Lớp Giáo Lý
Bài Học 190—Xây Đắp Các Mối Quan Hệ Lành Mạnh: Tạo Ra Những Mối Liên Kết Mạnh Mẽ với Gia Đình và Bạn Bè


“Bài Học 190—Xây Đắp Các Mối Quan Hệ Lành Mạnh: Tạo Ra Những Mối Liên Kết Mạnh Mẽ với Gia Đình và Bạn Bè”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Xây Đắp Các Mối Quan Hệ Lành Mạnh” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 190—Sức Khỏe Thể Chất và Cảm Xúc

Xây Đắp Các Mối Quan Hệ Lành Mạnh

Tạo Ra Những Mối Liên Kết Mạnh Mẽ với Gia Đình và Bạn Bè

Hình Ảnh
một nhóm bạn

Cha Thiên Thượng muốn chúng ta yêu mến Ngài và những người xung quanh chúng ta. Khi phát triển mối quan hệ gần gũi với gia đình và bạn bè, chúng ta có thể được ban phước với sự an ủi, sức mạnh, và sự hỗ trợ cần thiết cả khi bình yên lẫn lúc thử thách. Bài học này có thể giúp học viên tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa để thiết lập các mối quan hệ sẽ góp phần vào sức khỏe và hạnh phúc tổng thể của các em.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Điều gì là quan trọng nhất?

Có thể mời học viên viết lên bảng những điều các em thấy là quan trọng nhất trong cuộc sống.

Đưa ra lời phát biểu sau đây, và mời một học viên đọc to lên.

Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, khi ấy thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã dạy về những điều quan trọng nhất:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf

Khi chúng ta tìm đến Cha Thiên Thượng và tìm kiếm sự thông sáng của Ngài về những điều quan trọng hơn hết, chúng ta nhiều lần học được tầm quan trọng của bốn mối quan hệ chính yếu: với Thượng Đế của chúng ta, với gia đình của chúng ta, với đồng bào của chúng ta và với bản thân mình. (Dieter F. Uchtdorf, “Về Những Điều Quan Trọng Hơn Hết”, Liahona, tháng Mười Một năm 2010, trang 21)

  • Các em học được gì từ lời phát biểu của Chủ Tịch Uchtdorf?

Mời học viên khoanh tròn các cụm từ các em đã viết trên bảng mà cho thấy mối quan hệ của chúng ta với Thượng Đế và những người khác nằm trong số những điều quan trọng nhất của cuộc sống. Nếu cần, hãy viết thêm “mối quan hệ của chúng ta với Thượng Đế và những người khác” vào danh sách trên bảng.

Giải thích rằng bài học này sẽ tập trung vào mối quan hệ của chúng ta với người khác. Mời học viên suy nghĩ về một số mối quan hệ hiện tại của các em, xem các mối quan hệ này có mang các em đến gần Thượng Đế hơn và cung cấp cho các em sức mạnh và sự hỗ trợ cần thiết trong cuộc sống không. Các em cũng có thể suy ngẫm xem Chúa có thể muốn các em củng cố các mối quan hệ hiện có hoặc phát triển những mối quan hệ mới như thế nào.

Các mối quan hệ của chúng ta

Hãy phát tài liệu có tựa đề “Những Ví Dụ về Các Mối Quan Hệ Có Ý Nghĩa trong Lịch Sử Giáo Hội và Giáo Lý và Giao Ước”, và mời học viên tìm kiếm bằng chứng về lẽ thật sau đây: Một cách mà Thượng Đế có thể ban phước cho cuộc sống và củng cố đức tin của chúng ta là qua các mối quan hệ đầy ý nghĩa với những người khác. (Anh chị em có thể muốn viết lẽ thật này lên trên bảng).

Cân nhắc những cách thức để giúp học viên sử dụng tài liệu phát tay. Một cách là chia học viên thành các nhóm ba người và chỉ định mỗi thành viên trong nhóm nghiên cứu một ví dụ trong tài liệu phát tay. Khi học viên đã tìm hiểu xong ví dụ của mình, hãy khuyến khích các em thay phiên nhau chia sẻ với nhóm điều các em đã học được về cách Thượng Đế có thể ban phước cho chúng ta qua các mối quan hệ của chúng ta với những người khác.

Các Ví Dụ về Các Mối Quan Hệ Ý Nghĩa trong Lịch Sử Giáo Hội và Giáo Lý và Giao Ước

Ví dụ 1

Sau cuộc viếng thăm Đồi Cơ Mô Ra vào tháng Chín năm 1823, Joseph Smith đã chia sẻ chi tiết với gia đình ông về kinh nghiệm của ông và những lần viếng thăm của thiên sứ Mô Rô Ni. Joseph tiếp tục chia sẻ những kinh nghiệm và khải tượng của ông với những người gần gũi nhất. Khi nhớ lại những cuộc gặp gỡ thiêng liêng này, mẹ của Vị Tiên Tri, Lucy Mack Smith, đã ghi lại những điều sau đây:

Hình Ảnh
Lucy Mack Smith

Mỗi tối chúng tôi họp con cái của mình lại. Tôi nghĩ rằng chúng tôi tạo ra một quang cảnh lạ kỳ nhất của bất cứ gia đình nào sống trên thế gian, tất cả mọi người đều ngồi thành vòng tròn, cha, mẹ, các con trai và các con gái chăm chú lắng nghe những lời giảng dạy về tôn giáo của một thiếu niên. …

… Sự kết hợp và hạnh phúc tuyệt vời nhất tràn ngập [căn] nhà của chúng tôi. Không có sự xung đột [hay] mối bất hòa nào làm xáo trộn sự hòa thuận của chúng tôi, và sự yên tịnh ngự trị ở giữa chúng tôi. (Lucy Mack Smith, trong Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [năm 2007], trang 521, 522)

  • Các em chú ý đến điều gì về gia đình Smith từ câu chuyện này?

  • Tình yêu thương mà Joseph cảm nhận được ở nhà có thể đã giúp ông làm tròn sự kêu gọi quan trọng của mình như thế nào?

  • Các em học được điều gì từ ví dụ này về cách Thượng Đế có thể ban phước cho các em, hoặc làm thế nào các em có thể giúp người khác được ban phước, qua các mối quan hệ đầy ý nghĩa?

Ví dụ 2

Trong khi sống ở Nauvoo, Illinois, Joseph Smith nghĩ về lợi ích của các mối quan hệ đầy ý nghĩa:

Hình Ảnh
Tiên Tri Joseph Smith

Tôi sẽ coi đây là một trong số các phước lành lớn lao nhất, nếu tôi bị khổ sở trong thế gian này, [mà] số mệnh [vẫn] cho tôi có thể tìm ra những người anh [chị] em và bạn bè ở chung quanh tôi. (Những Lời Giảng Dạy: Joseph Smith, trang 499)

  • Làm thế nào gia đình và bạn bè có thể giúp đỡ khi chúng ta đang trải qua những thử thách khó khăn?

  • Có những cách nào khác mà gia đình và bạn bè có thể ban phước cho cuộc sống của chúng ta?

Ví dụ 3

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 108:7, tìm kiếm lời khuyên dạy Chúa đã ban cho Lyman Sherman thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi.

  • Tại sao đôi khi khó có thể vâng theo lời khuyên dạy này?

  • Có khi nào các em cảm thấy được củng cố hoặc nâng cao tinh thần nhờ trò chuyện với một người khác không?

Mời học viên chia sẻ với cả lớp điều các em học được và cách Thượng Đế có thể ban phước cho chúng ta qua các mối quan hệ của chúng ta.

  • Các em đã học được gì về giá trị của việc phát triển các mối quan hệ đầy ý nghĩa với những người khác trong cuộc sống của mình?

  • Việc xây đắp và củng cố mối quan hệ với người khác có thể ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ của chúng ta với Thượng Đế, cũng như đến sức khỏe và hạnh phúc tổng thể của chúng ta?

Xây đắp mối quan hệ

Anh chị em có thể dành thời gian thảo luận về các kỹ năng để xây đắp mối quan hệ. Có thể phát cho mỗi học viên một mảnh giấy trắng. Khuyến khích các em viết ra ít nhất một điều có thể giúp ai đó phát triển hoặc củng cố mối quan hệ với người khác. Thu lại các mảnh giấy và đọc to một số ý kiến cho cả lớp nghe. Nếu cần, hãy chia sẻ cho học viên một vài hoặc tất cả các ý tưởng sau.

  • Tìm kiếm những sở thích chung.

  • Ghi nhớ và gọi người khác bằng tên của họ.

  • Mỉm cười.

  • Lắng nghe chăm chú trong khi người khác nói.

  • Chân thành khen ngợi người khác.

  • Tránh phê phán hoặc vạch lá tìm sâu.

  • Thể hiện mối quan tâm thực sự.

  • Cầu nguyện cho người khác bằng tên của họ.

  • Tìm kiếm lòng bác ái.

  • Kiên nhẫn.

  • Tìm kiếm các cơ hội phục vụ.

Cân nhắc việc cho học viên thời gian trong lớp để thực tập một số kỹ năng xây đắp mối quan hệ trong số các kỹ năng này. Ví dụ sau đây có thể hữu ích nếu học viên không biết rõ tên của nhau. Nếu học viên của anh chị em đã biết tên nhau thì hãy cân nhắc chọn một kỹ năng khác để thực tập.

Xác định: Giải thích rằng việc sử dụng tên của người khác là một kỹ năng hữu ích để xây đắp các mối quan hệ lành mạnh. Giải thích rằng Chúa kêu gọi chúng ta bằng tên của chúng ta (xin xem Sáng Thế Ký 35:10; Lu Ca 19:5; Ê Nót 1:5; Joseph Smith—Lịch Sử 1:17). Có thể hỏi xem học viên cảm thấy thế nào khi những người khác biết và gọi họ bằng tên của họ.

Làm mẫu: Nói cho học viên biết rằng các em sẽ được yêu cầu ghi nhớ tên của nhau và gọi nhau bằng tên. Giải thích rằng một cách để ghi nhớ tên người khác là viết ra và xem lại. Khi anh chị em kể tên của mỗi thành viên trong lớp, hãy mời học viên viết xuống bất cứ cái tên nào mà các em không biết.

Cũng có thể hữu ích khi hỏi học viên rằng có gì ngăn cản các em nhớ tên người khác và cách để vượt qua những trở ngại này.

Thực hành: Cho học viên vài phút để xem lại những cái tên mà các em đã viết. Sau đó để các em thực hành. Anh chị em có thể chia học viên thành từng cặp và xem các em có thể phối hợp với nhau để kể ra tên của tất cả mọi người trong lớp hay không. Hỏi xem ai có thể tự kể tên tất cả mọi người trong lớp, và nếu có em nào làm được, hãy mời em đó làm thế. Nếu cần thêm một chút thử thách, hãy mời các em học viên đổi chỗ ngồi, và sau đó xem liệu các em có còn kể được tên của tất cả mọi người hay không.

Nếu thời gian cho phép, hãy chọn thêm một kỹ năng khác. Ví dụ, mời học viên tìm kiếm những điểm chung giữa các em với nhau. Các em có thể làm việc với một bạn trong lớp mà các em ít làm việc cùng, đặt cho nhau những câu hỏi để khám phá sở thích chung. Sau đó, các em có thể đổi sang một học viên khác để lặp lại bài tập này. (Để kết hợp hai kỹ năng, hãy khuyến khích các học viên gọi nhau bằng tên trong quá trình thực hành.)

Áp dụng cho cá nhân

Hãy cân nhắc làm chứng về tình yêu thương mà Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô dành cho mỗi học viên. Làm chứng rằng Thượng Đế có thể ban phước và củng cố cuộc sống của các em qua các mối quan hệ đầy ý nghĩa mà các em tìm cách phát triển và nuôi dưỡng. Anh chị em cũng có thể chia sẻ ví dụ về việc được ban phước và củng cố nhờ một mối quan hệ trong cuộc sống của mình.

Mời học viên tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh để làm những điều sau đây:

Nghĩ xem Chúa có thể muốn giúp các em củng cố một mối quan hệ hiện có hoặc phát triển mối quan hệ mới như thế nào. Sử dụng những gì các em học được hôm nay, hãy lập kế hoạch để gia tăng sự kết nối của các em với người này. Hãy thêm vào cách các em sẽ tìm đến Chúa để được giúp đỡ trong tiến trình này.

In