“Bài học 10 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Noi Theo Tấm Gương Tuân Phục của Chúa Giê Su Ky Tô,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên (năm 2023)
“Bài học 10 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên
Bài Học 10 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học
Noi Theo Tấm Gương Tuân Phục của Chúa Giê Su Ky Tô
Anh chị em có thể nghĩ đến những người trong cuộc sống của mình là những người “phục tùng, nhu mì, khiêm nhường, kiên nhẫn, đầy sự yêu thương, sẵn sàng chấp nhận tất cả những điều gì Chúa thấy cần gán cho [họ], chẳng khác chi trẻ con thuần phục cha mình vậy” không? (Mô Si A 3:19). Các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô này nằm trong khả năng của bất cứ người nào trong chúng ta mà đang tìm kiếm các thuộc tính này. Đấng Cứu Rỗi là tấm gương hoàn hảo về việc tuân phục theo ý muốn của Cha Thiên Thượng. Khi anh chị em học, hãy suy ngẫm tầm quan trọng của lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Ezra Taft Benson: “Những người nam và nữ biết hướng cuộc sống của họ đến Thượng Đế sẽ khám phá ra rằng Ngài có thể làm cho cuộc sống của họ có được nhiều thành công hơn họ có thể làm được” (“Jesus Christ—Gifts and Expectations,” Ensign, tháng Mười Hai năm 1988, trang 4).
Phần 1
Làm thế nào tính khiêm nhường và nhu mì có thể tiếp thêm sức mạnh cho tôi?
Một số người cảm thấy rằng tính khiêm nhường là một dấu hiệu của sự yếu đuối. Họ có thể nghĩ rằng những người khiêm nhường đều sợ sệt và nhút nhát. Tuy nhiên, những lời này không mô tả Chúa Giê Su Ky Tô, là tấm gương hoàn hảo về tính khiêm nhường và nhu mì.
Hãy xem xét một số ví dụ về sức mạnh, lòng dũng cảm và can đảm của Đấng Cứu Rỗi: Ngài đã tuyên bố một cách tự tin về nguồn gốc thật sự của Ngài, ngay cả khi điều đó làm cho cuộc sống của Ngài gặp nguy hiểm (xin xem Giăng 8:54–59); Ngài mạnh dạn dọn dẹp đền thờ khi đền thờ bị ô uế (xin xem Ma Thi Ơ 21:12–13; Giăng 2:14–17); Ngài can đảm bênh vực cho kẻ bị áp bức (xin xem Giăng 8:1–11; Mác 2:14–17); và Ngài đã không hề sợ hãi trước những lời buộc tội và chỉ trích (xin xem Ma Thi Ơ 16:1–12; Lu Ca 20:19–26).
Làm thế nào mà tính khiêm nhường có thể dẫn đến quyền năng và sức mạnh cá nhân lớn lao hơn? Chúng ta học được rằng “khiêm nhường là nhận ra với lòng biết ơn sự lệ thuộc của chúng ta vào Chúa—để hiểu rằng chúng ta luôn luôn cần đến sự hỗ trợ của Ngài. …
“… Trong giáo vụ trên trần thế của Ngài, [Chúa Giê Su Ky Tô] luôn luôn thừa nhận rằng quyền năng Ngài có được là nhờ vào sự phụ thuộc của Ngài vào Cha Ngài. Ngài phán: ‘Ta không thể tự mình làm nổi việc gì. … Ta chẳng tìm ý muốn của ta, nhưng tìm ý muốn của Đấng đã sai ta’ (Giăng 5:30)” (Gospel Topics, “Humility,” topics.ChurchofJesusChrist.org).
Sự tuân phục đầy khiêm nhường của Đấng Cứu Rỗi để làm theo ý muốn của Cha Ngài cũng liên kết với sự nhu mì của Ngài (xin xem Ma Thi Ơ 11:29). Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:
Sự nhu mì là một đặc tính chính yếu của Đấng Cứu Chuộc và được thể hiện qua cách đáp ứng một cách ngay chính, sự sẵn lòng tuân theo, và sự kiềm chế bản thân một cách mạnh mẽ. …
Đấng Cứu Chuộc Vĩ Đại, là Đấng “hạ mình xuống thấp hơn tất cả mọi vật” [Giáo Lý và Giao Ước 88:6] và chịu [bị] đau đớn, đổ máu, và chết [để] “làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác” [1 Giăng 1:9], [đã] nhẹ nhàng rửa đôi chân bụi bặm của các môn đồ của Ngài [Giăng 13:4–5]. Sự nhu mì như vậy là một đặc tính riêng biệt của Chúa với tư cách là một người tôi tớ và một vị lãnh đạo.
Chúa Giê Su nêu lên một tấm gương vĩ đại nhất về sự đáp ứng ngay chính và sẵn lòng tuân phục khi Ngài chịu đau đớn ở Vườn Ghết Sê Ma Nê.
“Khi đã đến nơi đó, Ngài phán cùng [môn đồ] rằng, Hãy cầu nguyện, hầu cho các ngươi khỏi sa vào sự cám dỗ.
“Ngài bèn … quỳ xuống mà cầu nguyện,
“Rằng: Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén nầy khỏi tôi! Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi” [Lu Ca 22:40–42].
Sự nhu mì của Đấng Cứu Rỗi trong kinh nghiệm thiết yếu vĩnh cửu và đau đớn này cho mỗi chúng ta thấy tầm quan trọng của việc đặt sự khôn ngoan của Thượng Đế lên trên sự khôn ngoan của riêng mình. (“Nhu Mì và Khiêm Tốn trong Lòng,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 33)
Phần 2
Làm thế nào việc lập và tuân giữ các giao ước có thể giúp tôi làm theo ý muốn của Thượng Đế?
Khi suy ngẫm về cuộc sống của mình, anh chị em có thể tự hỏi làm thế nào anh chị em có thể luôn khiêm nhường và nhu mì giống như Đấng Cứu Rỗi. May thay, Chúa Giê Su Ky Tô đã cho chúng ta thấy cách vâng theo ý muốn của Thượng Đế.
Vào lúc bắt đầu giáo vụ của Ngài, Chúa Giê Su đã đến cùng Giăng Báp Tít để tiếp nhận giáo lễ báp têm. Lúc đầu, Giăng do dự và nói: “Chính tôi cần phải chịu Ngài làm phép báp têm, mà Ngài lại trở đến cùng tôi sao?” Chúa Giê Su phán bảo Giăng đó là điều đúng đắn để mà họ có thể “làm cho trọn mọi việc công bình” (xin xem Ma Thi Ơ 3:13–17).
Việc vâng theo giáo lễ báp têm đặt chúng ta trên con đường giao ước. Khi bước đi trên con đường này, chúng ta cố gắng tuân giữ các lệnh truyền và do đó tuân phục theo ý muốn của Thượng Đế. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói điều này về con đường giao ước:
Sự cam kết của anh chị em để noi theo Đấng Cứu Rỗi bằng cách lập giao ước với Ngài và rồi việc tuân giữ các giao ước đó sẽ mở ra cánh cửa cho mọi phước lành và đặc ân thiêng liêng dành sẵn cho nam giới, phụ nữ và trẻ em ở khắp mọi nơi. (“Khi Chúng Ta Cùng Tiến Bước với Nhau,” Ensign, tháng Tư năm 2018, trang 7)
Phần 3
Tôi có thể làm gì để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của mình?
Trong thánh thư, và ngày nay, dân giao ước của Chúa thường được gọi là gia tộc Y Sơ Ra Ên. Chủ Tịch Nelson đã dạy:
Một trong các nghĩa của từ Y Sơ Ra Ên trong tiếng Hê Bơ Rơ là “hãy để cho Thượng Đế ngự trị.” Như vậy, chính cái tên Y Sơ Ra Ên dùng để chỉ một người mà sẵn lòng để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của mình. Khái niệm đó làm cho tâm hồn tôi phấn khởi!
Từ sẵn lòng là rất thiết yếu cho cách giải thích này về Y Sơ Ra Ên. Chúng ta đều có quyền tự quyết của mình. … Chúng ta có thể chọn để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của mình hay không. Chúng ta có thể chọn để Thượng Đế là Đấng có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong cuộc đời mình hay không. …
Anh chị em có sẵn lòng để cho Thượng Đế là ảnh hưởng quan trọng nhất trong cuộc sống của mình không? Anh chị em có chịu để cho những lời của Ngài, các giáo lệnh của Ngài và các giao ước của Ngài ảnh hưởng đến điều anh chị em làm mỗi ngày không? Anh chị em có chịu để cho tiếng nói của Ngài được ưu tiên hơn bất cứ tiếng nói nào khác không? Anh chị em có sẵn lòng để cho bất cứ điều gì Ngài cần anh chị em làm phải quan trọng hơn mọi tham vọng khác không? Anh chị em có sẵn lòng để cho ý muốn của mình lọt vào trong ý muốn của Ngài không? (“Hãy Để Cho Thượng Đế Ngự Trị,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 92, 94.)
Từ thánh thư và cuộc sống của các môn đồ thời hiện đại, chúng ta có thể học hỏi về các cơ hội, thử thách, và các phước lành sẽ đến khi chúng ta chọn để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của mình.
Khi anh chị em nghĩ về những nỗ lực để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của mình, hãy xem xét chứng ngôn sau đây của Chủ Tịch Bonnie L. Oscarson, cựu Chủ Tịch Trung Ương Hội Thiếu Nữ:
Tôi làm chứng rằng có những phước lành lớn lao được dành sẵn khi chúng ta cũng sẵn lòng thưa cùng Đức Chúa Cha: “Hỡi Chúa, ý Ngài được nên” [xin xem Giáo Lý và Giao Ước 109:44] và làm cho ý muốn của chúng ta phù hợp với ý muốn của Chúa. … Đây là thử thách của cuộc sống. Khi làm việc đó giỏi hơn, chúng ta sẽ tìm thấy hạnh phúc lớn lao hơn, gia tăng khả năng để nhận được sự mặc khải cá nhân, có nhiều khả năng hơn để phục vụ những người xung quanh mình, được giúp đỡ nhiều hơn khi đối mặt với những thử thách, và có một đặc tính giống như Đấng Ky Tô hơn. (“Leaders Address Importance of Conversion at BYU Women’s Conference,” ngày 9 tháng Năm năm 2017, ChurchofJesusChrist.org)