“Bài Học 1 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Chấp Nhận Lời Mời Gọi của Đấng Cứu Rỗi để Học Hỏi nơi Ngài,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên (năm 2023)
“Bài Học 1 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên
Bài Học 1 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học
Chấp Nhận Lời Mời Gọi của Đấng Cứu Rỗi để Học Hỏi nơi Ngài
Chào mừng đến với Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài (Tôn Giáo 250). Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói về Đấng Cứu Rỗi: “Không ai có được một ảnh hưởng sâu xa như thế trên tất cả mọi người đã sống và sẽ sống trên thế gian” (“Đấng Ky Tô Hằng Sống:Chứng Ngôn của Các Sứ Đồ,” ChurchofJesusChrist.org). Khóa học này sẽ mang đến cho anh chị em cơ hội thiêng liêng để học hỏi thêm về Chúa Giê Su Ky Tô để anh chị em có thể gia tăng ảnh hưởng của Ngài trong cuộc sống của mình.
Tài liệu chuẩn bị trong khóa học này là nhằm giúp anh chị em đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn bằng cách cải thiện việc học tập cá nhân của mình và chuẩn bị cho anh chị em có những cuộc thảo luận mang tính gây dựng với những người khác. Tài liệu này bao gồm các câu thánh thư thích hợp, những lời phát biểu để hỗ trợ từ các vị lãnh đạo Giáo Hội, các video có liên quan và lời mời để suy ngẫm và áp dụng điều anh chị em học được. Mỗi bài học có một phần tùy chọn “Muốn Thêm Thông Tin?” gồm có các nguồn tài liệu bổ sung mà có thể giúp anh chị em học hỏi thêm và củng cố đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.
Phần 1
Việc học hỏi về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm trường cửu của Ngài có thể thay đổi cuộc sống của tôi như thế nào?
Hãy tưởng tượng anh chị em sống ở Phi Li Tin trong thời gian giáo vụ của Chúa. Anh chị em đã nghe nhiều điều kỳ diệu về một giảng viên tên là Giê Su ở Na Xa Rét và có một ước muốn mạnh mẽ để tự mình đi nghe lời Ngài. Vào ngày mà anh chị em tìm thấy Ngài, Giê Su đang giảng dạy một nhóm đông người. Ngài phán về sự vĩ đại của Giăng Báp Tít và khiển trách dân chúng về sự vô tín ngưỡng của họ (xin xem Ma Thi Ơ 11:7–24). Rồi Ngài đưa ra một lời mời có thể làm thay đổi cuộc sống.
Chúa Giê Su Ky Tô đã đưa ra một lời mời tương tự trong thời kỳ của chúng ta. Sau khi làm chứng về cái giá không gì sánh nổi mà Ngài đã trả để chuộc tội lỗi của chúng ta nhờ đó chúng ta có thể hối cải, Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Hãy học hỏi nơi ta và lắng nghe những lời của ta; hãy bước đi trong sự nhu mì của Thánh Linh ta, rồi ngươi sẽ có được sự bình an trong ta” (Giáo Lý và Giao Ước 19:23).
Khi đề cập đến lời mời này, Anh Cả Kim B. Clark thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã dạy:
Lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi để “học hỏi nơi ta” có hai ý nghĩa liên quan chặt chẽ với nhau, tương ứng một cách tuyệt vời với cách của Chúa để học hỏi sâu sắc.
Ý nghĩa đầu tiên của cụm từ “học hỏi nơi ta” là: Học để biết ta.
… Biết Ngài là được Ngài sinh ra về mặt thuộc linh, trải qua một sự thay đổi lớn lao trong lòng, trở thành các con trai và con gái của Ngài. …
Ý nghĩa thứ hai của cụm từ “học hỏi nơi ta” là: Học từ ta.
… Khi đắm mình trong thánh thư, chúng ta học hỏi từ tấm gương hoàn hảo của Ngài. … Chúng ta phải hành động với đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô để làm phần vụ của mình, và khi làm như vậy, … Ngài hứa sẽ làm vinh hiển khả năng của chúng ta để hành động ngay chính và giúp chúng ta trở nên giống Ngài hơn. (“Learn of Me” [bài nói chuyện trước các nhà giáo dục tôn giáo CES, ngày 26 tháng Một năm 2018], ChurchofJesusChrist.org, sự nhấn mạnh được thêm vào)
Một cách quan trọng để học hỏi về Đấng Cứu Rỗi là học tập và sống theo phúc âm trường cửu của Ngài. “Từ phúc âm có nghĩa là ‘tin lành’” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Phúc Âm”). Vậy thì tin lành của phúc âm là gì?
Gần cuối giáo vụ của Ngài trong dân La Man và dân Nê Phi ở xứ Phong Phú, Đấng Cứu Rỗi đã giải thích bằng những từ ngữ đơn giản và rõ ràng về ý nghĩa và mục đích của phúc âm của Ngài.
Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:
“Tin lành” là chúng ta có thể thoát được cái chết và ngục giới, khắc phục được những lỗi lầm và tội lỗi, rằng vẫn có hy vọng, sự giúp đỡ, giải pháp cho những điều tưởng như không có lời giải, và rằng kẻ nghịch thù đã bị đánh bại. Tin mừng là mộ phần của mọi người một ngày nào đó có thể trống rỗng, linh hồn của mọi người có thể một lần nữa được thanh khiết, mỗi người con của Thượng Đế có thể trở lại cùng Đức Chúa Cha là Đấng đã ban cho họ sự sống. (“Missionary Work and the Atonement,” Ensign, tháng Ba năm 2001, trang 8–10)
Phần 2
Làm thế nào tôi có thể gia tăng khả năng của mình để học hỏi về Đấng Cứu Rỗi và phúc âm trường cửu của Ngài?
Chúng ta sống trong một thế giới mà phần lớn được định hướng bởi sự hiểu biết thế tục. Sự hiểu biết thế tục tập trung vào những vấn đề của thế gian mà không được xem là tôn giáo hay thuộc linh. Ví dụ, việc học hỏi khoa học tạo ra sự hiểu biết thế tục. Sự hiểu biết này rất quan trọng và đã dẫn đến những sự phát triển đáng kể trong công nghệ, y tế, nông nghiệp, giao thông vận tải, và truyền thông. Cùng với việc học hỏi thế tục này là việc học hỏi lẽ thật theo phương diện thuộc linh, sâu sắc hơn.
Anh Cả Paul V. Johnson thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã phân biệt giữa việc học hỏi thuộc linh và khoa học theo cách này:
Việc học hỏi những sự việc thuộc linh … đòi hỏi một phương pháp khác với việc học hỏi những sự việc khoa học. Phương pháp khoa học và trí tuệ rất hữu ích, nhưng chỉ có chúng thì sẽ không bao giờ mang lại sự hiểu biết thuộc linh. Việc học hỏi những điều thuộc linh cần có trí tuệ, nhưng điều đó chưa đủ. Chúng ta chỉ học hỏi được những sự việc thuộc linh qua Thánh Linh. (“A Pattern for Learning Spiritual Things” [Buổi phát sóng qua hệ thống vệ tinh của Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý Tôn Giáo, ngày 7 tháng Tám năm 2012], ChurchofJesusChrist.org)
Khi đề cập đến việc học hỏi thuộc linh, Chúa đã mặc khải cho Tiên Tri Joseph Smith rằng “vì tất cả các ngươi đều không có đức tin, nên các ngươi phải siêng năng tìm hiểu và dạy cho nhau những lời thông sáng; phải, các ngươi hãy tìm kiếm những lời thông sáng trong những sách hay nhất, hãy tìm kiếm sự hiểu biết, ngay cả bằng cách học hỏi và cũng bằng đức tin” (Giáo Lý và Giao Ước 88:118).
Hầu hết chúng ta đều biết cách học hỏi bằng việc nghiên cứu. Nhưng làm thế nào chúng ta học hỏi bằng đức tin? Chủ Tịch Russell M. Nelson đã giải thích:
Chúng ta củng cố đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô khi cố gắng tuân giữ các lệnh truyền của Ngài và “luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài” [Mô Rô Ni 4:3]. Hơn nữa, đức tin của chúng ta gia tăng mỗi khi chúng ta thực hành đức tin của mình nơi Ngài. Đó là ý nghĩa của việc học hỏi bằng đức tin.
Ví dụ, mỗi lần chúng ta có đức tin để tuân theo luật pháp của Thượng Đế—ngay cả khi có những ý kiến phổ biến coi thường chúng ta—hoặc mỗi lần chúng ta chống lại trò giải trí hoặc những ý thức hệ mà ca tụng việc vi phạm giao ước thì chúng ta đang thực hành đức tin của mình rồi sau đó gia tăng đức tin của mình.
Hơn nữa, có ít điều xây đắp đức tin hơn là việc thường xuyên mải mê với Sách Mặc Môn. Không có cuốn sách nào khác làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô với quyền năng và sự rõ ràng như vậy. …
Dĩ nhiên, sự an toàn tột bậc của chúng ta có được khi chúng ta kết nối với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô! Cuộc sống mà không có Thượng Đế là một cuộc sống tràn ngập nỗi sợ hãi. Cuộc sống có Thượng Đế là một cuộc sống tràn ngập bình an. Đây là do các phước lành thuộc linh đến với người trung tín. Việc tiếp nhận sự mặc khải cá nhân là một trong những phước lành lớn nhất trong số các phước lành đó. (“Đón Nhận Tương Lai bằng Đức Tin,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 75)