2005
Hiểu Rõ Giá Trị của Lời Khuyên Dạy của Những Người Luống Tuổi
Tháng Năm năm 2005


Hiểu Rõ Giá Trị của Lời Khuyên Dạy của Những Người Luống Tuổi

Cầu xin cho chúng ta thêm vào sự hiểu biết và lòng cảm kích lớn lao hơn về quyền năng của chứng ngôn, đặc biệt là khi nó được chia sẻ bởi những người [có tuổi đời cao].

Các anh chị em thân mến, trong khi chúng ta chuẩn bị lắng nghe bài nói chuyện bế mạc của Chủ Tịch Hinckley vào lúc kết thúc đại hội trung ương kỳ diệu này, tôi thiết tha hy vọng rằng mỗi người chúng ta sẽ cảm thấy rằng chúng ta có phước biết bao để nhận được từ các vị tiên tri và các vị sứ đồ của Chúa sự khôn ngoan kết hợp với lời khuyên nhủ mà, nếu lưu ý và noi theo, thì sẽ giúp chúng ta hướng đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn. Chúng ta phải đặc biệt biết ơn đã sống trong một thời kỳ mà các vị lãnh đạo Giáo Hội, mặc dù nhiều người đã luống tuổi, tiếp tục nhận được sự mặc khải và sự soi dẫn mà đẩy mạnh vương quốc tiến bước mỗi ngày.

Khi còn là thiếu niên, tôi được ban cho một lời khuyên rất tốt được viết xuống để tự chứng tỏ là một một đứa con trai trung tín và biết vâng lời ngõ hầu khi tôi lớn hơn bất cứ khi nào tôi cần đến lời khuyên dạy và chỉ bảo, thì tôi nên đi đến cha mẹ mình, mặc dù họ đã “luống tuổi”, để nhận được từ họ sự khôn ngoan, an ủi, và hướng dẫn. Cha tôi đã qua đời cách đây hơn 20 năm, đã từng là một nguồn khôn ngoan tuyệt vời và gương mẫu đối với tôi trong suốt cuộc sống của tôi, và chúng tôi mới vừa chôn cất người mẹ 101 tuổi của tôi bên cạnh người bạn đời vĩnh cửu của bà hôm thứ Hai vừa qua. Khi bà được 100 tuổi, bà đã xác nhận chứng ngôn suốt đời của mình bằng những lời này: “Phúc âm là lối sống; phúc âm là một phần của kế hoạch để giúp chúng ta tránh sự chua xót. Hơn bao giờ hết, tôi tin rằng cuộc sống này là tốt lành tuy nhiên cuộc sống mai sau thì còn tốt hơn nữa” (“Growing Old Graciously: Lessons from a Centenarian,” The Religious Educator 5, số 1, [2004]:11).

Mẹ tôi thường cho tôi biết rằng bà cầu nguyện cho tôi và cho gia đình tôi hằng ngày. Khi bà càng ngày càng đến gần cái chết, thì những lời cầu nguyện của bà trở nên khẩn thiết và có ý nghĩa một cách đặc biệt đối với tôi. Cả hai cha mẹ tôi, cũng như cha mẹ vợ yêu quý của tôi, đã hoặc đang chịu đựng đến cùng trên con đường ngay chính, để lại một di sản của lòng tận tâm đầy trung tín cho tất cả con cháu của họ để noi theo.

Chủ Tịch Ezra Taft Benson, trong Ensign tháng Mười Một năm 1989, được trích dẫn đã nói như sau: “Chúa biết và yêu thương những người cao tuổi trong số dân Ngài. Điều đó vẫn luôn là thế, và Ngài đã ban cho họ nhiều trách nhiệm lớn lao nhất của Ngài. Trong nhiều gian kỳ khác nhau, Ngài đã hướng dẫn dân Ngài nhờ vào các vị tiên tri là những người cao tuổi. Ngài cần sự khôn ngoan và kinh nghiệm tuổi tác, sự hướng dẫn được soi dẫn từ những người với nhiều năm mà đã chứng tỏ lòng trung tín đối với phúc âm của Ngài” (“To the Elderly in the Church,” 4).

Những ý nghĩ này đã khiến cho tôi suy ngẫm về những bài giảng tuyệt luân, các phước lành, các chứng ngôn, và những lời khuyên nhủ mà các vị tiên tri và các vị sứ đồ trong suốt các thời đại đã để lại, nhất là khi họ tự cảm thấy “trở nên già” hoặc chuẩn bị “trở lại bụi đất.” Một số đoạn cuối này nằm trong số các câu thánh thư đáng ghi nhớ và được trích dẫn nhiều nhất của chúng ta. Ví dụ: trong Môi Se 6:57, Hê Nóc nói rõ rệt: “Vậy nên hãy giảng dạy điều này cho con cái của ngươi biết rằng tất cả mọi người bất cứ ở đâu cũng phải hối cải, bằng không thì họ không có cách gì được thừa hưởng vương quốc của Thượng Đế cả, vì không có một vật ô uế nào có thể ở trong … chốn hiện diện của Ngài.” Các nguyên tắc cơ bản này của phúc âm đã được giảng dạy từ thời A Đam và Ê Va, chuyền xuống từ thế hệ này đến thế hệ khác, như thánh thư chứng thực không biết bao nhiêu lần.

Joseph là người bị bán qua Ai Cập đã để lại những lời khuyên nhủ này cho dân Y Sơ Ra Ên: “Em sẽ chết nhưng Đức Chúa Trời sẽ đến viếng các anh em thật; đem các anh em về xứ mà Ngài đã thề hứa cùng Áp Ra Ham, Y Sác, và Gia Cốp” (Sáng Thế Ký 50:24).

Nhiều thế hệ sau, như lời tiên tri của Joseph đã được ứng nghiệm, Môi Se để lại phước lành của ông cho tất cả các chi tộc Y Sơ Ra Ên và trao quyền lãnh đạo cho Giô Suê, là người đã dẫn dân chúng trở lại đất hứa. Vào gần cuối đời mình, Giô Suê đã để lại những lời bất hủ để “chọn ai mà mình muốn phục sự,… nhưng ta và nhà ta sẽ phục sự Đức Giê Hô Va” (Giô Suê 24:15).

Về sau các tiên tri, như Giê Rê Mi, Ê Sai, và Ma La Chi, cũng đã để lại các chứng ngôn bất hủ trong suốt giáo vụ của họ, khi tiên tri về Đấng Mê Si giáng lâm và Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài.

Chúng ta tìm thấy một mẫu mực tương tự trong suốt Sách Mặc Môn khi nhấn mạnh đến lời ngỏ sau cùng của Nê Phi, Gia Cốp, và Vua Bên Gia Min—là những người đã có bài thuyết giảng mạnh mẽ mà đã thay đổi tấm lòng của toàn thể một quốc gia, chưa kể đến những lời oai nghiêm của A Bi Na Đi, là người đã mạnh dạn nói ra tuy biết rõ rằng mạng sống của ông được tính từng ngày, “Hãy dạy cho họ biết rằng sự cứu chuộc có được là nhờ Đấng Ky Tô, là Chúa, và Ngài chính là Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu” (Mô Si A 16:15). Bản liệt kê tiếp tục với An Ma và con trai của ông, An Ma, cũng như Hê La Man, con trai của Hê La Man, là người đã đưa lời khuyên bảo vô giá cho các con trai của mình: “Và giờ đây, hỡi các con trai của cha, hãy nhớ, hãy nhớ rằng các con phải xây dựng nền móng của mình trên đá của Đấng Cứu Chuộc chúng ta, tức là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế… đá ấy là một nền móng vững chắc, là một nền móng mà nếu loài người xây dựng trên đó họ sẽ không thể nào đổ ngã được” (Hê La Man 5:12).

Các vị tiên tri này và các vị tiên tri khác trong Sách Mặc Môn, kể cả Mặc Môn, đã viết cho thời kỳ của chúng ta, vì biết rằng chúng ta sẽ cần đến sự hiểu biết và sự khôn ngoan của họ để giúp đỡ chúng ta trong những thời kỳ khó khăn này. Chính Sách Mặc Môn cũng kết thúc với lệnh truyền có một không hai của Mô Rô Ni, con trai của Mặc Môn, khi ông bảo chúng ta rằng: “Phải, hãy đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài, và hãy chối bỏ tất cả mọi sự không tin kính; và nếu các người chối bỏ được tất cả mọi sự không tin kính cùng yêu mến Thượng Đế với tất cả năng lực, tâm trí và sức mạnh, thì ân điển của Ngài sẽ đủ cho các người” (Mô Rô Ni 10:32).

Chúng ta cũng có “các chứng ngôn cuối cùng” tương tự trong Kinh Tân Ước, như lời nói trang trọng của Phao Lô: “Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy [của mình], đã giữ được đức tin” (2 Ti Mô Thê 4:7) đã chứng thực về việc ông đã kiên trì đến cùng.

Chúng ta nhận được sự hiểu biết lớn lao nơi sự tăng trưởng của Sứ Đồ trưởng vững mạnh, Phi E Rơ, trong lời nói của ông: “phải trang sức bằng khiêm nhường; vì Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Vậy, hãy hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ thuận hiệp Ngài nhấc anh em lên” (1 Phi E Rơ 5:5–6).

Và chắc chắn là nhân vật cao trọng nhất của mọi thời kỳ để chúng ta học biết chính là Chúa phục sinh, khi Ngài truyền lệnh cho các Vị Sứ Đồ và những tín đồ của Ngài phải “đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và này, ta thường ở cùng các ngươi luôn [ngay] cho đến tận thế” (Ma Thi Ơ 28:19–20).

Thật là một sự tin chắc và hiểu biết dồi dào mà tất cả các thánh thư này mang đến cho chúng ta. Chúng ta có thể tìm thấy những khái niệm chung đầy soi dẫn nơi mỗi thánh thư này không? Tôi tin rằng các thánh thư này có thể dễ dàng nhận ra:

  • Rằng Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế, hằng sống và là Đấng Cứu Chuộc và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.

  • Rằng chúng ta phải noi theo Ngài và cho thấy tình yêu thương của mình đối với Ngài bằng cách tưởng nhớ đến Ngài và khiêm nhường tuân giữ các lệnh truyền của Ngài.

  • Rằng qua Sự Chuộc Tội của Ngài, chúng ta có thể hối cải và được tẩy sạch tội lỗi.

  • Rằng chúng ta là dân giao ước của Ngài và phải luôn luôn tuân giữ các giao ước mà chúng ta đã lập.

  • Rằng chúng ta cần rao giảng phúc âm của Ngài trên khắp thế gian.

  • Rằng chúng ta nên có đức tin, hối cải, chịu phép báp têm, tiếp nhận Đức Thánh Linh, và kiên trì đến cùng.

Trong gian kỳ của chúng ta, các vị tiên tri hiện đại của Sự Phục Hồi tiếp tục giảng dạy cùng các nguyên tắc này. Trong những lời giảng dạy của John Taylor chúng ta học được rằng “Là Con của Người, Ngài đã chịu đựng mọi điều mà xác thịt và máu có thể chịu đựng được; là Con của Thượng Đế, Ngài đã chiến thắng vạn vật, và mãi mãi ngự bên tay phải của Thượng Đế” (Teachings of Presidents of the Church: John Taylor [2001], 44).

Một trong những lời trích dẫn ưa thích của tôi, từ Chủ Tịch Spencer W. Kimball, là:

“Tôi thêm chứng ngôn của mình vào các chứng ngôn của những người vững mạnh và các vị sứ đồ thời xưa này—các anh em của chúng ta trong giáo vụ của cùng Đức Thầy. Tôi biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống và rằng Ngài đã bị đóng đinh vì tội lỗi của thế gian.

“Ngài là bạn của tôi, Đấng Cứu Rỗi, Chúa, Thượng Đế của tôi.

“Tôi thành tâm cầu nguyện rằng Các Thánh Hữu có thể… đạt được một sự thừa hưởng vĩnh cửu với Ngài trong vinh quang thượng thiên” (“An Eternal Hope in Christ,” Ensign, tháng Mười Một năm 1978, 73).

Vị tiên tri của chúng ta ngày nay, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley, tiếp tục hướng dẫn chúng ta với sự tin chắc mãnh liệt của ông, khi ông tuyên bố trong bài giảng tại đại hội giáo khu mới đây: “Tôi có chứng ngôn, thật sự, mãnh liệt, và quan trọng, về lẽ thật của công việc này. Tôi biết rằng Thượng Đế Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu hằng sống và rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của tôi. Chính Ngài là Đấng đứng đầu Giáo Hội này. Tất cả mọi điều mà tôi mong muốn là tôi dấn bước với công việc này như Ngài đã muốn nó tiến hành” (“Những Ý Tưởng Đầy Soi Dẫn,” Liahona, tháng Mười năm 2003, 5).

Khi tóm tắt các chứng ngôn của tất cả các vị sứ đồ và các vị tiên tri thời xưa cũng như hiện đại, chúng ta có được những lời bất diệt của Tiên Tri Joseph Smith, là người đã nói:

“Và giờ đây, sau bao nhiêu chứng ngôn mà đã được nói về Ngài, thì đây là chứng ngôn, gần đây nhất trong tất cả các chứng ngôn, mà chúng tôi nói về Ngài: Rằng Ngài hằng sống!

“Vì chúng tôi đã trông thấy Ngài, ngay cả ở bên tay phải của Thượng Đế; và chúng tôi đã nghe được tiếng nói làm chứng rằng Ngài là Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha” (Giáo Lý và Giao Ước 76:22–23).

Là một nhân chứng đặc biệt của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi muốn thêm vào lời khẳng định khiêm nhường của mình về lẽ trung thực của các chứng ngôn đã kể ở trên. Tôi biết rằng Cha Thiên Thượng thật sự là Cha linh hồn của chúng ta và rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi, Đấng Cứu Chuộc, Chúa của chúng ta, và khi chúng ta tuân theo các lệnh truyền của Ngài, thì Ngài là Bạn của chúng ta (xin xem Giăng 15:14). Khi chúng ta học thánh thư, cầu xin cho chúng ta thêm vào sự hiểu biết và lòng cảm kích lớn lao hơn về quyền năng của chứng ngôn, đặc biệt là khi nó được chia sẻ bởi những người với sự khôn ngoan lớn lao và tuổi đời cao, là lời cầu nguyện của tôi, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.