2005
Ai Ở bên Phía Chúa, Ai?
Tháng Năm năm 2005


Ai Ở bên Phía Chúa, Ai?

Chúa cần phải biết ai mà Ngài có thể trông cậy được.

Buổi tối hôm nay tôi muốn tập trung những lời nhận xét của mình về sự kêu gọi phục vụ trong một bài thánh ca: “Ai ở bên phía Chúa, ai? Giờ đây là lúc để chứng tỏ” (Hymns, số 260).

Trong gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn này, khi chúng ta chuẩn bị cho các trận chiến cuối cùng chống lại những lực lượng tà ác trước khi Đấng Ky Tô tái lâm trên thế gian, việc biết được ai ở bên phía Chúa thì rất quan trọng. Chúa cần phải biết ai mà Ngài có thể trông cậy được.

Các anh em thường hy vọng rằng mỗi người nắm giữ chức tư tế đều có thể được trông cậy là sẽ đến phục vụ trong các hàng ngũ của đạo quân của Chúa. Ngày nay, trong Giáo Hội có khoảng 3 triệu người nắm giữ chức tư tế, chia đều ra giữa Chức Tư Tế A Rôn và Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc.

Tiếc thay, có quá nhiều trong số những người này, trẻ tuổi cũng như không còn trẻ nữa đang vắng mặt, họ vắng mặt mà không có phép (VMMKCP).

Ngày nọ, mỗi người trong số họ đã khiêm nhường ngồi xuống trong khi những người có thẩm quyền đặt tay lên đầu họ và truyền giao chức tư tế cho họ. Vào ngày ấy, họ đều đã lập một giao ước vâng lời và phục vụ với Chúa.

Để hiểu được tầm quan trọng của các giao ước này, chúng ta cần phải tự hỏi: “Chức tư tế là gì?” Mỗi thầy trợ tế lanh lợi đều biết câu trả lời cho câu hỏi này: Chức tư tế là quyền năng để hành động trong danh của Thượng Đế.

Điều này có nghĩa gì đối với các em là những thầy trợ tế, thầy giảng và thầy tư tế? Trước hết, nó có nghĩa là các em được phép để chuyền, chuẩn bị và ban phước Tiệc Thánh. Điều này có thật sự quan trọng không? Nhất định rồi!

Ai đã thực hiện lễ Tiệc Thánh đầu tiên mà chúng ta đọc được trong phần tài liệu được ghi chép lại? Dĩ nhiên câu trả lời là Chúa Giê Su Ky Tô. Vào buổi tối trước khi Ngài gánh chịu đau đớn trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, Đấng Ky Tô đã chuẩn bị, ban phước và chuyền Tiệc Thánh cho các môn đồ của Ngài. Vậy nên, khi chúng ta thực hiện giáo lễ thiêng liêng này, thì chúng ta thật sự thay mặt cho chính Đấng Cứu Rỗi. Điều đó thật là đặc biệt!

Giăng Báp Tít đã đặt tay lên đầu của Joseph Smith và Oliver Cowdery và truyền giao chức tư tế A Rôn cho họ và nói: “Ta truyền giao cho các ngươi Chức Tư Tế A Rôn, là chức tư tế nắm giữ các chìa khóa phù trợ của các thiên sứ và của phúc âm về sự hối cải, và của phép báp têm bằng cách được dìm mình xuống nước để được xá miễn tội lỗi” (GLGƯ 13:1). Đó là trách nhiệm đầy ý nghĩa cho những người nam thuộc bất cứ lứa tuổi nào. Với lệnh truyền đó thì rõ ràng chúng ta đã ở bên phía Chúa.

Còn Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc thì sao? Tiết 84 Giáo Lý và Giao Ước chép: “Và chức tư tế cao hơn này điều hành phúc âm và nắm giữ chìa khóa về những điều kín nhiệm của vương quốc, tức là chìa khóa của sự hiểu biết về Thượng Đế.” (câu 19) Chức tư tế này nắm giữ quyền năng để điều hành và hướng dẫn, ban phước và chữa lành, giảng dạy và ấn chứng. Các công việc phục vụ này của chức tư tế rõ ràng đặt các anh em mà đã tham dự vào công việc phục vụ này ở bên phía Chúa.

Một trong những tấm gương cao quý nhất về quyền năng ấn chứng của chức tư tế là tấm gương của Nê Phi, con trai của Hê La Man. Nhờ vào sự chuyên cần của ông trong việc rao giảng lời của Thượng Đế, nên Chúa đã ban cho ông quyền năng niêm phong để “… bất cứ những gì ngươi niêm phong trên thế gian cũng sẽ được niêm phong trên trời, và những gì ngươi muốn cởi mở dưới thế gian thì cũng sẽ được cởi mở trên trời” (Hê La Man 10:7). Nê Phi là một người lãnh đạo phi thường trong đạo quân của Chúa trong bất cứ gian kỳ nào.

Thật là một hành động tin cậy phi thường trong phần việc của Cha Thiên Thượng để chia sẻ với chúng ta một phần quyền năng của Ngài để chúng ta có thể phụ giúp Ngài trong công việc vĩ đại của Ngài, khi công việc này lan rộng trên khắp thế gian.

Hãy lưu ý rằng chúng ta đã được chỉ dẫn kỹ như thế nào về cách thức truyền giao thẩm quyền chức tư tế. Khi tôi lên 12 tuổi, cha tôi, Charles Oaks, và vị giám trợ của tôi, George Collard, đã đặt tay lên đầu tôi, và truyền giao cho tôi Chức Tư Tế A Rôn và sắc phong cho tôi làm thầy trợ tế.

Vài năm sau, Anh Cả Gordon B. Hinckley lúc bấy giờ đã sử dụng cũng một thủ tục đã được thiên thượng hướng dẫn này để sắc phong tôi làm Thầy Bảy Mươi. Mỗi lễ sắc phong cho thấy sự tin cậy thêm của thiên thượng và một cơ hội mới để phục vụ ở bên phía Chúa.

Khi các đạo quân được thành lập, các cuộc chiến thường xảy ra trên những chiến trường rộng lớn. Nhưng cuộc chiến này cho các linh hồn thì khá khác biệt. Cuộc xung đột tiếp diễn mỗi ngày trong cuộc sống cá nhân, và đặt các đạo quân của Chúa vào vị thế chống lại các lực lượng tham lam, ích kỷ và thèm muốn của Sa Tan.

Các thanh niên vạm vỡ của đạo quân 2060 chiến sĩ trẻ tuổi của Hê La Man, sát cánh bên nhau, cho thấy sức mạnh thể xác cần thiết để gia nhập hàng ngũ của họ. Nhưng vẫn còn chỗ cho mọi linh hồn dũng mãnh và kiên quyết trong nỗ lực này.

Chúng tôi có một đứa cháu nội 11 tuổi, Andrew, phải ngồi xe lăn, có lẽ cho suốt cuộc đời còn lại của nó. Nó sẽ được sắc phong làm thầy trợ tế vào mùa thu và sẽ gia nhập đạo quân của Chúa. Thân thể tật nguyền của nó sẽ không hạn chế nó trong cuộc chiến này bởi vì những vũ khí lựa chọn không phải là giáo, và gươm được sử dụng trong một chiến trường hỗn loạn.

Đúng hơn, các vũ khí của giá trị vĩnh cửu tương ứng với bộ áo giáp của Thượng Đế là lẽ thật, sự ngay chính, đức tin, sự cầu nguyệnlời của Thượng Đế (xin xem Ê Phê Sô 6:13–18). Những vũ khí này được sử dụng trong tâm trí, ở miệng và các hành động của chúng ta. Mọi ý nghĩ ngay chính, lời nói và hành động là một vũ khí cho Chúa.

Chính vì thế mà Andrew không tàn tật trong trận chiến này. Cha mẹ của nó đã dạy dỗ nó rất đàng hoàng. Nó sẵn sàng gia nhập hàng ngũ của các anh em chức tư tế.

Giá trị của phần thưởng đầy rủi ro trong cuộc chiến này thì rất cao. Các phần thưởng chính là linh hồn của các con trai và các con gái của Thượng Đế, sự cứu rỗi vĩnh cửu của họ. Và những linh hồn này sẽ thắng hoặc thua trên nền tảng của đức hạnh và sự trong sạch, trên nền tảng của lòng bác ái và sự phục vụ, và trên nền tảng của đức tin và hy vọng.

Andrew sẽ gia nhập hàng ngũ nhóm túc số các thầy trợ tế trong tiểu giáo khu nơi nó cư ngụ. Họ sẽ dạy nó cách chuyền Tiệc Thánh và đi thu góp của lễ nhịn ăn. Họ sẽ chăm sóc nó bởi vì đó là điều mà các nhóm túc số chức tư tế phải làm—chăm sóc lẫn nhau. Thật ra đó là cách thức mà đạo quân chức tư tế của Chúa được tổ chức thành các nhóm túc số.

Tôi đã dành phần lớn cuộc đời của tôi làm phi công trong Không Quân Hoa Kỳ. Các anh em trong phi đội của tôi, cho đến ngày hôm nay, vẫn còn liên lạc với nhau sau 40 năm.

Trong cuộc huấn luyện của chúng tôi với tư cách là các phi công chiến đấu, một trong những quy luật đầu tiên và cơ bản nhất là: “Trông nom người đồng đội của mình. Luôn luôn kiểm soát sau lưng mình để chắc chắn rằng không có kẻ thù nào ẩn núp sau lưng người ấy.”

Nếu đó là một lời khuyên tốt để bảo vệ các bạn đồng đội trong một phi đội chiến đấu, thì đó cũng là một lời khuyên xuất sắc để gần gũi, và bảo vệ các thành viên trong nhóm túc số của mình trong khi chúng ta cố gắng đứng vững vàng ở bên phía Chúa. Chúng ta phải thiết tha đi ra và tìm kiếm họ khi họ đi lạc đường.

Việc đứng vững vàng ở bên phía Chúa thì đặc biệt có giá trị ngày nay. Vị tiên tri của chúng ta thường nói rằng đây là những ngày sau cùng. Chúng ta biết được từ những dấu hiệu của thời kỳ mà sự kết thúc đã gần kề. Và Sa Tan cũng biết điều đó. Nó và các lực lượng của nó dường như không bao giờ nghỉ ngơi.

Trong buổi họp Huấn Luyện Giới Lãnh Đạo Chức Tư Tế Toàn Cầu, Chủ Tịch Hinckley, khi lưu ý về những tình trạng đồi bại trên thế giới, đã nói: “Tôi không biết rằng những điều này có tệ hại hơn trong thời kỳ Sô Đôm và Gơ Mô Ra không.”

Ông nói tiếp: “Họ và những người dân tà ác của họ đã bị hủy diệt. Chúng ta thấy được những tình trạng tương tự ngày nay. Chúng lan tràn khắp nơi trên thế giới. Tôi nghĩ rằng Đức Chúa Cha cũng phải khóc khi Ngài nhìn xuống các con trai và các con gái bướng bỉnh của Ngài.” (“Đứng Vững Vàng và Không Nao Núng” Buổi Họp Huấn Luyện Giới Lãnh Đạo Chức Tư Tế Toàn Cầu, ngày 10 tháng Giêng năm 2004, 20).

Tôi không biết vị tiên tri của chúng ta cần phải nói cho chúng ta thêm bao nhiêu nữa để chúng ta tự mình cảnh giác được.

Trong bài nói chuyện tại đại hội mới đây, Anh Cả Dallin H. Oaks đã nói: “Các điềm triệu của Ngày Tái Lâm đều ở chung quanh chúng ta và dường như càng ngày càng gia tăng thường xuyên và dữ dội… mặc dù chúng ta không có quyền năng để thay đổi sự kiện Ngày Tái Lâm và không thể biết thời gian chính xác của ngày này, nhưng chúng ta có thể gia tăng sự chuẩn bị của mình và cố gắng ảnh hưởng sự chuẩn bị của những người chung quanh chúng ta.” Ông nói tiếp: “chúng ta cần phải chuẩn bị về mặt vật chất lẫn tinh thần cho những sự kiện đã được tiên tri vào Ngày Tái Lâm” (“Chuẩn Bị cho Ngày Tái Lâm,” Liahona, tháng Năm năm 2004, 7–9).

Và những lời cảnh cáo này đến đúng lúc trước sự tàn phá của một mùa bão tố chưa từng xảy ra trong Vùng Caribbean và sự tàn phá của Sóng Thần ở miền Đông Á Châu.

Bài thánh ca của chúng ta “Ai Ở bên Phía Chúa?” dạy chúng ta “Giờ đây là lúc để chứng tỏ.” Giờ đây là lúc để đứng vững vàng trong đức tin của mình và trên các nguyên tắc của mình, như Lãnh Binh Mô Rô Ni. Chúng ta được cần đến bây giờ, các thầy trợ tế, thầy giảng, thầy tư tế, giám trợ, anh cả, thầy tư tế thượng phẩm và tộc trưởng. Giờ đây là lúc cho thấy lòng biết ơn của chúng ta về sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Giờ đây là lúc để chứng tỏ đức tin của mình qua sự vâng lời của mình với các lệnh truyền cơ bản như luật trinh khiết và luật thập phân, Lời Thông Sáng và việc giữ ngày Sa Bát được thánh.

Giờ đây là lúc để cảnh cáo những người lân cận của mình bằng cách chia sẻ sứ điệp phúc âm với họ. Giờ đây là lúc để cung ứng cho thế gian một tấm gương đứng đắn và khiêm tốn, một tấm gương đức hạnh và trong sạch. Chúng ta đừng bao giờ lãng phí quyền năng chức tư tế của mình bằng cách đắm mình trong sự nhơ bẩn và ô trọc của hình ảnh sách báo khiêu dâm đầy trụy lạc và hủy hoại.

Giờ đây là lúc để xem lại các giao ước mà chúng ta đã lập với Chúa tại hồ nước báp têm, các giao ước mà chúng ta đã lập khi chúng ta chấp nhận lời thề và giao ước thuộc chức tư tế, và các giao ước mà chúng ta đã lập trong các đền thờ thánh của Ngài.

Giờ đây quả thật là lúc để chứng tỏ rằng chúng ta đang ở bên phía Chúa.

Thưa các anh em, đây là công việc của Ngài. Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đã được phục hồi trọn vẹn trong những ngày sau cùng này qua Tiên Tri Joseph Smith. Đấng Ky Tô đứng đầu Giáo Hội này, hướng dẫn Giáo Hội tiến bước qua vị tiên tri tại thế của Ngài, Gordon B. Hinckley. Đấng Ky Tô sẽ trở lại thế gian để trị vì và ngự trị, và mỗi người chúng ta, một ngày nào đó, sẽ đứng trước Ngài để được phán xét về những ý nghĩ, hành động và ước muốn của lòng mình. Ngài là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, và tôi làm chứng như thế, trong thánh danh của Ngài, A Men.