Lớp Giáo Lý
Bài Học 188—Đối Phó với Buồn Phiền và Trầm Cảm: Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, Có Thể Giúp Chúng Ta Vượt Qua Những Thử Thách Về Mặt Cảm Xúc trong Cuộc Sống


“Bài Học 188—Đối Phó với Buồn Phiền và Trầm Cảm: Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, Có Thể Giúp Chúng Ta Vượt Qua Những Thử Thách Về Mặt Cảm Xúc trong Cuộc Sống”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Đối Phó với Buồn Phiền và Trầm Cảm”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 188: Sức Khỏe Thể Chất và Cảm Xúc

Đối Phó với Buồn Phiền và Trầm Cảm

Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, Có Thể Giúp Chúng Ta Vượt Qua Những Thử Thách Về Mặt Cảm Xúc trong Cuộc Sống

Hình Ảnh
em giới trẻ ưu phiền ngồi tựa vào tường

Đấng Cứu Rỗi đã hứa rằng chúng ta có thể có được niềm vui trọn vẹn nơi Ngài (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 101:36). Tuy nhiên, những giây phút buồn bã và chán nản là một phần bình thường trong kinh nghiệm trần thế của chúng ta. Đôi khi chúng ta có thể trải qua những cảm giác tuyệt vọng và trầm cảm nghiêm trọng hơn. Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô đã cung ứng các nguồn lực để giúp chúng ta tiến bước trong đức tin trong những thời điểm khó khăn về mặt cảm xúc. Bài học này có thể giúp học viên hiểu ra những cách các em có thể được giúp đỡ khi cảm thấy buồn bã và trầm cảm.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Cảm xúc giống như những cơn sóng biển

Lưu ý: Anh chị em nên biết rằng không cần phải là một chuyên gia về tâm lý mới có thể giảng dạy bài này. Hãy cầu nguyện để được Đức Thánh Linh hướng dẫn, làm theo các tài liệu, và tin cậy học viên của mình. Nếu học viên đặt câu hỏi mà anh chị em không biết phải giải quyết thế nào, hoặc nếu các em chia sẻ những khó khăn riêng, thì hãy mời các em tìm kiếm sự giúp đỡ từ Chúa, cha mẹ, các vị lãnh đạo Giáo Hội, và các chuyên gia về sức khỏe tâm thần.

Để bắt đầu, hãy chiếu một hình ảnh hoặc video về những con sóng của biển cả. Chia sẻ hoặc tóm lược đoạn sau.

Hình Ảnh
bàn chân đi trên cát/trước làn sóng

Hãy tưởng tượng chúng ta đang đứng trên bãi biển và ngắm nhìn những con sóng của đại dương. Những con sóng đó giống như cảm xúc của chúng ta. Một số con sóng vỗ nhẹ nhàng dưới chân khi các em đứng hoặc lội trong nước. Vào những lúc khác, các em có thể ngập sâu hơn trong nước, và những con sóng có thể xô vào người các em mạnh hơn, hay thậm chí bất ngờ hơn, làm cho các em mất thăng bằng. Đôi khi những con sóng lớn có thể ập mạnh vào người các em, đợt này tiếp nối ngay sau đợt kia. Các em có thể khó lòng trụ vững, thậm chí có thể bị ngộp nước hoặc hụt hơi.

Hãy dành chút thời gian để suy ngẫm xem hình ảnh ẩn dụ này giống với những khó khăn về mặt cảm xúc như buồn phiền, chán nản và trầm cảm như thế nào.

Để giúp học viên đánh giá sự hiểu biết của các em về đề tài này, anh chị em có thể cung cấp một số câu như sau để học viên suy xét.

Hãy thành tâm suy ngẫm về những câu sau đây. Ghi vào nhật ký của các em rằng mỗi câu ấy đúng với các em ra sao (bằng cách sử dụng các câu trả lời “có”, “hầu hết”, “một chút” và “không hề”).

  • Tôi nhận ra sự khác biệt giữa buồn phiền, chán nản và trầm cảm.

  • Tôi biết những dấu hiệu của chứng trầm cảm.

  • Tôi biết tìm sự giúp đỡ ở đâu nếu cảm thấy mình bị trầm cảm.

  • Tôi nhận ra cách Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp đỡ tôi khi tôi buồn bã hoặc trầm cảm.

Buồn phiền và trầm cảm

Hãy giúp học viên hiểu rằng cảm giác buồn phiền và chán nản tuy chẳng dễ dàng nhưng cần thiết cho sự phát triển của chúng ta. Chúng giống như những con sóng nhỏ, là những phản ứng bình thường trước những khó khăn và thất vọng trong cuộc sống. Giải thích rằng trầm cảm không chỉ là buồn phiền. Trầm cảm ảnh hưởng liên tục và tiêu cực đến cách suy nghĩ, cảm nhận, và hành động của một người (giống như những con sóng lớn). Các triệu chứng của trầm cảm bao gồm có buồn phiền dai dẳng, tuyệt vọng, cảm giác mình vô dụng, thiếu năng lượng, mất hứng thú với các hoạt động thú vị trước đây, cảm thấy như mình là một gánh nặng với những người xung quanh, nghĩ đến cái chết và tự tử. Ngoài ra, khi bị trầm cảm, một số người có thể cảm thấy khả năng nhận biết Thánh Linh của mình bị cản trở. (Xin xem “Understanding Sadness and Depression,” trong Strength in the Lord: Emotional Resilience [năm 2021], trang 75.)

Khi nghĩ về cuộc sống của mình, hãy suy ngẫm xem trạng thái cảm xúc hiện tại của các em giống với loại sóng nào.

Khi các em học tập hôm nay, hãy thành tâm tìm kiếm những sự thúc giục của Thánh Linh để giúp đỡ các em và những người mà các em biết rằng đang trải qua buồn phiền và trầm cảm.

Ê Sai 61:1–3 mô tả nhiều cách mà Đấng Cứu Rỗi có thể giúp đỡ chúng ta. Hãy đọc các câu này, tìm kiếm những cụm từ mà các em nghĩ có thể áp dụng để giúp đỡ ai đó đang buồn phiền hoặc trầm cảm. Từ “ta” trong các câu này ám chỉ Chúa Giê Su Ky Tô, tức là Đấng Mê Si.

  • Các từ hoặc cụm từ nào có ý nghĩa với các em? Các em đã khám phá được điều gì để có thể giúp ai đó đang vật lộn với buồn phiền hoặc trầm cảm?

Học viên có thể đề cập đến khả năng của Đấng Cứu Rỗi để giúp đỡ, an ủi và nâng đỡ những ai đau khổ, những ai đang bị hoặc cảm thấy bị tù đày, những ai than khóc, những ai cảm thấy tinh thần mình nặng trĩu ưu phiền.

Sau khi cho học viên có cơ hội chia sẻ, hãy đưa ra lời phát biểu sau đây của Chị Reyna I. Aburto. Lời phát biểu này có thể giúp học viên nhận ra điều các em có thể làm để tìm kiếm sự trợ giúp.

Chị Reyna I. Aburto, cựu Đệ Nhị Cố Vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Phụ Nữ, đã dạy:

Hình Ảnh
Chị Reyna I. Aburto

Giống như bất cứ bộ phận nào của cơ thể, bộ não cũng phải chịu bệnh tật, chấn thương, và mất cân bằng hóa học. Khi tâm trí bị đau khổ, tốt nhất chúng ta nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ Thượng Đế, từ những người xung quanh, từ các chuyên gia về y tế và sức khỏe tâm thần. …

… [Việc đôi khi cảm thấy buồn phiền hoặc lo âu] là chuyện bình thường. Buồn phiền và lo lắng là những cảm xúc tự nhiên của con người. Tuy nhiên, nếu chúng ta luôn luôn cảm thấy buồn chán và nếu nỗi đau của chúng ta ngăn cản khả năng của chúng ta để cảm nhận được tình yêu thương của Cha Thiên Thượng và Con Trai của Ngài cùng ảnh hưởng của Đức Thánh Linh, thì chúng ta có thể đang bị bệnh trầm cảm, lo âu, hoặc một căn bệnh khác về cảm xúc. (Reyna I. Aburto, “Dẫu Khi Nắng Mưa Xin ở Cùng Với Tôi Hoài!”, Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 57)

  • Chúng ta có thể học được các lẽ thật nào từ sứ điệp của Chị Aburto?

Giúp học viên hiểu được lẽ thật rằng khi tâm trí đang gặp đau khổ, chúng ta nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ Thượng Đế, từ những người xung quanh, từ các chuyên gia y tế và sức khỏe tâm thần.

Tìm kiếm sự giúp đỡ từ Thượng Đế, từ những người khác và các chuyên gia

Để giúp học viên hiểu rõ hơn nguyên tắc này, hãy mời các em gấp một tờ giấy thành ba phần để làm thành một cuốn sách nhỏ. Trong cuốn sách nhỏ này, các em có thể ghi lại những gì đã học được về việc tìm kiếm sự giúp đỡ khi buồn phiền hoặc trầm cảm. Điều này có thể hữu ích trong hiện tại hoặc tương lai cho các em hoặc cho ai đó mà các em yêu thương. Học viên có thể viết tựa của ba phần là “Tìm kiếm sự giúp đỡ từ Thượng Đế”, “Tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người khác” và “Tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia.” Sau đó hãy cung cấp tài liệu phát tay có tựa đề “Tìm Kiếm Sự Giúp Đỡ.” Học viên có thể làm riêng hoặc theo nhóm nhỏ, viết câu trả lời cho các câu hỏi trong tài liệu phát tay vào cuốn sách nhỏ của mình.

Tìm Kiếm Sự Giúp Đỡ

Tìm kiếm sự giúp đỡ từ Thượng Đế

Cha Thiên Thượng đã hứa ban sự trợ giúp thiêng liêng để chúng ta có thể chịu đựng mọi thử thách trên trần thế. Ngài đã hứa rằng sự giúp đỡ của Ngài sẽ đến theo nhiều cách. Nếu chúng ta không nhìn thấy sự giúp đỡ nào của Ngài, thì quan trọng là không bao giờ được bỏ cuộc. Hãy tiếp tục tìm kiếm. Ngài đang ở cạnh.

  • Những điều các em biết về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô mang lại cho các em sự tin tưởng rằng hai Ngài có thể giúp đỡ khi các em buồn phiền và trầm cảm?

Hãy đọc Gia Cốp 2:8; An Ma 26:27–28; Giáo Lý và Giao Ước 6:36; 136:29. Tìm những cách thức chúng ta có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa khi buồn phiền hay trầm cảm.

  • Những câu này dạy chúng ta phải làm gì khi buồn phiền hoặc trầm cảm?

  • Chúng ta có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô bằng những cách nào khác?

Nếu không quá riêng tư, hãy chia sẻ một kinh nghiệm khi các em tìm kiếm sự giúp đỡ từ Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.


Tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người khác

Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã dạy:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Spencer W. Kimball

Quả thật Thượng Đế có để ý đến chúng ta, và Ngài trông nom chúng ta. Nhưng cách Ngài đáp ứng nhu cầu của chúng ta thường là qua một người khác. (Teachings of Presidents of the Church: Spencer W. Kimball [năm 2006], trang 82)

Khi buồn phiền hoặc trầm cảm, chúng ta có thể cảm thấy bị cám dỗ để thu mình lại hoặc cô lập bản thân với người xung quanh. Điều đó có thể giới hạn khả năng nhìn thấy sự giúp đỡ mà Cha Thiên Thượng đang gửi đến cho chúng ta. Việc tìm đến những người khác có thể bao gồm nói chuyện với cha mẹ, những người đáng tin cậy trong gia đình, hoặc các vị lãnh đạo Giáo Hội.

Hãy liệt kê hai hoặc ba điều mà một người đang gặp khó khăn có thể làm để tìm đến những người khác hoặc để cho người khác giúp đỡ họ.

Nếu không quá riêng tư, hãy chia sẻ về lần mà ai đó trong gia đình hay một người bạn đã giúp đỡ các em trong lúc buồn bã hoặc trầm cảm.


Tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia

Một nguồn giúp đỡ quan trọng mà chúng ta có thể tìm kiếm là sự thông sáng của những người cung cấp dịch vụ y tế và sức khỏe tâm thần đáng tin cậy. Hãy nhớ lại hình ảnh ẩn dụ so sánh buồn phiền và trầm cảm với những con sóng của đại dương. Khi buồn phiền (đối mặt với những con sóng nhỏ), chúng ta nên tuân theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh để biết khi nào nên tìm kiếm sự giúp đỡ của người có chuyên môn. Tuy nhiên, nếu chúng ta cảm thấy trầm cảm hoặc muốn tự tử (đối mặt với những con sóng lớn), thì cần phải tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia.

Hãy đọc lời phát biểu sau của Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, tìm kiếm điều mà Cha Thiên Thượng đã cung ứng để giúp đỡ khi chúng ta gặp khó khăn:

Hình Ảnh
Anh Cả Jeffrey R. Holland

Tìm kiếm lời khuyên của những người có uy tín [với bằng cấp đào tạo], kỹ năng chuyên môn và các [phẩm chất] tốt. Hãy thành thật với họ về lịch sử và những [khó khăn] của các anh chị em. Hãy thành tâm và có trách nhiệm để cân nhắc lời khuyên bảo họ đưa ra và những giải pháp họ quy định. Nếu các em bị viêm ruột thừa, Thượng Đế kỳ vọng các em tìm kiếm một phước lành của chức tư tế nhận được sự chăm sóc y tế tốt nhất. Điều đó cũng như vậy với bệnh rối loạn [cảm xúc]. Cha Thiên Thượng kỳ vọng chúng ta phải sử dụng tất cả các ân tứ kỳ diệu mà Ngài đã ban cho trong gian kỳ vinh quang này. (Jeffrey R. Holland, “Giống Như Một Cái Bình Bể Nát”, Liahona, tháng Mười Một năm 2013, trang 41)

Trên quyển sách nhỏ, các em hãy ghi một phần lời phát biểu của Anh Cả Holland mà các em thấy có ý nghĩa với mình.

  • Các em nghĩ tại sao một người cần phải tìm kiếm sự giúp đỡ của người có chuyên môn khi bị trầm cảm?

Hãy giúp học viên nhận ra nơi các em cần đến để tìm kiếm sự giúp đỡ của người có chuyên môn. Có thể đơn giản là nói chuyện với một người tư vấn ở trường học, với cha mẹ, hoặc một vị lãnh đạo Giáo Hội đáng tin cậy để giúp các em tìm được người có chuyên môn thích hợp. Anh chị em có thể mời học viên xác định đường dây nóng hoặc trang web trợ giúp ngăn ngừa tự tử ở khu vực của mình (xin xem suicide.ChurchofJesusChrist.org để biết các đường dây nóng và các nguồn trợ giúp). Học viên có thể viết những nguồn này vào quyển sách nhỏ của mình. Học viên có thể lưu lại trang ngăn ngừa tự tử thuộc trang web của Giáo Hội trên một thiết bị điện tử.

Có thể xem các nguồn tài liệu nói về tự tử tại suicide.ChurchofJesusChrist.org và trong phần “Những Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung” của bài học này.

Một số người đang vật lộn với chứng trầm cảm có thể cảm thấy rằng họ gây ra quá nhiều gánh nặng cho người khác và thậm chí cho Chúa. Hãy giúp học viên ghi nhớ tình yêu thương, lòng kiên nhẫn và quyền năng toàn hảo của Chúa trong cuộc sống của các em, rằng Ngài mong muốn giúp chúng ta mang lấy gánh nặng của mình. Anh chị em có thể trìu mến nhắc nhở học viên rằng luôn luôn có hy vọng cho bất cứ ai đang bị trầm cảm hoặc có ý nghĩ tự tử.

Hãy xem lại những điều các em đã học

Mời học viên thảo luận xem tại sao việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ Thượng Đế, từ người khác và các chuyên gia đều quan trọng khi đối phó với buồn phiền và trầm cảm. Có thể mời vài học viên chia sẻ điều các em đã học được và cảm nhận hôm nay, nếu không quá riêng tư.

Mời học viên tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh khi các em hoàn tất điều sau đây.

Viết những điều sau vào nhật ký học tập hoặc vào quyển sách nhỏ của các em:

  • Điều các em sẽ làm để tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa nếu cảm thấy buồn phiền hoặc trầm cảm (có thể bao gồm những câu thánh thư các em sẽ đọc hoặc âm nhạc thiêng liêng mang hy vọng đến cho các em)

  • Những điều các em sẽ làm để tìm đến người khác khi cảm thấy buồn phiền hoặc trầm cảm

  • Những điều các em có thể làm để giúp đỡ ai đó đang cảm thấy buồn phiền hoặc trầm cảm

  • Những điều các em có thể nói với một người đang gặp khó khăn và tự hỏi liệu họ có nên tìm kiếm một nhà tư vấn sức khỏe tâm thần hay không

Có thể nhắc nhở học viên rằng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô có thể “lau ráo hết nước mắt khỏi mắt [của chúng ta]” (Khải Huyền 21:4) và “ôm [chúng ta] vào vòng tay thương yêu [của Ngài]” (Giáo Lý và Giao Ước 6:20).

In