Hỏi và Đáp
“Một Người Bạn của Tôi trong Giáo Hội Không Sống Theo Một Số Tiêu Chuẩn Phúc Âm. Tôi Rất Lo Lắng cho Anh Ấy. Làm Sao Tôi Có Thể Giúp Đỡ?”
-
Đừng hạ thấp các tiêu chuẩn của mình để giúp đỡ bạn bè.
-
Cầu nguyện để Đức Thánh Linh sẽ giúp anh biết điều anh phải làm, và rồi hành động!
-
Hãy tin rằng Cha Thiên Thượng sẽ tác động qua anh để tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của người bạn của anh.
-
Hãy mời người bạn của anh tham dự các sinh hoạt nâng cao tinh thần để người ấy có thể cảm nhận được Thánh Linh và có ước muốn chọn những quyết định tốt.
-
Hãy nêu gương về việc tuân giữ các giáo lệnh sẽ mang đến hạnh phúc cho anh.
Tạp Chí Liahona
Em có thể giúp đỡ bằng cách làm bạn với người ấy. Người bạn của em có thể đang cố gắng để tìm hiểu mình là ai và nơi nào mình sẽ được chấp nhận. Người ấy cần có một người nào đó để nói chuyện, cùng đi dự những buổi sinh hoạt tốt, và noi theo gương. Bằng cách không tỏ ra tự mãn hoặc thích chê bai, em hãy tìm ra những cơ hội để nói chuyện với người ấy về những lúc mà em đã sống theo các tiêu chuẩn của mình và được phước.
Giữ cao các tiêu chuẩn của mình. Bất luận làm điều gì, em chớ hạ thấp các tiêu chuẩn của mình với danh nghĩa giúp đỡ bạn mình. Hãy tránh những tình huống mà Đức Thánh Linh sẽ không có ở đó để thúc giục em làm điều tốt. Mặc dù tình bạn và mối quan tâm của em, người bạn của em có thể quyết định tiếp tục chọn những quyết định sai. Em có thể cần phải giao thiệp với những người khác thay vì hạ thấp các tiêu chuẩn của mình.
Hãy dành ra thời giờ để cầu nguyện. Cầu nguyện cho người bạn của mình, nhưng cũng cầu nguyện cho bản thân mình nữa. Cầu nguyện để có cơ hội giúp đỡ người ấy, và cầu nguyện để em sẽ nhận ra những cơ hội đó và được hướng dẫn khi những cơ hội đó đến. Cầu nguyện để những hành động của em sẽ được thúc đẩy bởi một tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô đối với người bạn của mình, chứ không phải chỉ vì ước muốn thay đổi người ấy. Rồi hãy hành động!
Đừng bỏ cuộc. Người bạn của em có lẽ sẽ không thay đổi ngay lập tức. Phải cần có nỗ lực liên tục, chân thành. Nói tóm lại, em có thể không bao giờ biết được ảnh hưởng nào mà những lời nói hoặc tấm gương của em đang tạo ra, nhưng nếu em cố gắng làm bạn với người ấy thì em đang tạo ra sự khác biệt. Tiên Tri Gia Cốp trong Sách Mặc Môn có lẽ đã nghĩ rằng con trai của mình, Ê Nót, đã không lưu ý đến những lời giảng dạy của ông, nhưng một ngày nọ Ê Nót đã nhớ đến “những lời mà [ông] thường nghe cha [ông] nói,” và ông đã hối cải (xin xem Ê Nót 1:3–5). Những lời nói và tấm gương của em sẽ có tác dụng mặc dù có thể không có ngay bây giờ.
Mời người bạn của em tham dự. Hãy nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn của Đấng Cứu Rỗi về người chăn đã bỏ lại 99 con chiên để tìm ra con chiên bị thất lạc. Ngài không chỉ đi thăm con chiên bị thất lạc và rồi một mình trở về bầy. Ngài mang con chiên đó trở về với Ngài. (Xin xem Lu Ca 15:4–7.) Hãy mời người bạn của em đến dự các sinh họat với những người có các tiêu chuẩn cao. Những kinh nghiệm này sẽ giúp người bạn của em thấy được những phước lành của lối sống ngay chính và cảm thấy thoải mái với những người có các tiêu chuẩn cao. Hy vọng rằng người bạn của em sẽ nhận biết rằng hạnh phúc mà người ấy cảm thấy được qua các sinh hoạt này thì tốt hơn là niềm vui thích tạm thời mà người ấy có từ sự bất tuân.
Khi cố gắng giúp đỡ người bạn của mình, em có thể trông cậy vào Chúa để giúp đỡ em vì Ngài muốn người bạn của em cũng chọn điều tốt. Khi Nê Phi đi ra giúp đỡ dân của ông, thì Chúa phán với ông: “Ta sẽ làm cho ngươi có mãnh lực trong lời nói, trong hành động” (Hê La Man 10:5; sự nhấn mạnh được thêm vào)—và Ngài đã làm như thế. Cha Thiên Thượng sẽ tác động qua em nếu em có thì giờ và nỗ lực dành sẵn cho Ngài.
Các độc giả
Hãy cứ tiếp tục làm bạn. Người bạn của anh khâm phục anh và quan sát điều anh làm. Có lẽ người ấy muốn điều anh có; người ấy hoàn toàn không biết cách để có điều đó. Anh không cần phải đồng ý về tất cả mọi điều mà người ấy nói và làm; anh chỉ cần cho người ấy biết rằng anh hiện diện ở đó vì người ấy. Đôi khi việc đó có thể khó nhưng sẽ đáng bõ công. Cầu xin Chúa giúp đỡ và việc đó sẽ thành công.
Stephanie C., 16, Hoa Kỳ
Tôi có một người bạn tích cực rất lâu trong Giáo Hội. Anh ấy luôn luôn đến nhà thờ một mình vì gia đình của anh đã quyết định rằng họ không còn muốn đến nhà thờ nữa. Tôi rất lấy làm cảm kích trước sức mạnh và lòng can đảm của anh. Nhưng rồi một ngày nọ, tôi nghe rằng anh ấy không còn đến nhà thờ nữa. Tôi cảm thấy được Thánh Linh thúc giục mạnh mẽ rằng tôi cần phải nói chuyện với anh ấy. Tôi nói với anh ấy rằng tôi cảm kích biết bao khi anh ấy đến nhà thờ một mình, và tôi nói với anh ấy rằng chớ bỏ cuộc. Ngày Chúa Nhật sau đó, anh ấy đến dự lễ Tiệc Thánh và kể từ lúc ấy vẫn tiếp tục đến nhà thờ. Qua việc sống trung tín và sống theo phúc âm, chúng ta có thể là tấm gương cho bạn bè của mình và cho họ tình yêu thương và sự hỗ trợ mà họ cần.
Marina V., 18, Thụy Điển
Tôi thật sự nghĩ rằng điều tốt nhất là nói chuyện với người ấy. Hãy thẳng thắn nhưng hòa nhã. Tôi nghĩ rằng điều đó sẽ đòi hỏi sự can đảm và tôi nghĩ rằng điều tốt nhất để làm việc đó là sau khi cầu nguyện vì anh cần sự giúp đỡ. Tôi cũng có những người bạn giống như vậy, và vì tôi muốn đi với họ đến thượng thiên giới nên tôi đã cố gắng rất nhiều để hướng dẫn họ trong một chiều hướng tốt. Anh có thể cần phải thay đổi bản thân mình để có được tác dụng đối với một người nào khác. Việc anh cố gắng mỗi ngày để trở thành một người tốt hơn thì rất quan trọng.
Eimi H., 17, Nhật Bản
Anh cần phải là một tấm gương tốt đối với người bạn của anh. Hãy mời người ấy đến dự một buổi sinh hoạt của giới trẻ. Nếu anh đi với người ấy thì sẽ hữu hiệu hơn. Hãy chia sẻ chứng ngôn của anh về điều anh đã nhận được khi anh tuân theo các tiêu chuẩn phúc âm.
Jared Q., 16, Phi Luật Tân
Tôi có một người bạn không tuân theo một số tiêu chuẩn của Giáo Hội, và tôi hối tiếc đã không nói cho người ấy biết cảm tưởng của tôi về điều đó. Hãy nói cho người bạn của anh biết cảm tưởng của anh và cầu nguyện cho người ấy. Tiếp tục làm bạn với người ấy miễn là anh không tiến đến việc làm điều mà anh ấy đang làm. Nếu điều anh ấy làm là nghiêm trọng, thì hãy nói chuyện với vị giám trợ.
Deborah S., 14, Hoa Kỳ
Đối với người bạn của tôi thì tôi cố gắng thực hiện những sinh hoạt vui vẻ và lành mạnh mà không sai lạc khỏi các nguyên tắc phúc âm. Trong cách này, người ấy sẽ thấy rằng có rất nhiều cách thức để có được sự vui thú mà không cần làm những điều không đúng. Tôi sẽ không hỗ trợ người ấy trong những điều sai nhưng sẽ khuyên nhủ và củng cố người ấy qua tấm gương của tôi. Sẽ rất tốt nếu anh nói chuyện với người ấy và để cho người ấy biết rằng anh quan tâm đến người ấy và nhắc người ấy nhớ rằng điều yếu kém của người ấy có thể trở nên mạnh mẽ (xin xem Ê The 12:27). Hãy để cho người ấy biết rằng người ấy là người phải chọn quyết định nhưng anh ở đó để hỗ trợ người ấy. Anh cần phải luôn luôn vững mạnh và không để các sinh hoạt của người bạn của anh ảnh hưởng đến các hành động của anh.
Jorge B., 17, Ecuador
Một tấm gương thì rất quan trọng trong những tình thế này. Chúng ta cũng có thể cầu nguyện liên tục cho bạn bè của mình và tìm kiếm những cách thức để giúp đỡ họ. Chúng ta có thể nhịn ăn và cầu xin Cha Thiên Thượng ban cho chúng ta những lời nói đúng để giúp đỡ họ hiểu tại sao việc sống theo phúc âm làm cho chúng ta vui sướng.
Virginia C., 17, Uruguay
Những câu trả lời nhằm giúp đỡ và chỉ là quan điểm chứ không phải là lời phát biểu chính thức về giáo lý của Giáo Hội.
Nhiều người trẻ bị giằng xé trong chiều hướng sai lạc và bị cám dỗ để dự phần vào tội lỗi của thế gian. Với ước muốn lớn lao, những người như vậy tìm kiếm sức mạnh của những người có khả năng đứng vững vàng để bênh vực lẽ thật. Qua việc sống ngay chính và bằng cách đưa tay ra giúp đỡ và tấm lòng thông cảm, anh có thể giải cứu, anh có thể cứu vớt. Rồi niềm vui của anh sẽ lớn lao biết dường nào. Phước lành sẽ được ban cho anh thì sẽ vĩnh cửu biết dường nào.”
Chủ Tịch Thomas S. Monson, Đệ Nhất Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đòan, “Một Tấm Gương của Những Người Tin,” Ensign, tháng Mười Một năm 1992, 98.