“Bài học 11 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Vui Hưởng Các Phước Lành trong Giáo Hội của Chúa,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên (năm 2023)
“Bài học 11 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên
Bài Học 11 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học
Vui Hưởng Các Phước Lành trong Giáo Hội của Chúa
Vào thời điểm khi số người tham dự nhà thờ trong các giáo phái khác nhau đang suy giảm ở nhiều nơi trên khắp thế giới, thì có thể đặc biệt quan trọng để tìm kiếm một sự hiểu biết sâu sắc hơn về lý do tại sao Chúa Giê Su Ky Tô thiết lập một giáo hội trong giáo vụ trần thế của Ngài và rồi lại phục hồi giáo hội đó trong những ngày sau. Khi anh chị em học, hãy nghĩ về cách mà Giáo Hội phục hồi của Chúa đã hoặc có thể giúp cho cuộc sống của anh chị em có thêm mục đích, sức mạnh và niềm vui.
Phần 1
Có những phước lành đặc biệt nào mà chỉ có thể nhận được qua việc làm tín hữu trong Giáo Hội của Chúa?
Sứ Đồ Phao Lô đã dạy rằng Giáo Hội của Chúa được “dựng lên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri, chính Đức Chúa Giê Su Ky Tô là đá góc nhà” (Ê Phê Sô 2:20). Trong giáo vụ trên trần thế của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô đã chọn mười hai người nam và sắc phong họ làm Các Sứ Đồ của Ngài. Ngài ban cho họ thẩm quyền và các chìa khóa của chức tư tế để họ có thể lãnh đạo Giáo Hội của Ngài, giảng dạy phúc âm của Ngài, làm chứng về tính xác thật của Ngài, và hành động trong danh Ngài (xin xem Ma Thi Ơ 10:1, 7–8; 16:19; Công Vụ Các Sứ Đồ 1:21–22; Giáo Lý và Giao Ước 107:23).
Sau khi Chúa Giê Su Ky Tô phục sinh, Ngài tiếp tục dẫn dắt Giáo Hội qua Các Sứ Đồ của Ngài, là những người nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế để hướng dẫn công việc cứu rỗi. Tuy nhiên, nhiều người chống đối các tôi tớ mà đã được Ngài kêu gọi, và các tín hữu của Giáo Hội bắt đầu phạm sai lầm. Sau cái chết của Các Sứ Đồ, “loài người đã làm trái các nguyên tắc phúc âm và có những thay đổi trái phép trong tổ chức Giáo Hội và các giáo lễ chức tư tế. Vì sự bội giáo tràn lan này, Chúa đã rút thẩm quyền của chức tư tế khỏi thế gian” (Gospel Topics, “Apostasy,” topics.ChurchofJesusChrist.org). Điều này được gọi là Sự Đại Bội Giáo.
Tình trạng bội giáo này tiếp tục cho đến khi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hiện đến cùng Joseph Smith vào năm 1820 (xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:16–20). Một vài năm sau sự hiện đến này, Chúa Giê Su Ky Tô đã gửi các sứ giả thiên thượng đến gặp Joseph Smith, là những người đã ban cho ông thẩm quyền và các chìa khóa của chức tư tế (xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:68–72; Giáo Lý và Giao Ước 110:11–16; 128:19–21). Qua thẩm quyền thiêng liêng này, Chúa Giê Su Ky Tô đã kêu gọi Các Sứ Đồ mới và thiết lập lại Giáo Hội của Ngài trên thế gian (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 1:30).
Ngày nay, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ nắm giữ tất cả thẩm quyền và mọi chìa khóa chức tư tế cần thiết để hướng dẫn Giáo Hội của Chúa. Điều này đặc biệt quan trọng đối với mỗi người chúng ta, là những người muốn trở nên tốt hơn và đến gần Đấng Ky Tô hơn.
Khi nói về tầm quan trọng của việc tham dự nhà thờ đối với tất cả “những người … có ý tưởng sùng đạo,” Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn nhận xét: “Việc tham dự và sinh hoạt trong một giáo hội giúp chúng ta trở thành người tốt hơn và có ảnh hưởng tốt hơn đến cuộc sống của người khác” (“Sự Cần Thiết phải có một Giáo Hội,” Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 24). Sau đó ông nói:
Dĩ nhiên, chúng ta khẳng định rằng thánh thư, cổ xưa và hiện đại, đều dạy rõ về nguồn gốc và sự cần thiết phải có một giáo hội được dẫn dắt bởi và với thẩm quyền của Chúa chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta cũng làm chứng rằng Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô đã được thiết lập để giảng dạy giáo lý trọn vẹn của Ngài và … cùng với thẩm quyền chức tư tế của Ngài … thực hiện các giáo lễ cần thiết để vào vương quốc của Thượng Đế [xin xem Giăng 3:5]. Các tín hữu nào bỏ không tham dự Giáo Hội và chỉ trông cậy vào phần thuộc linh của cá nhân đều tự tách rời khỏi những yếu tố thiết yếu của phúc âm: quyền năng và các phước lành của chức tư tế, sự trọn vẹn của giáo lý phục hồi, và động lực cũng như cơ hội để áp dụng giáo lý đó. Họ đánh mất cơ hội của mình để hội đủ điều kiện làm cho gia đình họ được tồn tại suốt thời vĩnh cửu. (“Sự Cần Thiết phải có một Giáo Hội,” Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 25)
Anh Cả Robert D. Hales thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ cũng đã dạy:
Nếu quyền năng của chức tư tế không ở trên thế gian, thì kẻ nghịch thù sẽ tự do đi khắp nơi và cai trị mà không bị kiềm chế. Sẽ không có ân tứ Đức Thánh Linh để hướng dẫn và soi sáng chúng ta; không có vị tiên tri nào nói trong danh Chúa; không có đền thờ nào mà chúng ta có thể lập các giao ước thiêng liêng vĩnh cửu; cũng chẳng có thẩm quyền nào để ban phước hay làm phép báp têm, để chữa lành hoặc an ủi. (“Blessings of the Priesthood,” Ensign, tháng Mười Một năm 1995, trang 32)
Phần 2
Việc tích cực tham gia vào Giáo Hội có thể ban phước cho tôi và những người khác như thế nào?
Anh Cả D. Todd Christofferson của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy điều này về các phước lành của việc tham gia vào Giáo Hội:
Là điều quan trọng để nhận ra rằng mục đích tối quan trọng của Thượng Đế là sự tiến triển của chúng ta. … Điều đó đòi hỏi nhiều hơn là chỉ tử tế hoặc cảm thấy thánh thiện. Điều đó đòi hỏi phải có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, sự hối cải, phép báp têm bằng nước và bằng Thánh Linh, và kiên trì đến cùng trong đức tin. Một người không thể [tự mình] đạt được điều này [trọn vẹn], vì thế một lý do chủ yếu [cho việc] có một giáo hội là [để] tạo ra một cộng đồng Các Thánh Hữu mà sẽ hỗ trợ lẫn nhau trên “con đường chật và hẹp ấy, tức là con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu” [2 Nê Phi 31:18]. (“Tại sao Giáo Hội là Cần Thiết,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 108)
Sứ Đồ Phao Lô đã dạy về việc trở thành một phần của cộng đồng Các Thánh Hữu giúp củng cố chúng ta như thế nào và có thể mang chúng ta đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn ra sao.
Anh Cả Christofferson cũng giải thích rằng những kinh nghiệm với các tín hữu khác của Giáo Hội cho chúng ta những cơ hội cần thiết để áp dụng phúc âm của Chúa:
Là thân thể của Đấng Ky Tô, các tín hữu của Giáo Hội phục sự lẫn nhau trong thực tế của cuộc sống hằng ngày. Tất cả chúng ta đều không hoàn hảo; chúng ta có thể xúc phạm và bị xúc phạm. Chúng ta thường thử nhau với đức tính của mình. Trong [Giáo Hội] của Đấng Ky Tô, chúng ta [không chỉ hiểu] những khái niệm và những lời cao quý [mà còn cần] có được một kinh nghiệm [thực tế] khi chúng ta học cách “sống với nhau trong tình thương” [Giáo Lý và Giao Ước 42:45]. (“Tại sao Giáo Hội là Cần Thiết,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 108)
Phần 3
Tôi có thể làm gì để giúp tiểu giáo khu hoặc chi nhánh của tôi trở thành một nơi chào đón tất cả mọi người nồng nhiệt hơn?
Hãy nghĩ về cảm giác được đối đãi nồng nhiệt và chân thành như thế nào khi tham dự nhà thờ. Có khi nào anh chị em đã giúp một người nào đó trong tiểu giáo khu hoặc chi nhánh của mình cảm thấy như vậy không?
Hãy suy ngẫm ví dụ sau đây về việc kết tình thân hữu được Chị Carole M. Stephens, cựu cố vấn trong Chủ Tịch Đoàn Hội Phụ Nữ Trung Ương chia sẻ:
[Maria] có nhiều bạn bè kém tích cực và chưa nghe sứ điệp về phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Mỗi ngày chị thực thi đức tin của mình và cầu nguyện để biết người nào cần chị giúp đỡ, và sau đó chị hành động theo những thúc giục mà chị nhận được. Chị gọi điện thoại, bày tỏ tình yêu thương, và nói với bạn bè của mình là: “Chúng tôi cần các bạn.” Chị tổ chức buổi họp tối gia đình trong căn hộ của chị mỗi tuần và mời những người láng giềng, các tín hữu, và những người truyền giáo đến—và chị còn mời họ ăn. Chị mời họ đến nhà thờ, chờ họ đến, và ngồi cạnh họ khi họ đến. (“Chúng Ta Có Lý Do Tuyệt Vời để Vui Mừng,” Liahona, tháng Mười Một năm 2013, trang 116)