Ba Sứ Điệp cho Những Người Thành Niên Trẻ Tuổi
Các bạn thành niên trẻ tuổi của tôi, các em đang sống trong một thời kỳ của lời hứa lớn lao. Chưa bao giờ trong lịch sử của thế gian mà có rất nhiều cơ hội để chọn lựa và thành công.
Tôi có ba sứ điệp cho các em khi các em ra đời: hãy là một tín hữu tích cực của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, hãy chuẩn bị từ bây giờ cho cuộc sống mai sau và sẵn lòng chấp nhận trách nhiệm hôn nhân.
Hãy Tích Cực trong Giáo Hội
Khi các em đạt được một trình độ học vấn cao, bắt đầu làm việc và tìm kiếm hôn nhân thì các em phải nhớ luôn luôn tích cực trong Giáo Hội.
Những người thành niên trẻ tuổi độc thân là một nhóm di chuyển thường xuyên. Các em thường thay đổi địa chỉ và số điện thoại. Là các vị lãnh đạo Giáo Hội của các em, chúng tôi rất buồn khi chúng tôi mất liên lạc với các em. Khi điều này xảy ra, chúng tôi không thể tiếp xúc được với các em để mời các em chấp nhận một sự kêu gọi trong Giáo Hội và để chia sẻ tất cả các phước lành của vai trò tín hữu trong Giáo Hội.
Một trong những mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi là nhiều người thành niên trẻ tuổi của chúng ta đã không chịu tự ổn định trong một đơn vị mà họ có một vị giám trợ và vị giám trợ của họ biết họ là ai. Mỗi tín hữu của Giáo Hội phải được một vị giám trợ hay chủ tịch giáo khu biết đến và chịu trách nhiệm. Mối quan hệ này sẽ cung ứng cho các em một cơ hội tham dự vào những giáo lễ của chức tư tế, có những cuộc phỏng vấn, có được giấy giới thiệu đi đền thờ khi thích hợp và nhận được những sự kêu gọi trong Giáo Hội.
Cần phải có một mối liên kết rõ ràng với một người nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế. Nếu các em có hai vị giám trợ thì các em không có một vị giám trợ nào cả. Nếu hồ sơ tín hữu của các em không nằm trong tiểu giáo khu nơi mà các em tham dự và các em không ở trong vị thế để chấp nhận một sự kêu gọi thì các em có thể nhanh chóng tự thấy mình không được các vị lãnh đạo của mình biết đến.
Một sự kêu gọi của Giáo Hội là một trong các phước lành tuyệt vời nhất mà các em có thể hưởng nhận vào giai đoạn sống của các em. Các em có rất nhiều điều để đóng góp cho tiểu giáo khu hay chi nhánh nơi mà các em đang sống. Tài năng và kỹ năng của các em rất cần thiết cho một Giáo Hội đang tăng trưởng. Nếu là một người truyền giáo giải nhiệm trở về nhà, các em có thể ảnh hưởng đến các tín hữu khác với lòng nhiệt thành và chứng ngôn của các em. Một sự kêu gọi cũng quan trọng nếu các em chưa phục vụ truyền giáo.
Nếu các em chưa ổn định trong một tiểu giáo khu hay chi nhánh và không được vị giám trợ hay chủ tịch chi nhánh biết đến thì các em có chịu chấp nhận lời yêu cầu của cá nhân tôi để lập tức sửa đổi vấn đế đó không? Hãy bắt đầu chịu trách nhiệm với các vị lãnh đạo chức tư tế của các em. Các em thiếu nữ, hãy làm quen với các thành viên của Hội Phụ Nữ trong khu vực của mình. Hãy bắt đầu tham dự tổ chức Hội Phụ Nữ. Các em thanh niên, hãy xứng đáng để lãnh nhận các trách nhiệm gia tăng và buớc vào các giao ước thiêng liêng mà là một phần tiến triển từ Chức Tư Tế A Rôn đến Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Hãy tự ổn định trong nhóm túc số các anh cả ở địa phương của mình và trở nên một người tích cực tham dự.
Nếu các em đã ổn định trong một tiểu giáo khu hoặc chi nhánh, thì tôi yêu cầu các em nên nghĩ đến những người bạn hoặc những người quen biết trong phúc âm mà đã trở nên thất lạc đối với các vị lãnh đạo chức tư tế của họ. Hãy khuyến khích những người bạn này trở lại với phúc âm và trở thành các tín hữu tích cực tham gia của Giáo Hội.
Hãy Chuẩn Bị Từ Bây Giờ cho Cuộc Sống Mai Sau
Sứ điệp thứ nhì mà tôi mang đến cho các em là chọn những quyết định khôn ngoan trong khi chuẩn bị cho tương lai của các em.
Tôi đã giao thiệp với hằng ngàn sinh viên lứa tuổi đại học. Tôi có thể thành thật nói rằng điều mà các em quyết định để làm liên quan đến học vấn, việc làm, chuẩn bị cho hôn nhân và sự tích cực trong Giáo Hội của các em vào lúc này trong cuộc sống của các em sẽ vạch ra mẫu mực cho tương lai của các em.
Nếu các em chịu đặt những sự việc của Thượng Đế lên trước thì các em sẽ chọn những quyết định tốt. Rất dễ dàng để chọn một quyết định mà dường như hấp dẫn vào lúc ấy nhưng rồi, khi được phối hợp với các yếu tố khác, sẽ đưa các em rời xa vương quốc của Thượng Đế. Không có một điều nào khác trong thời vĩnh cửu là quan trọng nếu các em không hội đủ điều kiện ngày hôm nay để trở về sống với Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô.
Trong thánh thư chúng ta tìm thấy một số lời phán của Chúa mà có thể giúp đỡ các em. Chúa Giê Su Ky Tô phán: “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa” (Ma Thi Ơ 6:33).
Vào một dịp khác, Ngài phán: “Ai gìn giữ sự sống mình, thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta mất sự sống mình, thì sẽ tìm lại được” (Ma Thi Ơ 10:39). Các em có hiểu rằng việc mất mạng sống mình trong khi phục vụ những người khác cho phép các em tìm ra gốc gác thật sự của mình là con của Thượng Đế không? Điều lựa chọn khác—tự mãn và không phục vụ Thượng Đế hoặc những người khác—đưa đến việc mất mạng sống của mình trong một ý nghĩa vĩnh cửu.
Khi chuẩn bị cho tương lai của mình, thì sự phục vụ và sự giao thiệp trong môi trường của Giáo Hội là quan trọng nhất.
Đạt Được một Học vấn Cao
Chúng tôi khuyến khích các em đạt được một học vấn cao và đạt được những kỹ năng cần thiết để thành công trong việc nhận được công việc làm, nuôi nấng gia đình, và là một người đóng góp trong xã hội.
Học vấn và sự huấn nghệ có thể rất tốn kém. Hãy học cách dành dụm tiền bạc và khôn ngoan sử dụng tiền bạc mà có sẵn cho các em. Điều này sẽ giúp giảm thiểu số tiền nợ mà các em có thể có khi các em hoàn tất việc học của mình.
Nếu các em có được một học vấn trong khi kết hôn, thì nó sẽ đòi hỏi các em và người phối ngẫu của các em sử dụng kỹ năng chọn quyết định tốt khi các em hy sinh để chăm sóc cho gia đình của mình. Các em sẽ cần phải bảo đảm rằng những nhu cầu của gia đình mình, công việc làm và học vấn của mình sẽ không bị đe dọa.
Dù độc thân hay kết hôn, các em mà đang làm việc cần phải phát trỉển một lương tâm nghề nghiệp. Hãy là người hữu ích, gia tăng kỹ năng làm việc của mình. Hãy trung thành với người chủ của mình. Hãy tìm kiếm những cơ hội thăng tiến và thêm trách nhiệm. Đóng tiền thập phân và các của lễ. Dành dụm một số lợi tức của các em và phát triển thói quen cần kiệm và tự lực.
Biết Được Giá Trị Thật Sự của Tiền Bạc
Một trong những thử thách lớn lao vào giai đoạn của đời sống này của các em là biết cách chọn quyết định về việc xài tiền.
Chủ Tịch Brigham Young đã dạy: “Nếu các [anh chị] em muốn làm giàu thì hãy dành dụm những gì mình có. Một kẻ rồ dại có thể kiếm được tiền; nhưng một người khôn ngoan phải dành dụm và chi dụng nó cho lợi ích của mình.”1
Có rất nhiều sản phẩm đầy lôi cuốn và thú vị trong xã hội của chúng ta. Chúng mang đến niềm vui thích và sự giải trí. Chúng gây thích thú và dường như rất cần thiết.
Tuy nhiên Đấng Cứu Rỗi phán:
“Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất, là nơi có sâu mối, ten rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy;
“Nhưng phải chứa của cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy.
“Vì chưng của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó” (Ma Thi Ơ 6:19–21).
Hãy cẩn thận chớ dại dột để bao quanh mình bởi những thứ mang đến sự thú vị vật chất, tạm bợ mà có thể không cần thiết vào giai đoạn này của cuộc sống của các em. Đừng cảm thấy rằng các em phải lập tức cung cấp cho bản thân mình những thứ mà cha mẹ của các em đã có khi các em rời nhà của họ. Trong đa số trường hợp, cha mẹ của các em phải mất nhiều thập niên để kiếm được những tiện nghi của một căn nhà hiện đại, và là một việc hoàn toàn không thực tiễn để tìm cách đạt được những tiện nghi này bây giờ khi các em bắt đầu căn nhà mới của gia đình mình.
Cá nhân tôi xin làm chứng rằng một số ký ức tuyệt vời nhất mà vợ tôi và tôi có khi gia đình đang tăng trưởng của chúng tôi đang sống trong một căn hộ nhỏ khi tôi theo học trường luật. Chúng tôi đã có một cuộc sống rất ít xa hoa. Nhưng chúng tôi không biết là chúng tôi nghèo vì chúng tôi có nhau và các phước lành của phúc âm. Những phước lành này hoàn toàn làm cho sự thiếu thốn của cải vật chất của chúng tôi không quan trọng.
Sẵn Lòng Chấp Nhận Trách Nhiệm Hôn Nhân
Sứ điệp thứ ba mà tôi xin thảo luận với các em—và nó liên quan đến hai sứ điệp trước—là sẵn lòng chấp nhận trách nhiệm hôn nhân.
Các Anh Em Thẩm Quyền Trung Ương của Giáo Hội có một mối quan tâm sâu xa và canh cánh bên lòng rằng những người thành niên trẻ tuổi của chúng ta cần phải biết giáo lý của Giáo Hội về hôn nhân. Giáo lý của Giáo Hội về gia đình vĩnh cửu thì rất rõ ràng. Tôi xin trích dẫn từ sách Giáo Lý và Giao Ước:
“Vậy nên, nếu một người cưới vợ trên thế gian này, và không cưới vợ mình qua ta hay qua lời nói của ta, và người ấy có giao ước với vợ mình trong khi còn ở trên thế gian, và vợ mình có giao ước với mình, thì sự giao ước và hôn nhân của họ không có hiệu lực khi họ chết, và khi họ ra khỏi thế gian; vậy nên, họ không bị ràng buộc với nhau bởi một luật pháp nào khi họ ra khỏi thế gian.
“Vậy nên, khi họ ra khỏi thế gian, họ chẳng cưới vợ, chẳng lấy chồng; họ được chỉ định làm những thiên sứ trên trời; những thiên sứ ấy là những tôi tớ phụ trợ, để phục vụ cho những người xứng đáng nhận sự vinh quang cao trọng vĩnh cửu vô lượng, vô biên hơn” (GLGƯ 132:15–16).
Nói một cách giản dị và minh bạch thì hôn nhân cho thời tại thế và cho suốt thời vĩnh cửu đều thiết yếu cho sự tôn cao.
Những Thử Thách Mà Có Thể Làm Trì Hoãn Hôn Nhân
Với đoạn thánh thư này trong ý nghĩ, tôi xin đề cập đến một số yếu tố mà có thể trì hoãn hôn nhân.
-
Đối với một số người, dường như có lẽ không có sự khuyến khích nào cho những người truyền giáo được giải nhiệm trở về nhà để kết hôn. Nếu các em hiểu như thế, thì đó là một giả định sai. Tất cả những người truyền giáo mà được giải nhiệm đều phải được khuyến khích khi họ trở về nhà là luôn luôn tích cực trong Giáo Hội, bảo đảm việc học hành, đạt được một kỹ năng làm việc và cố gắng hướng đến việc tìm kiếm một người bạn đồng hành vĩnh cửu.
-
Một số thanh niên cảm thấy rằng họ không thể đáp ứng được những kỳ vọng của một số thiếu nữ. Cụm từ “có lối sống đòi hỏi cao” thường được dùng để mô tả những người có cảm tưởng rằng họ cần nhiều hơn những gì mà người kia có thể chu cấp . Sự truyền đạt thích đáng có thể giải quyết tình trạng không rõ ràng đó.
-
Một sự chú trọng nhiều về học vấn hoặc nghề nghiệp có thể đặt hôn nhân vào một vai trò ít quan trọng hơn. Hôn nhân, học vấn và nghề nghiệp có thể cùng thực hiện một lúc. Một nghề nghiệp mà không có gia đình, nơi mà có thể có gia đình thì là một thảm kịch.
-
Đừng để cho cuộc sống của mình hoàn toàn là một cuộc sống đầy vui chơi hoặc ích kỷ . Cuộc sống còn có ý nghĩa nhiều hơn là một cuộc giải trí. Đừng để bị ám ảnh bởi việc có được của cải. Hãy chấp nhận trách nhiệm.
-
Một sự am hiểu sai về hôn nhân là kết quả của những báo cáo của giới truyền thông hoặc những kinh nghiệm của gia đình hay bạn bè mà có thể làm nản chí về hôn nhân. Một số người nói: “Tại sao phải kết hôn trong khi có quá nhiều ly dị?” Tình trạng ly dị không có nghĩa là các em không thể có một cuộc hôn nhân hạnh phúc và thành công. Đừng để cho những hành động của những người khác ảnh hưởng đến các quyết định của các em. Hãy quyết tâm rằng cuộc hôn nhân của các em sẽ không thất bại.
-
Một số người trì hoãn hôn nhân vì những lý do tài chính. Việc trì hoãn hôn nhân cho đến khi có đủ tiền để duy trì một lối sống xa hoa thì không khôn ngoan. Có rất nhiều điều trong cuộc sống chung—vất vả cố gắng, thích nghi, và học cách đối phó với những thử thách của đời sống—bị mất đi khi điều đó xảy ra.
Những điều này và nhiều mối quan tâm khác có thể làm trì hoãn hôn nhân. Tôi không có ý định trả lời cho sự thỏa mãn cá nhân của các em về mỗi một sự phản đối này. Tôi chỉ trình bày giáo lý của Giáo Hội về hôn nhân, và tôi khuyến khích các em có đức tin đủ để tiến tới trong quyết định quan trọng nhất này của cuộc sống các em.
Nỗi Sợ Hãi
Nếu tôi có thể chọn một chữ để mô tả hay nhất đa số những lý do mà làm trì hoãn hôn nhân thì đó sẽ là chữ sợ—sợ tương lai, sợ bị thất bại, và vân vân. Việc có nỗi sợ hãi không phải là điều khác thường. Nỗi sợ hãi có thể khắc phục được bằng sự chuẩn bị và đức tin.
Khi Các Sứ Đồ thời xưa sợ rằng một cơn bão lớn sẽ đánh chìm thuyền của mình, Đấng Ky Tô “bèn thức dậy, quở gió và phán cùng biển rằng: Hãy êm đi, lặng đi! Gió liền dứt và đều yên lặng như tờ.
“Đoạn Ngài phán cùng môn đồ rằng: Sao các ngươi sợ? Chưa có đức tin sao?” (Mác 4:39–40).
Sứ Đồ Phao Lô đã dạy: “Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát, bèn là tâm thần mạnh mẽ, có tình thương yêu và giè giữ” (2 Ti Mô Thê 1:7).
Tôi có thể thành thật nói rằng trong thế hệ của tôi, khi có cơ hội để kết hôn đúng người thì những thử thách về việc tiếp tục học hành trở thành phụ đối với quyết định tối quan trọng để kết hôn đúng người. Nhiều người trong số các em là những người thành niên trẻ tuổi đã chọn quyết định đó và đang tiến lên với cuộc sống của mình, mặc dù các em không có tất cả những tiện nghi vật chất mà nếu không kết hôn thì các em có thể đã có được. Nhưng các em đang tiến lên theo một kế hoạch vĩnh cửu và dưới một mô hình thiêng liêng mà Giáo Hội này mang đến cho tất cả mọi tín hữu.
Gia Đình
Cách đây một thời gian, Chị Tingey và tôi, giờ đây đã có 4 con và 21 cháu, đã tổ chức một buổi ngủ lại tối ở nhà cho các cháu gái của chúng tôi. Năm trong số các cháu gái của chúng tôi, từ 6 đến 14 tuổi, đến nhà của chúng tôi. Ngoài việc là chị em họ của nhau, chúng còn là bạn thân nhất của nhau.
Chúng tôi ăn một bữa ăn tuyệt vời do Chị Tingey chuẩn bị. Rồi sau đó, các cháu gái làm một số đồ thủ công cũng do Chị Tingey chuẩn bị. Sau đó, chúng tôi chơi trò chơi ưa thích của chúng, và rồi chúng làm một chương trình nhỏ biểu diễn tài năng cho Ông Bà xem. Trong lúc biểu diễn tài năng, chúng đã hát vài bài ca Thiếu Nhi ưa chuộng thích hợp cho ông bà, kể cả bài sau đây:
Con rất vui khi [Ông Nội/Ngoại] đến nhà,
Con có thể hết sức vui mừng;
Vỗ tay và reo mừng,
Rồi trèo vào lòng ông ngồi,
Choàng tay quanh cổ của ông,
Ôm ông thật chặt như vầy,
Vỗ nhẹ vào má của ông, rồi cho ông cái gì?
Một cái hôn thật mạnh.2
Năm đứa cháu gái ngồi trong lòng tôi khi chúng hát bài ca này, tay chúng quàng quanh cổ tôi, vỗ nhẹ vào má tôi và hôn tôi thật mạnh.
Điều này thật đầy ý nghĩa. Đây là gia đình. Đây là phúc âm. Điều này hoàn toàn làm lu mờ tất cả mọi của cải vật chất và những điều mà phải tốn tiền để mua.
Trừ phi các em hiểu những gì mà tương lai của mình có thể mang đến đối với gia đình thì sẽ rất khó cho các em để chọn những quyết định khôn ngoan ảnh hưởng đến tương lai của các em. Gia đình là tất cả. Nó làm lu mờ tất cả mọi mối quan hệ và quyết định khác.
Không Phải Tất Cả Mọi Người Sẽ Kết Hôn
Giờ đây, tôi biết rằng không phải tất cả mọi người mà muốn kết hôn sẽ được như vậy trong cuộc sống này. Kế hoạch của Chúa lo liệu cho điều đó.
Câu chuyện tuyệt vời về Ru Tơ trong Kinh Cựu Ước là một câu chuyện về một người phụ nữ đã mất chồng và rồi chọn không theo đuổi các mục tiêu cá nhân của riêng mình. Ru Tơ là người độc thân, nhưng bà đã luôn luôn tận tâm đối với gia đình và Thượng Đế.
Khi người mẹ chồng của bà, Na Ô Mi, khuyến khích bà tiếp tục với cuộc sống của mình, Ru Tơ đã thốt ra một lời nói thúc đẩy bởi đức tin lớn lao: “Xin chớ nài tôi phân rẽ mẹ; vì mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân sự của mẹ, tức là dân sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi” (Ru Tơ 1:16).
Như các em nhớ thì về sau trong đời, Ru Tơ đã gặp Bô Ô, và họ đã kết hôn và trở thành một mối liên kết trong chuỗi tổ tiên của Chúa Giê Su Ky Tô. Tất cả các phước lành đã được hứa cho các tín đồ trung thành của Chúa đều là của bà.
Gia đình là trọng tâm của phúc âm. Qua gia đình, chúng ta tiến triển vào thời vĩnh cửu. Một hôn nhân và gia đình vĩnh cửu thì đáng bõ công cho bất cứ sự phấn đấu vất vả nào.
Xin hãy suy ngẫm về những ý tưởng này mà tôi đã chia sẻ với các em. Hãy cầu nguyện về những ý tưởng này. Hãy biết rằng Cha Thiên Thượng sẽ ban phước cho các em và sẽ giúp các em thay thế nỗi sợ hãi bằng đức tin nếu các em kêu cầu Ngài.
Tôi khiêm nhường làm chứng và chia sẻ chứng ngôn của mình rằng việc sống tích cực trong Giáo Hội, chuẩn bị kỹ cho tương lai của các em, và được làm lễ gắn bó với người phối ngẫu cho thời tại thế và suốt thời vĩnh cửu đều có thể giúp các em khám phá ra được niềm vui mà chính là lời hứa của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.
Trích từ bài nói chuyện trong buổi họp đặc biệt fireside của Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội tại Viện Giáo Lý Ogden Utah vào ngày 2 tháng Năm năm 2004.