Sự Kiên Trì
Sự kiên trì được cho thấy bởi những người tiếp tục bền chí khi tình huống trở nên khó khăn, là những người không bỏ cuộc ngay cả khi những người khác nói: “Không thể làm được.”
Tôi muốn được chào mừng Các Anh Em được kêu gọi và tán trợ buổi trưa nay để làm các thành viên thuộc Đệ Nhất và Đệ Nhị Nhóm Túc Số Các Thầy Bảy Mươi. Mỗi anh em là một người có đức tin và khả năng cùng sự cam kết, và chúng tôi đảm bảo với các anh em rằng họ xứng đáng trong mọi phương diện để nắm giữ các chức phẩm này.
Thưa các anh em thân mến của nhóm huynh đệ chức tư tế toàn cầu vĩ đại, chúng tôi khen ngợi các anh em về lòng trung tín và sự tận tụy đối với công việc của Chúa. Chúng tôi cám ơn các anh em về sự cam kết và phục vụ tận tình của các anh em. Các anh em đóng góp rất nhiều sức mạnh cho Giáo Hội.
Thật là điều tuyệt diệu để có mặt trong buổi họp này với tất cả các em Chức Tư Tế A Rôn. Khi tôi bằng tuổi các em tôi thường tự hỏi: “Vai trò của tôi trên thế gian này sẽ là gì và làm thế nào tôi sẽ biết được vai trò đó?” Vào lúc bấy giờ, mục tiêu kiên định độc nhất của tôi là phục vụ truyền giáo. Khi sự kêu gọi phục vụ truyền giáo của tôi đến, tôi đã phục vụ, và công việc truyền giáo của tôi trở nên giống như Ngôi Sao Bắc Đẩu để hướng dẫn tôi trong các sinh hoạt khác trong đời sống của tôi. Một trong những điều quan trọng mà tôi học biết được là nếu tôi trung tín kiên trì trong những sự kêu gọi của mình trong Giáo Hội, thì Chúa sẽ mở đường và hướng dẫn tôi đến các cơ hội và các phước lành khác, ngay cả vượt quá những mơ ước của tôi.
Việc phục vụ truyền giáo có thể làm điều này cho tất cả các em là các em thiếu niên. Một thanh niên mới đây đã chia sẻ với tôi bao nhiêu điều mà em ấy đã học hỏi được từ sự kiên trì của em ấy với tư cách là người truyền giáo. Tôi rút ra từ kinh nghiệm của em ấy một số điều các em có thể học được mà sẽ mang đến những cơ hội và phước lành cho các em:
-
Cách thức tổ chức và sử dụng thời giờ một cách khôn ngoan.
-
Tầm quan trọng của sự làm việc siêng năng—các em gặt được những gì các em gieo.
-
Những kỹ năng lãnh đạo.
-
Những kỹ năng giao tiếp với người khác
-
Giá trị của sự học hỏi phúc âm.
-
Tôn trọng thẩm quyền.
-
Tầm quan trọng của sự cầu nguyện.
-
Lòng khiêm nhường và sự tùy thuộc vào Chúa.1
Khi tôi đi học tại Granite High School ở Thành Phố Salt Lake vào thập niên 1930, tôi có một số bạn bè xuất sắc về môn điền kinh, kịch, nhạc, và diễn thuyết. Một số họ tiếp tục đạt được thành công trong đời, nhưng có quá nhiều người trong số những người trẻ tuổi có tài và khả năng thì đã không kiên trì và đã thất bại không đạt được tiềm năng của họ. Trái lại, vài thanh niên và thiếu nữ kém tài cũng cùng ngôi trường đó đã làm việc siêng năng, kiên trì, và tiếp tục với học vấn của họ để trở thành những bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, luật sư, khoa học gia, doanh gia, thợ thủ công, thợ điện, thợ ống nước, và thầu khoán nổi tiếng.
Sự thành công thường đạt được nhờ vào sự kiên trì và không trở nên chán nản khi chúng ta chạm trán với những thử thách. Paul Harvey, nhà bình luận tin tức và tác giả nổi tiếng, có lần đã nói: “Một ngày nào đó tôi hy vọng sẽ vui hưởng đầy đủ điều mà thế gian gọi là sự thành công ngõ hầu một người nào đó sẽ hỏi tôi: ‘Bí quyết của điều đó là gì?’ thì tôi chỉ giản dị nói điều này: ‘Tôi đứng dậy khi tôi ngã xuống.’”2
Một tấm gương nổi bật về sự kiên trì là Bà Marie Curie là người đã làm việc chung với người chồng, nhà vật lý Pháp, Pierre Curie, “trong một nhà kho cũ kỹ, bỏ hoang, dột nát mà không có nguồn tài chính, lời khuyến khích hoặc sự giúp đỡ từ bên ngoài, cố gắng cách ly loại phóng xạ từ quặng uranium hạng kém tên là pitchblende. Và sau lần thử nghiệm thứ 487 của họ bị thất bại, Pierre đã giơ tay lên trong tuyệt vọng và nói: “Việc này sẽ không bao giờ được hoàn thành. Có lẽ trong một trăm năm nữa, nhưng không bao giờ trong thời kỳ của tôi.’ Marie nói thẳng với chồng mình với một vẻ mặt cương quyết: ‘Nếu phải mất một trăm năm, thì đó là điều đáng tiếc, nhưng chừng nào em còn sống thì em sẽ không ngừng làm việc đó.’”3 Cuối cùng bà đã thành công, và những bệnh nhân ung thư đã hưởng lợi ích lớn lao từ sự kiên trì của bà.
Sự kiên trì được cho thấy bởi những người tiếp tục bền chí khi tình huống trở nên khó khăn, là những người không bỏ cuộc ngay cả khi những người khác nói: “Không thể làm được.” Vào năm 1864, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn chỉ định cho Các Vị Sứ Đồ Ezra T. Benson và Lorenzo Snow, cùng với Các Anh Cả Alma Smith và William W. Cluff, đi truyền giáo ở Các Quần Đảo Hawaii. Từ Honolulu, họ đi trên một con thuyền nhỏ đến cảng nhỏ Lahaina. Khi tiến đến gần vùng đá ngầm, sóng vỗ rất cao, và một ngọn sóng lớn đập vào thuyền, đẩy nó đi khoảng 46 thước và bỏ nó lại trong một vùng lõm giữa hai ngọn sóng lớn. Khi ngọn sóng thứ nhì đập vào, con thuyền lật chìm vào biển sủi bọt.
Đoàn hải hành dùng tàu cứu cấp và vớt lên ba trong số các anh em đó là những người bơi gần chiếc thuyền chìm dưới biển. Nhưng không có dấu hiệu gì về Anh Snow. Những người dân Hawaii quen thuộc với việc lướt sóng bơi khắp nơi để tìm kiếm ông. Cuối cùng, một người trong số họ cảm thấy một thứ gì đó trong nước, và họ kéo Anh Snow lên mặt biển. Người của ông cứng đơ và trông ông như đã chết khi họ kéo ông lên thuyền.
Anh Cả Smith và Anh Cả Cluff đặt người Anh Snow vào lòng họ và âm thầm ban phước cho ông, cầu xin Chúa cứu mạng ông để ông có thể trở về với gia đình và nhà cửa của ông. Khi đến bờ biển, họ mang Anh Snow đến một số thùng không đang nằm trên bãi biển. Họ đặt ông nằm xấp trên một trong những cái thùng này, rồi họ lăn ông tới lui để tống ra ngoài nước mà ông đã uống.
Sau khi làm việc đó trên người ông trong một lúc, dù không có bất cứ dấu hiệu nào về sự sống, những người đứng xem nói rằng không còn làm được điều gì nữa cho ông. Nhưng các anh cả đã kiên quyết không chịu bỏ cuộc. Nên họ cầu nguyện lần nữa, với lòng tự tin thầm lặng rằng Chúa sẽ nghe và đáp ứng những lời cầu nguyện của họ.
Họ có ấn tượng phải làm một điều gì đó khác thường trong ngày và thời gian đó. Một người trong số họ đặt miệng mình lên miệng của Anh Snow trong nỗ lực thổi vào phổi của ông, luân phiên thổi vào và hút ra không khí, bắt chước tiến trình hô hấp tự nhiên. Họ thay phiên nhau làm và họ đã kiên trì cho đến khi họ thành công trong việc thổi vào phổi của ông. Một lát sau họ nhận thấy dấu hiệu yếu ớt của sự hồi sinh. “Một cái nháy mắt, mà cho đến khi ấy, đã được mở trừng trừng và giống như chết, và một tiếng khúc khắc rất nhỏ trong cổ họng, là những dấu hiệu đầu tiên của sự hồi sinh. Những dấu hiệu hồi sinh này càng lúc càng rõ ràng, cho đến khi ông tỉnh hẳn.” Với sự kiên trì và ân huệ của Thượng Đế đầy lòng thương xót, tất cả bốn người tôi tớ của Chúa được sống sót và có thể hoàn tất công việc truyền giáo của họ.4
Anh Cả Snow tiếp tục sống và trở thành Chủ Tịch của Giáo Hội. Trong khi phục vụ trong chức vụ ấy, ông đã làm ngân quỹ của Giáo Hội được ổn định bằng cách khuyên nài các tín hữu đóng tiền thập phân và các của lễ dâng.
Các anh em sẽ thích thú để biết rằng Alma Smith trong câu chuyện này là người thiếu niên đã bị bắn vào hông tại nhà Máy Xay Haun, làm hư hại cái khớp và ổ hông. Mẹ của ông băng bó vết thương nặng đó với một số nhựa thơm, và rồi được soi dẫn để đặt ông nằm xấp trong năm tuần. Một cái xương sụn dẻo mọc ra tại chỗ của cái khớp và ổ hông để ông không những có thể sống một cuộc sống bình thường, mà còn phục vụ truyền giáo ở Hawaii, và phục vụ suốt đời cho Giáo Hội.5
Các vị tiên tri ngày sau của chúng ta đều là những tấm gương kiên quyết qua chức tư tế, sự cầu nguyện, và sự làm việc. Sự kiên trì của Joseph Smith làm cho tất cả mọi điều của Sự Phục Hồi có thể thực hiện được. Trong suốt cuộc sống của ông, ông đã bị đối xử với sự khinh miệt và nhạo báng—từ lúc ông thuật lại câu chuyện về Khải Tượng Thứ Nhất cho một vị giảng đạo của một tôn giáo nổi tiếng. Nhưng ông đã không bao giờ nao núng, và đã để lại cho chúng ta chứng ngôn vững chắc của ông.
“Quả thật tôi đã trông thấy một ánh sáng, và giữa ánh sáng ấy, tôi đã trông thấy hai Nhân Vật, và hai vị đó đã thật sự ngỏ lời cùng tôi; và mặc dù tôi bị thù ghét và ngược đãi vì tôi đã nói là tôi đã trông thấy khải tượng, nhưng đó vẫn là sự thật;… Tôi đã trông thấy một khải tượng; tôi biết điều đó, và tôi biết là Thượng Đế biết như vậy, và tôi không thể phủ nhận được, tôi cũng không dám làm thế.”6
Cuộc sống của Brigham Young là một tấm gương tuyệt luân về sự kiên trì. Ông luôn luôn trung tín và kiên quyết. Sau khi Joseph Smith chết, ông đã có quyết định táo bạo là mang 60.000 người từ sự tiện nghi của nhà cửa và đất đai màu mỡ của họ để đến một vùng hoang dã mà chưa một ai từng trồng trọt hay thu hoạch bất cứ hoa màu nào. Cuộc di cư vĩ đại này không giống với bất cứ cuộc di cư nào khác trong lịch sử cận đại. Họ đi bằng xe bò, xe ngựa, bằng chân, và xe kéo tay. Ông và những người đi theo ông đã làm cho vùng sa mạc trổ hoa như bông hồng.
Tại cuộc họp báo đầu tiên khi Chủ Tịch Gordon B. Hinckley được giới thiệu với báo chí là Chủ Tịch của Giáo Hội vào năm 1995, ông đã được hỏi là sự tập trung của ông sẽ vào điều gì. Ông trả lời: “Tiến hành. Vâng. Chủ đề của chúng tôi sẽ là tiến hành công việc vĩ đại mà đã được các vị tiền nhiệm của chúng tôi đẩy mạnh.”7 Đây là chủ đề quan trọng của tất cả chúng ta. Chúng ta cần phải tiến hành và chịu đựng đến cùng.
Một trong những thành quả lớn lao dưới sự quản trị của Chủ Tịch Hinckley là sự kiên trì phi thường của ông trong việc xây cất đền thờ. Kể từ khi ông trở thành Chủ Tịch của Giáo Hội, 87 đền thờ đã được làm lễ cung hiến, tái cung hiến, hoặc thông báo sẽ được xây cất. Thành quả đáng kể này trong việc xây cất đền thờ không gì sánh kịp trong toàn thể lịch sử của thế gian. Các đền thờ có một tác dụng lớn lao cho điều tốt lành và ngày càng ban phước cho thế gian. Như George Q. Cannon đã nói: “Mỗi tảng đá nền mà được đặt cho một Đền Thờ, và mỗi Đền Thờ mà hoàn thành đúng theo lệnh của Chúa đã mặc khải cho Chức Tư Tế thánh của Ngài, làm giảm thiểu quyền lực của Sa Tan trên thế gian, và gia tăng quyền năng của Thượng Đế và Sự Tin Kính, chuyển dời các tầng trời trong quyền năng phi thường thay cho chúng ta, cầu khẩn và kêu cầu các phước lành của Các Thượng Đế Vĩnh Cửu và những người sống nơi hiện diện của Các Ngài trút xuống chúng ta.”8
Mỗi người chúng ta cần phải phục vụ trung tín và siêng năng trong những sự kêu gọi trong chức tư tế của mình cho đến ngày cuối của đời mình. Một số có thể thắc mắc: “Tôi phải làm thầy giảng tại gia cho bao lâu?” Câu trả lời của tôi là công việc giảng dạy tại gia là một sự kêu gọi của chức tư tế. Việc phục vụ trong sự kêu gọi của một thầy giảng tại gia là một đặc ân cho đến khi nào vị giám trợ và các vị lãnh đạo chức tư tế cảm thấy chúng ta còn có khả năng để làm như vậy. Một số người trong chúng ta đã biết Anh George L. Nelson, một luật sư nổi tiếng ở Thành Phố Salt Lake, là người đã phục vụ với tư cách là giám trợ, chủ tịch giáo khu, và tộc trưởng. Ông đã hoàn toàn tận tụy với Giáo Hội. Ông là một thầy giảng tại gia vào lúc 100 tuổi. Ông đã nói vào lúc đó: “Tôi rất thích làm một thầy giảng tại gia. Tôi hy vọng rằng tôi luôn luôn có thể là một thầy giảng tại gia.”9 Ông thọ được 101 tuổi, và trung tín cho đến cùng.
Những người mong muốn chịu phép báp têm vào Giáo Hội được Chúa đòi hỏi phải có “quyết tâm phục vụ Ngài cho đến cùng.”10 Chủ Tịch Joseph Fielding Smith, vào lúc 94 tuổi, đã nói: “Tôi đã tìm kiếm suốt đời mình để làm vinh danh sự kêu gọi của tôi trong chức tư tế đó và hy vọng kiên trì cho đến cùng trong cuộc sống này và vui hưởng tình bằng hữu của các thánh hữu trung tín trong cuộc sống mai sau.”11 Như Chúa đã phán, nếu chúng ta đúng là các môn đồ của Ngài, thì chúng ta phải tiếp tục sống theo lời Ngài.12 Chúa đã ban phước cho Giáo Hội và các tín hữu của Giáo Hội trong những cách thức khác thường nhờ vào lòng trung tín và sự kiên trì của họ. Tôi làm chứng về sự thiêng liêng của công việc thánh của chức tư tế, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.