2005
Các Cặp Vợ Chồng Truyền Giáo: Các Phước Lành từ Sự Hy Sinh và Phục Vụ
Tháng Năm năm 2005


Các Cặp Vợ Chồng Truyền Giáo: Các Phước Lành từ Sự Hy Sinh và Phục Vụ

Cha Thiên Thượng cần các anh chị em. Công việc của Ngài, dưới sự hướng dẫn của Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô, cần những điều mà chỉ các anh chị em mới có thể sẵn sàng dâng lên Ngài

Cách đây bốn năm, tôi đã nói chuyện tại đại hội này về những cặp vợ chồng đi phục vụ truyền giáo toàn thời gian. Tôi đã cầu nguyện rằng “Đức Thánh Linh [sẽ] cảm động những tấm lòng, và một nơi nào đó một người phối ngẫu… [sẽ] huý ch nhẹ bằng khủy tay ra dấu đồng ý với người bạn đời của mình, và lẽ thật sẽ thoáng qua trong giây phút đó [—một giây phút quyết định—sẽ] xảy ra.”1 Về sau, một chị nọ đã viết cho tôi về kinh nghiệm đó. Chị ấy nói rằng: “Chúng tôi đang ngồi trong phòng khách đầy đủ tiện nghi của chúng tôi và thích thú theo dõi đại hội trên truyền hình… Khi ông nói, tôi thấy cảm động sâu xa trong lòng. Tôi hướng mắt nhìn chồng tôi và anh ấy cũng nhìn tôi. Giây phút đó đã vĩnh viễn thay đổi cuộc sống của tôi.”

Nếu các anh chị em đang hoặc sẽ sớm đến tuổi của người truyền giáo cao niên, tôi đến với các anh chị em chiều hôm nay để làm chứng về những phước lành mà có thể thay đổi vĩnh viễn cuộc sống của các anh chị em. Cha Thiên Thượng cần các anh chị em. Công việc của Ngài, dưới sự hướng dẫn của Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô, cần những điều mà chỉ các anh chị em mới có thể sẵn sàng dâng lên Ngài. Mỗi kinh nghiệm truyền giáo đòi hỏi đức tin, sự hy sinh, và sự phục vụ, và những điều này luôn luôn được theo sau bởi các phước lành tuôn tràn đến.

Trong khi chúng ta thảo luận về những phước lành này, thì các anh chị em đương nhiên quan tâm đến điều mà tôi gọi là bốn yếu tố: nỗi sợ hãi, sự lo lắng về gia đình, việc tìm thấy cơ hội thích hợp để đi truyền giáo, và khó khăn về tài chính.2 Tôi xin được thêm vào một yếu tố nữa quan trọng và mạnh mẽ hơn—đức tin. Chỉ nhờ vào đức tin của mình, chúng ta mới có thể lưu ý đến lời khuyên dạy của Thượng Đế để “chọn ai mà các ngươi muốn phục vụ”3—“để phục vụ Đức Chúa Trời, Đấng đã làm nên các ngươi”4 Và chỉ qua sự thử thách về đức tin của mình thì chúng ta mới có thể nhận được các phước lành kỳ diệu mà chúng ta tìm kiếm cho cá nhân và gia đình mình. “Vì nếu không có đức tin ở giữa con cái loài người thì Thượng Đế không thể làm phép lạ ở giữa họ được; vậy nên Ngài sẽ không chỉ cho họ thấy cho đến khi họ đã có đức tin.”5

Tôi xin được phép chia sẻ một số phước lành kỳ diệu này từ những bức thư và mẩu chuyện mà tôi đã nhận được hơn bốn năm qua. Một cặp vợ chồng khiêm nhường từ Idaho đã vượt qua nỗi lo sợ bằng đức tin khi họ được Chúa gọi đi sang nước Nga. Họ đã viết bức thư chấp nhận như sau: “Không một ai có thể tưởng tượng rằng chúng tôi được kêu gọi cho sự chỉ định này. Chúng tôi không biết là chúng tôi sẽ học ngôn ngữ hoặc xoay sở để phục vụ như thế nào, và mặc dù chúng tôi chấp nhận sự kêu gọi với nhiều lo âu, ra đi hoàn toàn dựa trên đức tin, chúng tôi biết rằng Chúa và vị tiên tri của Ngài biết nhiều hơn chúng tôi về nơi mà chúng tôi sẽ phục vụ.” Mười tháng sau đó, cặp vợ chồng này từ Idaho, chỉ vừa mới bắt đầu học tiếng Nga, đã dẫn 30 thánh hữu từ một chi nhánh nhỏ ở Nga đi Đền Thờ Stockholm Sweden (Thụy Điển). Thánh thư dạy chúng ta rằng: “Thượng Đế đã cung ứng một phương tiện để loài người, qua đức tin, có thể làm được những phép lạ vĩ đại.”6 Vậy nên, công việc của Thượng Đế được thực hiện bởi các con cái của Ngài: “Để cho đức tin cũng có thể được tăng trưởng trên thế gian… Để cho phúc âm trọn vẹn của ta có thể được những kẻ yếu kém và những kẻ tầm thường rao truyền đến các nơi tận cùng của thế giới.”7

Một cặp vợ chồng khác đối phó với những sự lo lắng về gia đình bằng đức tin. Một chị phụ nữ trung tín đã viết: “Quyết định đi truyền giáo thì không khó. Nhưng bà mẹ 90 tuổi của tôi vô cùng lo lắng về việc ra đi của chúng tôi. Bà đã an tâm rất nhiều khi nghe rằng gia đình của chúng tôi sẽ được ban phước khi chúng tôi phục vụ.” Một người anh em trung tín khác cũng bày tỏ mối quan tâm tương tự về việc rời bỏ cha mẹ già của mình, nhưng cha của người ấy đã trả lời như sau cho mối quan tâm đó: ” Đừng viện lẽ vì cha mẹ của con mà không đi truyền giáo với vợ của con. Con hãy cầu nguyện về điều đó và làm theo sự hướng dẫn của Thánh Linh.”

Đối với thế hệ truyền giáo đầu tiên mà đã được kêu gọi phải rời gia đình ra đi, Chúa đã ban cho họ sự đảm bảo này: “Và nếu họ làm điều này với tất cả sự khiêm tốn trong lòng, thì ta, là Chúa, sẽ ban cho họ một lời hứa là ta sẽ cấp dưỡng cho gia đình của họ.”8

Dĩ nhiên là những sự lo lắng về gia đình là điều thực tiễn và không được xem thường. Nhưng chúng ta không thể đối phó với những thử thách của gia đình mình nếu không có những phước lành của Chúa; và khi chúng ta hy sinh để phục vụ với tư cách là cặp vợ chồng truyền giáo toàn thời gian, thì những phước lành đó sẽ được ban cho. Chẳng hạn, có một cặp vợ chồng nọ đã lo lắng về việc rời xa đứa con gái út của họ, là người đã không còn tích cực trong Giáo Hội nữa. Người cha trung tín của nguời này đã viết: “Chúng tôi đã liên tục cầu nguyện và thường xuyên nhịn ăn cho nó. Rồi, trong một kỳ đại hội trung ương, Thánh Linh đã mách bảo tôi: ‘Nếu ngươi chịu phục vụ, thì ngươi sẽ không phải lo lắng về con gái ngươi nữa.’ Vậy nên chúng tôi đã đi gặp vị giám trợ của mình. Một tuần sau khi chúng tôi nhận được sự kêu gọi, thì con gái tôi và bạn trai nó đã thông báo rằng chúng nó đã hứa hôn. Trước khi đi Phi Châu, chúng tôi đã có một tiệc cưới ở nhà mình. [Rồi chúng tôi họp gia đình mình lại và] tổ chức một buổi họp gia đình…. Tôi làm chứng về Chúa và Joseph Smith… và nói cho chúng biết rằng tôi muốn cho mỗi đứa con một phước lành của người cha. Tôi bắt đầu với đứa con trai cả và rồi vợ nó và tiếp tục cho đến đứa út… [kể cả đứa con rể mới của chúng tôi].”

Khi chúng ta suy nghĩ về sự phục vụ của cặp vợ chồng truyền giáo, thì là điều thích đáng để có được sự tham dự của gia đình mình trong cùng cách thức đó. Trong những buổi họp gia đình, chúng ta có thể cho các con cái của mình cơ hội để bày tỏ sự hỗ trợ của chúng, cho sự giúp đỡ đặc biệt mà chúng ta có thể cần, và tiếp nhận các phước lành của chức tư tế để giúp đỡ chúng khi chúng ta vắng mặt. Nếu thích hợp, chúng ta cũng có thể nhận được các phước lành của chức tư tế từ chúng. Khi người cha trung tín trong câu chuyện này ban phước cho những người trong gia đình mình, thì đứa con rể của người ấy đã cảm nhận được ảnh hưởng của Đức Thánh Linh. Người cha đã viết rằng: “Vào cuối năm đầu tiên của thời gian truyền giáo của chúng tôi, thì đứa con rể bắt đầu mềm lòng đối với Giáo Hội. Chỉ ngay trước khi chúng tôi trở về nhà sau thời gian phục vụ truyền giáo, thì nó và con gái chúng tôi đến thăm chúng tôi. Trong hành lý của nó là một bộ quần áo đi lễ Chúa Nhật đầu tiên của nó. Chúng nó đi nhà thờ với chúng tôi, và sau khi chúng tôi trở về nhà, thì nó chịu phép báp têm. Một năm sau đó, chúng nó được làm lễ gắn bó trong đền thờ.”9

Mặc dù những chi tiết của câu chuyện này có thể độc nhất vô nhị, nhưng nguyên tắc thì vẫn đúng thật đối với tất cả những người thưa cùng Chúa: “Con sẽ đi nơi nào Ngài muốn con đi.”10 Tôi làm chứng rằng khi chúng ta đặt sự tin tưởng của mình nơi Chúa, thì Ngài sẽ tìm ra cơ hội truyền giáo thích đáng cho chúng ta. Như Ngài đã phán: “Nếu ai hầu việc ta…thì Cha ta ắt tôn quí ngươi.”11

Khi suy xét về những cơ hội truyền giáo, nhiều cặp vợ chồng trên khắp thế giới có một ước muốn mãnh liệt để phục vụ nhưng thiếu phương tiện dồi dào. Nếu đây là trường hợp của các anh chị em, thì hãy nhớ rằng sự kêu gọi đi truyền giáo thích đáng có thể không phải là ở một xứ xa xôi với một địa danh nghe xa lạ. Sự kêu gọi thích đáng cho các anh chị em có thể là ở trong vòng giáo khu hoặc giáo vùng của các anh chị em. “Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi.”12 Hãy hội ý với thân quyến và giám trợ hay chủ tịch chi nhánh của các anh chị em. Khi các tôi tớ của Chúa hiểu rõ hoàn cảnh vật chất của các anh chị em, thì các anh chị em sẽ có thể nhận được các phước lành vĩnh cửu của sự phục vụ truyền giáo toàn thời gian.

Nếu không thể phục vụ bởi vì những hoàn cảnh bất lợi nghiêm trọng, thì các anh chị em có nghĩ đến việc đóng góp tài chính để giúp những người mà có thể truyền giáo được không? Sự hy sinh hợp lý các phương tiện của các anh chị em sẽ không những ban phước cho những người truyền giáo khác và những người mà họ phục vụ, mà nó còn ban phước cho các anh chị em và gia đình của các anh chị em.

Giờ đây, đối với những người không thể phục vụ truyền giáo khi còn trẻ, tôi xin được ngỏ lời thẳng với các anh chị em. Có lẽ trong những năm qua, lòng các anh chị em đã nặng trĩu bởi những cảm nghĩ hối tiếc hoặc cảm thấy không xứng đáng vì các anh chị em đã không có một cơ hội truyền giáo để phục vụ và tăng trưởng khi các anh chị em còn trẻ. Tôi có lời khuyên cho các anh chị em: hãy hướng tới tương lai, chứ đừng nhìn lại quá khứ. Hãy bắt đầu chuẩn bị cho công việc truyền giáo của các anh chị em với tư cách là cặp vợ chồng truyền giáo ngày hôm nay! Hãy dành dụm một ít tiền mỗi tháng. Học hỏi thánh thư. Chấp nhận những sự kêu gọi của Giáo Hội. Cầu nguyện để cảm nhận được tình yêu thương của Chúa đối với những người khác và tiếp nhận tình yêu thương và sự tin tưởng của Ngài nơi các anh chị em. Một ngày nào đó, các anh chị em có thể nhận được tất cả mọi phước lành của công việc phục vụ truyền giáo!

Và đó thật là các phước lành kỳ diệu! Sau 51 năm kết hôn, tôi được hỏi: “Giai đoạn nào trong đời mà ông muốn sống lại một lần nữa?” Tôi không do dự mà đáp rằng: “Khi vợ tôi và tôi cùng phục vụ chung trong công việc truyền giáo vĩ đại của Chúa.” Những cảm nghĩ của một cặp vợ chồng truyền giáo khác lặp lại những lời đó của vợ tôi và tôi: “Quyết định của chúng tôi để đi truyền giáo mang đến sinh lực mới, mối xúc cảm mới, bạn bè mới, địa điểm mới, thử thách mới. Nó mang chúng tôi đến gần nhau hơn với tư cách là vợ chồng; chúng tôi có một mục tiêu chung và một sự cộng tác thật sự. Và hơn hết, nó mang đến sự tăng trưởng mới về phần thuộc linh, thay vì sự về hưu của phần thuộc linh.” Thưa các anh chị em, đừng để phần thuộc linh của chúng ta về hưu.

Giờ đây, tôi xin đưa ra một thách thức cho các vị giám trợ và chủ tịch chi nhánh trên khắp thế giới. Trong sáu tháng tới, mỗi anh em có thể cân nhắc xem mình có thể giới thiệu thêm một hoặc nhiều cặp vợ chồng truyền giáo hơn số người hiện đang dự định đi phục vụ truyền giáo không? Nguồn nhân lực lớn lao nhất của các anh em để đáp ứng lời thách thức này sẽ là những tín hữu lớn tuổi trong tiểu giáo khu của mình, là những người đã đi phục vụ truyền giáo. Trong tiểu giáo khu của tôi, một vị giám trợ được soi dẫn đã triệu tập một buổi họp đặc biệt cho những cặp vợ chồng cao niên truyền giáo tương lai và đã được giải nhiệm. Khi chúng tôi nói chứng ngôn về sự hy sinh và phục vụ, Thánh Linh đã làm chứng cho tất cả chúng tôi rằng sự kêu gọi phục vụ quả thật là sự kêu gọi để “biết được sự dồi dào của [các] phước lành [của Chúa].”13

Tôi nghe nói có một vị chủ tịch giáo khu đã sắp xếp một lớp học cho người truyền giáo cao niên để khuyến khích những cặp vợ chồng truyền giáo tương lai và giúp họ chuẩn bị đi phục vụ. Thưa các vị lãnh đạo chức tư tế, khi các anh em thành tâm tìm cách khuyến khích công việc phục vụ truyền giáo toàn thời gian, thì hãy nhớ rằng khi một cặp vợ chồng được kêu gọi, thì họ không những giúp hoàn tất công việc của Chúa trên khắp thế giới, mà họ còn gieo hạt giống phục vụ trong gia đình họ, là hạt giống sẽ nẩy mầm trong nhiều thế hệ sau. Tôi vẫn luôn biết ơn ảnh hưởng của cha mẹ tôi, là những người đã phục vụ với tư cách là cặp vợ chồng truyền giáo tại Anh Quốc và đã nêu gương cho con cháu của họ.

Giờ đây, đối với những cặp vợ chồng truyền giáo tương lai, xin đừng chờ cho vị giám trợ tìm đến các anh chị em để thảo luận về công việc phục vụ truyền giáo! Hãy tìm đến ông. Hãy chia sẻ cảm nghĩ của các anh chị em. Nơi nào công việc phục vụ truyền giáo được quan tâm đến, thì Chúa đòi hỏi chúng ta phải bày tỏ ước muốn của mình. Khi làm như thế, chúng ta có thể tin tưởng rằng cũng một Thánh Linh mà thúc đẩy chúng ta tìm kiếm một sự kêu gọi truyền giáo sẽ soi dẫn một vị tiên tri để kêu gọi chúng ta vào nhiệm vụ thích hợp.

Và có rất nhiều sự kêu gọi! Có những sự kêu gọi để giảng dạy phúc âm cho những người có ước muốn tiếp nhận lẽ thật, kể cả giới trẻ trong Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội; có những sự kêu gọi để phục vụ trong chương trình an sinh và nhân đạo; trong các đền thờ; trong các trung tâm lịch sử gia đình, các văn phòng phái bộ truyền giáo, và những địa danh lịch sử; có những sự kêu gọi để “làm một lợi ích lớn lao nhất cho đồng loại mình và sẽ làm gia tăng vinh quang của Đấng là Chúa của ngươi”14

Hãy suy xét đến những ví dụ sau đây: Một cặp vợ chồng được kêu gọi đi Ấn Độ đã giúp một trường học cho các trẻ em mù xây cất những tiện nghi vệ sinh và kiếm được những máy đánh chữ braille cho người mù. Một cặp vợ chồng ở Hawaii đã giúp đỡ một chi nhánh nhỏ từ 20 tín hữu nay lên đến 200 tín hữu và chuẩn bị 70 tín hữu để cùng vào đền thờ. Một cặp vợ chồng ở Peru đã thu xếp để có thuốc men và đồ chơi Giáng Sinh được cung cấp cho 550 trẻ em trong một cô nhi viện. Một cặp vợ chồng ở Cam Pu Chia đã giảng dạy các lớp giáo lý và cung ứng sự lãnh đạo cho một chi nhánh mà, chỉ sau 10 tháng, tăng đến 180 tín hữu. Một cặp vợ chồng ở Nga đã giúp các nông dân địa phương gia tăng sản xuất khoai tây gấp 11 lần mức sản xuất của nông trại chính phủ, trong khi một cặp vợ chồng ở Phi Luật Tân đã giúp gần 700 gia đình thiếu dinh dưỡng học cách nuôi thỏ và trồng trọt rau cải. Một cặp vợ chồng ở Pennsylvania phụ giúp 60 người, một nửa số người này là tín đồ của các tôn giáo khác, trong việc chuẩn bị hồ sơ gia phả của họ. Một cặp vợ chồng ở Ghana đã giúp khoan và tân trang lại những giếng nước, để cung cấp nước cho 190.000 người tại các làng mạc và trại tị nạn.

Cho dù kết quả của mỗi công việc truyền giáo có được nhận thấy bởi mắt người trần hay không, thì mọi người phục vụ đều đóng góp vô giá dưới mắt Chúa, vì “mọi lòng nhân từ đều đem lại lợi ích.”15 Những cặp vợ chồng truyền giáo là những mẫu mực và tấm gương vững mạnh cho những người truyền giáo toàn thời gian và cho các vị lãnh đạo chức tư tế, và các tổ chức bổ trợ trên khắp thế giới. Tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả những người này và hằng ngàn người khác đang phục vụ trong rất nhiều khả năng, đóng góp hàng triệu giờ phục vụ cho đồng loại của họ.

Thưa các anh chị em, nếu các anh chị em cảm thấy những thúc đẩy để tham dự vào công việc này, cho dù những cảm tưởng đó lặng lẽ như thế nào đi nữa, thì cũng chớ nên trì hoãn ngày phục vụ của mình. Giờ đây là lúc để chuẩn bị; giờ đây là lúc để được kêu g, lúc để hy sinh. Giờ đây là lúc để chia sẻ các ân tứ và tài năng của các anh chị em, và giờ đây là lúc để nhận được các phước lành của Chúa cho mình và gia đình mình.

Chủ tịch Hinckley đã nói: “Lúc nào cũng cần có thêm những cặp vợ chồng truyền giáo.”16 Khi công việc này tiến tới, thì nhu cầu đó gia tăng. Với những năm dồi dào nhất về kinh nghiệm, sự chín chắn, khôn ngoan của chúng ta, và hơn hết thảy là đức tin của mình, chúng ta hãy đáp ứng nhu cầu đó mà chỉ có chúng ta mới có thể làm được.

Hơn hết thảy, chúng ta có lý do đặc biệt để làm như vậy. Từ kinh nghiệm sống của mình, chúng ta có thể nhìn lại và ý thức được lòng nhân từ của Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, dành cho mình và gia đình mình. Như một người anh em trung tín đã giải thích: “Vợ tôi và tôi muốn phục vụ truyền giáo năm lần — mỗi lần là cho một trong những đứa con xinh đẹp mà Thượng Đế đã ban cho chúng tôi!” Bất luận phước lành cá nhân nào mà chúng ta đã nhận được, tôi làm chứng rằng chúng ta đều nhận được phước lành lớn lao nhất trong tất cả mọi phước lành: “Vì Đức Chúa Trời [Cha Thiên Thượng của chúng ta] yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một của Ngài,”17 và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, “rất yêu mến thế gian, đến đỗi Ngài phải bỏ mạng sống của mình.”18 Tôi xin chia sẻ chứng ngôn đặc biệt rằng sự hy sinh chuộc tội của Ngài là sự biểu lộ vượt bậc của tình yêu thương đó.

Là các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau Của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có đặc ân lớn nhất để đáp lại tình yêu thương của Ngài qua sự hy sinh phục vụ và nhận được lời hứa thiêng liêng của Ngài: “Kẻ nào bỏ mạng sống mình trong chính nghĩa của ta, hay vì danh ta thì sẽ tìm lại được, ngay cả cuộc sống vĩnh cửu.”19 Tôi cầu xin rằng chúng ta sẽ làm được như vậy là lời cầu nguyện chân thành, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi chú

  1. “Các Cặp Vợ Chồng Truyền Giáo: Thời Gian để Phục Vụ,” Liahona, tháng Bảy năm 2001, 28.

  2. Xin xem Liahona, tháng Bảy năm 2001, 28.

  3. An Ma 30:8.

  4. Môi Se 6:33.

  5. Ê The 12:12; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  6. Mô Si A 8:18.

  7. GLGƯ 1:21, 23.

  8. GLGƯ 118:3.

  9. Xin GLGƯ 31:1–2, 5.

  10. “Con Sẽ Đi Nơi Nào Ngài Muốn Con Đi,” Thánh Ca, số 270.

  11. Giăng 12:26.

  12. Ma Thi Ơ 6:32; 3 Nê Phi 13:32.

  13. “Called to Serve,” Hymns, số 249.

  14. GLGƯ 81:4.

  15. Giu Đe 1:22.

  16. “Cùng Các Giám Trợ của Giáo Hội,” Buổi Họp Huấn Luyện Giới Lãnh Đạo Toàn Cầu, ngày 19 tháng Sáu năm 2004, 27.

  17. Giăng 3:16.

  18. 2 Nê Phi 26:24.

  19. GLGƯ 98:13.