Thư Viện
Sự Vâng Lời


“Sự Vâng Lời,” Các Đề Tài và Câu Hỏi (năm 2023)

Hình Ảnh
em thiếu nữ mỉm cười

Sách Hướng Dẫn Học Tập Phúc Âm

Sự vâng lời

Sẵn lòng noi theo Thượng Đế

Cha mẹ nhận ra tầm quan trọng của việc dạy con cái còn nhỏ phải tránh chạm tay vào một bếp lò nóng hoặc chạy ra đường ở phía trước đầu xe ô tô. Nếu con cái vâng lời, cho dù chúng có hiểu hay không hiểu lý do tại sao cần phải vâng lời, thì chúng sẽ vui hưởng sự an toàn và bảo vệ nhiều hơn.

Trong cuộc sống tiền dương thế của chúng ta, Chúa đã phán rằng cần phải mang đến cho con cái của Thượng Đế một kinh nghiệm hữu diệt trên trần thế để “thử thách họ … để xem họ sẽ làm theo tất cả những gì Chúa, Thượng Đế của họ, sẽ truyền lệnh cho họ” (Áp Ra Ham 3:25). Thượng Đế mong muốn rằng mỗi người chúng ta học cách noi theo Ngài và tuân theo các giáo lệnh của Ngài. Khi làm như vậy, chúng ta sẽ nhận được phước lành của việc sống với Ngài trong “một trạng thái hạnh phúc bất tận” (Mô Si A 2:41). Bằng cách sử dụng quyền tự quyết về mặt đạo đức và sự hướng dẫn của Thánh Linh, chúng ta có thể bắt đầu thấy lý do tại sao Thượng Đế đã ban cho chúng ta luật pháp để tuân theo. Cha Thiên Thượng hứa ban hạnh phúc và các phước lành cho tất cả những ai chịu lưu tâm đến những lời của Ngài và sẵn lòng tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.

Sự Vâng Lời Là Gì?

Trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, sự vâng lời được hiểu là làm theo ý muốn của Thượng Đế và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài. Điều này gồm có việc sử dụng quyền tự quyết, hoặc sự tự do lựa chọn của chúng ta để noi theo Thượng Đế với sự sẵn lòng. Chúng ta cho thấy tình yêu thương của mình dành cho Thượng Đế khi chúng ta chọn tin cậy và tuân phục theo ý muốn của Ngài.

Khái quát về đề tài:Sự Vâng Lời

Các sách hướng dẫn học tập phúc âm liên quan: Các Giáo Lệnh, Sự Hối Cải, Các Giao Ước và Các Giáo Lễ, Sống theo Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô

Tiết 1

Chúa Giê Su Ky Tô Vâng Lời Thượng Đế Đức Chúa Cha trong Mọi Sự Việc

Hình Ảnh
Chúa Giê Su trong Vườn Ghết Sê Ma Nê

Chúa Giê Su Ky Tô đã phán: “Ta từ trên trời xuống, chẳng phải để làm theo ý ta, nhưng làm theo ý Đấng đã sai ta đến” (Giăng 6:38). Trong suốt cuộc sống trần thế của Ngài, Chúa Giê Su đã cho thấy sự tuân theo tất cả các luật pháp và giáo lệnh của Cha Ngài. Ngài phán: “Ta hằng làm sự đẹp lòng Ngài” (Giăng 8:29).

Trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, Chúa Giê Su đã cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén nầy khỏi tôi! Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi!” (Lu Ca 22:42). Sau khi chịu đau khổ trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, Ngài đã khiêm nhường tuân phục theo ý muốn của Cha Ngài và bị đóng đinh trên thập tự giá, phó mạng mình để cứu chuộc tất cả chúng ta (xin xem Mô Si A 15:7). Vì Chúa Giê Su Ky Tô đã vâng lời Cha Ngài trong mọi sự việc, nên Ngài đã làm cho sự cứu rỗi và sự tôn cao có thể thực hiện được cho con cái của Thượng Đế.

Trong thời kỳ của chúng ta, Chúa phán bảo chúng ta phải đi theo Ngài và “sống theo từng lời nói phán ra từ miệng của Thượng Đế” (Giáo Lý và Giao Ước 98:11, xin xem thêm Phục Truyền Luật Lệ Ký 8:3). Chúa Giê Su Ky Tô đã làm sáng tỏ lý do quan trọng nhất cho chúng ta để vâng lời Thượng Đế khi Ngài đưa ra lời mời gọi trực tiếp và đơn giản “Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta” (Giăng 14:15).

Những điều để suy nghĩ

  • Chúa Giê Su Ky Tô đã sống một cuộc đời thánh thiện và không có tội lỗi. Ngài mời gọi chúng ta noi theo Ngài. Đọc 2 Nê Phi 31:7–10. Những người mong muốn noi theo Chúa Giê Su Ky Tô được đòi hỏi điều gì?

  • Thượng Đế phán rằng công việc và vinh quang của Ngài là “để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người” (Môi Se 1:39). Đọc Giáo Lý và Giao Ước 11:20 và xem Chúa nhận ra điều gì là “công việc của ngươi.”

Sinh hoạt học hỏi với người khác

  • Anh Cả Robert D. Hales đã dạy: “Vì Đấng Cứu Rỗi của chúng ta đã vâng lời nên Ngài chuộc tội lỗi cho chúng ta, làm cho sự phục sinh của chúng ta có thể thực hiện được và chuẩn bị con đường cho chúng ta trở về cùng Cha Thiên Thượng.” Thảo luận về những phước lành nào mà chúng ta vui hưởng nhờ Chúa Giê Su Ky Tô đã hoàn toàn vâng lời Thượng Đế Đức Chúa Cha. Thượng Đế muốn chúng ta làm gì để cho thấy lòng biết ơn của mình đối với nhiều phước lành chúng ta nhận được?

Tìm hiểu thêm

Tiết 2

Sự Vâng Lời của Anh Chị Em đối với Thượng Đế Sẽ Dẫn Đến Hạnh Phúc và Các Phước Lành

Hình Ảnh
gia đình trẻ đang cười

Chúng ta học được trong Sách Mặc Môn rằng tất cả những ai đã nghe bài giảng quan trọng của Vua Bên Gia Min đều đã hết lòng cải đạo theo Chúa Giê Su Ky Tô. Do đó, họ bày tỏ sự sẵn lòng để giao ước sẽ tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế (xin xem Mô Si A 5:1–7). Một trong những trách nhiệm mà các tín hữu của Giáo Hội của Đấng Ky Tô có trong thời kỳ của chúng ta là tuân giữ tất cả các giáo lệnh của Thượng Đế (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 42:78). Tiên Tri Joseph Smith đã giải thích bổn phận này quan trọng như thế nào đối với ông khi ông nói: “Tôi đã lập ra một luật lệ cho tôi: Khi Chúa truyền lệnh thì hãy làm theo.

Cha Thiên Thượng nhân từ của chúng ta đã mặc khải nguyên tắc vĩnh cửu mà chi phối cách các phước lành được ban cho: “Khi chúng ta nhận được bất cứ một phước lành nào từ Thượng Đế, thì đó là vì chúng ta tuân theo luật pháp mà phước lành này được căn cứ vào đó” (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 130:20–21). Có nhiều lý do khác nhau mà chúng ta có thể chọn để tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế. Đôi khi, chúng ta có thể làm như vậy vì sợ bị trừng phạt. Đôi khi chúng ta chỉ có thể tìm kiếm phần thưởng đã được hứa. Nhưng lý do quan trọng nhất để vâng lời là chúng ta yêu mến Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô và muốn phục vụ hai Ngài. Thượng Đế “đòi hỏi tấm lòng thành và tâm hồn đầy thiện chí” (Giáo Lý và Giao Ước 64:34).

Những điều để suy nghĩ

  • Hãy nghĩ về tất cả những cách mà Cha Thiên Thượng đã cho thấy tình yêu thương của Ngài dành cho anh chị em. Đọc Mô Si A 2:20–24. Tại sao sự vâng lời của chúng ta là tất cả những gì Thượng Đế đòi hỏi nơi chúng ta? Bây giờ hãy đọc Mô Si A 2:41. Anh chị em có thể mô tả cho một người khác nghe về Thượng Đế rộng lượng như thế nào đối với những người chân thành tìm cách tuân theo các giáo lệnh của Ngài?

  • Gia đình Lê Hi đã trải qua những khó khăn gay go khi họ hành trình trong vùng hoang dã trong nhiều năm. Vì họ tìm cách tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế, nên Chúa đã ban phước cho họ. Đọc 1 Nê Phi 17:1–4. Theo như câu 3, Thượng Đế đã chuẩn bị làm gì cho những người tuân giữ các giáo lệnh của Ngài?

  • Không phải lúc nào chúng ta cũng hiểu được lý do tại sao Thượng Đế ban cho một số giáo lệnh nhất định. Tuy nhiên, khi sử dụng quyền tự quyết của mình và chọn tin cậy và vâng lời Thượng Đế, thì chúng ta có thể tin tưởng rằng mọi điều sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 100:15). Đấng Cứu Rỗi đã hứa với chúng ta: “Nếu ngươi tuân giữ các giáo lệnh của ta và kiên trì đến cùng thì ngươi sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu, là ân tứ lớn lao nhất trong tất cả mọi ân tứ của Thượng Đế” (Giáo Lý và Giao Ước 14:7).

Sinh hoạt học hỏi với người khác

  • Chủ Tịch Ezra Taft Benson đã tuyên bố: “Khi chúng ta đặt Thượng Đế lên trên hết, thì tất cả những sự việc khác đều rơi vào vị trí thích hợp của chúng hoặc không còn quan trọng trong cuộc sống của chúng ta nữa.” “Đặt Thượng Đế lên trên hết” có nghĩa là gì đối với anh chị em? Yêu cầu các thành viên trong nhóm nói về những lúc mà họ đã thấy rằng “tất cả những sự việc khác đều rơi vào vị trí thích hợp của chúng hoặc không còn quan trọng trong cuộc sống của chúng ta nữa” khi chúng ta đặt Thượng Đế lên trên hết.

Tìm hiểu thêm

In