Lớp Giáo Lý
Bài Học 185—Xây Đắp Sức Mạnh Cảm Xúc nơi Chúa: Gia Tăng Sự Tin Tưởng vào Sự Giúp Đỡ của Chúa với Những Thử Thách về Mặt Cảm Xúc của Chúng Ta


“Bài Học 185—Xây Đắp Sức Mạnh Cảm Xúc nơi Chúa: Gia Tăng Sự Tin Tưởng vào Sự Giúp Đỡ của Chúa với Những Thử Thách về Cảm Xúc của Chúng Ta,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Xây Đắp Sức Mạnh Cảm Xúc nơi Chúa,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 185: Sức Khỏe Thể Chất và Cảm Xúc

Xây Đắp Sức Mạnh Cảm Xúc nơi Chúa

Gia Tăng Sự Tin Tưởng vào Sự Giúp Đỡ của Chúa với Những Thử Thách về Mặt Cảm Xúc của Chúng Ta

Hình Ảnh
Chúa Giê Su với Ma Ri và Ma Thê

Vì Cha Thiên Thượng yêu thương chúng ta nên Ngài đã sai Con Trai của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, đến củng cố và an ủi chúng ta trong những gian khó của cuộc đời. Bài học này có thể giúp học viên cảm thấy tự tin rằng Đấng Cứu Rỗi sẽ hỗ trợ các em trong việc xây dựng sự kiên cường trong cảm xúc.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Những tình huống đầy thử thách về mặt cảm xúc

Lưu ý: Tài liệu này được định là một bài học hữu ích về cách xây dựng sức mạnh cảm xúc nơi Chúa, chứ không phải để chẩn đoán hoặc điều trị bệnh tâm thần và cảm xúc. Kinh nghiệm trong lớp học cũng không nhằm trở thành bất cứ phương pháp trị liệu nhóm nào.

Để giúp học viên chuẩn bị cho bài học này, hãy cân nhắc việc mời học viên suy nghĩ và viết lên trên bảng một vài tình huống đầy thử thách về mặt cảm xúc mà các em, hoặc các thanh thiếu niên như các em sớm gặp phải. Một số ví dụ có thể bao gồm việc cảm giác bị bạn bè chế giễu, lâm vào tình huống phải giao tiếp với những người không quen biết, hoặc khi điều gì đó các em yêu thích đến hồi kết thúc. Yêu cầu học viên làm cho tình huống trở nên thực tế và có liên quan đến các em.

Sau đó, mời học viên làm điều sau đây trong nhật ký học tập của mình:

Hãy nghĩ về một tình huống đầy thử thách về mặt cảm xúc mà các em gặp phải hoặc có thể sẽ sớm gặp phải. Hãy trả lời những câu hỏi sau đây trong nhật ký học tập của các em:

  • Các em cảm thấy mình phản ứng tốt như thế nào với những tình huống đầy thử thách về mặt cảm xúc? Tại sao?

  • Theo thang điểm từ 1 đến 10 (1 = không hề tin tưởng, 10 = cực kỳ tin tưởng), em tin tưởng nhiều bao nhiêu rằng Đấng Cứu Rỗi có thể và sẽ giúp đỡ em trong những tình huống này? Tại sao?

Trong suốt bài học, hãy khuyến khích học viên thành tâm tìm kiếm để cảm thấy tin tưởng vào khả năng của Đấng Cứu Rỗi trong việc giúp các em trong những tình huống đầy thử thách về mặt cảm xúc và trở nên thêm kiên cường trong cảm xúc.

Sự kiên cường trong cảm xúc

Hãy cân nhắc viết từ Sự Kiên Cường trong Cảm Xúc lên trên bảng. Hãy hỏi xem học viên hiểu điều gì về từ đó. Anh chị em cũng có thể trưng ra thông tin sau đây:

Là một phần kế hoạch của Cha Thiên Thượng, chúng ta đều gặp phải những thử thách và gian khó trong cuộc đời này. Tuy nhiên, khi chúng ta tìm đến Chúa Giê Su Ky Tô và trông cậy vào lòng thương xót và ân điển của Ngài, Ngài có thể giúp chúng ta xây dựng sự kiên cường trong cảm xúc. Sự kiên cường trong cảm xúc là:

  • Khả năng thích ứng với những thử thách về mặt cảm xúc với lòng can đảm và đức tin đặt trọng tâm nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Giúp đỡ bản thân mình và người khác hết sức có thể.

  • Tìm kiếm thêm sự giúp đỡ khi cần thiết.

Tấm gương của Đấng Cứu Rỗi

Hãy giải thích rằng trong cuộc sống trần thế của Ngài, Chúa Giê Su đã trải qua những cảm xúc như đau lòng cũng như buồn phiền. Anh chị em có thể hỏi học viên xem các em có thể nghĩ ra bất kỳ ví dụ nào không. Đối với sinh hoạt sau đây, hãy cân nhắc việc sắp xếp học viên thành từng cặp và mời các em vẽ bảng biểu kèm theo vào nhật ký của mình. Khuyến khích mỗi người trong cặp nghiên cứu một trong các đoạn thánh thư được liệt kê trong bảng biểu. Khi học viên làm xong, hãy mời các em chia sẻ với nhau điều các em đã học được.

Hãy đọc những phân đoạn thánh thư sau đây, tìm kiếm cách Đấng Cứu Rỗi phản ứng trong mỗi tình huống. Hãy ghi lại bất cứ cảm xúc nào mà Đấng Cứu Rỗi đã cho thấy và hành động Ngài đã làm.

Tình huống khó khăn về mặt cảm xúc

Cách Đấng Cứu Rỗi đã phản ứng

Tình huống khó khăn về mặt cảm xúc

Giăng Báp Tít bị Hê Rốt An Ti Ba giết hại.

Cách Đấng Cứu Rỗi đã phản ứng

Ma Thi Ơ 14:13–23

Tình huống khó khăn về mặt cảm xúc

Chúa Giê Su hành trình đến gặp Ma Ri và Ma Thê sau khi anh của họ là La Xa Rơ qua đời.

Cách Đấng Cứu Rỗi đã phản ứng

Giăng 11:32–44

  • Các em đã học được điều gì hoặc có cảm nghĩ gì về Chúa Giê Su Ky Tô từ những câu chuyện thánh thư này?

  • Làm thế nào các em có thể noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi trong một tình huống khó khăn về mặt cảm xúc?

“Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta”

Hãy giải thích rằng không những Chúa Giê Su Ky Tô là tấm gương tột bậc về sự kiên cường trong cảm xúc, mà Ngài còn hoàn toàn hiểu được mọi cảm xúc và nỗi vất vả của người trần thế. Nếu có thể, hãy trưng ra một bức hình trên bảng về Đấng Cứu Rỗi đang đau khổ trong Vườn Ghết Sê Ma Nê. Khi học viên thực hiện sinh hoạt sau đây, hãy mời các em viết những từ hoặc cụm từ đầy ý nghĩa từ Ê Sai 53:3–5 xung quanh bức hình đó. Anh chị em có thể nêu ra rằng Ê Sai 53:3–5 là một đoạn giáo lý thông thạo và mời học viên tô đậm đoạn đó trong thánh thư của các em.

Hình Ảnh
Chúa Giê Su trong Vườn Ghết Sê Ma Nê

Hãy đọc Ê Sai 53:3–5, tìm kiếm bằng chứng rằng Đấng Cứu Rỗi hoàn toàn hiểu những khó khăn về mặt cảm xúc của chúng ta.

  • Những từ hoặc cụm từ nào có ý nghĩa nhất đối với các em? Tại sao?

Để giúp học viên nhận ra rõ hơn khả năng của Chúa Giê Su trong việc hoàn toàn thấu cảm và an ủi họ, hãy cân nhắc việc chia sẻ lời phát biểu sau đây:

Anh Cả Ulisses Soares thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã tuyên bố:

Hình Ảnh
Anh Cả Ulisses Soares

Ngoài việc cung cấp ân tứ uy nghi về sự cứu rỗi, Đấng Cứu Rỗi ban cho chúng ta sự khuây khỏa và an ủi khi chúng ta đối mặt với những hoạn nạn, cám dỗ, và [những yếu kém trong] cuộc sống trần thế của mình. … Tôi có thể đảm bảo với anh chị em rằng Đấng Ky Tô luôn nhận thức về những nghịch cảnh chúng ta trải qua trong cuộc sống trần thế. Ngài thấu hiểu tất cả những nỗi đắng cay, đau khổ, và đau đớn thể xác cũng như những thử thách tình cảm và thuộc linh chúng ta gặp phải. Tấm lòng của Đấng Cứu Rỗi tràn đầy sự thương xót, và Ngài luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng ta. Ngài có thể giúp đỡ chúng ta vì chính Ngài đã trải qua và mang lấy nỗi đau đớn theo thể cách xác thịt nỗi đau đớn sự yếu kém và những yếu đuối của chúng ta.

Với sự nhu mì và lòng khiêm nhường, Ngài đã hạ mình xuống thấp hơn mọi vật và chấp nhận bị người đời khinh miệt, bỏ mặc, và nhục mạ, bị thương vì những sự phạm giới và bất chính của chúng ta. Ngài đã chịu đựng những điều này cho tất cả mọi người, mang lấy tội lỗi của thế gian, và vì thế trở thành Đấng chăm sóc thuộc linh tối thượng của chúng ta.

Khi đến gần Ngài, hiến dâng bản thân về mặt thuộc linh cho Ngài chăm sóc, chúng ta sẽ có thể mang lấy ách của Ngài, là ách dễ chịu, và gánh nặng của Ngài, là gánh nhẹ [nhàng], từ đó tìm thấy sự an ủi và yên nghỉ được hứa. Hơn nữa, chúng ta sẽ nhận được sức mạnh tất cả chúng ta đều cần để khắc phục những khó khăn, yếu [kém], và buồn khổ của cuộc sống, là những điều vô cùng khó có thể chịu được nếu không có sự giúp đỡ và quyền năng chữa lành của Ngài. (Ulisses Soares, “Chúa Giê Su Ky Tô: Đấng Chăm Sóc Linh Hồn Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 83–84)

  • Từ việc nghiên cứu của mình, chúng ta có thể học được các lẽ thật nào về Chúa Giê Su Ky Tô và khả năng của Ngài để giúp đỡ chúng ta?

    Hãy viết những câu trả lời của học viên lên trên bảng. Một trong những lẽ thật mà học viên có thể nhận ra là: Chúa Giê Su Ky Tô có thể an ủi và củng cố chúng ta trong những thử thách về mặt cảm xúc bởi vì Ngài cũng đã trải qua những thử thách này.

  • Việc tìm đến Đấng Cứu Rỗi và noi theo tấm gương của Ngài trong đức tin có thể giúp một người xây dựng thêm sự kiên cường trong cảm xúc như thế nào?

Hình dung sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi

Để giúp học viên hiểu nguyên tắc này có thể giúp các em như thế nào, kỹ năng sau đây có thể hữu ích. Hãy làm những điều sau đây để xác định, làm mẫu, và thực tập kỹ năng này:

  • Xác định kỹ năng: Giải thích cho học viên biết rằng việc hình dung Đấng Cứu Rỗi đang ở cùng chúng ta và giúp chúng ta trong những tình huống đầy thử thách về mặt cảm xúc có thể mời gọi sự giúp đỡ và hướng dẫn của Ngài.

  • Làm mẫu kỹ năng này: Hãy nghĩ về một tình huống đầy thử thách về mặt cảm xúc mà anh chị em đã gặp phải hoặc có thể gặp phải trong tương lai mà anh chị em sẽ sẵn sàng chia sẻ với học viên. Bằng cách sử dụng các bước dưới đây, hãy chia sẻ cách anh chị em hình dung Đấng Cứu Rỗi đang ở bên củng cố anh chị em, và cách anh chị em có thể trả lời một số câu hỏi dưới đây. Anh chị em có thể muốn suy nghĩ kỹ về điều này như là một phần khi chuẩn bị bài học.

  • Thực hành: Để giúp học viên luyện tập kỹ năng này, hãy cân nhắc việc sắp xếp các em thành các nhóm nhỏ và mời mỗi nhóm nghĩ về một tình huống đầy thử thách về mặt cảm xúc đối với một thanh thiếu niên. Sau khi học viên đã nghĩ ra một tình huống có thể liên hệ với mình, hãy mời các em tự làm điều sau đây và sau đó chia sẻ câu trả lời với nhóm. Anh chị em có thể muốn nhắc học viên thận trọng để không chia sẻ bất cứ điều gì quá riêng tư từ cuộc sống của các em.

Hãy nhắm mắt lại và hình dung Đấng Cứu Rỗi phục sinh đang ở cùng các em trong lúc gian khó. Hãy trả lời những câu hỏi sau đây:

  • Đấng Cứu Rỗi sẽ ở đâu so với các em trong lúc gian khó? Ngài có thể làm gì nếu Ngài ở bên các em?

  • Các em có thể đang suy nghĩ hoặc cảm thấy gì khi ở gần Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Sự hiện diện, tình yêu thương và sự hỗ trợ của Ngài có thể giúp các em quản lý và vượt qua sự căng thẳng về cảm xúc như thế nào?

  • Từ những gì các em biết về Đấng Cứu Rỗi, Ngài có thể nói gì với các em? (Các em có thể sử dụng các cụm từ trong thánh thư mà Ngài đã nói với những người khác.) Ngài có thể yêu cầu các em làm điều gì? Ngài có thể yêu cầu các em tìm đến ai để được giúp đỡ thêm?

    Mời nhiều nhóm chia sẻ điều các em đã thảo luận và điều đó có thể giúp ích như thế nào. Anh chị em có thể nêu ra rằng đối với những thử thách nặng nề hoặc kéo dài về mặt cảm xúc, học viên nên tìm kiếm sự giúp đỡ và hướng dẫn từ cha mẹ, các lãnh đạo Giáo Hội, và các chuyên gia được cấp phép.

    Hãy cân nhắc đặt ra những câu hỏi sau đây và chia sẻ cảm nghĩ của riêng anh chị em về sức mạnh và sự an ủi có sẵn từ Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô:

  • Có khi nào các em hoặc một người nào đó mà các em biết đã cảm nhận được sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi trong một tình huống khó khăn về mặt cảm xúc?

  • Các em nghĩ tại sao việc tìm đến Chúa làm cho chúng ta thêm kiên cường trong cảm xúc?

Để kết thúc, hãy mời học viên viết ra bất cứ cảm nghĩ hoặc ấn tượng nào các em đã nhận được về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô và khả năng của hai Ngài trong việc giúp các em và những người thân yêu của các em xây dựng sự kiên cường trong cảm xúc.

Khuyến khích học viên trông cậy vào Chúa Giê Su Ky Tô để được giúp đỡ và có sức mạnh trong những gian khó và thất bại về mặt cảm xúc. Các bài học trong tương lai sẽ tập trung vào những cách cụ thể giúp các em có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa cho những suy nghĩ, căng thẳng, lo âu, trầm cảm, v.v. của mình.

In