si A, và An Ma Con—đã phải đối mặt với sự chối bỏ và ngược đãi còn tồi tệ hơn nhiều so với tôi.

Thay vì tự thương hại bản thân, tôi bắt đầu cảm thấy mình đang đứng bên cạnh Chúa Giê Su Ky Tô trong những khó khăn của mình. Và khi tôi cảm thấy xấu hổ về những nỗ lực không hoàn hảo của mình, tôi đã nhớ đến điều mà Chủ Tịch Jeffrey R. Holland, Quyền Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, đã dạy: “Sự Chuộc Tội [của Đấng Ky Tô] sẽ nâng đỡ những người truyền giáo, điều ấy có lẽ còn quan trọng hơn việc nâng đỡ những người tầm đạo. Khi các anh chị em phải vất vả tranh đấu, khi các anh chị em bị chối bỏ, … thì các anh chị em đang sống cuộc sống tốt nhất mà thế gian không hề biết được, một cuộc sống thanh sạch và trọn vẹn duy nhất chưa từng có.”

Tôi vẫn phải nhìn lại kinh nghiệm này mỗi khi tôi nhắc nhở bản thân phải khiêm nhường và tin cậy vào Chúa.

Một Bài Học về Lòng Khiêm Nhường

Tôi đã học được rất nhiều điều về danh tính của mình với tư cách là con cái của Thượng Đế trong khi đang phục vụ truyền giáo. Nhưng sau khi giải nhiệm trở về nhà, tôi nhận ra rằng tôi vẫn còn nhiều điều cần phải học hỏi về tầm quan trọng của việc nhớ rằng những người khác cũng là con cái của Thượng Đế.

Chẳng bao lâu sau khi trở về nhà, tôi đã được giao phó một chức vụ kêu gọi khó khăn và phải phụ trách một sự kiện quan trọng. Tôi cảm thấy choáng ngợp và không thể liên lạc được với những người đáng lẽ ra phải giúp đỡ tôi. Thú thật, tôi đã gửi cho họ một email với lời lẽ khá nặng nề.

Tôi có ý đúng khi cho rằng sự kêu gọi này là quan trọng và tôi cần thêm sự hỗ trợ, nhưng tôi nhanh chóng nhận ra rằng có lẽ đây không phải là cách tốt nhất để đốc thúc mọi người. Tôi đã cần có lòng khiêm nhường; Tôi đã cần phải nhớ rằng những người khác có thể cũng có những bộn bề riêng khiến họ căng thẳng.

Như Anh Cả Steven E. Snow đã giảng dạy khi ông còn là thành viên trong Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi: “Nếu chúng ta hạ mình, thì những lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được đáp ứng; tâm hồn của chúng ta sẽ được yên tĩnh; chúng ta phục vụ một cách hiệu quả hơn trong chức vụ kêu gọi của mình; và nếu tiếp tục trung thành, thì cuối cùng chúng ta sẽ trở lại nơi hiện diện của Cha Thiên Thượng.”

Quả thật, tôi đã cảm thấy vui hơn trong sự kêu gọi và trong cuộc sống của mình khi tôi học cách trở nên khiêm nhường hơn.

Cân Bằng Hai Lẽ Thật

Đối với tôi, chúng ta học hỏi lòng khiêm nhường thật sự qua việc cân bằng hai lẽ thật này:

Tôi là con của Thượng Đế. Và tôi được bao quanh bởi những con cái khác của Thượng Đế.

Khi học hỏi sâu hơn về lòng khiêm nhường, tôi nhận ra rằng điều mà Anh Cả Quentin L. Cook thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy là đúng: “Lòng khiêm nhường không phải là một thành tích lớn lao nào đó mà có thể nhận biết hay thậm chí là việc vượt qua được thử thách nghiêm trọng nào đó. … Đó là việc có được sự tin tưởng rằng mỗi ngày mỗi giờ, chúng ta có thể tin cậy vào Chúa, phục vụ Ngài, và đạt được các mục đích của Ngài.” Tôi đã học được rằng tôi thực sự có thể làm trọn các mục đích của Chúa—nhưng chỉ khi tôi giao phó ý muốn của mình cho Ngài và tin cậy rằng Ngài biết điều gì là tốt nhất.

Tôi biết rằng khi chúng ta cố gắng trở nên khiêm nhường và giống Đấng Ky Tô hơn thì Cha Thiên Thượng sẽ ban phước cho những nỗ lực của chúng ta.

Tác giả hiện đang sống ở Frankfurt, Đức.

In