Đại Hội Trung Ương
Tiếp Cận Quyền Năng của Thượng Đế qua Giao Ước
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2023


13:9

Tiếp Cận Quyền Năng của Thượng Đế qua Giao Ước

Khi anh chị em bước đi trên con đường giao ước, từ phép báp têm cho đến đền thờ và trong suốt cuộc đời, tôi hứa rằng anh chị em sẽ có quyền năng để chống lại khuynh hướng tự nhiên của thế gian.

Tháng Mười Một năm ngoái, tôi đã có đặc ân để thực hiện lễ cung hiến Đền Thờ Belém Brazil. Thật là một niềm vui được có mặt với các tín hữu trung tín của Giáo Hội tại miền bắc Brazil. Vào lúc đó, tôi biết được rằng Belém là cửa ngõ dẫn vào khu vực có dòng sông hùng mạnh nhất thế giới, là Sông Amazon.

Bất chấp sức chảy của dòng sông, cứ hai lần một năm, có một điều gì đó dường như không tự nhiên xảy ra. Khi mặt trời, mặt trăng, và trái đất thẳng hàng với nhau theo một cách nhất định, thì một làn sóng thủy triều mạnh sẽ tràn lên sông, ngược lại với dòng chảy tự nhiên. Những đợt sóng cao đến 6 mét1 và chảy ngược dòng xa đến 50 kilômét2 đã được ghi nhận lại. Hiện tượng này, thường được gọi là sóng triều lớn, ở địa phương gọi là pororoca hoặc “tiếng gầm lớn” vì tiếng động lớn mà nó tạo ra. Chúng ta có thể kết luận chính xác rằng ngay cả dòng sông Amazon hùng mạnh cũng phải nhượng bộ các quyền năng thiên thượng.

Giống như sông Amazon, chúng ta có khuynh hướng tự nhiên của mình; chúng ta có khuynh hướng làm những điều xảy đến một cách tự nhiên. Giống như sông Amazon, với sự giúp đỡ của thiên thượng, chúng ta có thể làm những điều dường như không tự nhiên. Xét cho cùng, không phải tự nhiên mà chúng ta có thể trở nên khiêm nhường, nhu mì, hoặc sẵn lòng vâng phục ý muốn của Thượng Đế. Tuy nhiên, chỉ bằng cách làm như vậy chúng ta mới có thể được biến đổi, trở về sống nơi hiện diện của Thượng Đế, và đạt được số mệnh vĩnh cửu của mình.

Không giống như sông Amazon, chúng ta có thể chọn để chịu quy phục các quyền năng thiên thượng hoặc “xuôi theo thế gian.”3 Việc chống lại khuynh hướng thế gian có thể rất khó khăn. Nhưng khi chúng ta nghe theo “những sự khuyên dỗ của Đức Thánh Linh” và từ bỏ những khuynh hướng ích kỷ của con người thiên nhiên,4 thì chúng ta có thể nhận được quyền năng biến đổi của Đấng Cứu Rỗi trong cuộc sống của mình, là quyền năng để làm những điều khó khăn.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy chúng ta cách thức làm điều này. Ông hứa: “Mỗi người lập giao ước trong hồ báp têm và trong đền thờ—và tuân giữ các giao ước đó—đều được gia tăng khả năng tiếp cận quyền năng của Chúa Giê Su Ky Tô nhiều hơn … [hầu nâng] chúng ta lên để vượt qua những cám dỗ của thế gian sa ngã này.”5 Nói cách khác, chúng ta có thể tiếp cận quyền năng của Thượng Đế, nhưng chỉ khi nào chúng ta kết nối với Ngài qua các giao ước thiêng liêng.

Trước khi thế gian được tạo dựng, Thượng Đế đã thiết lập các giao ước làm cơ chế mà qua đó chúng ta, các con cái của Ngài, có thể hiệp nhất bản thân mình với Ngài. Dựa trên luật pháp vĩnh cửu, bất biến, Ngài đã phán rõ các điều kiện không thể thương lượng mà qua đó chúng ta được biến đổi, cứu rỗi, và tôn cao. Trong cuộc sống này, chúng ta lập các giao ước này bằng cách tham gia vào các giáo lễ chức tư tế và hứa sẽ làm điều Thượng Đế phán bảo chúng ta làm, và đổi lại, Thượng Đế hứa ban cho chúng ta các phước lành nhất định.6

Một giao ước là một lời cam kết mà chúng ta nên chuẩn bị, hiểu rõ, và hết lòng tôn trọng.7 Việc lập giao ước với Thượng Đế khác với việc tùy tiện đưa ra lời hứa. Trước hết, cần có thẩm quyền chức tư tế. Thứ hai, một lời hứa yếu ớt không có sức mạnh kết nối để nâng chúng ta lên khỏi sức kéo của dòng chảy tự nhiên. Chúng ta lập một giao ước chỉ khi nào chúng ta có ý định tự cam kết một cách đặc biệt để làm tròn giao ước đó.8 Chúng ta trở thành con cái giao ước của Thượng Đế và những người thừa hưởng vương quốc của Ngài, nhất là khi chúng ta biến giao ước thành một phần của bản thân mình.

Cụm từ con đường giao ước ám chỉ một loạt các giao ước mà qua đó chúng ta đến cùng Đấng Ky Tô và kết nối với Ngài. Qua sự ràng buộc giao ước này, chúng ta có quyền tiếp cận quyền năng vĩnh cửu của Ngài. Con đường đó bắt nguồn với đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và sự hối cải, tiếp theo là phép báp têm và tiếp nhận Đức Thánh Linh.9 Chúa Giê Su Ky Tô đã cho chúng ta thấy cách thức bước vào con đường đó khi Ngài chịu phép báp têm.10 Theo các câu chuyện phúc âm trong Kinh Tân Ước trong sách Mác và Lu Ca, Cha Thiên Thượng đã phán trực tiếp với Chúa Giê Su tại lễ báp têm của Ngài rằng: “Ngươi là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường.” Khi chúng ta bước vào con đường giao ước qua phép báp têm, tôi có thể tưởng tượng Cha Thiên Thượng phán một điều tương tự với mỗi người chúng ta: “Ngươi là đứa con yêu dấu làm đẹp lòng ta. Hãy tiếp tục bước đi.”11

Tại lễ báp têm và khi dự phần Tiệc Thánh,12 chúng ta làm chứng rằng mình sẵn lòng mang lấy danh của Chúa Giê Su Ky Tô.13 Trong bối cảnh này, chúng ta hãy lưu tâm đến lệnh truyền trong Kinh Cựu Ước: “Ngươi chớ lấy danh Giê Hô Va Đức Chúa Trời ngươi mà làm chơi.”14 Đối với lối tư duy hiện đại của chúng ta, điều này được hiểu như là một sự cấm đoán trong việc sử dụng danh Chúa một cách bất kính. Lệnh truyền này có bao gồm điều đó, nhưng lệnh truyền bên trong nó còn sâu sắc hơn nữa. Từ “lấy” được dịch từ tiếng Hê Bơ Rơ có nghĩa là “nâng lên” hoặc “mang theo”, như cách một người mang cờ hiệu để tự nhận là mình thuộc vào một cá nhân hoặc một nhóm nào đó.15 Từ “làm chơi” được dịch có nghĩa là “trống rỗng” hoặc “lừa gạt”.16 Do đó, lệnh truyền không được lấy danh Chúa mà làm chơi có thể mang nghĩa là: “Ngươi không được phép tự nhận mình là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô trừ phi ngươi có chủ ý đại diện cho Ngài một cách tiêu biểu.”

Chúng ta trở thành các môn đồ của Ngài và đại diện cho Ngài một cách tiêu biểu khi chúng ta cố ý và dần dần mang lấy danh của Chúa Giê Su Ky Tô qua các giao ước. Các giao ước mang đến cho chúng ta quyền năng để tiếp tục đi trên con đường giao ước vì mối quan hệ của chúng ta với Chúa Giê Su Ky Tô và Cha Thiên Thượng đã thay đổi. Chúng ta được kết nối với hai Ngài qua sự ràng buộc giao ước.

Con đường giao ước dẫn đến các giáo lễ của đền thờ, chẳng hạn như lễ thiên ân trong đền thờ.17 Lễ thiên ân là ân tứ của Thượng Đế về các giao ước thiêng liêng mà kết nối chúng ta trọn vẹn hơn với Ngài. Khi làm lễ thiên ân, chúng ta giao ước là trước tiên sẽ cố gắng tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế; thứ hai, hối cải với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối; thứ ba, sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta làm điều này bằng cách thực hành đức tin nơi Ngài, lập giao ước với Thượng Đế khi chúng ta tiếp nhận các giáo lễ cứu rỗi và tôn cao, tuân giữ các giao ước với Thượng Đế suốt đời, và cố gắng sống theo hai giáo lệnh lớn là phải thương yêu Thượng Đế và người lân cận. Thứ tư, chúng ta giao ước để tuân giữ luật trinh khiết, và thứ năm, để cống hiến bản thân cũng như mọi điều mà Chúa ban phước cho chúng ta để xây đắp Giáo Hội của Ngài.18

Bằng cách lập và tuân giữ các giao ước đền thờ, chúng ta học hỏi thêm về các mục đích của Chúa và nhận được sự trọn vẹn của Đức Thánh Linh.19 Chúng ta nhận được chỉ dẫn cho cuộc sống của mình. Chúng ta trưởng thành trong vai trò môn đồ để không còn mãi chỉ là những con trẻ thiếu hiểu biết.20 Thay vì thế, chúng ta sống với một quan điểm vĩnh cửu và được thúc đẩy nhiều hơn để phục vụ Thượng Đế và những người khác. Chúng ta nhận được nhiều khả năng hơn để làm tròn các mục đích của mình trên trần thế. Chúng ta được bảo vệ khỏi sự tà ác,21 và chúng ta đạt được quyền năng lớn lao hơn để chống lại cám dỗ và hối cải khi vấp ngã.22 Khi chùn bước, việc nhớ lại các giao ước của mình với Thượng Đế giúp chúng ta trở lại con đường. Bằng cách kết nối với quyền năng của Thượng Đế, chính chúng ta trở thành con sóng pororoca, mà có thể đi ngược lại với khuynh hướng của thế gian, trong suốt cuộc đời mình và suốt thời vĩnh cửu. Cuối cùng, số mệnh của chúng ta được thay đổi vì con đường giao ước dẫn đến sự tôn cao và cuộc sống vĩnh cửu.23

Việc tuân giữ các giao ước được lập trong hồ báp têm và trong đền thờ cũng mang đến cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng những thử thách và nỗi đau của cuộc sống trần thế.24 Giáo lý liên kết với các giao ước này giúp con đường của chúng ta dễ dàng hơn và mang đến niềm hy vọng, sự an ủi và bình an.

Ông bà của tôi là Lena Sofia và Matts Leander Renlund đã nhận được quyền năng của Thượng Đế thông qua giao ước báp têm của họ khi họ gia nhập Giáo Hội vào năm 1912 tại Phần Lan. Họ rất vui khi được thuộc vào chi nhánh đầu tiên của Giáo Hội tại Phần Lan.

Ông Leander qua đời vì bệnh lao năm năm sau, khi Bà Lena đang mang thai người con thứ mười. Người con đó, là cha của tôi, được sinh ra hai tháng sau khi Ông Leander qua đời. Bà Lena cuối cùng đã chôn cất không chỉ người chồng của mình mà còn cả bảy trong số mười người con của bà nữa. Là một góa phụ nghèo khó, bà đã vất vả nhiều. Trong gần 20 năm, bà chưa từng có một đêm ngon giấc. Bà vật lộn để cung cấp thức ăn cho gia đình vào ban ngày. Vào ban đêm, bà chăm sóc những người thân đang hấp hối. Thật khó tưởng tượng được cách mà bà ấy đã xoay sở.

Bà Lena kiên trì vì bà ấy biết rằng chồng và con đã qua đời của bà có thể ở cùng bà trong suốt thời vĩnh cửu. Giáo lý về các phước lành đền thờ, trong đó có giáo lý về gia đình vĩnh cửu, đã mang đến sự bình an cho bà vì bà tin cậy vào quyền năng gắn bó. Trên trần thế, bà chưa nhận được lễ thiên ân và cũng chưa được làm lễ gắn bó với Ông Leander, nhưng Ông Leander vẫn mãi là ảnh hưởng lớn lao trong cuộc sống của bà và là một phần hy vọng lớn lao của bà cho tương lai.

Vào năm 1938, Bà Lena đã nộp hồ sơ để thực hiện các giáo lễ đền thờ cho những thành viên trong gia đình đã qua đời của bà, đây là những hồ sơ được nộp sớm nhất từ Phần Lan. Sau khi bà qua đời, các giáo lễ đền thờ đã được thực hiện thay cho bà, ông Leander và những người con đã qua đời của bà. Nhờ được làm thay, bà đã được làm lễ thiên ân, Bà Lena và Ông Leander đã được làm lễ gắn bó với nhau, và họ cũng được làm lễ gắn bó với những người con đã qua đời, và với cha tôi. Giống như những người khác, Bà Lena đã “chết trong đức tin, chưa nhận lãnh những điều hứa cho mình; … [chỉ] trông thấy, và chào mừng những điều đó từ đằng xa.”25

Bà Lena đã sống như thể bà đã lập các giao ước này khi bà còn sống vậy. Bà biết rằng các giao ước báp têm và Tiệc Thánh của bà đã kết nối bà với Đấng Cứu Rỗi. Bà đã “để cho nỗi khát vọng tuyệt vời về nơi thánh thiện [của Đấng Cứu Chuộc] mang lại hy vọng cho tấm lòng hoang vu [của bà].”26 Bà Lena xem đó là một trong những sự thương xót lớn lao của Thượng Đế khi bà biết được về gia đình vĩnh cửu trước khi trải qua những thảm cảnh trong cuộc sống của mình. Qua giao ước, bà đã tiếp nhận quyền năng của Thượng Đế để chịu đựng và vươn lên khỏi sức kéo nặng nề đến từ những thử thách và gian khổ của mình.

Khi anh chị em bước đi trên con đường giao ước, từ phép báp têm cho đến đền thờ và trong suốt cuộc đời, tôi hứa rằng anh chị em sẽ có quyền năng để chống lại khuynh hướng tự nhiên của thế gian—quyền năng để học hỏi, quyền năng để hối cải và được thánh hóa, và quyền năng để tìm kiếm niềm hy vọng, an ủi, và thậm chí niềm vui khi đối mặt với những thử thách của cuộc đời. Tôi hứa với anh chị em và gia đình anh chị em về sự bảo vệ chống lại ảnh hưởng của kẻ nghịch thù, đặc biệt khi anh chị em đặt đền thờ làm trọng tâm trong cuộc sống của mình.

Khi anh chị em đến cùng Đấng Ky Tô và được kết nối với Ngài và Cha Thiên Thượng thông qua giao ước, thì một điều gì đó dường như không tự nhiên sẽ xảy ra. Anh chị em được biến đổi và trở nên toàn thiện trong Chúa Giê Su Ky Tô.27 Anh chị em trở thành một người con giao ước của Thượng Đế và một người thừa hưởng trong vương quốc của Ngài.28 Tôi có thể tưởng tượng Ngài sẽ phán cùng các anh chị em: “Hỡi đứa con yêu dấu làm đẹp lòng ta. Chào mừng con trở về nhà.” Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Khoảng 20 feet.

  2. Khoảng 30 dặm.

  3. Chúng ta có sự lựa chọn vì Thượng Đế đã ban cho chúng ta đặc ân để tự mình lựa chọn và hành động. Xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Quyền Tự Quyết” scriptures.ChurchofJesusChrist.org; 2 Nê Phi 2:27; Môi Se 7:32.

  4. Xin xem Mô Si A 3:19.

  5. Russell M. Nelson, “Thắng Thế Gian và Tìm Sự Yên Nghỉ,” Liahona, tháng Mười Một năm 2022, trang 96, 97.

  6. Xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Giao Ước,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org.

  7. Ai cũng đôi khi vấp ngã, nhưng Thượng Đế kiên nhẫn khi chúng ta vấp ngã và đã ban cho chúng ta ân tứ về sự hối cải ngay cả sau khi vi phạm một giao ước. Như Anh Cả Richard G. Scott đã dạy: “Chúa thấy những yếu điểm khác hơn là Ngài [thấy] sự phản nghịch … [vì] khi Chúa phán về các yếu điểm, luôn luôn với lòng thương xót” (“Sức Mạnh Cá Nhân nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô,” Liahona, tháng Mười Một năm 2013, trang 83). Do đó, chúng ta không nên nghi ngờ khả năng của Đấng Cứu Rỗi để giúp đỡ chúng ta với những yếu kém của mình. Tuy nhiên, việc cố tình vi phạm một giao ước với kế hoạch là sẽ hối cải sau—nói cách khác, tội lỗi và sự hối cải được hoạch định trước—là điều đáng ghê tởm đối với Chúa (xin xem Hê Bơ Rơ 6:4–6).

  8. Xin xem Robert Bolt, A Man for All Seasons: A Play in Two Acts (năm 1990), xiii-xiv, trang 140.

  9. Xin xem 2 Nê Phi 31:17–18.

  10. Xin xem 2 Nê Phi 31:4–15.

  11. Lu Ca ghi lại rằng: “Đức Thánh Linh lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Ngài; lại có tiếng từ trên trời phán rằng: Ngươi là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường” (Lu Ca 3:22). Mác ghi lại rằng: “Lại có tiếng từ trên trời phán rằng: Ngươi là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường” (Mác 1:11). Bản dịch của William Tyndale còn sống động và gần gũi hơn Phiên Bản King James. Trong bản dịch của ông, tiếng nói của Cha Thiên Thượng phán: “Ngươi là Con Trai yêu dấu làm đẹp lòng ta” (trong Brian Moynahan, God’s Bestseller: William Tyndale, Thomas More, and the Writing of the English Bible—A Story of Martyrdom and Betrayal [năm 2002], trang 58). Chỉ có Ma Thi Ơ ghi lại rằng tiếng nói được phán ra chung chung: “Và kìa, một tiếng nói từ trời phán rằng: Đây là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng” (Ma Thi Ơ 3:17). Sách Phúc Âm của Giăng chỉ ghi lại phép báp têm được thực hiện bởi Giăng Báp Tít: “Ta đã thấy nên ta làm chứng rằng: Ấy chính Ngài là Con Đức Chúa Trời” (Giăng 1:34).

  12. Xin xem 2 Nê Phi 31:13; Giáo Lý và Giao Ước 20:77.

  13. Chủ Tịch Dallin H. Oaks giải thích tầm quan trọng của từ “sẵn lòng” khi chúng ta tái lập giao ước báp têm của mình qua Tiệc Thánh: “Điều quan trọng là khi dự phần Tiệc Thánh, chúng ta không chỉ làm chứng rằng chúng ta mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta làm chứng rằng chúng ta sẵn lòng làm như vậy. [Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 20:77.] Nếu chúng ta chỉ làm chứng cho sự sẵn lòng của mình có nghĩa là một điều gì khác phải xảy ra trước khi chúng ta thực sự mang thánh danh đó theo ý nghĩa quan trọng nhất” (“Taking upon Us the Name of Jesus Christ”, Ensign, tháng Năm năm 1985, trang 81). Cụm từ “một điều gì khác” ám chỉ các phước lành đền thờ và sự tôn cao trong tương lai.

  14. Xuất Ê Díp Tô Ký 20:7.

  15. Xin xem James Strong, The New Strong’s Exhaustive Concordance of the Bible (năm 2010), phần từ điển tiếng Hê Bơ Rơ, trang 192, số 5375.

  16. Xin xem Strong, The New Strong’s Exhaustive Concordance of the Bible, phần từ điển tiếng Hê Bơ Rơ, trang 273, số 7723.

  17. Anh Cả David A. Bednar dạy: “Giao ước báp têm rõ ràng là chuẩn bị cho một hoặc nhiều sự kiện tương lai và trông đợi các phước lành của đền thờ. … Tiến trình mang lấy danh của Chúa Giê Su Ky Tô là tiến trình đã bắt đầu trong nước báp têm được tiếp tục và nới rộng trong nhà của Chúa. Khi chịu phép báp têm, thì chúng ta hướng về đền thờ. Khi chúng ta dự phần Tiệc Thánh, chúng ta hướng về đền thờ. Chúng ta cam kết luôn luôn tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài để chuẩn bị cho việc tham gia vào các giáo lễ thiêng liêng của đền thờ và tiếp nhận các phước lành cao quý nhất có sẵn bởi danh và thẩm quyền của Chúa Giê Su Ky Tô. Do đó, trong các giáo lễ của đền thờ thánh, chúng ta mang lấy danh của Chúa Giê Su Ky Tô một cách trọn vẹn và hoàn toàn hơn” (“Tôn Kính Giữ Danh và Vị Thế,” Liahona, tháng Năm năm 2009, trang 98). Tiến trình này có lẽ không hoàn tất cho đến khi “chúng ta được giống như Ngài” (Mô Rô Ni 7:48), khi chúng ta đã được biến đổi hoàn toàn.

  18. Như đã được giải thích trong Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, phần 27.2 (ChurchofJesusChrist.org), các giao ước là phải sống theo luật vâng lời, tuân theo luật hy sinh, tuân theo luật pháp phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, tuân giữ luật trinh khiết, và tuân giữ luật dâng hiến; xin xem thêm David A. Bednar, “Hãy Xây Cất Ngôi Nhà Này cho Danh Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 84–87.

  19. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 109:14–15. Anh Cả D. Todd Christofferson dạy: “Sự ‘trọn vẹn của Đức Thánh Linh’ gồm có điều Chúa Giê Su mô tả là ‘lời hứa mà ta ban cho các ngươi về cuộc sống vĩnh cửu, đó là vinh quang của vương quốc thượng thiên; vinh quang này là vinh quang của giáo hội Con Đầu Lòng, là của Thượng Đế, Đấng Chí Thánh, qua Chúa Giê Su Ky Tô, Vị Nam Tử của Ngài’ (GL&GƯ 88:4–5)” (“Quyền Năng của Các Giao Ước,” Liahona, tháng Năm năm 2009, ghi chú 5).

  20. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 109:15.

  21. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 109:22, 25–26.

  22. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 109:21.

  23. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 109:15, 22; Russell M. Nelson, “Quyền Năng của Động Lực Thuộc Linh,” Liahona, tháng Năm năm 2022, trang 98.

  24. Xin xem Russell M. Nelson, “Thắng Thế Gian và Tìm Được Sự An Nghỉ,” trang 96; Giáo Lý và Giao Ước 84:20. Đáng chú ý, Chủ Tịch Nelson đã nói: “Mỗi lần anh chị em tìm kiếm và tuân theo sự thúc giục của Thánh Linh, mỗi lần anh chị em làm bất cứ điều thiện nào—những điều mà “con người thiên nhiên” thường không làm—thì anh chị em đang thắng thế gian” (“Thắng Thế Gian và Tìm Được Sự An Nghỉ,” trang 97).

  25. Hê Bơ Rơ 11:13.

  26. Redeemer of Israel,” Hymns, số 6, câu 5. Đây là bài thánh ca ưa thích của Bà Lena Sofia Renlund.

  27. Xin xem Mô Rô Ni 10:30–33.

  28. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 132:19–20.