Lớp Giáo Lý
Bài Học 187—Quản Lý Căng Thẳng và Lo Âu: Chúa Giê Su Ky Tô Có Thể Củng Cố Chúng Ta


“Bài Học 187—Quản Lý Căng Thẳng và Lo Âu: Chúa Giê Su Ky Tô Có Thể Củng Cố Chúng Ta,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Quản Lý Căng Thẳng và Lo Âu,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 187—Sức Khỏe Thể Chất và Cảm Xúc

Quản Lý Căng Thẳng và Lo Âu

Chúa Giê Su Ky Tô Có Thể Củng Cố Chúng Ta

Hình Ảnh
thiếu niên căng thẳng

Tất cả chúng ta đều cảm thấy căng thẳng. Sự căng thẳng có thể giúp chúng ta hoàn thành nhiệm vụ hằng ngày và đối phó với những thử thách của cuộc sống. Tuy nhiên, sự căng thẳng kéo dài và những cảm giác lo âu cũng ảnh hưởng tiêu cực đến chúng ta. Chúa có thể giúp chúng ta. Bài học này giúp học viên nhận ra và thực hành các kỹ năng để tìm đến Chúa với mong muốn quản lý căng thẳng và lo âu.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Sự căng thẳng và lo âu

Lưu ý: Có thể sẽ điều hữu ích khi biết rằng anh chị em không cần phải là một chuyên gia về đề tài này để giảng dạy bài học này. Hãy cầu nguyện để có được sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, làm theo các tài liệu, và tin cậy học viên của mình. Nếu học viên đặt câu hỏi mà anh chị em không biết cách giải quyết hoặc nếu các em chia sẻ những khó khăn mà cá nhân các em đang gặp phải, thì hãy mời các em tìm kiếm sự giúp đỡ từ Chúa, cha mẹ của mình, các vị lãnh đạo Giáo Hội, và các chuyên gia về sức khỏe tâm thần.

Để giúp học viên chuẩn bị nghiên cứu về sự căng thẳng và lo âu, hãy mời các em lập một bản liệt kê lên trên bảng về những điều gây ra căng thẳng hoặc lo âu trong cuộc sống của một thanh thiếu niên. Nếu hữu ích, các em có thể khoanh tròn điều các em cảm thấy là ba hoặc bốn điều gây căng thẳng hàng đầu.

Giải thích những điều sau đây:

Sự căng thẳng và lo âu là một phần bình thường của cuộc sống. Đây là cách bộ não và cơ thể phản ứng với bất cứ đòi hỏi nào, chẳng hạn như một vấn đề ở nhà, một bài thi ở trường, hoặc một quyết định quan trọng. Những mức độ căng thẳng và lo âu phù hợp có thể giúp chúng ta tập trung, đạt được các mục tiêu, và bảo vệ thân thể. Tuy nhiên, căng thẳng quá nhiều hoặc lo âu kéo dài có thể trở thành một vấn đề.

  • Theo các em nghĩ, làm thế nào các em có thể biết được khi nào sự căng thẳng và lo âu là bình thường và lành mạnh và khi nào là quá mức?

Hãy lắng nghe câu trả lời của học viên và bổ sung thêm bất kỳ thông tin nào sau đây.

Nếu đang gặp phải quá nhiều căng thẳng hoặc lo âu, thì các em có thể thường xuyên bị bệnh, bị đau đầu, cảm thấy tức giận phần lớn thời gian trong ngày, có những thay đổi rõ rệt về khẩu vị ăn uống, hoặc cảm thấy thiếu tập trung. Sự lo âu không lành mạnh cũng có thể biểu hiện qua các triệu chứng sau đây: cảm giác hoảng loạn, thở nhanh liên tục, cơ thể mệt mỏi, uể oải, khó ngủ, gặp các vấn đề tiêu hóa, bị nỗi lo lắng ám ảnh, hoặc gặp khó khăn để suy nghĩ rõ ràng.

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Hình Ảnh
Anh Cả Jeffrey R. Holland

Hãy theo dõi các [dấu hiệu] căng thẳng của bản thân mình và của những người khác mà các anh chị em có thể giúp đỡ. Giống như [chiếc] xe hơi [của mình], hãy cảnh giác với nhiệt độ tăng cao, tốc độ quá mức, hay thùng cạn nhiên liệu. … [Hãy thực hiện] những điều chỉnh [cần thiết]. Sự mệt mỏi là kẻ thù chung của tất cả chúng ta. (Jeffrey R. Holland, “Giống Như Một Cái Bình Bể Nát,” Liahona, tháng Mười Một năm 2013, trang 41)

Hãy giải thích rằng chúng ta có thể trải qua những mức độ căng thẳng và lo âu khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Trưng ra biểu đồ sau đây, và mời học viên thay phiên nhau đọc qua bốn mức độ căng thẳng với một người bạn. Mời các em chia sẻ với nhau một điều mà các em muốn ghi nhớ về mỗi mức độ.

Bốn Mức Độ Căng Thẳng

Hình Ảnh
Bốn Mức Độ Căng Thẳng

Cho học viên một vài phút để suy ngẫm và đánh giá mức độ căng thẳng và lo âu hiện tại của mình. Mời các em suy ngẫm về những câu hỏi sau đây:

  • Nhìn chung, các em cảm thấy mức độ căng thẳng nào thể hiện đúng nhất về bản thân mình?

  • Các em cảm thấy như thế nào về khả năng của bản thân để làm giảm bớt mức độ căng thẳng của mình khi cần thiết?

Tất cả chúng ta đều có thể cải thiện khả năng nhận ra khi nào chúng ta đang chịu quá nhiều căng thẳng hoặc lo âu. Chúng ta cũng có thể cải thiện khả năng tìm đến Chúa để được giúp đỡ. Trong khi học bài học này, hãy tìm kiếm những cách để mời gọi sự giúp đỡ của Chúa khi các em quản lý căng thẳng và lo âu.

Sự giúp đỡ của Chúa

Hãy đọc một vài câu sau đây, tìm hiểu xem các câu đó có thể áp dụng cho chúng ta như thế nào khi chúng ta cảm thấy quá căng thẳng hoặc lo âu: Thi Thiên 55:22; Ê Sai 40:29; Ma Thi Ơ 11:28; Mô Si A 24:14–15.

  • Các em học được điều gì từ những câu thánh thư này?

    Học viên có thể nhận ra một vài lẽ thật, chẳng hạn như lẽ thật sau đây: khi chúng ta đến cùng Đấng Cứu Rỗi với gánh nặng của mình, thì Ngài có thể ban cho chúng ta sự bình an và nghỉ ngơi; hoặc khi chúng ta tìm đến Chúa, Ngài có thể làm nhẹ gánh nặng của chúng ta và củng cố chúng ta.

  • Những lẽ thật này có thể áp dụng như thế nào cho sự căng thẳng và lo âu?

Một ví dụ trong thánh thư

Có thể hữu ích khi thảo luận một vài ví dụ về các lẽ thật này. Hãy dành ra một vài phút để tra cứu thánh thư và tìm ví dụ về các cá nhân đã trải qua sự căng thẳng hoặc lo âu.

Các ví dụ gồm có: Đa Ni Ên trong hang sư tử (xin xem Đa Ni Ên 6); Ma Ri khi thiên sứ loan báo rằng bà sẽ là mẹ của Vị Nam Tử của Thượng Đế (xin xem Lu Ca 1:26–56); Gia Cốp “quá lo âu” khi ông kêu gọi dân ông hối cải (Gia Cốp 4:18, xin xem thêm Gia Cốp 1:4–5; 2:3); Joseph Smith khi ông không biết phải đi theo giáo hội nào (xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:1–20) hoặc khi ông bị cầm tù trong Ngục Thất Liberty (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 121).

Một khi học viên đã tìm thấy ví dụ, hãy khuyến khích các em ôn lại câu chuyện trong thánh thư và trả lời các câu hỏi sau đây với một học viên khác. Sau khi đã thấy đủ thời gian rồi, mời một vài học viên chia sẻ với lớp học về điều các em đã khám phá.

  • Các em cảm thấy mức độ căng thẳng nào sẽ là bình thường trong tình huống này?

  • Sự căng thẳng và lo âu trong tình huống này có thể đã ảnh hưởng như thế nào đến hành vi của cá nhân đó?

  • Cá nhân này đã làm gì để tìm đến Chúa để được giúp đỡ với tình trạng căng thẳng hoặc lo âu của họ?

Hãy cân nhắc việc hỏi học viên làm thế nào các em có thể tìm đến Chúa để được giúp đỡ với tình trạng căng thẳng và lo âu của mình. Các em có thể xem “Reach Up to Him in Faith” (3:54) để có thêm ý kiến.

Các kỹ năng để quản lý căng thẳng và lo âu

Để giúp học viên thực hành các kỹ năng có thể giúp các em quản lý căng thẳng và lo âu, hãy cân nhắc việc thực hiện một hoặc cả hai sinh hoạt sau đây.

Hãy nghĩ về những căng thẳng hoặc lo âu mà các em cảm nhận được. Khi các em thử các kỹ năng sau đây, hãy tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chúng đang giúp ích cho các em.

  1. Thực tập thiền định.

    Xác định: Giải thích rằng thiền chánh niệm tức là tập trung tâm trí vào giây phút hiện tại, mà không hề giải thích hay phán xét về điều chúng ta đang trải qua. Một cách để làm điều này là tập trung vào hơi thở của chúng ta bằng cách thực hiện các bài tập thở đơn giản.

    Làm mẫu: Mặc dù anh chị em và học viên có thể cảm thấy hơi khó chịu khi làm điều này chung cả lớp, nhưng hãy bày tỏ rằng kỹ năng này rất đáng để thử và nó mang lại nhiều lợi ích. Giải thích rằng học viên sẽ làm những điều sau đây:

    • Hít thở sâu, chậm vài lần bằng mũi, tạm dừng sau mỗi một lần hít thở.

    • Thả lỏng vai. Cố gắng hít thở để vùng bụng chuyển động chứ không phải là đôi vai của anh chị em.

    • Cố gắng tập trung vào hơi thở của mình. Nếu suy nghĩ của anh chị em lạc, hãy nhẹ nhàng chuyển sự chú ý trở lại với những cảm giác về hơi thở của mình.

    Ngoài ra, anh chị em có thể mời học viên hít vào trong bốn giây, nín thở trong năm giây, và thở ra trong sáu giây. (Học viên có thể điều chỉnh bài tập cho phù hợp nếu cần.)

    Trước khi lớp học bắt đầu, hãy cân nhắc tự mình thực tập kỹ năng này. Thậm chí anh chị em còn có thể đo mạch của mình trước và sau khi thực hành kỹ năng này để xem liệu nhịp tim của anh chị em có hạ xuống không, đó là một dấu hiệu có thể cho thấy mức độ căng thẳng của anh chị em đang giảm xuống. Cân nhắc việc chia sẻ với lớp học về việc kỹ năng này ảnh hưởng đến anh chị em như thế nào.

    Thực hành: Mời học viên hoàn thành sinh hoạt. Khi học viên làm như vậy, hãy khuyến khích các em chú ý đến cảm giác khi phổi căng ra và xẹp xuống theo hơi thở. Hãy mời các em để ý xem các em có bị phân tâm không, và những loại ý nghĩ, cảm nghĩ, và cảm giác nào làm các em phân tâm. Quan sát học viên mà không cố gắng kiểm soát hoặc xét đoán họ, và chỉ làm cho các em chú ý trở lại hơi thở của mình.

    Hãy mời học viên chia sẻ những cảm nhận của các em. Nếu muốn, anh chị em có thể yêu cầu học viên đo nhịp tim trước và sau bài tập cũng như báo cáo nếu nhịp tim hạ xuống.

    • Tại sao kỹ năng này có thể giúp ích khi chúng ta cảm thấy căng thẳng hoặc lo âu?

  2. Tập trung vào lòng biết ơn.

    Xác định: Hãy dành thời gian để nhận thấy điều gì là tốt và tích cực về bản thân anh chị em và thế gian. Đặc biệt suy ngẫm điều Chúa đã làm cho anh chị em và những người xung quanh anh chị em (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 59:7). Một cách để làm điều này là viết ra năm điều mà anh chị em biết ơn mỗi ngày vào nhật ký biết ơn.

    Làm mẫu: Giải thích rằng học viên có thể có một nhật ký riêng hoặc sử dụng một phần của nhật ký mà các em đã có, như nhật ký học tập cho lớp giáo lý. Các em cũng có thể viết ra những ý nghĩ của mình vào ghi chú trên điện thoại. Sinh hoạt này bao gồm các bước sau đây:

    • Viết ra ít nhất năm điều cụ thể mà anh chị em thấy biết ơn, nhất là những điều Chúa đã làm cho anh chị em.

    • Viết ra lý do tại sao anh chị em biết ơn về những điều này.

    • Cố gắng tiếp tục duy trì thói quen này mỗi ngày.

    Hãy cân nhắc việc tự anh chị em thử kỹ năng này trước khi lớp học bắt đầu. Anh chị em có thể chia sẻ những trải nghiệm của bản thân và việc biết ơn làm cho anh chị em cảm thấy như thế nào.

    Thực hành: Mời học viên viết ra năm điều cụ thể mà các em thấy biết ơn, đặc biệt là những điều Chúa đã làm cho các em, cho gia đình, và những người thân yêu khác của các em. Yêu cầu học viên viết ra lý do tại sao các em biết ơn về những điều đó.

    • Các em cảm thấy như thế nào sau khi thực hành kỹ năng này?

    • Tại sao kỹ năng này có thể giúp ích khi các em cảm thấy căng thẳng hoặc lo âu?

Mời học viên chia sẻ những kỹ năng khác mà các em sử dụng để giúp quản lý căng thẳng và lo âu. Sau đây là một số ví dụ: cầu nguyện lên Chúa, hạn chế sử dụng công nghệ, nghỉ giải lao, tích cực hoạt động, xem xét lại những kỳ vọng của mình, tử tế với bản thân, và tập trung vào người nào khác.

Hãy kết thúc bằng cách tìm kiếm sự hướng dẫn từ Chúa để lập một kế hoạch về điều phải làm, thời điểm và mức độ thường xuyên mời Đấng Cứu Rỗi giúp các em quản lý căng thẳng và lo âu.

In