“Bài Học 8 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Chấp Nhận Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Mê Si Đã Được Hứa,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên (năm 2023)
“Bài Học 8 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên
Bài Học 8 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học
Chấp Nhận Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Mê Si Đã Được Hứa
Hãy nghĩ về lần mà anh chị em trải qua một số thử thách về thể chất, tinh thần, cảm xúc hoặc thuộc linh. Anh chị em đã tìm kiếm sự giúp đỡ ở nơi nào? Các vị tiên tri thời xưa làm chứng rằng Đấng Mê Si sẽ đến để an ủi, củng cố và chữa lành chúng ta. Khi anh chị em nghiên cứu một số những lời tiên tri thiêng liêng này, hãy suy ngẫm cách Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Mê Si, có thể giúp anh chị em.
Phần 1
Việc chấp nhận Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Mê Si có thể mang đến sự chữa lành cho tôi bằng cách nào?
Cũng giống như chúng ta trông chờ Ngày Tái Lâm của Chúa, dân giao ước trong Kinh Cựu Ước háo hức chờ đợi ngày hiện đến của Đấng Mê Si, Đấng giải cứu. Theo các vị tiên tri thời Cựu Ước, thì Đấng Mê Si sẽ là con cháu của Vua Đa Vít và sẽ giải thoát dân Ngài. “Trong Kinh Tân Ước, Đấng giải cứu được gọi là Đấng Ky Tô tức là Đấng Mê Si bằng tiếng Hy Lạp” (Bible Dictionary, “Messiah”).
Ê Sai đã viết một vài lời tiên tri về Đấng Mê Si và sứ mệnh của Ngài (xin xem Ê Sai 9:6; 7:14–15; 11:1–9; 35:5; 51:4–8; 52:9–10).
Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói về Ê Sai 61:1–3: “Những câu đó sẽ nằm trong số những câu thánh thư cảm động và có ý nghĩa nhất từng được viết ra, nhất là về ý nghĩa thật sự của Đấng Mê Si” (Christ and the New Covenant [năm 1997], trang 89).
Trong khi những lời tiên tri như vậy làm cho dân Do Thái tràn đầy hy vọng và kỳ vọng về sự giải thoát, thì vào thời Tân Ước nhiều người “chỉ đang đợi chờ một Đấng giải cứu họ khỏi quyền lực của La Mã và đem lại sự thịnh vượng hơn cho đất nước” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Đấng Mê Si”). Khi Chúa Giê Su không đáp ứng được những kỳ vọng này, nhiều người đã chối bỏ lời tuyên xưng của Ngài là Đấng Mê Si đã được hứa từ lâu.
Ví dụ, vào lúc bắt đầu giáo vụ, Chúa Giê Su trở lại quê nhà của Ngài ở Na Xa Rét và tham dự nhà hội vào ngày Sa Bát. Ngài đứng lên đọc thánh thư, mở cuộn sách ra, và đọc to Ê Sai 61:1–2. Sau đó Ngài tuyên phán rằng Ngài là sự ứng nghiệm của lời tiên tri về Đấng Mê Si này (xin xem Lu Ca 4:16–21). Những người có mặt đều sửng sốt, trở nên tức giận, và cố giết Ngài (xin xem Lu Ca 4:22–30).
Giống như những người ở Na Xa Rét, mỗi người chúng ta phải quyết định xem chúng ta có chấp nhận Chúa Giê Su là Đấng Mê Si không. Khi làm chứng về tính chất cá nhân của sứ mệnh làm Đấng Mê Si của Chúa, Anh Cả Gerrit W. Gong thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói:
Ngài hằng sống—không chỉ vào lúc đó, mà còn vào lúc này; không chỉ cho một vài người, mà còn cho tất cả mọi người. Ngài đã đến và tiếp tục đến để chữa lành cho những kẻ đau khổ, rao cho kẻ bị cầm được tha, kẻ mù được sáng, kẻ bị hà hiếp được tự do [xin xem Lu Ca 4:18]. Đó chính là mỗi người chúng ta. Lời hứa cứu chuộc của Ngài áp dụng cho chúng ta, bất kể quá khứ, hiện tại, hoặc mối quan tâm về tương lai của mình. (“Hô Sa Na và Ha Lê Lu Gia—Chúa Giê Su Ky Tô Hằng Sống: Trọng Tâm của Sự Phục Hồi và Lễ Phục Sinh,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 53)
Phần 2
Đấng Mê Si đã làm gì để Ngài có khả năng chữa lành và giúp đỡ tôi?
Anh chị em có thể biết ít nhất một chút từ kinh nghiệm cá nhân về nỗi đau và sự buồn khổ. Và có lẽ anh chị em đã thấy điều đó trong cuộc sống của những người xung quanh mình. Hãy cố gắng tưởng tượng việc Chúa Giê Su Ky Tô đã trải qua tất cả nỗi đau khổ của con người—nỗi đau thể xác, cảm xúc, và thuộc linh, cho tất cả mọi người trong mọi thời đại, kể cả các anh chị em.
Ê Sai 53 là một trong những điều mặc khải sâu sắc nhất trong thánh thư về nỗi đau khổ của Chúa Giê Su Ky Tô chịu thay cho chúng ta. Thực tế, Anh Cả Holland đã nói rằng đó là “lời tuyên bố cao quý nhất, dài nhất và đầy ý nghĩa nhất về sự sống, cái chết, và sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô” (Christ and the New Covenant [năm 1997], trang 89).
Khi tiên tri An Ma Con đang thuyết giảng cho dân Nê Phi, ông đã mô tả ý nghĩa sâu rộng và sâu xa của nỗi đau khổ của Đấng Mê Si.
Chủ Tịch Jean B. Bingham, Chủ Tịch Trung Ương Hội Phụ Nữ, đã dạy:
Trong 33 năm sống trên trần thế, [Chúa Giê Su Ky Tô] đã bị khước từ, ngược đãi, thể xác Ngài đói khát và mệt mỏi, cô đơn, bị hành hạ bằng lời nói và hành động, và cuối cùng là một cái chết đau đớn tột cùng dưới bàn tay của những người tội lỗi. Trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên cây thập tự ở Đồi Sọ, Ngài đã cảm nhận tất cả những đau đớn, khổ sở, cám dỗ, bệnh hoạn và những sự yếu đuối của chúng ta.
Bất kể điều gì chúng ta đã chịu đựng, thì Ngài cũng là nguồn gốc chữa lành. Những người nào đã chịu đựng bất cứ hành vi lạm dụng, sự mất mát thảm khốc, bệnh tật kinh niên hoặc khổ sở vì tật nguyền, những lời cáo gian, sự ngược đãi tàn nhẫn, hoặc tổn thương phần thuộc linh vì tội lỗi hoặc sự hiểu lầm cũng đều có thể được Đấng Cứu Chuộc của thế gian chữa lành. Tuy nhiên, Ngài sẽ không làm điều đó nếu không được mời. Chúng ta phải đến cùng Ngài và để cho Ngài làm phép lạ. (“Hầu Cho Sự Vui Mừng của Các Ngươi Được Trọn Vẹn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 86)
Khi đề cập đến cách Chúa trợ giúp chúng ta, Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã nói:
Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã có quyền năng để cứu giúp–giúp đỡ—mọi nỗi đau đớn và hoạn nạn của người trần thế. Đôi khi quyền năng của Ngài chữa lành một sự yếu đuối, nhưng thánh thư và những kinh nghiệm của chúng ta dạy rằng đôi khi Ngài cứu giúp hoặc giúp đỡ bằng cách ban cho chúng ta sức mạnh hay lòng kiên nhẫn để chịu đựng những yếu đuối của mình. (“Được Củng Cố bởi Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 62)