Lớp Giáo Lý
Bài Học 184—Chăm Sóc Thân Thể của Chúng Ta: Tuân Thủ Các Luật Pháp về Sức Khỏe Thể Chất


“Bài Học 184—Chăm Sóc Thân Thể của Chúng Ta: Tuân Thủ Các Luật Pháp về Sức Khỏe Thể Chất,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Chăm Sóc Thân Thể của Chúng Ta,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

Bài Học 184: Sức Khỏe Thể Chất và Cảm Xúc

Chăm Sóc Thân Thể của Chúng Ta

Tuân Thủ Các Luật Pháp về Sức Khỏe Thể Chất

Hình Ảnh
hình minh họa mọi người đang đứng trước đền thờ

Thân thể của chúng ta là một món quà tuyệt vời từ Cha Thiên Thượng nhân từ. Chúng ta trân trọng món quà này bằng cách đưa ra những lựa chọn khôn ngoan trong việc chăm sóc cơ thể của mình. Bài học này giúp học viên bày tỏ lòng biết ơn đối với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô qua việc chăm sóc thân thể của các em.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Thân thể của chúng ta

Xin lưu ý: Trong khi giảng dạy bài học này, điều quan trọng là phải nhớ rằng đề tài này có thể khó đối với một số học viên. Việc chăm sóc thân thể đặc biệt khó khăn đối với những người bị rối loạn ăn uống, khuyết tật, bệnh nặng, và các hoàn cảnh khác.

Hãy giúp học viên chuẩn bị học bài học này bằng cách mời các em chia sẻ những áp lực mà mọi người cảm thấy và thái độ của mọi người về vẻ bề ngoài của họ. Một cách để làm điều này là viết từ Thân thể lên trên bảng và mời học viên chia sẻ suy nghĩ của các em về các câu hỏi sau đây:

  • Mọi người có thể cảm thấy những áp lực khác nhau nào về cơ thể của họ?

  • Mọi người có một số thái độ khác nhau nào về cơ thể của họ?

    Hãy mời học viên trả lời các câu hỏi sau đây vào nhật ký học tập:

  • Các em cảm thấy như thế nào về cơ thể của mình? Tại sao?

  • Các em cảm thấy mình chăm sóc cơ thể tốt như thế nào? Tại sao?

Khi các em học bài học này, hãy tìm kiếm sự soi dẫn từ Đức Thánh Linh để biết cách các em có thể chăm sóc cho thân thể của mình.

Lẽ thật từ Chúa về thân thể của chúng ta

Hãy đọc đoạn đầu tiên của phần “Thân Thể của Em là Thiêng Liêng” trong Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ: Sách Hướng Dẫn để Lựa Chọn ([năm 2022], trang 23).

  • Các em thấy điều gì là nổi bật?

    Khi học viên chia sẻ, hãy viết bất kỳ lẽ thật nào các em đề cập đến lên trên bảng. Cân nhắc việc yêu cầu học viên giải thích lý do tại sao các em cảm thấy lẽ thật đó quan trọng đối với các thanh thiếu niên ngày nay.

    Nếu học viên không đề cập đến, thì hãy thêm lẽ thật sau đây vào bản liệt kê trên bảng: Thân thể của các em là một món quà tuyệt vời từ Cha Thiên Thượng.

  • Việc biết được thân thể của chúng ta là một món quà từ Thượng Đế có thể ảnh hưởng như thế nào đến thái độ của chúng ta về thân thể của mình?

  • Việc biết được lẽ thật này có thể ảnh hưởng như thế nào đến cách chúng ta chăm sóc cho thân thể của mình?

Để giúp học viên hiểu nguyên tắc này và cách chăm sóc cho ân tứ về thân thể của chúng ta, anh chị em có thể tách tài liệu phát tay “Chăm Sóc Thân Thể của Chúng Ta” thành bốn trạm học tập. Anh chị em có thể sắp xếp lớp học thành các nhóm nhỏ luân phiên đi qua mỗi hoạt động học tập. Anh chị em có thể cung cấp một tờ giấy ở mỗi trạm cho học viên hoàn thành phần viết ở cuối mỗi phần. Khi ấy học viên có thể đọc điều mà các nhóm khác đã viết và thêm vào đó

Chăm Sóc Thân Thể của Chúng Ta

Hình ảnh Thân Thể của Chúng Ta

  • Ý kiến của người khác có thể ảnh hưởng như thế nào đến cảm nghĩ của chúng ta về thân thể của mình?

  • Các lẽ thật mà Chúa muốn chúng ta biết trong Sáng Thế Ký 1:26–271 Cô Rinh Tô 6:19–20 khác như thế nào với các thông điệp chúng ta có thể nhận được từ người khác?

Hãy nghiên cứu lời khuyên bảo sau đây mà Chúa đã ban qua Chủ Tịch Russell M. Nelson và Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ và tìm hiểu điều gì có thể giúp ích cho hình ảnh thân thể của chúng ta:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

Mỗi khi nhìn vào gương, hãy xem cơ thể của các [em] như là đền thờ của mình. Mỗi ngày chúng ta nên cảm thấy biết ơn về lẽ thật đó, là điều có thể ảnh hưởng tích cực đến quyết định của các [em] về cách chăm sóc và sử dụng cơ thể của mình. Và những quyết định đó sẽ định đoạt số mệnh của các [em]. (Russell M. Nelson, “Những Quyết Định cho Thời Vĩnh Cửu,” Liahona, tháng Mười Một năm 2013, trang 107)

Hình Ảnh
Anh Cả Jeffrey R. Holland

Tôi khẩn nài với các em … xin hãy chấp nhận bản thân mình hơn, kể cả hình dáng thân thể và phong cách của mình, [và bớt đi khát khao để trông giống như người khác]. Chúng ta đều khác biệt. Một số [người thì] cao và số khác thì thấp. Một số [người] thì tròn trĩnh và số [khác] thì thon thả. Và hầu như mọi người vào một lúc này hay lúc khác đều muốn trở thành một cái gì đó mà họ hiện không được như vậy! Nhưng [như] một người cố vấn cho các em gái tuổi niên thiếu đã nói: “Các em không thể sống cuộc sống của mình mà lo lắng rằng người khác đang nhìn mình. Khi các em để cho ý kiến của người khác làm cho các em [lúng túng] thì các em đang đánh mất quyền năng của mình. … Bí quyết của việc cảm thấy [tự tin] là luôn luôn lắng nghe con người nội tâm của mình—[con người thật của mình.]” Và trong vương quốc của Thượng Đế, con người thật của các em thì “quý báu hơn châu ngọc” [Châm Ngôn 3:15]. (Jeffrey R. Holland, “Cùng Các Thiếu Nữ,” Liahona, tháng Mười Một năm 2005, trang 29)

  • Các em học được điều gì từ những lời phát biểu này?

Hãy viết xuống một điều gì đó mà các em nghĩ rằng Chúa muốn các em nói với người nào đó đang gặp khó khăn để cảm thấy tích cực về thân thể của họ.

Giấc ngủ

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 88:124, và tìm kiếm những điều mà Chúa đã dạy về giấc ngủ.

  • Các em nghĩ tại sao giấc ngủ lại quan trọng?

Việc ngủ không đủ giấc là một vấn đề ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe. Hầu hết các chuyên gia khuyên các em ở độ tuổi thanh thiếu niên nên ngủ từ 8 đến 10 tiếng một đêm (xin xem National Sleep Foundation, “How Much Sleep Do You Really Need?,” ngày 1 tháng Mười năm 2020, thensf.org). Việc ngủ không đủ có thể làm người mệt mỏi, sinh hoạt kém, và dễ bị tổn thương bởi các vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần. Việc cảm thấy mệt mỏi có thể làm cho chúng ta dễ bị cám dỗ hơn.

  • Các em thấy thói quen ngủ ảnh hưởng đến cuộc sống của mình như thế nào?

  • Những thói quen ngủ lành mạnh có thể cải thiện khả năng phục vụ Chúa của chúng ta như thế nào?

Hãy thảo luận với nhóm lời khuyên mà em sẽ đưa ra cho người nào đó muốn cải thiện thói quen ngủ của họ hoặc người mà em sẽ đề nghị họ nên đến gặp để nhận lời khuyên. Hãy viết những suy nghĩ của các em vào tờ giấy được cung cấp.

Tập Thể Dục và Lối Sống Năng Động

Lười biếng ám chỉ việc phí phạm thời giờ, lười nhác, hoặc trốn tránh làm việc. Hãy đọc một hoặc hai câu sau đây, tìm kiếm những cảm nghĩ của Chúa khi con cái của Ngài đang biếng nhác: Giáo Lý và Giao Ước 42:42; 60:13; 75:3.

  • Các em nghĩ tại sao Chúa muốn chúng ta năng động và chăm chỉ thay vì biếng nhác?

  • Chúa đã ban phước cho các em như thế nào khi các em cố gắng năng động và chăm chỉ?

  • Việc tập thể dục và lối sống năng động có thể cải thiện sức khỏe tinh thần của chúng ta như thế nào? Điều này có thể giúp chúng ta phục vụ Chúa bằng cách nào?

Hãy viết ra lời khuyên của các em dành cho một thanh thiếu niên mong muốn cải thiện mức độ tập thể dục và hoạt động của mình.

Những Thói Quen Ăn Uống Lành Mạnh

Đọc các câu sau đây, tìm kiếm lời khuyên bảo của Đấng Cứu Rỗi về những lựa chọn thực phẩm lành mạnh: Giáo Lý và Giao Ước 59:16–20; 89:10–16.

  • Những lựa chọn thực phẩm có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của chúng ta?

Hãy thảo luận một số trở ngại đối với việc ăn uống lành mạnh. Chia sẻ một số cách thức chúng ta có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa và vượt qua những trở ngại này.

  • Các em có thể có những lợi ích lâu dài nào trong việc tuân theo lời khuyên bảo của Đấng Cứu Rỗi để ăn uống lành mạnh trong khi các em còn nhỏ?

Cùng với cả nhóm, hãy viết ba bản liệt kê có tựa đề “Tránh Xa,” “Thỉnh Thoảng,” và “Lành Mạnh”. Hãy cùng nhau chọn một số loại thực phẩm phổ biến mà các em thấy mỗi ngày. Thảo luận danh mục nào có thể phù hợp với loại thực phẩm đó.

Hãy mời học viên luân phiên chia sẻ điều các em đã học được và bất cứ mối bận tâm nào các em có thể có. Các câu hỏi sau đây có thể hữu ích:

  • Tại sao việc phát triển các thói quen lành mạnh và chăm sóc cơ thể của chúng ta một cách đúng đắn có thể là điều khó khăn?

  • Các em nghĩ việc nhớ rằng cơ thể của chúng ta là món quà từ Thượng Đế có thể giúp ích như thế nào?

  • Chúa đã giúp các em hoặc người nào đó mà các em biết phát triển các thói quen lành mạnh như thế nào?

Hãy mời lớp học chia sẻ các lẽ thật hoặc kinh nghiệm có thể giúp ích với những thử thách hoặc mối bận tâm mà học viên đề cập đến.

Để kết thúc, hãy mời học viên viết vào nhật ký học tập điều các em cảm thấy Chúa muốn các em làm để chăm sóc cơ thể của mình tốt hơn

In