2005
Củng Cố Các Anh Em của Ngươi
Tháng Năm năm 2005


Củng Cố Các Anh Em của Ngươi

Chúng ta phải làm điều mà Đấng Cứu Rỗi và các tiên tri của Ngài…đã luôn luôn giảng dạy: phục vụ, củng cố đức tin, và thêm sức cho những người mà cần tình yêu thương và phước lành của chúng ta.

Khi trả lời câu hỏi “Thưa thầy, trong luật pháp, điều răn nào là lớn hơn hết?” Chúa Giê Su đáp: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhứt và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình. Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra.”1

Đối với dân Y Sơ Ra Ên thời xưa và qua suốt các thế hệ của thời kỳ, các tiên tri của Ngài trong quá khứ thời xưa và hiện tại luôn luôn giảng dạy điều này kể cả mọi lẽ thật vĩnh cửu—mà để thừa hưởng cuộc sống vĩnh cửu, chúng ta phải có tình yêu thương trong tâm hồn mình: tình yêu thương Thượng Đế Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu và tình yêu thương đồng loại của mình.

Trong những giờ phút cuối cùng của giáo vụ trần thế của Ngài, Chúa Giê Su đã phán cùng Phi E Rơ: “Song ta đã cầu nguyện cho ngươi, hầu cho đức tin ngươi không thiếu thốn. Vậy, đến khi ngươi đã hối cải, hãy làm cho vững chí anh em mình”2

Phi E Rơ đã có chứng ngôn từ Thánh Linh mà ra về thiên tính của Chúa Giê Su Ky Tô. Phi E Rơ biết, và sự hiểu biết của ông do sự mặc khải mà ra. Nhưng sự cải đạo của ông, sự thay đổi trong toàn thể lối sống của ông và tính chất tự nhiên của con người ông, đã hiển nhiên hơn sau ngày lễ Ngũ Tuần, sau khi nhận được ân tứ thay đổi trong lòng và sự làm chứng của Đức Thánh Linh.

Vâng, thưa các anh chị em, giống như Phi E Rơ ngày trước, chúng ta có chứng ngôn, nhưng sự cải đạo có phải là một tiến trình liên tục trong cuộc sống của chúng ta không? Chúng ta có tiếp tục tiến triển trong bàn tay của Đấng Sáng Tạo chúng ta không? Thượng Đế có đang ban phước cho những người khác qua chúng ta không? Chúng ta có cầu nguyện và cầu vấn Chúa cho biết ai mà Chúa muốn chúng ta ban phước, để làm nhẹ gánh nặng cho nhau không? Chúng ta có yêu thương người khác nhiều như chúng ta yêu thương bản thân mình không?

Khi Chúa Giê Su cho người thầy dạy luật biết rằng để được thừa hưởng cuộc sống vĩnh cửu, người ấy phải yêu thương kẻ lân cận của mình như chính mình vậy, thì người thầy dạy luật thưa cùng Chúa Giê Su: “Ai là người lân cận tôi?” Chúa Giê Su trả lời bằng câu chuyện ngụ ngôn của Ngài về Người Sa Ma Ri Nhân Lành và rồi hỏi: “Trong ba người đó, ngươi tưởng ai là lân cận với kẻ bị cướp? Thầy dạy luật thưa rằng: Ấy là người đã lấy lòng thương xót đãi người.”3 Với câu chuyện ngụ ngôn này, Chúa Giê Su đã dạy rằng mỗi người chúng ta phải biểu lộ một tình yêu thương tích cực và lòng nhân từ đối với mỗi con cái của Cha Ngài.

Vua Bên Gia Min đã dạy Các Thánh Hữu của thời ông rằng: “Để hằng ngày gìn giữ sự xá miễn các tội lỗi cho các người… Tôi mong rằng, các người nên san xẻ những của cải của mình cho người nghèo khó, … như đem thức ăn cho kẻ đói, đem áo quần cho kẻ thiếu mặc, thăm viếng kẻ bệnh, và trợ giúp họ về tinh thần lẫn vật chất.”4 Chúng ta có ban phát sự trợ giúp về tinh thần hoặc vật chất cho những người cần đến nó không? Chúng ta có tìm đến và củng cố đức tin của những người gia nhập Giáo Hội như các vị tiên tri thời chúng ta đã yêu cầu không?

Sự cải đạo có nghĩa là dâng hiến cuộc sống của chúng ta để chăm sóc và phục vụ những người khác là những người cần sự giúp đỡ của chúng ta, và chia sẻ các ân tứ và các phước lành của chúng ta. Chúa không phán: “Phải chăn chiên ta khi thuận tiện, trông nôm chiên ta khi các ngươi không bận rộn.” Mà Ngài phán: “Chăn chiên ta; giúp họ sống còn trên thế gian này, giữ họ gần bên các ngươi. Dẫn dắt họ đến nơi an toàn—sự an toàn của những chọn lựa ngay chính mà sẽ chuẩn bị cho họ đạt được cuộc sống vĩnh cửu.”5

Mỗi hành động vị tha của sự nhân từ và phục vụ gia tăng nếp sống thuộc linh của chúng ta. Thượng Đế sẽ dùng chúng ta để ban phước cho những người khác. Sự liên tục tăng trưởng phần thuộc linh và tiến trình vĩnh cửu của chúng ta thì liên quan rất nhiều đến mối quan hệ của chúng ta—trong cách thức chúng ta đối xử với những người khác. Chúng ta có thật sự yêu thương những người khác và trở thành một phước lành trong cuộc sống của họ không? Phải chăng sự đo lường mức độ cải đạo của chúng ta là ở cách chúng ta đối xử với những người khác? Người mà làm những việc trong giáo hội chỉ liên quan đến bản thân mình thì sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu toàn hảo. Sự phục vụ những người khác là điều liên quan hoàn toàn đến phúc âm và cuộc sống tôn cao.

Trong cuộc sống của mình, chúng ta phải tìm đến và ban phước cuộc sống của đồng loại của mình, để hết lòng đối với những người mà cần đến chúng ta. Đức Thầy đã phán: “Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta và đạo Tin Lành mà mất sự sống, thì sẽ được cứu.”6

Gia Cơ viết thư “đạt cho mười hai chi phái ở tan lạc.”7 Những lời giảng dạy của ông nhắm vào chúng ta, dân của Chúa, là những người mà trong ngày sau cùng sẽ chấp nhận phúc âm phục hồi. Ông dạy rằng những người lãnh đạo hướng dẫn mối quan hệ của chúng ta với các tín hữu khác của giáo hội. Ông xem lệnh truyền phải “yêu thương người lân cận như mình” là “luật hoàng gia.”8 Đối với Gia Cơ, chỉ có một chứng ngôn không thì chưa đủ. Phúc âm phải trở thành một điều mà chúng ta phải sống theo hằng ngày. “Ta sẽ chỉ cho ngươi đức tin bởi việc làm của ta.”9 “Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ.”10 Định nghĩa của Gia Cơ về người cải đạo là: “Sự tin đạo thanh sạch không vết, trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là: thăm viếng kẻ mồ côi, người góa bụa trong cơn khốn khó của họ, và giữ lấy mình cho khỏi sự ô uế của thế gian.”11 Ông kết thúc lá thư ngắn gọn của mình viết cho chúng ta với những lời này: “Hỡi anh em, trong vòng anh em nếu có ai lầm lạc cách xa lẽ thật, mà có người khác làm cho nó trở lại, thì phải biết rằng kẻ làm cho người có tội trở lại, bỏ đường lầm lạc, ấy là cứu linh hồn người … và che đậy vô số tội lỗi.”12 Khi giúp một người anh em lầm lạc trở lại, thì chúng ta cứu cả người ấy lẫn chúng ta. Tội lỗi của chúng ta được che giấu hoặc xá miễn bởi vì chúng ta giúp đỡ sự cứu rỗi của người khác.

Tôi có phước lành lớn lao để sống ở Châu Mỹ La Tinh và tự mình chứng kiến sự ứng nghiệm của những lời tiên tri và những lời hứa đưa ra bởi các vị tiên tri của Ngài và chính bởi Ngài.

“Ta sẽ quy tụ dân của ta lại, tức là gia tộc Y Sơ Ra Ên, sau một thời gian lâu dài họ bị phân tán, và ta sẽ thiết lập lại Si Ôn của ta ở giữa họ.

“…Ta sẽ thiết lập Giáo Hội của ta giữa họ, và họ sẽ gia nhập giao ước, và được tính vào số dân còn sót lại này của Gia Cốp, là những người được ta ban cho đất này để thừa hưởng.”13

Quả thật có hằng trăm ngàn người đã được quy tụ lại từ hầu hết mọi quốc gia ở Châu Mỹ La Tinh. Những lời tiên tri đã bảo đảm với chúng ta rằng sự tăng trưởng này sẽ tiếp tục. Sự tăng trưởng là thử thách lớn nhất nhưng cũng là cơ hội lớn nhất của chúng ta.

Sứ Đồ Phao Lô đã nói cùng các tín hữu mới trong thời kỳ của ông: “Dường ấy, anh em chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Đức Chúa Trời.”14

Dường như nơi nào mà Giáo Hội trải qua sự tăng trưởng nhanh chóng, thì có rất nhiều người vẫn nghĩ rằng họ là những người xa lạ và người ngoại quốc và bị bỏ quên. Nếu chúng ta muốn thấy được những lời hứa được ứng nghiệm, thì chúng ta phải làm như Mô Rô Ni đã mô tả: “Và sau khi họ đã được nhận vào lễ báp têm, thì họ được kể là dân của giáo hội của Đấng Ky Tô, và tên họ được ghi nhận, ngõ hầu họ được nhớ tới và được nuôi dưỡng … để giữ họ đi con đường đúng.”15

Nhiều tín hữu tích cực tin rằng các tín hữu kém tích cực và những người mới cải đạo mà đi sai đường thì xử sự khác biệt bởi vì họ không tin giáo lý của Giáo Hội. Có những cuộc nghiên cứu đã được thực hiện, chớ đồng ý với giả thuyết này. Chúng cho thấy rằng hầu hết các tín hữu kém tích cực đã được phỏng vấn, đều tin rằng có Thượng Đế, rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, rằng Joseph Smith là một vị tiên tri và rằng Giáo Hội là chân chính.

Trong nhiều tiểu giáo khu và chi nhánh, có nhiều người nam và nhiều người nữ tốt lành, thẳng thắn, lương thiện nhưng không biết cách thức trở lại giáo hội. Trong số họ có những người là cha mẹ tốt. Họ vừa bỏ đi và không một ai đến thăm họ, làm cho họ nghĩ rằng không một ai thực sự quan tâm. Khi những người nam và những người nữ có đức tin đến thăm những người này và trở thành bạn của họ, củng cố họ, cầu nguyện với họ, và giảng dạy họ về phúc âm, thì họ và gia đình họ sẽ trở lại. “Hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn này của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy.”16 Ai là “những người rất hèn mọn này của anh em ta”? Có lẽ Chúa ám chỉ những người mới chịu phép báp têm vào Giáo Hội hoặc những người đã trở nên thiếu tích cực, và sẽ trở về nếu có bàn tay của tình bằng hữu chân thành đưa ra chăng?

Trong trận đại chiến này về linh hồn của con người, các thủ tục tiêu chuẩn trong công việc truyền giáo thì được định nghĩa rõ ràng hơn cho mỗi người chúng ta. Các tín hữu phải đi với những người truyền giáo toàn thời gian khi họ giảng dạy các bài học và đóng một vai trò thiết yếu trong tiến trình cải đạo những người khác. Những người truyền giáo phải “thuyết giảng phúc âm của ta qua Thánh Linh”17 bằng lời nói từ tấm lòng của họ, những lời nói về lẽ thật đạt được bằng nhiều sự học hỏi và cầu nguyện. Vai trò của những người truyền giáo của chúng ta trong tiến trình cải đạo liên tục những người khác, không kết thúc tại lễ báp têm, mà họ cần phải tiếp tục giảng dạy các tín hữu mới và những người khác mà cần sự nuôi dưỡng thuộc linh.

Những bức thư mới đây từ Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn nhắc nhở các vị lãnh đạo chức tư tế về trách nhiệm của họ để củng cố và hỗ trợ các tín hữu mới. “Việc kết tình thân hữu phải được phát triển bởi tất cả mọi người trong tiểu giáo khu… các thầy giảng tại gia và các giảng viên thăm viếng có thể đóng một vai trò quan trọng.” Các tín hữu mới nên được cho “cơ hội để phục vụ và đóng góp sức mạnh cho tiểu giáo khu.”18

Thưa các anh chị em, nếu tiến trình cải đạo và thay đổi phải tiếp tục nơi mỗi người chúng ta, các tín hữu mới cũng như cũ, thì chúng ta phải phục vụ và mang đến sự nuôi dưỡng phần thuộc linh cho những người khác. Chúng ta phải giúp đỡ những người khác nhận được các phước lành trọn vẹn của sự phục hồi, kể cả các phước lành của đền thờ.

Tiên Tri Joseph Smith đã viết một bức thư cho Các Thánh Hữu trong thời kỳ của ông: “Thưa Các Anh Em:—Bổn phận của mỗi Thánh Hữu là phải hết lòng tận tụy với các anh em mình—luôn luôn yêu thương họ và giúp đỡ họ. Để được biện minh trước mặt Thượng Đế rằng chúng ta phải yêu thương lẫn nhau:… thì chúng ta có thể yêu thương người lân cận của mình như bản thân mình và phải trung tín trong cơn hoạn nạn.”19

Vị tiên tri của chúng ta, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley, đã nói: “Tôi hy vọng, tôi cầu nguyện, rằng mỗi người chúng ta… sẽ quyết tâm tìm kiếm những người cần giúp đỡ… và dẫn dắt họ trong tinh thần yêu thương và chấp nhận Giáo Hội, nơi mà những bàn tay vững mạnh và những tâm hồn yêu thương sẽ làm ấm lòng họ, an ủi họ, hỗ trợ họ, và đặt họ trên con đường của cuộc sống hạnh phúc và hữu ích.”20

Tình yêu thương không phải chỉ là một lời nói hay lời tuyên bố suông, mà là lệnh truyền đầu tiên và lớn lao, một lệnh truyền đòi hỏi phải hành động—“Nếu các người yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta”21 và “Nếu ngươi yêu ta, thì hãy chăn chiên ta.”22

Chúng ta phải làm điều mà Đấng Cứu Rỗi và các tiên tri của Ngài, thời xưa lẫn thời nay, đã luôn luôn giảng dạy, phục vụ, củng cố đức tin, và thêm sức cho những người mà cần tình yêu thương và phước lành của chúng ta. Chúng ta có được lời hứa của Chúa: “Và kẻ nào tiếp nhận các ngươi thì ta cũng sẽ ở đó, vì ta sẽ đi trước mặt các ngươi… và Thánh Linh của ta sẽ ở trong trái tim các ngươi.”23

Thưa các anh chị em, khi chúng ta tìm đến trong tình yêu thương để ban phước cho cuộc sống của người khác, cả hai chúng ta sẽ được ban phước với Thánh Linh của Ngài. Chúa dạy rằng chúng ta sẽ “hiểu được nhau, và cả hai [sẽ được] gây dựng và cùng nhau vui vẻ.”24

Tôi cầu nguyện rằng Cha Thiên Thượng sẽ ban phước cho chúng ta với tình yêu thương đó đối với những người khác, “là tình thương mà Ngài đã ban cho tất cả nhưng tín đồ chân chính của Vị Nam Tử.”25 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi chú

  1. Ma Thi Ơ 22:36–40.

  2. Lu Ca 22:32.

  3. Lu Ca 10:29, 36–37.

  4. Mô Si A 4:26; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  5. Xin xem Giăng 21:15–16.

  6. Mác 8:35.

  7. Gia Cơ 1:1.

  8. Gia Cơ 2:8.

  9. Gia Cơ 2:18.

  10. Gia Cơ 1:22.

  11. Gia Cơ 1:27.

  12. Gia Cơ 5:19–20.

  13. 3 Nê Phi 21:1, 22.

  14. Ê Phê Sô 2:19.

  15. Mô Rô Ni 6:4.

  16. Ma Thi Ơ 25:40.

  17. GLGƯ 50:14.

  18. Thư của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, ngày 22 tháng Mười Hai năm 2004; xin xem thêm thư của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, ngày 11 tháng Hai năm 2005.

  19. History of the Church, 2:229.

  20. “Reach with a Rescuing Hand,” Ensign, tháng Mười Một năm 1996, 86.

  21. Giăng 14:15.

  22. Giăng 21:17.

  23. GLGƯ 84:88.

  24. GLGƯ 50:22.

  25. Mô Rô Ni 7:48.