Ngài Biết Đích Danh Các Em
Các em có lẽ không nghe Chúa gọi đích danh của mình, nhưng Ngài biết rõ mỗi em và Ngài biết tên của các em.
Đó là “buổi sáng của một ngày xinh đẹp, quang đãng, vào đầu xuân năm một ngàn tám trăm hai mươi” khi Joseph Smith, lúc 14 tuổi, đi vào rừng, quỳ xuống cầu nguyện và “thấy có hai Nhân Vật đứng bên trên [ông] giữa không trung, vẻ rực rỡ và hào quang chói lcủa hai người thật không bút nào tả xiết.” Ông nói: “Một trong hai vị nói chuyện với tôi, gọi tên tôi và trỏ tay vào vị kia mà nói rằng—Đây là Con Trai Yêu Quý của Ta. Hãy Nghe Lời Người!”1 Các em có thể tưởng tượng Joseph lúc 14 tuổi đã cảm thấy như thế nào khi nhìn thấy Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, và nghe Cha Thiên Thượng gọi đích danh mình không?
Khi đến viếng Khu Rừng Thiêng Liêng, tôi đã cố gắng tưởng tượng nếu tôi là Joseph Smith thì sẽ như thế nào . Trong những giây phút yên tĩnh đó, Thánh Linh đã thì thầm với trái tim bồi hồi của tôi rằng tôi đang đứng trên vùng đất thánh và tất cả những điều mà Tiên Tri Joseph Smith đã nói là có thật. Rồi một sự nhận thức mạnh mẽ đã đến với tôi rằng chúng ta là những người thừa hưởng đức tin, sự can đảm, và ước muốn kiên định để tuân theo Thượng Đế. Ông đã nhận được sự đáp ứng cho lời cầu nguyện khiêm nhường của ông. Ông đã nhìn thấy Đức Chúa Cha và Con Trai Yêu Dấu của Ngài. Nơi Khu Rừng Thiêng Liêng đó, tôi đã biết rằng Cha Thiên Thượng không những biết đích danh Joseph Smith, mà Ngài còn biết đích danh mỗi người chúng ta. Và cũng như Joseph Smith đã đóng một vai trò quan trọng trong công việc vĩ đại và kỳ diệu này, chúng ta cũng có một vai trò quan trọng trong những ngày sau này.
Các em có biết rằng Cha Thiên Thượng biết từng cá nhân các em—đích danh các em không? Thánh thư dạy chúng ta rằng điều đó có thật. Khi Ê Nót đi vào rừng cầu nguyện, ông chép rằng: “Và thế rồi, một tiếng nói vọng đến tai tôi mà rằng: Ê Nót, ngươi đã được tha tội, và ngươi sẽ được phước”2. Môi Se không những cầu nguyện mà còn tiếp chuyện với Thượng Đế mặt đối mặt, và Thượng Đế đã phán bảo Môi Se rằng: “Ta có một công việc cho ngươi, hỡi Môi Se, con trai của ta”3 Chúa biết tên của Gia Cốp và đổi tên ấy thành Y Sơ Ra Ên để tương ứng chính xác hơn sứ mệnh của ông trên thế gian.4 Tương tự như thế, Ngài đã thay đổi tên của Phao Lô, Áp Ra Ham và Sa Ra. Trong Giáo Lý Giao Ước, tiết 25, Emma Smith được ban cho một phước lành để an ủi và hướng dẫn bà trong cuộc sống. Chúa bắt đầu phước lành này bằng cách phán rằng: “Hãy lắng nghe tiếng nói của Đức Chúa Trời ngươi khi ta nói với ngươi đây, hỡi Emma Smith, con gái của ta.”5
Các em có lẽ không nghe Chúa gọi đích danh của mình, nhưng Ngài biết rõ mỗi em và Ngài biết tên của các em. Anh Cả Neal A Maxwell đã nói: “Tôi làm chứng với các [anh, chị] em rằng Thượng Đế đã biết từng cá nhân của các [anh, chị] em… từ lâu lắm (xin xem GLGƯ 93:23). Ngài đã yêu thương các [anh, chị] em từ lâu lắm. Ngài không những biết tên của các vì sao (xin xem Thi Thiên 147:4; Ê Sai 40:26); mà Ngài còn biết tên của các [anh, chị] em và tất cả những nỗi buồn và niềm vui của các [anh, chị] em!”6
Làm thế nào các em biết được rằng tên và những nhu cầu của mình được Cha Thiên Thượng biết đến? Anh Cả Robert D. Hales khuyên bảo: “Hãy giở đến thánh thư. Quỳ xuống cầu nguyện. Cầu xin trong đức tin. Lắng nghe theo Đức Thánh Linh… Sống theo phúc âm với lòng kiên nhẫn và sự kiên trì”7
Đó là điều mà Joseph đã làm. Chứng ngôn của ông giúp cho tất cả chúng ta biết rằng chúng ta được Cha Thiên Thượng biết đến và yêu thương. Chúng ta thật sự là “các con gái của Cha Thiên Thượng là Đấng yêu thương chúng ta.8 Anh Cả Jeffrey R. Holland cho chúng ta biết rằng: “Không một ai trong chúng ta được Thượng Đế trân quý hay yêu mến ít hơn người khác… Ngài yêu thương mỗi người chúng ta—tình trạng bấp bênh, mối lo âu, quan điểm về bản thân, và tất cả mọi điều… Ngài cổ vũ mọi người chạy đua, cho biết rằng cuộc chạy đua là chống lại tội lỗi, chứ không phải là chống lại nhau”9
Một khi Joseph nhận được sự hiểu biết này, thì cuộc sống của ông không trở nên dễ dàng hơn. Thật ra, ông đương đầu với áp lực mãnh liệt từ bạn bè và những người lớn. Lịch sử của Joseph Smith cung ứng một mẫu mực quan trọng cho mỗi người chúng ta. Chúng ta có thể áp dụng những lời giảng dạy của ông khi chúng ta không biết phải làm gì, khi chúng ta đương đầu với áp lực của bạn bè, khi chúng ta cảm thấy bị bao vây bởi sự cám dỗ, hoặc cảm thấy không xứng đáng hoặc cô đơn. Chúng ta có thể cầu nguyện! Chúng ta có thể kêu cầu Thượng Đế trong danh của Vị Nam Tử thiêng liêng của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, và tìm kiếm sự an ủi, hướng dẫn, và chỉ dẫn. Các em có bao giờ có một vấn đề mà không biết phải làm gì không? Joseph nói: “Tâm trí tôi băn khoăn và bất ổn trầm trọng…Tôi thường tự hỏi: Bây giờ mình phải làm gì đây?”10
Ông đã nhận được sự an ủi và hướng dẫn như thế nào? Ông học thánh thư, suy ngẫm về những lời hứa của thánh thư, và rồi “quyết định ‘cầu vấn Thượng Đế’”11 Sự đáp ứng mà ông nhận được vào buổi sáng mùa xuân quang đãng đó đã thay đổi cuộc sống và hướng đi của ông. Ông đã biết. Ông đã nhận được một chứng ngôn về Thượng Đế và Chúa Giê Su Ky Tô, và chứng ngôn của ông đã làm cho ông có thể sống theo phúc âm với lòng kiên nhẫn và sự kiên trì. Ông đã không nao núng vì áp lực của bạn bè và sự ngược đãi, bởi vì lời ông đã nói: “Tôi đã trông thấy một khải tượng; tôi biết điều đó, và tôi biết là Thượng Đế biết như vậy, và tôi không thể phủ nhận được.”12 Ông đã có thể đứng vững vàng nhờ vào chứng ngôn của ông. Và các em cũng có thể làm được như vậy.
Nếu các em có cảm thấy sự lôi kéo của áp lực bạn bè, thì hãy cầu nguyện, cầu xin trong đức tin, và lắng nghe theo Đức Thánh Linh. Rồi hãy sống theo phúc âm. Joseph đã ý thức một cách mạnh mẽ những sự bất toàn và yếu kém của mình. Một lần nữa—ông đã cầu nguyện. Để đáp lại lời cầu nguyện này, Thiên Sứ Mô Rô Ni đã đến viếng thăm ông. Joseph chép rằng: “Ông gọi tên tôi” và nói: “rằng Thượng Đế có một công việc giao cho tôi thực hiện.”13
Khi chúng ta cầu nguyện, Chúa sẽ hướng dẫn và chuẩn bị cho chúng ta để làm phần mình. Vào một mùa hè nọ, trong khi đang tham quan Âu Châu với Đoàn Vũ Dân Tộc Quốc Tế trường BYU, tôi đã học được một bài học quan trọng. Tôi đã lâm bệnh và cảm thấy chán nản. Tôi muốn bỏ cuộc và đi về nhà. Chúng tôi đang ở Scotland (Tô Cách Lan) để trình diễn chương trình của mình cho các tín hữu Giáo Hội, những người tầm đạo, và những người truyền giáo. Chúng tôi đi đến trụ sở phái bộ truyền giáo để cầu nguyện. Khi bước vào, tôi liếc nhìn một tảng đá nơi sân trước. Những chữ sau đây được khắc vào tảng đá đó: “Dù ta là ai, hãy làm phần mình một cách tốt đẹp.” Sứ điệp đó như điện giật trong hồn tôi. Tôi cảm thấy rằng tảng đá đó đang nhắm vào tôi. Nó đã thay đổi tôi. Tôi biết vào lúc ấy rằng tôi có một vai trò để thực hiện không những trong cuộc lưu diễn khiêu vũ đó, mà còn trong suốt cuộc sống của tôi và việc “làm phần mình một cách tốt đẹp” thì rất quan trọng.14
Chúa kỳ vọng chúng ta phải làm gì? Ngài kỳ vọng chúng ta phải đóng vai trò của mình trong những môi trường cuối cùng trước khi Ngài tái lâm. Ngài kỳ vọng chúng ta phải tự chứng tỏ xứng đáng để trở về sống với Ngài. Ngài kỳ vọng chúng ta trở nên giống như Ngài. Hãy noi theo gương mẫu của Joseph. Tôi ưa thích những lời trong thánh ca mà ca đoàn vừa hát: “Nhờ lòng dũng cảm ông vẫn giữ / Một lòng giao phó trong tay của Chúa.” 15 Dũng cảm có nghĩa là kiên định trong mục đích, can đảm một cách kiên quyết. Joseph tự mô tả mình là một “kẻ xáo trộn” vương quốc của kẻ thù nghịch. Ông nói: “Có thể nói rằng kẻ thù nghịch đã nhận biết rằng tôi đã lãnh một thiên chức để xáo trộn và quấy rầy vương quốc của hắn”16 Tôi đã viết bên lề của thánh thư của tôi, “Là một kẻ xáo trộn!” Hãy tin cậy vào sự trông nom của Cha Thiên Thượng.
Mỗi người chúng ta sẽ đóng một vai trò quan trọng nếu chúng ta noi theo gương mẫu đã được Joseph Smith lập ra. Chúa đã củng cố Joseph Smith về sứ mệnh thiêng liêng của ông. Ngài sẽ củng cố các em về sứ mệnh của các em. Ngài còn có thể gửi các thiên sứ của Ngài đến để dạy bảo các em. Bây giờ, đây là lời yêu cầu: Các em sẽ ở trong một chỗ mà các thiên sứ có thể vào không? Các em sẽ đủ im lặng để lắng nghe không? Các em sẽ dũng cảm và tin cậy không?
Chúng ta đang sống vào một thời kỳ mà sự trọn vẹn của phúc âm đã được phục hồi cho thế gian qua vị tiên tri của Chúa, Joseph Smith. Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà chúng ta có Sách Mặc Môn để hướng dẫn chúng ta. Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà chúng ta có một vị tiên tri tại thế, quyền năng của chức tư tế trên thế gian, và quyền năng gắn bó để ràng buộc các gia đình lại với nhau trong các đền thờ thánh. Thật sự đây là những ngày “không bao giờ quên được”!17
Tôi cầu nguyện rằng mỗi người chúng ta có thể được vững vàng trong đức tin của mình, rằng chúng ta có thể noi theo gương mẫu mà Joseph Smith đã thiết lập cho chúng ta để nhận được một chứng ngôn. Tôi cũng cầu nguyện rằng mỗi em sẽ đại diện danh Ngài một cách xứng đáng. Ngài đã hứa: “Vì như trời mới đất mới mà ta hầu dựng, sẽ cứ còn trước mặt ta thể nào, thì … danh hiệu các ngươi cũng sẽ cứ còn thể ấy.”18
Chứng ngôn của tôi về phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô đã được dùng như một kim chỉ nam và một nguồn nương tựa trong cuộc sống của tôi. Tôi biết ơn được đứng trước các em hôm nay và nói với tất cả nghị lực của lòng mình: “Tạ Ơn Chúa Đã Cho Vị Tiên Tri”19 Tôi biết ơn về tính liêm chính của một thiếu niên 14 tuổi là người đã cầu nguyện để có được sự đáp ứng cho những câu hỏi của mình và rồi vẫn luôn luôn trung thành với sự hiểu biết mà ông nhận được.
Mỗi em có một vai trò để đóng góp trong công việc vĩ đại và kỳ diệu này. Đấng Cứu Rỗi sẽ giúp các em. Ngài sẽ nắm tay dẫn dắt các em.20 Ngài biết đích danh các em. Tôi làm chứng như vậy, trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.