2005
Đức Tin là Sự Giải Đáp
Tháng Năm năm 2005


Đức Tin là Sự Giải Đáp

Phải nhớ rằng đức tin và sự vâng lời vẫn còn là sự giải đápngay cả khi những sự việc xảy đến không suôn sẻ, có lẽ, nhất là những sự việc xảy đến không suôn sẻ.

Vào đầu thập niên 1950, Hoa Kỳ đang tham chiến ở bán đảo Đại Hàn. Vì chế độ quân dịch của chính phủ vào lúc ấy, các thanh niên không được phép phục vụ truyền giáo mà thay vì thế được yêu cầu gia nhập quân ngũ. Khi biết được điều này, tôi ghi danh vào Quân Đoàn Huấn Luyện Sĩ Quan Bộ Binh Trừ Bị khi tôi đi học đại học. Mục tiêu của tôi là trở thành sĩ quan giống như anh trai tôi. Tuy nhiên, nhân một cuộc về thăm nhà vào lễ Giáng Sinh, vị giám trợ nơi tôi ở, Vern Freeman, mời tôi vào văn phòng của ông. Ông báo cho tôi biết một vị lãnh đạo trẻ trong Giáo Hội tên là Anh Gordon B. Hinckley đã thương lượng một hợp đồng với Chính Phủ Hoa Kỳ cho phép mỗi tiểu giáo khu trong Giáo Hội ở Hoa Kỳ được kêu gọi một thanh niên đi phục vụ truyền giáo. Người thanh niên này sẽ nhận được sự tự động hoãn dịch trong lúc đi truyền giáo.

Giám Trợ Freeman nói rằng ông đã cầu nguyện về điều đó và cảm thấy rằng ông nên đề nghị tôi đi phục vụ với tư cách là một người truyền giáo toàn thời gian đại diện cho tiểu giáo khu của chúng tôi. Tôi giải thích cho ông biết rằng tôi đã có những kế hoạch khác—tôi đã ghi danh vào chương trình ROTC Sĩ Quan Bộ Binh Trừ Bị và hy vọng sẽ trở thành một sĩ quan! Vị giám trợ của tôi dịu dàng nhắc tôi nhớ rằng ông đã được thúc giục để đề nghị tôi đi phục vụ truyền giáo vào thời điểm đặc biệt này. Ông nói: “Em hãy đi về nhà và nói chuyện với cha mẹ của em và trở lại đây buổi tối này với câu trả lời của em.”

Tôi đi về nhà và nói cho cha mẹ tôi biết điều đã xảy ra. Cha mẹ tôi nói rằng vị giám trợ đã được soi dẫn và tôi nên vui vẻ chấp nhận lời mời gọi của Chúa để phục vụ. Mẹ tôi đã có thể thấy tôi thất vọng biết bao nơi viễn tượng mà không thể trở thành một sĩ quan bộ binh ngay lập tức. Mẹ tôi trích dẫn:

“Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê Hô Va, chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con.

“Phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con.”1

Tối đó tôi trở lại văn phòng của vị giám trợ và chấp nhận lời mời của ông. Ông bảo tôi đi đến Phòng Tuyển Mộ Nhập Ngũ và báo cho họ biết về quyết định của tôi.

Khi làm như vậy, tôi ngạc nhiên vô cùng khi người phụ nữ chủ tịch Văn Phòng Tuyển Mộ Nhập Ngũ bảo tôi: “Nếu anh chấp nhận một sự kêu gọi đi truyền giáo, thì anh sẽ nhận được giấy báo gọi nhập ngũ trước khi anh có thể trở lại chương trình ROTC Sĩ Quan Bộ Binh Trừ Bị. Anh sẽ phục vụ với tư cách là hạ sĩ quan, chứ không phải sĩ quan.”

Mặc dù sự thay đổi bất ngờ này, công việc truyền giáo của tôi đã thật tuyệt diệu. Nó đã thay đổi cuộc sống của tôi cũng như nó thay đổi đối với những người đi phục vụ. Nhưng, đúng như lời của họ, chính phủ gửi một lá thư kêu gọi tôi gia nhập Bộ Binh Hoa Kỳ khoảng một tháng trước khi tôi giải nhiệm khỏi công việc truyền giáo.

Sau thời gian ở trại huấn luyện và trường quân cảnh, tôi tự thấy mình được chỉ định đến một căn cứ bộ binh để làm việc với tư cách là một người quân cảnh. Một tối nọ, tôi được giao cho công việc hộ tống suốt đêm những tù nhân từ trại này đến trại khác.

Vào tối đó, đoàn hộ tống ngừng giữa đường để nghỉ chân. Vị sĩ quan chỉ huy chỉ thị cho chúng tôi phải đi vào nhà hàng và uống cà phê để chúng tôi có thể thức suốt đêm còn lại. Ông để ý ngay lập tức là tôi khước từ. Ông nói: “Này, anh cần phải uống cà phê để tỉnh ngủ trong suốt chuyến đi còn lại. Tôi không muốn bất cứ tù nhân nào trốn thoát hoặc gây rắc rối trong khi tôi phụ trách.”

Tôi nói: “Thưa ông, tôi lễ phép từ chối. Tôi là người Mặc Môn và tôi không uống cà phê.”

Ông ấy không đếm xỉa gì đến câu trả lời của tôi, và một lần nữa, ông khuyên tôi phải uống cà phê.

Một lần nữa, tôi lễ phép từ chối. Tôi vào chỗ ngồi của mình ở phía sau xe buý t, vũ khí trong tay, cầu nguyện trong lòng rằng tôi sẽ tỉnh ngủ và không hề phải dùng đến cà phê. Chuyến đi kết thúc một cách yên ổn.

Một vài ngày sau, cũng vị sĩ quan chỉ huy đó mời tôi vào văn phòng của ông để có một cuộc phỏng vấn riêng. Ông bảo tôi rằng mặc dù ông đã lo lắng là tôi sẽ không thể tỉnh táo trong chuyến đi suốt đêm, nhưng ông cảm kích rằng tôi đã kiên quyết với sự tin chắc của mình. Rồi trước sự ngạc nhiên của tôi, ông nói người phụ tá của ông đã thuyên chuyển và ông đề nghị tôi làm người phụ tá mới cho ông!

Hầu như hai năm kế tiếp, tôi đã có nhiều cơ hội lãnh đạo và công việc quản trị. Hóa ra, các kinh nghiệm tốt trong thời gian tại ngũ của tôi có nhiều hơn là tôi có thể mơ ước.

Từ câu chuyện giản dị này—và nhiều câu chuyện khác giống như vậy trong cuộc sống của tôi—tôi đã học biết đức tin và sự vâng lời là sự giải đáp cho những mối quan tâm, lo âu, và đau khổ của chúng ta. Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô quả thật là quyền năng mà có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta và dẫn dắt chúng ta đến sự cứu rỗi.

Làm thế nào chúng ta có thể xây đắp đức tin này? Qua các hành động của mình. Chúng ta phải “đi và làm những gì Chúa đã truyền lệnh,”2 cũng giống như Nê Phi đã khuyên dạy. Chúng ta phải hết lòng tin cậy Đức Giê Hô Va, như mẹ của tôi đã âu yếm dạy tôi. Với thái độ biết ơn, nhiều lần khi chúng ta sử dụng đức tin để làm theo ý muốn của Chúa, thì chúng ta thấy rằng chúng ta được ban phước dồi dào vì sự vâng lời của mình.

Tuy nhiên, đôi khi, chúng ta thấy rằng ngay cả khi chúng ta làm hết sức mình để phục vụ Chúa, nhưng chúng ta vẫn bị đau khổ. Các anh chị em có thể biết một người nào đó gặp những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất: hãy nghĩ đến người cha hay mẹ có con bị bệnh, mà mọi người hết lòng cầu nguyện và nhịn ăn, nhưng cuối cùng đứa trẻ cũng chết. Hoặc người truyền giáo hy sinh đi truyền giáo, rồi bị nhiễm một căn bệnh khủng khiếp khiến cho người ấy bị tàn phế nặng và đau đớn kinh niên. Hay người phụ nữ sống cuộc sống của mình hết lòng trung tín và vâng lời nhưng đã không thể có con như người ấy hy vọng. Hoặc người vợ làm hết sức mình để có được một mái ấm gia đình tốt lành và nuôi dạy con cái mình, nhưng chồng của người ấy lại bỏ người ấy mà đi. Thánh thư có nhiều ví dụ về những người đã được cứu thoát sau khi cho thấy đức tin lớn lao chẳng hạn như Sa Đơ Rắc, Mê Sác và A Bết Nê Gô trong lò lửa hực. Nhưng thánh thư cũng có nhiều ví dụ về những người trung tín đã không có được sự can thiệp của thiên thượng trong cơn khủng hoảng. A Bi Na Đi bị trói thiêu sống, Giăng Báp Tít bị chặt đầu; những tín đồ của An Ma và A Mu Léc bị ném vào lửa. Làm lành không có nghĩa là mọi sự việc đều sẽ luôn luôn trở nên suôn sẻ. Bí quyết là phải nhớ rằng đức tin và sự vâng lời vẫn còn là sự giải đáp—ngay cả khi những sự việc xảy đến không suôn sẻ; có lẽ, nhất là những sự việc xảy đến không suôn sẻ.

Hãy nhớ rằng Chúa đã hứa là Ngài sẽ giúp chúng ta khi chúng ta gặp nghịch cảnh. Ngài có lòng trắc ẩn đặc biệt đối với những người đau khổ. Chính Ngài đã phán: “Phước cho những kẻ than khóc, vì sẽ được yên ủi.”3

Là một phần của Sự Chuộc Tội, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta đã chịu đau khổ mọi điều. Ngài biết nỗi đau đớn về thể xác và tình cảm; Ngài biết nỗi buồn phiền của sự mất mát và phản bội. Nhưng Ngài đã cho chúng ta thấy rằng cuối cùng tình yêu thương, lòng kiên nhẫn, sự khiêm nhường, và vâng lời là con đường dẫn đến sự bình an và hạnh phúc chân thật. Chúa Giê Su phán: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi.” Nhưng rồi, để cảnh cáo chúng ta phải nhìn xa hơn sự an ủi của thế gian, Chúa Giê Su đã thêm vào: “Ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho.”4 Thế gian thấy sự bình an là sự thiếu xung đột hoặc đau đớn, nhưng Chúa Giê Su ban cho chúng ta sự an ủi bất chấp nỗi đau khổ của chúng ta. Cuộc sống của Ngài không thoát khỏi sự xung đột hay đau đớn, mà là thoát khỏi nỗi sợ hãi và có đầy ý nghĩa. Sứ Đồ Phi E Rơ viết: “Nếu anh em làm lành, mà nhịn chịu sự khốn khó, ấy là một ơn phước trước mặt Đức Chúa Trời.

“Anh em đã được kêu gọi đến sự đó, vì Đấng Ky Tô cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài:…

“Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử đoán công bình.”5

Chúng ta là những người đã chấp nhận Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của mình thì phải trông cậy hoàn toàn vào những công nghiệp của Đấng Ky Tô. Ngài sẽ cứu rỗi chúng ta sau khi chúng ta đã làm tất cả những gì chúng ta có thể làm. Khi chúng ta can đảm sử dụng đức tin của mình, và khi chúng ta dấn bước bằng cách trông cậy vào những công nghiệp của Đấng Ky Tô, thì Ngài sẽ ban phước cho chúng ta và hướng dẫn chúng ta trong tất cả các nỗ lực của chúng ta. Ngài sẽ củng cố chúng ta và mang đến cho chúng ta sự bình an trong thời gian thử thách của chúng ta. “Vì chúng ta bước đi bởi đức tin, chớ chẳng phải bởi mắt thấy.”6 Tôi cầu nguyện rằng mỗi người chúng ta có thể học kỹ hơn cách đặt sự tin tưởng của mình nơi Chúa và gia tăng đức tin của mình nơi Ngài.

Giờ đây, thưa các anh chị em, để kết thúc tôi muốn được đề cập đến một đề tài khác. Trong những năm qua, tôi đã được phước để có thể quan sát kỹ Chủ Tịch Hinckley, và tôi muốn nhắc các anh chị em nhớ rằng Chủ Tịch Hinckley không những là một vị tiên tri tại thế, mà còn là một vị tiên kiến tại thế. Ông thấy những sự việc mà những người khác không thấy. Ông có được ân tứ phân biệt; ông là một người lạc quan và có óc thực tế. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với Chúa về việc gìn giữ cuộc sống của Chủ Tịch Hinckley và cho phép ông cùng hai cố vấn cao quý của ông hướng dẫn Giáo Hội trong 10 năm qua. Qua sự hướng dẫn thiêng liêng của Chủ Tịch Hinckley, Giáo Hội đã nhận được nhiều phước lành có ảnh hưởng sâu rộng, nhiều phước lành đã không thấy được hiển nhiên. Tôi thiết tha khuyến khích mỗi anh chị em hãy noi theo lời khuyên dạy và hướng dẫn của ông một cách nghiêm chỉnh hơn, bởi vì quả thật “Chúa đã dựng lên một người tiên kiến cho dân của Ngài.”7

Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Joseph là vị tiên tri của Sự Phục Hồi. Chủ Tịch Gordon B. Hinckley là vị tiên tri tại thế của chúng ta. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi chú

  1. Châm Ngôn 3:5–6.

  2. 1 Nê Phi 3:7.

  3. Ma Thi Ơ 5:4.

  4. Giăng 14:27.

  5. 1 Phi E Rơ 2:20–21, 23.

  6. 2 Cô Rinh Tô 5:7.

  7. Môi Se 6:36.