Viện Giáo Lý
Bài học 15 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Đến Gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn qua Tiệc Thánh


“Bài học 15 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Đến Gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn qua Tiệc Thánh,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên (năm 2023)

“Bài Học 15 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên

In Remembrance of Me (Để Tưởng Nhớ đến Ta), tranh do Walter Rane họa

Bài học 15 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Đến Gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn qua Tiệc Thánh

Hãy nghĩ về lần gần đây nhất mà anh chị em dự phần Tiệc Thánh. Kinh nghiệm đó của anh chị em như thế nào? Anh chị em đã chú ý điều gì về Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi và mối quan hệ giao ước của anh chị em với Ngài? Khi học các bài học trong đơn vị 4, anh chị em sẽ có cơ hội để suy ngẫm điều mình có thể làm để Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài trở nên cá nhân, thích hợp, và dễ áp dụng hơn trong cuộc sống của mình.

Phần 1

Làm thế nào Tiệc Thánh có thể giúp tôi đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn?

Một vài giờ trước khi bước vào Vườn Ghết Sê Ma Nê, Chúa Giê Su đã chỉ dẫn cho Mười Hai Vị Sứ Đồ của Ngài chuẩn bị bữa ăn lễ Vượt Qua (xin xem Ma Thi Ơ 26:17–19). Trong gần 1.500 năm, con cái của Y Sơ Ra Ên đã mở tiệc mừng Lễ Vượt Qua và dùng máu của chiên con không tì vết để tượng trưng cho sự giải thoát của họ khỏi thiên sứ hủy diệt (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 12:21–28; 13:14–15). Sau bữa ăn này, Chúa Giê Su Ky Tô, Chiên Con của Thượng Đế, đã làm ứng nghiệm tính biểu tượng của Lễ Vượt Qua khi máu của Ngài đổ ra và Ngài trở thành Đấng Cứu Rỗi của thế gian (xin xem Giăng 1:29; 1 Phi E Rơ 1:18–19). Là một phần trong bữa ăn cuối cùng cho Lễ Vượt Qua của Ngài, “Ngài thiết lập Tiệc Thánh như là một điều nhắc nhở về sự hy sinh chuộc tội lớn lao của Ngài” (“Đấng Ky Tô Hằng Sống:Chứng Ngôn của Các Sứ Đồ,” ChurchofJesusChrist.org). Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi gồm có nỗi đau khổ của Ngài trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, cái chết của Ngài trên cây thập tự, và Sự Phục Sinh vinh quang của Ngài.

Chúa Giê Su bẻ bánh trong Bữa Ăn Tối Cuối Cùng
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc Ma Thi Ơ 26:26–28, và tưởng tượng việc nhận được Tiệc Thánh từ Chúa Giê Su Ky Tô sẽ như thế nào.

6:2

Bánh và rượu, hoặc nước là những biểu tượng thiêng liêng của Tiệc Thánh. Một biểu tượng là một vật tượng trưng cho một khái niệm, chất lượng, hoặc ý tưởng. Khi anh chị em học những điểm sau đây, hãy suy ngẫm cách mà các biểu tượng Tiệc Thánh có thể nhắc nhở anh chị em về Đấng Cứu Rỗi và điều Ngài đã làm cho anh chị em:

  • Trong suốt 40 năm của dân Y Sơ Ra Ên thời xưa trong đồng vắng, họ đã được nuôi dưỡng hằng ngày bằng ma na hoặc “bánh từ trên trời” (Giăng 6:31, xin xem thêm Thi Thiên 78:24–25). Sau khi nói về bánh ma na, Chúa Giê Su Ky Tô đã phán: “Ta là bánh hằng sống từ trên trời xuống. … “Kẻ nào ăn bánh nầy sẽ sống đời đời” (Giăng 6:51, 58).

  • Là một phần của Sự Chuộc Tội của Ngài, thể xác của Chúa Giê Su Ky Tô đã “bị bầm dập, nát tan vì chúng ta” (“Jesus of Nazareth, Savior and King,” Hymns, số 181). Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn nhận xét: “Vì thể xác Ngài bị bầm dập và nát tan, nên mỗi miếng bánh là độc nhất vô nhị, cũng giống như mỗi người dự phần bánh là độc nhất vô nhị” (“Important Aspects of Missionary Work Remain Unchanged, Says Elder Oaks,” Church News, ngày 30 tháng Sáu năm 2017, ChurchofJesusChrist.org).

  • Rượu được sử dụng trong lễ Tiệc Thánh đầu tiên để tượng trưng cho máu của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta được tẩy sạch bởi máu của Ngài (xin xem 1 Giăng 1:7). Ngày nay chúng ta sử dụng nước, cũng ngụ ý đến sự thanh tẩy (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 27:2) và là thiết yếu cho sự sống. Khi ở bên một cái giếng, Chúa Giê Su đã phán bảo một người đàn bà Sa Ma Ri rằng nước Ngài ban cho chúng ta giống như “một giếng nước văng ra cho đến sự sống đời đời” (Giăng 4:14).

  • Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy: “Nói theo một cách ẩn dụ thì việc ăn thịt và uống huyết của [Đấng Ky Tô] có ý nghĩa nhiều hơn thế, đó là tiếp nhận những đức tính và đặc tính của Đấng Ky Tô. … Khi dự phần bánh và nước mỗi tuần, chúng ta nên xem xét [xem] mình phải kết hợp [tính cách] và mẫu mực cuộc sống vô tội của Ngài vào cuộc sống và con người của chúng ta một cách trọn vẹn và đầy đủ như thế nào” (“Bánh Hằng Sống từ Trên Trời Xuống,” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 37).

biểu tượng Tiệc Thánh
biểu tượng, ghi lại

Ghi Lại Những Suy Nghĩ của Anh Chị Em

Hãy viết xuống câu trả lời cho các câu hỏi sau đây: Điều gì gây ấn tượng cho anh chị em về ý nghĩa tượng trưng của bánh và nước? Anh chị em muốn tưởng nhớ điều gì về Đấng Cứu Rỗi khi dự phần bánh và nước trong lễ Tiệc Thánh kế tiếp?

Phần 2

Làm thế nào việc dự phần Tiệc Thánh có thể giúp tôi tiếp cận quyền năng của Chúa dễ dàng hơn?

Trong giáo vụ của Ngài ở giữa dân Nê Phi và dân La Man, Chúa Giê Su Ky Tô đã ban cho các môn đồ của Ngài thẩm quyền và truyền lệnh cho họ thực hiện Tiệc Thánh cho các tín hữu của Giáo Hội Ngài. Ngài phán: “Các ngươi phải luôn luôn làm đúng theo điều này … nghĩa là ta đã bẻ bánh, ban phước lành bánh, và phân phát cho các ngươi” (3 Nê Phi 18:6; cũng xem câu 5). Việc thường xuyên nhóm họp với nhau và xứng đáng dự phần Tiệc Thánh cũng là một lệnh truyền từ Chúa trong thời kỳ của chúng ta (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 20:75; 59:9).

Chúa Giê Su thực hiện Tiệc Thánh cho dân Nê Phi
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc 3 Nê Phi 18:7, 10–12; 20:8–9, và tìm kiếm các phước lành Chúa dành cho những người trung tín tuân theo lệnh truyền của Ngài để thực hiện và dự phần Tiệc Thánh.

Chị Cheryl A. Esplin, cựu cố vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Nhi, cũng mô tả các phước lành mà Chúa ban cho chúng ta qua Tiệc Thánh:

Chị Cheryl A. Esplin

Tiệc Thánh trở thành một kinh nghiệm củng cố phần thuộc linh khi chúng ta lắng nghe những lời cầu nguyện Tiệc Thánh và tái cam kết với các giao ước của mình. … Khi dự phần Tiệc Thánh, chúng ta làm chứng với Thượng Đế rằng chúng ta sẽ luôn luôn tưởng nhớ tới Vị Nam Tử của Ngài, không chỉ trong lúc thực hiện giáo lễ Tiệc Thánh ngắn ngủi mà thôi. …

Tiệc Thánh cung cấp thời gian để có một kinh nghiệm thuộc linh thật sự trong khi chúng ta suy ngẫm về quyền năng cứu chuộc và làm cho có khả năng của Đấng Cứu Rỗi qua Sự Chuộc Tội của Ngài. …

… Khi một người nắm giữ chức tư tế dang tay ra để đưa cho chúng ta các biểu tượng thiêng liêng, thì đó cũng như chính Đấng Cứu Rỗi đang mở rộng cánh tay thương xót của Ngài, mời gọi mỗi người chúng ta dự phần vào các ân tứ quý giá của tình yêu thương có sẵn qua sự hy sinh chuộc tội của Ngài—là các ân tứ về sự hối cải, tha thứ, an ủi, và hy vọng.

Chúng ta càng suy ngẫm về tầm quan trọng của Tiệc Thánh, thì Tiệc Thánh càng trở nên thiêng liêng và có ý nghĩa hơn đối với chúng ta. (“Tiệc Thánh—một Sự Đổi Mới cho Tâm Hồn”, Liahona, tháng Mười Một năm 2014, trang 12, 13–14)

người thành niên trẻ tuổi đang dự phần Tiệc Thánh
biểu tượng, thảo luận

Thảo Luận để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Tìm đến một người bạn hoặc người họ hàng đáng tin cậy là người nêu gương về đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Hỏi xem họ đã làm gì để gia tăng sự tôn kính trong lễ Tiệc Thánh hoặc yêu cầu họ chia sẻ cách họ cố gắng để luôn tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi. Hãy sẵn sàng chia sẻ điều anh chị em học được với lớp học của mình.

Phần 3

Làm thế nào tôi có thể biết được là tôi có thực sự xứng đáng để dự phần Tiệc Thánh không?

Sứ Đồ Phao Lô đã khuyến khích các tín hữu Giáo Hội “tự xét” mình (1 Cô Rinh Tô 11:28) trước khi dự phần Tiệc Thánh. Rồi ông cảnh báo: “Vì người nào không phân biệt thân Chúa mà ăn bánh uống chén đó [một cách không xứng đáng], tức là ăn uống sự xét đoán cho mình” (1 Cô Rinh Tô 11:29; cũng xin xem các câu 27–28; 3 Nê Phi 18:28–29). Đoán phạt là khiến cho tình trạng tiến triển của một người bị chặn đứng (xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Đoán Phạt”, scriptures.ChurchofJesusChrist.org).

Trong khi phục vụ trong Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, Anh Cả John H. Groberg đã đưa ra sự hướng dẫn sau đây để đánh giá sự xứng đáng cá nhân:

Anh Cả John H. Groberg

Nếu chúng ta mong muốn cải thiện (tức là hối cải) và không bị hạn chế bởi chức tư tế, thì theo ý kiến tôi, chúng ta là xứng đáng. Tuy nhiên, nếu không có ước muốn cải thiện, nếu không có ý định tuân theo sự hướng dẫn của Thánh Linh, thì chúng ta phải hỏi: Chúng ta có xứng đáng để dự phần, hay chúng ta đang chế nhạo mục đích thực sự của Tiệc Thánh, vốn là một chất xúc tác đưa đến sự hối cải và cải thiện cá nhân không? (“The Beauty and Importance of the Sacrament,” Ensign, tháng Năm năm 1989, trang 38)

Trong video “Lễ Tiệc Thánh” (mã thời gian 6:40 đến 7:30), Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đưa ra lời khuyên bảo quan trọng về sự xứng đáng để dự phần Tiệc Thánh.

8:27
biểu tượng, hành động

Hành Động

Khi chuẩn bị dự phần Tiệc Thánh, hãy cân nhắc điều anh chị em có thể làm để có được lợi ích tối đa từ kinh nghiệm thiêng liêng đó. Anh chị em có thể bắt đầu sự chuẩn bị bằng cách tự xét lại cuộc sống của mình. Nếu anh chị em cảm thấy không xứng đáng để dự phần Tiệc Thánh, thì hãy hẹn với vị giám trợ hoặc chủ tịch chi nhánh của mình và chia sẻ với ông những băn khoăn của anh chị em.