Viện Giáo Lý
Bài học 21 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Lắng Nghe Tiếng Nói của Chúa trong Những Ngày Sau


“Bài học 21 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Lắng Nghe Tiếng Nói của Chúa trong Những Ngày Sau,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên (năm 2023)

“Bài học 21 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên

người thành niên trẻ tuổi hạnh phúc

Bài học 21 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Lắng Nghe Tiếng Nói của Chúa trong Những Ngày Sau

Nhiều người đã tự hỏi liệu Thượng Đế có tiếp tục nói chuyện với chúng ta không. Đôi khi anh chị em có thể tự hỏi liệu Ngài sẽ nói chuyện với anh chị em không. Với sự hiểu biết của mình về Sự Phục Hồi, chúng ta có thể reo to “Có!” Chúa tiếp tục hướng dẫn chúng ta khi chúng ta học cách nghe lời Ngài. Khi học bài học này, hãy xem cách mà Joseph Smith và những người khác trong thời kỳ chúng ta đã học cách nhận ra tiếng nói của Đấng Cứu Rỗi. Hãy dành một chút thời gian để gia tăng khả năng của anh chị em để nghe lời Ngài trong cuộc sống của mình.

Phần 1

Làm thế nào chứng ngôn của Tiên Tri Joseph Smith có thể giúp tôi nghe và biết rõ hơn về Chúa Giê Su Ky Tô?

Trong thời niên thiếu, Joseph Smith rất quan tâm đến sự an lạc của tâm hồn ông và về giáo hội nào ông nên gia nhập. “Sự hỗn loạn và tranh chấp giữa các giáo phái khác nhau” trong cộng đồng của ông đã làm cho ông không chắc “ai đúng và ai sai” (xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:8–10).

Được soi dẫn bởi lời khuyên dạy trong Kinh Thánh để “cầu vấn Thượng Đế” (Gia Cơ 1:5), Joseph đi đến một khu rừng để cầu nguyện. Đáp lại, ông đã nhận được một khải tượng vinh quang. Joseph nói: “Tôi thấy một luồng ánh sáng ngay trên đầu tôi, sáng hơn cả ánh sáng mặt trời, ánh sáng ấy từ từ hạ xuống cho đến khi phủ lên tôi. … Tôi thấy có hai Nhân Vật đứng bên trên tôi giữa không trung, vẻ rực rỡ và hào quang chói lọi của hai người thật không bút nào tả xiết. Một trong hai vị nói chuyện với tôi, gọi tên tôi và trỏ tay vào vị kia mà nói rằng—Đây là Con Trai Yêu Quý của Ta. Hãy nghe lời Người!” (Joseph Smith— Lịch Sử 1:16–17).

Khải Tượng Thứ Nhất, tranh do Walter Rane họa

Ngoài Khải Tượng Thứ Nhất, Joseph Smith còn thấy Cha Thiên Thượng hoặc Đấng Cứu Rỗi ít nhất tám dịp khác (xin xem Sarah Jane Weaver, “President Nelson at Mission Leadership Seminar: How to Receive Divine Tutoring like the Prophet Joseph Smith,” Church News, ngày 27 tháng Sáu năm 2020, thechurchnews.com). Một trong những dịp này là khi Joseph và Sidney Rigdon đang làm công việc phiên dịch Kinh Thánh được soi dẫn (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 76). Một dịp khác là khi Đấng Cứu Rỗi hiện đến và phán cùng Joseph và Oliver Cowdery trong Đền Thờ Kirtland (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 110).

biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 76:22–24110:2–4, tìm kiếm điều anh chị em có thể học được về Đấng Cứu Rỗi.

Christ Appears in the Kirtland Temple (Đấng Ky Tô Hiện Đến trong Đền Thờ Kirtland), tranh do Walter Rane họa

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley nói về lời chứng của Joseph Smith về Đấng Cứu Rỗi:

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley

Ông là tôi tớ ngày sau của Chúa, là người đã được chọn để làm chứng một lần nữa về Đấng Ky Tô phục sinh.

Đứng trước một thế giới đầy nghi ngờ về tính xác thật của Sự Phục Sinh, Joseph Smith đã làm chứng rõ ràng về Đấng Ky Tô phục sinh hằng sống. … Tiên Tri Joseph Smith là một nhân chứng ưu việt về Đấng Ky Tô hằng sống. (“What Hath God Wrought through His Servant Joseph!,” Ensign, tháng Một năm 1997, trang 2)

biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Anh chị em nghĩ điều gì khiến cho Joseph Smith trở thành “một nhân chứng ưu việt về Đấng Ky Tô hằng sống”? (Ưu việt có nghĩa là vượt trội hơn tất cả.) Lời chứng của Joseph về Đấng Cứu Rỗi đã ảnh hưởng như thế nào đến chứng ngôn của anh chị em? Nếu anh chị em cảm thấy không chắc chắn về chứng ngôn của mình về Chúa Giê Su Ky Tô, làm thế nào việc thành tâm nghiên cứu về những điều mặc khải của Joseph Smith có thể giúp củng cố đức tin của anh chị em? (xin xem D. Todd Christofferson, “3 Ways Joseph Smith Reveals Jesus Christ to Us,” New Era, tháng Ba năm 2020, trang 2–5).

Phần 2

Làm thế nào tôi có thể cải thiện khả năng của mình để nghe được tiếng nói của Chúa?

Hãy nhớ những lời đầu tiên của Cha Thiên Thượng nói cùng Joseph: “Đây là Con Trai Yêu Quý của Ta. Hãy nghe lời Người!” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:17). Chủ Tịch Russell M. Nelson nói: “Trong ba từ đó—‘Nghe lời Người’—Thượng Đế ban cho chúng ta mẫu mực về sự thành công, hạnh phúc và niềm vui trong cuộc sống này” (“Hãy Nghe Lời Người,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 89).

Không phải lúc nào cũng dễ dàng để nhận ra Chúa đang nói cùng chúng ta. Joseph Smith và các vị lãnh đạo khác của Giáo Hội thời kỳ đầu đã phải học cách nhận ra tiếng nói của Ngài. Nhưng với tình yêu thương, Đấng Cứu Rỗi đã giảng dạy cho họ—và sẽ giảng dạy cho chúng ta—khi chúng ta tìm cách để nghe lời Ngài.

Trong khi ở trọ tại nhà của Joseph Smith Sr., Oliver Cowdery đã biết về công việc của Vị Tiên Tri. Oliver đã cầu nguyện về vấn đề này và được tràn đầy sự bình an về những gì ông đã nghe.

Oliver Cowdery nhận được sự mặc khải

Ngay cả khi ông chọn đi 300 dặm (khoảng 480 km) để giúp Vị Tiên Tri, Oliver cũng không nói cho ai biết về kinh nghiệm của ông trong khi cầu nguyện. Sau khi dành ra vài ngày với tư cách là người biên chép cho Joseph trong công việc phiên dịch Sách Mặc Môn, Oliver vẫn còn có thắc mắc. Giống như nhiều người trong chúng ta, ông có thể đã tự hỏi liệu những ý nghĩ và cảm nhận của ông là từ Thượng Đế hay chỉ là ý nghĩ và cảm nhận của riêng ông. Joseph đã nhận được một điều mặc khải cho Oliver mà đã dạy cho ông một lẽ thật tuyệt vời về cách để nghe tiếng nói của Chúa.

biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy nghiên cứu Giáo Lý và Giao Ước 6:14–15, 22–23, và xem xét điều anh chị em có thể học được từ kinh nghiệm của Oliver về cách lắng nghe Chúa.

25:2

Giống như Oliver, anh chị em có thể nhận thức rõ hơn về tiếng nói của Chúa trong cuộc sống của mình. Nhưng chúng ta đi đâu để nghe được lời Ngài? Chủ Tịch Nelson đã mô tả một số nguồn tài liệu mà từ đó chúng ta có thể nghe được tiếng nói của Chúa:

Chủ Tịch Russell M. Nelson

Chúng ta có thể tìm đến thánh thư. … Hằng ngày, khi chúng ta nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô, thì những lời này sẽ cho chúng ta biết cách đối phó với những khó khăn mà chúng ta không bao giờ nghĩ là mình sẽ gặp phải.

Chúng ta cũng có thể nghe lời Ngài trong đền thờ. … Ở đó, chúng ta học cách vén ra bức màn che và giao tiếp rõ ràng hơn với thiên thượng. …

Chúng ta cũng nghe lời Ngài rõ hơn khi chúng ta trau dồi khả năng nhận ra những lời mách bảo của Đức Thánh Linh. …

… Chúng ta nghe lời Ngài khi chúng ta lưu tâm đến lời của các vị tiên tri, tiên kiến,​và mặc khải. Các Sứ Đồ được sắc phong của Chúa Giê Su Ky Tô luôn làm chứng về Ngài. (“Hãy Nghe Lời Người,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 89–90)

người thành niên trẻ tuổi đang suy ngẫm

Mặc dù chúng ta có thể đọc những lời của Đấng Cứu Rỗi và lắng nghe các vị tiên tri của Ngài, nhưng tiếng nói của Ngài thường không phải là tiếng nói mà chúng ta nhận ra bằng năm giác quan của mình. Đấng Cứu Rỗi phán cùng Joseph và Oliver: “Ta sẽ nói trong trí của ngươi và trong tâm của ngươi bởi Đức Thánh Linh. … Giờ đây, này, đây là tinh thần mặc khải” (Giáo Lý và Giao Ước 8:2–3). Thánh Linh là chìa khóa trong việc mang tiếng nói của Chúa vào tâm trí và tấm lòng của chúng ta. Hãy nghĩ về điều anh chị em có thể làm để mời Chúa nói chuyện với anh chị em và điều anh chị em có thể làm sau đó để nghe tiếng nói của Ngài.

Chị Michelle D. Craig, cố vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Nữ, đưa ra một số đề nghị mà có thể giúp anh chị em gia tăng khả năng của mình để nghe lời Chúa:

Chị Michelle D. Craig
  1. Chủ Tâm Dành Thời Gian và Tạo Không Gian để Lắng Nghe Tiếng Nói của Thượng Đế

    Khi anh chị em sử dụng quyền tự quyết của mình để dành thời giờ mỗi ngày để đến gần tiếng nói của Thượng Đế, đặc biệt là trong Sách Mặc Môn, thì theo thời gian, tiếng nói của Ngài sẽ trở nên rõ ràng và quen thuộc hơn với anh chị em. …

    Sa Tan muốn chia cách chúng ta khỏi tiếng nói của Thượng Đế bằng cách ngăn cản chúng ta bước vào những nơi yên tĩnh đó. …

  2. Hành Động Không Chần Chừ

    Khi anh chị em nhận được những sự thúc giục và rồi hành động với chủ ý thì Chúa có thể sử dụng anh chị em. Anh chị em càng hành động thì tiếng nói của Thánh Linh sẽ càng trở nên quen thuộc. …

  3. Nhận Công Việc của Mình từ Chúa

    Lời cầu nguyện mà Cha Thiên Thượng dường như sẵn lòng đáp ứng là lời cầu xin để được dẫn dắt đến những người cần sự giúp đỡ của chúng ta. …

  4. Tin Tưởng và Tin Cậy

    … Là môn đồ trung tín của Ngài, anh chị em có thể nhận được sự soi dẫn và mặc khải cá nhân, phù hợp với các lệnh truyền của Ngài, mà dành riêng cho anh chị em. (“Khả Năng Thuộc Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 19, 20, 21)

người thành niên trẻ tuổi đang viết vào nhật ký
biểu tượng, ghi lại

Ghi Lại Những Suy Nghĩ của Anh Chị Em

Khi anh chị em suy ngẫm về lời khuyên dạy của Chủ Tịch Nelson và Chị Craig, hãy nghĩ về cách Chúa thường nói chuyện với anh chị em nhất. Hãy ghi lại một kinh nghiệm mà anh chị em đã nghe được tiếng nói của Chúa.