Viện Giáo Lý
Bài học 24 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Tin Cậy Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Phán Xét của Chúng Ta


“Bài Học 24 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Tin Cậy Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Phán Xét của Chúng Ta,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên (năm 2023)

“Bài Học 24 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên

Chúa Giê Su Ky Tô, tranh do Harry Anderson họa

Bài Học 24 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Tin Cậy Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Phán Xét Của Chúng Ta

Hãy tưởng tượng những suy nghĩ và cảm nhận anh chị em có thể có nếu hôm nay anh chị em được mời đến nơi hiện diện của Chúa. Ngày nào đó “mỗi người chúng ta sẽ đến đứng trước mặt Ngài để chịu sự phán xét theo những việc làm của mình và ước muốn của lòng mình” (“Đấng Ky Tô Hằng Sống: Chứng Ngôn của Các Sứ Đồ,” ChurchofJesusChrist.org; xin xem thêm 2 Nê Phi 9:15). Trải nghiệm của chúng ta ở nơi hiện diện của Đấng Cứu Rỗi sẽ tùy thuộc vào cách chúng ta đã chuẩn bị bản thân mình (xin xem An Ma 5:16–25). Khi anh chị em học, hãy suy ngẫm điều mình có thể làm để anh chị em sẽ cảm thấy thoải mái và tin tưởng trong hiện diện của Ngài vào Ngày Phán Xét Cuối Cùng (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 121:45).

Phần 1

Tại sao tôi có thể tin cậy Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng phán xét của mình?

Nhờ vào thiên tính của Đấng Cứu Rỗi và Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài, chúng ta có thể yên tâm rằng Ngài sẽ là một “Phán Quan ngay chính” (Môi Se 6:57) vào ngày đó khi chúng ta đứng trước mặt Ngài để kể lại cuộc đời của chúng ta (xin xem Rô Ma 14:10–12). Ngài sẽ xác định một cách toàn hảo mức độ vinh quang mà chúng ta hội đủ điều kiện để nhận được. Trong sách Thi Thiên, chúng ta đọc: “Ngài sẽ lấy công bình đoán xét thế gian, dùng sự ngay thẳng mà xử các dân tộc” (Thi Thiên 9:8, xin xem thêm 96:13).

Khi nói về những phẩm chất của Chúa để làm vị phán quan của chúng ta, Anh Cả Richard G. Scott thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói:

Anh Cả Richard G. Scott

Chúa Giê Su Ky Tô đã có những công lao mà không một người nào khác có thể có. Ngài là Thượng Đế, Đức Giê Hô Va, trước khi Ngài giáng sinh ở Bết Lê Hem. Đức Cha yêu dấu của Ngài không chỉ ban cho Ngài thể linh, mà Chúa Giê Su còn là Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha trong xác thịt. Đức Thầy của chúng ta đã sống một cuộc sống hoàn hảo, vô tội, và như vậy đã được thoát khỏi những đòi hỏi của công lý. Ngài toàn hảo trong mọi thuộc tính, kể cả tình yêu thương, lòng trắc ẩn, tính kiên nhẫn, sự vâng lời, sự tha thứ và tính khiêm nhường. …

Tôi làm chứng rằng với nỗi đau khổ ngoài sức tưởng tượng và sự thống khổ với một cái giá không thể nào lường được, Đấng Cứu Rỗi đã đạt được quyền của Ngài để làm Đấng Cứu Chuộc, Đấng Biện Hộ và Đấng Phán Xét Cuối Cùng của chúng ta. (“Sự Chuộc Tội Có Thể Bảo Đảm Sự Bình An và Hạnh Phúc của Các Anh Chị Em,” Liahona, tháng Mười Một năm 2006, trang 42)

Meeting the Savior (Gặp Đấng Cứu Rỗi), tranh do Jen Tolman họa

Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, là một cựu Thẩm Phán Tòa Án Tối Cao Utah, đã nói về vị thế độc nhất vô nhị của Đấng Cứu Rỗi để phán xét chúng ta:

Chủ Tịch Dallin H. Oaks

Sự toàn trí của Ngài mang lại cho Ngài một sự hiểu biết hoàn hảo về tất cả các hành vi và ước muốn của chúng ta, cả những người không hối cải hoặc không sửa đổi lẫn những người hối cải hoặc ngay chính. Do đó, sau sự phán xét của Ngài, chúng ta sẽ đều thú nhận “rằng những sự phán xét của Ngài thì công bình” (Mô Si A 16:1). (“Kế Hoạch Vĩ Đại,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 96)

biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy nghĩ về một thuộc tính của Chúa Giê Su Ky Tô giúp làm gia tăng sự tin tưởng của anh chị em rằng Ngài sẽ là một phán quan ngay chính. Ví dụ, anh chị em có thể suy ngẫm cách Ngài yêu thương, toàn trí, toàn năng, thông sáng, thương xót, công bình, trắc ẩn, nhịn nhục lâu dài, nhu mì, hoặc giàu lòng tha thứ. Hãy chuẩn bị để chia sẻ với lớp học của mình về thuộc tính mà anh chị em đã chọn.

Phần 2

Tôi sẽ được phán xét như thế nào?

Việc nghĩ về Sự Phán Xét Cuối Cùng có thể mang đến cảm giác kinh ngạc lẫn choáng ngợp. Đôi khi chúng ta có thể tự hỏi liệu chúng ta có bao giờ cảm thấy sẵn sàng để được Chúa phán xét không. Sách Khải Huyền cung ứng các lẽ thật quan trọng về cách Chúa sẽ phán xét chúng ta.

biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc Khải Huyền 20:12, tìm kiếm một phương diện mà theo đó chúng ta sẽ được phán xét.

Chủ Tịch Harold B. Lee đã dạy:

Chủ Tịch Harold B. Lee

Các “sách” được nói đến đề cập đến các hồ sơ [về những việc làm của chúng ta] được lưu giữ trên thế gian. … Sách sự sống là biên sử được lưu giữ trên trời. (Teachings of Presidents of the Church: Harold B. Lee [năm 2000], trang 226–227)

Trong một khải tượng về vương quốc thượng thiên, Tiên Tri Joseph Smith có thêm sự hiểu biết sâu sắc về Sự Phán Xét Cuối Cùng. Đấng Cứu Rỗi đã dạy: “Vì ta, là Chúa, sẽ phán xét tất cả mọi người tùy theo việc làm của họ, tùy theo những ước muốn trong lòng họ” (Giáo Lý và Giao Ước 137:9, sự nhấn mạnh được thêm vào). Tiên tri An Ma đã dạy rằng chúng ta cũng sẽ chịu trách nhiệm về những lời nói của mình (xin xem An Ma 12:14).

Chủ Tịch Oaks đã dạy rằng Sự Phán Xét Cuối Cùng còn có ý nghĩa nhiều hơn là một sự đánh giá ý nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta:

Chủ Tịch Dallin H. Oaks

Sự Phán Xét Cuối Cùng không chỉ là một sự đánh giá tất cả những hành động tốt lành hay tà ác—những gì chúng ta đã làm. Mà đó là việc nhìn nhận thành quả cuối cùng của hành động và ý nghĩ của chúng ta—con người mà chúng ta đã trở thành. … Các giáo lệnh, giáo lễ, và giao ước của phúc âm không phải là bản liệt kê những khoản tiền ký thác phải được gửi vào một tài khoản nào đó trên thiên thượng. Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là kế hoạch cho chúng ta thấy cách để trở thành con người mà Cha Thiên Thượng mong muốn chúng ta trở thành. (“The Challenge to Become,” Ensign, tháng Mười Một năm 2000, trang 32)

Là điều quan trọng để nhớ rằng cho dù chúng ta siêng năng cố gắng biết bao nhiêu để sống theo phúc âm, nhưng nếu không có sự giúp đỡ của Chúa, thì chúng ta cũng không bao giờ có thể trở thành con người mà Cha Thiên Thượng mong muốn chúng ta trở thành. May thay, Chúa Giê Su Ky Tô không chỉ là Đấng phán xét của chúng ta mà còn là “Đấng biện hộ cho chúng ta với Đức Chúa Cha” (Giáo Lý và Giao Ước 110:4, xin xem thêm 1 Giăng 2:1).

Meeting the Savior (Gặp Đấng Cứu Rỗi), tranh do Jen Tolman họa

Chủ Tịch Russell M. Nelson dạy rằng biện hộ có nghĩa là “người nói thay” hoặc “người bênh vực cho người khác” (“Jesus the Christ—Our Master and More” [buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University, ngày 2 tháng Hai năm 1992], trang 4, speeches.byu.edu). Là Đấng Biện Hộ cho chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô “biết sự yếu kém của loài người và cách thức để cứu giúp những kẻ bị cám dỗ” (Giáo Lý và Giao Ước 62:1). Ngài sẽ bênh vực cho những lý do chính nghĩa của chúng ta và can thiệp thay cho chúng ta khi chúng ta thực hành đức tin nơi Ngài (xin xem Mô Rô Ni 7:28; 2 Nê Phi 2:9; Hê Bơ Rơ 4:15–16).

Anh Cả Dale G. Renlund thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói về vai trò của Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Biện Hộ cho chúng ta:

Anh Cả Dale G. Renlund

Sự biện hộ của Đấng Cứu Rỗi với Cha Thiên Thượng thay cho chúng ta không phải là sự chống đối. Chúa Giê Su Ky Tô … sẽ không ủng hộ bất kỳ điều gì ngoài những điều mà Đức Chúa Cha muốn từ lúc khởi đầu. Cha Thiên Thượng vui mừng và khen ngợi những thành công của chúng ta mà không mảy may nghi ngờ.

Sự biện hộ của Đấng Ky Tô là, ít nhất là, để nhắc nhở chúng ta rằng Ngài đã chuộc trả tội lỗi của chúng ta và sẽ không ai bị loại trừ khỏi lòng thương xót của Thượng Đế. (“Ngày Nay Hãy Chọn Ai,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 104–105)

Meeting the Savior (Gặp Đấng Cứu Rỗi), tranh do Jen Tolman họa

Trong một điều mặc khải mà Tiên Tri Joseph đã nhận được vào năm 1831, Chúa Giê Su Ky Tô đã mô tả vai trò của Sự Chuộc Tội của Ngài khi Ngài biện hộ cho những người tin nơi Ngài.

biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 45:3–5, tìm kiếm cách mà Chúa Giê Su Ky Tô bênh vực cho chính nghĩa của chúng ta.

biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy tưởng tượng việc nghe Đấng Cứu Rỗi khẩn nài cho lý do của anh chị em trước Đức Chúa Cha. Anh chị em có thể cảm thấy như thế nào khi lắng nghe Ngài nói thay cho mình?

Phần 3

Làm thế nào tôi có thể đánh giá tốt hơn việc chuẩn bị của mình cho Sự Phán Xét Cuối Cùng?

Chủ Tịch Oaks đã dạy: “Mục đích của Sự Phán Xét Cuối Cùng là để quyết định xem chúng ta có đạt được điều An Ma đã mô tả là một ‘sự thay đổi lớn lao trong lòng’” (“Được Thanh Tẩy nhờ vào Sự Hối Cải,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 93). Sự thay đổi này đạt được qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và sự hối cải chân thành.

Khi An Ma giảng dạy cho dân Gia Ra Hem La, ông hỏi họ những câu hỏi để họ có thể đánh giá tình trạng của tâm hồn họ và xác định xem họ đã sẵn sàng ra sao để được Đấng Cứu Rỗi phán xét (xin xem An Ma 5:14).

biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc An Ma 5:15–16, 19, 26–27, và dành thời gian để tự suy xét một cách thành thật khi anh chị em tìm câu trả lời cho những câu hỏi được đặt ra. Hãy xác định một câu hỏi cụ thể mà gợi ý một lĩnh vực mà anh chị em có thể cải thiện ngay bây giờ.

người đang suy ngẫm thánh thư

Khi anh chị em nghĩ về điều mình có thể làm để chuẩn bị tốt hơn cho Sự Phán Xét Cuối Cùng, hãy ghi nhớ lời khuyên dạy khôn ngoan sau đây của Anh Cả Larry R. Lawrence thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi:

Anh Cả Larry R. Lawrence

Thánh Linh có thể cho chúng ta thấy những yếu kém của mình, nhưng Ngài cũng có thể cho chúng ta thấy những ưu điểm. Đôi khi chúng ta cần phải hỏi điều chúng ta đang làm có đúng không để Chúa có thể soi dẫn và khuyến khích chúng ta. … Ngài vui mừng mỗi khi chúng ta tiến triển. Đối với Ngài, hướng đi của chúng ta là quan trọng nhiều hơn tốc độ.

Thưa các anh chị em, hãy kiên trì nhưng đừng bao giờ nản lòng. (“Còn Thiếu Chi cho Tôi Nữa?Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 35)

biểu tượng, ghi lại

Ghi Lại Những Suy Nghĩ của Anh Chị Em

Hãy dành ra một vài phút để viết câu trả lời cho câu hỏi anh chị em đã xác định được từ những lời của An Ma gợi ý những điều anh chị em có thể thực hiện ngay bây giờ. Anh chị em cũng có thể nhận ra một câu hỏi gợi ra một điều gì đó anh chị em đang làm đúng và cũng hãy viết một câu trả lời cho câu hỏi đó.