2005
Hãy Cứ Vững Lòng và Trung Thành trong Nghịch Cảnh
Tháng Năm năm 2005


Hãy Cứ Vững Lòng và Trung Thành trong Nghịch Cảnh

Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô cho chúng ta sức mạnh và viễn ảnh vĩnh cửu để đương đầu với điều đang xảy đến với sự vững lòng.

Làm thế nào chúng ta có thể tìm ra sự bình an trên thế gian này? Làm thế nào chúng ta có thể kiên trì đến cùng? Làm thế nào chúng ta có thể vượt qua những khó khăn và thử thách mà chúng ta gặp?

Chúa Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô đã phán: “Ta đã bảo các ngươi những điều đó, hầu cho các ngươi có lòng bình yên trong ta. Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi.”1

Là một phần của thời gian thử thách trên trần thế, chúng ta trải qua nỗi đau buồn, đau đớn, và thất vọng. Chúng ta chỉ có thể tìm thấy sự bình an trong Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài có thể giúp chúng ta được vững lòng, và vượt qua tất cả những thử thách của cuộc sống này.

Được vững lòng có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là có được hy vọng, không chán nản, không đánh mất đức tin, và sống một cuộc sống vui vẻ: “Loài người có sinh tồn thì họ mới hưởng được niềm vui.”2 Nó có nghĩa là sống với sự tin tưởng.

Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô cho chúng ta sức mạnh và viễn ảnh vĩnh cửu để đương đầu với điều đang xảy đến với sự vững lòng. Tuy nhiên, chúng ta chớ đánh giá thấp những khó khăn mà đã được tiên tri trong thời kỳ của chúng ta.

Một số khó khăn này là gì? Chúng ta có thể đương đầu với chúng như thế nào?

Một số khó khăn này là thiếu hy vọng, thiếu tình thương, và thiếu sự bình an.

Tiên tri Mô Rô Ni đã dạy: “Nếu các người không có hy vọng tức là các người phải tuyệt vọng; và sự tuyệt vọng đến vì sự bất chính.”3 Đối với nhiều người, những năm sắp đến có thể là những năm đầy tuyệt vọng. Sự bất chính càng nhiều thì sự tuyệt vọng sẽ càng lớn.

Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Lại vì cớ tội ác sẽ thêm nhiều, thì lòng yêu mến của phần nhiều người sẽ nguội lần.”4 Khi sự bất chính gia tăng, thì tình yêu thương chân thật biến mất. Do đó, sự sợ hãi, nỗi bất an, và sự tuyệt vọng tăng thêm!

Chúa đã phán cùng Tiên Tri Joseph Smith: “Ta truyền lệnh là mọi người phải biết rằng ngày ấy sẽ chóng đến … khi hòa bình sẽ bị cất khỏi thế gian, và quỷ dữ sẽ có quyền năng trong lãnh vực nó ngự trị. Và Chúa cũng sẽ có quyền năng đối với các thánh hữu của Ngài, và sẽ trị vì giữa họ.”5 Chúng ta sống trong một thời kỳ mà hòa bình bị cất khỏi thế gian.

Mặt khác, chúng ta sống trong một thời kỳ vinh quang, một thời kỳ mà Chúa đã phục hồi chức tư tế của Ngài. Phúc âm chân chính đã được phục hồi. Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là vương quốc của Thượng Đế trên thế gian! Chúng ta đang giúp chuẩn bị thế gian cho thời kỳ mà Chúa Giê Su Ky Tô sẽ đến và thân hành trị vì.

Tại sao chúng ta phải trải qua những thử thách trong cuộc sống này?

Chúa không giữ kín việc Ngài sẽ thử thách đức tin và sự vâng lời của chúng ta. Ngài phán: “Chúng ta sẽ thử thách họ bằng phương tiện này, để xem họ sẽ làm theo tất cả những gì Chúa, Thượng Đế của họ, sẽ truyền lệnh cho họ chăng.”6

Chúng ta học biết từ sách Truyền Đạo: “Mọi sự xảy đến cho mọi người như nhau: người công bình hay là kẻ hung ác, người hiền lành, thanh sạch, … người thiện hay là kẻ có tội…. cả thảy đều đồng hưởng một số phận.”7 Bão tố có thể xảy ra trong cuộc sống của người mà xây đắp cuộc sống mình trên đá phúc âm, cũng như trong cuộc sống của kẻ rồ dại mà xây đắp cuộc sống của mình trên những sự việc của thế gian.8

Chúng ta nên đối phó với những thử thách này như thế nào?

Chúa có phán: “Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta.”9 Mỗi ngày chúng ta phải vác thập tự giá của mình và dấn bước—chứ không phải chỉ nán lại bên đường của cuộc hành trình vĩnh cửu của mình.

Làm thế nào chúng ta có thể biết được là chúng ta đang được thử thách hay Chúa đang trừng phạt chúng ta?

Những thử thách là cơ hội cho sự tăng trưởng của chúng ta. Chúa phán: “Dân của ta phải được thử thách trong mọi việc, để họ có thể được chuẩn bị để sẵn sàng tiếp nhận vinh quang mà ta dành sẵn cho họ, đó là vinh quang của Si Ôn; và ai không chịu sự sửa phạt thì không xứng đáng với vương quốc của ta.”10

Khi được thử thách, chúng ta nên suy ngẫm và hỏi: “Chúa muốn tôi làm điều gì trong hoàn cảnh này?”

Chúa phán ra những lời an ủi này cho Tiên Tri Joseph Smith: “Hỡi con của ta ơi, ngươi hãy biết rằng, tất cả những điều này sẽ đem lại cho ngươi một kinh nghiệm, và sẽ lợi ích cho ngươi. Con của Người đã hạ mình xuống thấp hơn tất cả những điều đó nữa. Há ngươi cao trọng hơn Đấng ấy chăng?”11 Chúng ta cần phải xem mỗi thử thách là cơ hội để tăng trưởng. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ hiểu được lý do của chúng.

Chúa có phán: “Ta sửa phạt những kẻ ta yêu mến để cho tội lỗi của họ có thể được tha thứ, vì với sự sửa phạt, ta chuẩn bị một đường lối để giải thoát.”12 Chúa yêu mến mỗi người chúng ta. Ngài muốn chúng ta được hạnh phúc. Hạnh phúc này có được nhờ đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô, nhờ sự hối cải chân thành và thật sự của chúng ta, nhờ sự vâng lời của chúng ta đối với các lệnh truyền của Ngài, và nhờ sự kiên trì đến cùng của chúng ta.

Đôi khi chúng ta có thể nghĩ rằng Chúa không nghe hoặc không đáp ứng những lời cầu nguyện của mình. Vào những lúc như thế, chúng ta cần phải ngừng lại và suy ngẫm điều mà chúng ta đã làm trong suốt cuộc sống của mình. Nếu cần, chúng ta phải đặt cuộc sống của mình hòa hợp với phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Qua Tiên Tri Joseph Smith, Chúa đã mặc khải:

“Ta, là Chúa, đã chịu để cho những nỗi đau khổ đến với chúng, mà qua đó chúng đã bị đau khổ, vì những phạm giới của chúng….

“Chúng chậm chạp nghe theo tiếng nói của Chúa Thượng Đế của chúng; vậy nên, Chúa Thượng Đế của chúng chậm chạp nghe lời cầu nguyện của chúng, đáp lại chúng trong ngày hoạn nạn của chúng.

“Trong ngày bình an của chúng, chúng đã xem nhẹ lời khuyên dạy của ta; nhưng trong ngày hoạn nạn của chúng, vì sự cần thiết nên chúng tìm kiếm ta.”13

Khi chúng ta có ước muốn chân thành để đặt cuộc sống của mình hòa hợp với ý muốn của Chúa, Ngài sẽ luôn luôn sẵn sàng để giúp làm vơi nhẹ gánh của chúng ta.

Điều gì hủy diệt sự vững lòng và hy vọng của chúng ta?

Chúa Giê Su Ky Tô phán bảo Mười Hai Vị Sứ Đồ về một số điều mà có thể hủy diệt hy vọng của chúng ta, và làm cho chúng ta phải bỏ cuộc: tự để cho mình sa vào sự cám dỗ, không chống cự lại nỗi đau buồn và khổ sở, không chịu đựng sự ngược đãi, lo sợ “những nỗi lo lắng” trần tục, tìm kiếm trước hết sự giàu có, bỏ cuộc thay vì kiên trì đến cùng, và để cho những tiên tri giả lừa gạt chúng ta.14

Điều gì cho chúng ta sự can đảm và hy vọng?

Lời mời của Chúa cho mỗi người chúng ta là: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.”15 Chúa Giê Su Ky Tô có quyền năng để cho chúng ta nghỉ ngơi khỏi nỗi đau đớn và đau khổ của chúng ta.

Tiên tri Mặc Môn đã dạy:

“Vậy nên, nếu một người có đức tin thì người đó cần phải có hy vọng; vì nếu không có đức tin thì không thể có bất cứ hy vọng gì…

“… Và nếu một người nhu mì và khiêm tốn trong lòng, và thú nhận bởi quyền năng của Đức Thánh Linh rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, thì người đó cần phải có lòng bác ái.”16

Nếu hằng ngày sử dụng đức tin, sự nhu mì, lòng bác ái, và khiêm tốn trong lòng, bằng cách thú nhận rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, và chấp nhận Sự Chuộc Tội của Ngài, thì chúng ta sẽ được ban phước với sức mạnh và sự hy vọng để đương đầu và vượt qua những thử thách và nỗi đau đớn của cuộc sống này.

Một số lời hứa của Chúa cho mỗi người chúng ta là gì?

“Hỡi các con trẻ, hãy vui lên; vì ta đang ở giữa các ngươi và ta đã không rời bỏ các ngươi.”17

“Hãy vui lên, vì ta sẽ hướng dẫn các ngươi đi. Vương quốc là của các ngươi, và phước lành trong đó là của các ngươi, và của cải của sự vĩnh cửu là của các ngươi.”18

Trích dẫn những lời của tiên tri Ê The: “Vậy nên, người nào tin Thượng Đế thì chắc chắn hy vọng sẽ được một thế giới tốt đẹp hơn, phải, một chỗ bên tay phải của Thượng Đế. Niềm hy vọng này do đức tin mà có, và là một chiếc neo đối với linh hồn loài người.”19

Thượng Đế là Đức Chúa Cha của chúng ta. Chúng ta là con cái của Ngài. Ngài yêu mến chúng ta. Ngài mong muốn chúng ta có hạnh phúc ở nơi đây, trong cuộc sống này, và suốt thời vĩnh cửu. Ngày nay, chúng ta được hướng dẫn bởi một vị tiên tri chân chính của Thượng Đế. Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Qua Ngài, chúng ta có thể tìm ra sự bình an trên thế gian này. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi chú

  1. Giăng 16:33.

  2. 2 Nê Phi 2:25.

  3. Mô Rô Ni 10:22.

  4. Ma Thi Ơ 24:12.

  5. GLGƯ 1:35–36.

  6. Áp Ra Ham 3:25.

  7. Truyền Đạo 9:2–3.

  8. Xin xem Ma thi Ơ 7:24–27.

  9. Lu Ca 9:23.

  10. GLGƯ 136:31.

  11. GLGƯ 122:7–8.

  12. GLGƯ 95:1.

  13. GLGƯ 101:2, 7–8.

  14. Xin xem Ma Thi Ơ 13:19–23.

  15. Ma Thi Ơ 11:28.

  16. Mô Rô Ni 7:42, 44.

  17. GLGƯ 61:36.

  18. GLGƯ 78:18.

  19. Ê The 12:4.