2007
Tiệc Thánhọ và Sự Hy Sinh
Tháng Tư năm 2007


Kinh Điển Phúc Âm

Tiệc Thánhọ và Sự Hy Sinh

David B. Haight sinh vào ngày 2 tháng Chín năm 1906, ở Oakley, Idaho, con của Ông Hector C. và Bà Clara Tuttle Haight. Ông kết hôn với Bà Ruby Olson ở Đền Thờ Salt Lake vào ngày 4 tháng Chín năm 1930. Trước khi được kêu gọi làm một Vị Thẩm Quyền Trung Ương, ông đã có được một nghề nghiệp thành công trong ngành bán lẻ; phục vụ với tư cách là thị trưởng thành phố Palo Alto, California; và chủ tọa Phái Bộ Truyền Giáo Scottish (Tô Cách Lan). Ông được sắc phong làm Sứ Đồ vào ngày 8 tháng Giêng năm 1976. Ông mất ngày 31 tháng Bảy năm 2004, thọ 97 tuổi.

Hình Ảnh

Cách đây sáu tháng tại đại hội trung ương tháng Tư, tôi đã được cáo lỗi không phải nói chuyện trong khi tôi đang hồi phục từ một cuộc giải phẫu nghiêm trọng. Mạng sống của tôi đã được bảo tồn, và bây giờ tôi có được cơ hội đầy mãn nguyện để thừa nhận các phước lành, sự an ủi và sự giúp đỡ nhanh chóng của Các Anh Em Thẩm Quyền Trung Ương trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai và những người quen biết cùng các bạn bè tuyệt vời khác mà tôi chịu ơn rất nhiều và là những người vây quanh người vợ yêu quý của tôi, Ruby, và gia đình của tôi với thời giờ, sự chăm sóc, và những lời cầu nguyện của họ… .

Vào buổi tối mà tôi bị lên cơn bệnh đó, tôi biết một điều gì rất nghiêm trọng đã xảy ra cho tôi. Những sự kiện đã xảy ra rất nhanh—cơn đau hành hạ dữ dội đến nỗi Ruby yêu quý của tôi đã gọi điện thoại cho bác sĩ và gia đình của chúng tôi, và tôi quỳ xuống tựa người vào bồn tắm để được chống đỡ và thoải mái cùng hy vọng được bớt đau. Tôi khẩn cầu Cha Thiên Thượng của tôi bảo tồn mạng sống của tôi lâu thêm chút nữa để làm công việc của Ngài, nếu đó là ý muốn của Ngài.

Trong khi cầu nguyện, tôi bắt đầu rơi vào tình trạng hôn mê. Tiếng còi xe cứu thương là điều cuối cùng tôi đã nhớ nổi trước khi hoàn toàn bất tỉnh, mà tình trạng đó đã kéo dài trong vài ngày kế tiếp.

Cơn đau khủng khiếp và sự tới lui rầm rập của mọi người ngừng hẳn. Bấy giờ tôi đang ở trong một khung cảnh yên tịnh, thanh thản; tất cả đều yên lặng và êm ả. Tôi ý thức có hai người ở xa trên sườn đồi, một người đứng ở nơi cao hơn người kia. Những chi tiết khác thì không thấy rõ. Người đứng ở nơi cao hơn đang chỉ một điều gì đó mà tôi không thể thấy được.

Tôi không nghe được tiếng nói nhưng ý thức được là mình đang ở nơi chốn và bầu không khí thiêng liêng. Trong những giờ và ngày tiếp theo, tôi được nhiều lần cho hiểu về sứ mệnh vĩnh cửu và vị thế tôn cao của Con của Người. Tôi làm chứng cùng các anh chị em rằng Ngài là Chúa Giê Su Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế, Đấng Cứu Rỗi của tất cả thế gian, Đấng Cứu Chuộc của tất cả nhân loại, Đấng Ban Cho tình yêu thương vô hạn, lòng thương xót và sự tha thứ, Sự Sáng và Sự Sống của thế gian. Tôi biết được lẽ thật này trước đây—tôi chưa bao giờ nghi ngờ hay thắc mắc. Nhưng bấy giờ tôi biết, nhờ vào những ấn tượng của Thánh Linh tác động tâm trí của tôi, các lẽ thật thiêng liêng này trong một cách thức khác thường nhất.

Tôi được cho thấy một quang cảnh bao quát về giáo vụ trên trần thế của Ngài: lễ báp têm, sự giảng dạy, sự chữa lành của Ngài cho người bệnh và kẻ què, cuộc xử án bất công, Sự Đóng Đinh Ngài, Sự Phục Sinh và Sự Thăng Thiên của Ngài. Tiếp theo những quang cảnh về giáo vụ trần thế của Ngài là chi tiết gây ấn tượng sâu sắc đến với tâm trí tôi, xác nhận những câu chuyện được chứng kiến tận mắt trong thánh thư. Tôi đã được giảng dạy, và mắt hiểu biết của tôi được mở ra bởi Đức Thánh Linh của Thượng Đế để thấy được nhiều điều.

Quang cảnh đầu tiên là Đấng Cứu Rỗi và Các Sứ Đồ của Ngài ở trên căn gác vào buổi tối trước khi Ngài bị phản bội. Tiếp theo bữa ăn tối của Lễ Vượt Qua, Ngài đã chỉ dẫn và chuẩn bị Tiệc Thánh cho Bữa Ăn Tối của Chúa dành cho những người bạn thân nhất của Ngài để làm sự tưởng nhớ về sự hy sinh sắp tới của Ngài. Tôi đã được cho thấy một cách khác thường—tình yêu thương bao la của Đấng Cứu Rỗi đối với mỗi người. Tôi đã chứng kiến mối quan tâm đầy ân cần của Ngài về những chi tiết quan trọng—việc rửa chân đầy bụi bậm của mỗi Sứ Đồ, việc bẻ bánh và ban phước ổ bánh mì đen và ban phước rượu, rồi lời tiết lộ kinh khiếp rằng một người sẽ phản bội Ngài.

Ngài giải thích về việc bỏ đi của Giu Đa và phán bảo những người khác về các sự kiện mà chẳng bao lâu nữa sẽ xảy ra.

Rồi tiếp theo đó là lời giảng dạy long trọng của Đấng Cứu Rỗi khi Ngài phán cùng Mười Một Vị: “Ta đã bảo các ngươi những điều đó, hầu cho các ngươi có lòng bình yên trong ta. Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi” (Giăng 16:33).

Đấng Cứu Rỗi của chúng ta đã cầu nguyện lên Cha Ngài và công nhận Cha Ngài là nguồn thẩm quyền và quyền năng của Ngài—ngay cả về việc dành cuộc sống vĩnh cửu cho tất cả những người xứng đáng.

Ngài đã cầu nguyện: “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Giê Su Ky Tô, là Đấng Cha đã sai đến.”

Rồi Chúa Giê Su đã nghiêm trang phán thêm:

“Con đã tôn vinh Cha trên đất, làm xong công việc Cha giao cho làm.

“Cha ôi! Bây giờ xin lấy sự vinh hiển Con vốn có nơi Cha trước khi chưa có thế gian mà làm vinh hiển Con nơi chính mình Cha” (Giăng 17:3–5).

Ngài không những khẩn nài cho các môn đồ được kêu gọi ra khỏi thế gian là những người trung thành với chứng ngôn của họ về Ngài, “nhưng cũng vì kẻ sẽ nghe lời họ mà tin Con nữa” (Giăng 17:20).

Khi họ hát xong một bài thánh ca, Chúa Giê Su và Mười Một Vị đi lên Núi Ô Li Ve. Nơi đó, trong khu vườn, trong một cách thức nào đó mà vượt quá sự hiểu biết của chúng ta, Đấng Cứu Rỗi đã tự mang lấy gánh nặng tội lỗi của nhân loại từ A Đam đến ngày tận thế. Lu Ca cho chúng ta biết rằng nỗi thống khổ của Ngài trong khu vườn thì khủng khiếp đến nỗi “mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất” (Lu Ca 22:44). Ngài chịu thống khổ và gánh nặng mà không một người nào có khả năng để vác. Trong giờ thống khổ đó, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta đã khắc phục được tất cả quyền năng của Sa Tan.

Chúa vinh quang đã tiết lộ cùng Joseph Smith lời khuyên bảo này cho tất cả nhân loại:

“Vậy nên ta truyền lệnh cho ngươi phải hối cải… .

“Vì này ta, Thượng Đế, đã chịu những nỗi đau khổ ấy cho mọi người, để họ khỏi đau khổ nếu họ chịu hối cải; …

“Nỗi đau khổ ấy đã khiến cho ta dù là Thượng Đế, Đấng vĩ đại hơn hết, cũng phải run lên vì đau đớn, và phải rớm máu từng lỗ chân lông, …

“Vậy nên một lần nữa, ta truyền lệnh cho ngươi phải hối cải, kẻo ta sẽ làm cho ngươi phải khiêm nhường bằng quyền năng vô hạn của ta; và rằng ngươi phải thú nhận những tội lỗi của mình, kẻo ngươi phải chịu những hình phạt này” (GLGƯ 19:15–16, 18, 20).

Trong những ngày hôn mê đó, tôi đã được ban cho, bởi ân tứ và quyền năng của Đức Thánh Linh, một sự hiểu biết trọn vẹn hơn về sứ mệnh của Ngài. Tôi cũng được ban cho một sự hiểu biết trọn vẹn hơn về ý nghĩa của việc sử dụng, trong tôn danh của Ngài, thẩm quyền để hiểu những lẽ huyền vi của vuơng quốc thượng thiên vì sự cứu rỗi của tất cả những người trung tín. Linh hồn của tôi đã được giảng dạy nhiều lần về những sự kiện của sự phản bội, cuộc xử án bất công, sự quất roi vào da thịt của một Đấng trong Thiên Chủ Đoàn. Tôi chứng kiến sự vất vả của Ngài khi bước lên đồi trong tình trạng yếu ớt và vác cây thập tự và việc Ngài bị căng ra trên cây thập tự khi nó được đặt nằm trên mặt đất, những cây đinh dài thô bạo đã có thể được đóng bằng một cái vồ vào tay, cổ tay, chân của Ngài để thân thể của Ngài bị đóng chặt vào cây thập tự khi bị treo lên cho công chúng thấy.

Sự đóng đinh Ngài—cái chết khủng khiếp và đau đớn mà Ngài đã chịu—đã được chọn từ lúc ban đầu. Qua cái chết đau đớn vô vàn đó, Ngài đã xuống thấp hơn tất cả mọi vật, như đã được ghi chép ngõ hầu qua Sự Phục Sinh của Ngài, Ngài sẽ vượt lên trên vạn vật (xin xem GLGƯ 88:6).

Chúa Giê Su Ky Tô chết theo ý nghĩa thật sự mà tất cả chúng ta đều sẽ chết. Thi hài của Ngài được đặt vào ngôi mộ. Linh hồn bất diệt của Chúa Giê Su, mà đã được chọn là Đấng Cứu Rỗi của nhân loại, đã đi đến với vô số linh hồn mà đã rời cuộc sống hữu diệt với nhiều mức độ ngay chính khác nhau đối với các luật pháp của Thượng Đế. Ngài đã dạy họ về “tin lành vinh quang về sự cứu chuộc từ cảnh nô lệ của cái chết, và về sự cứu rỗi có thể đạt được … [đó là] phần của sự phục vụ đã được tiền sắc phong và độc nhất đối với gia đình nhân loại.”1

Tôi không thể bắt đầu truyền đạt cho các anh chị em ảnh hưởng sâu xa mà những quang cảnh này đã xác nhận trong tâm hồn tôi. Tôi cảm nhận được ý nghĩa vĩnh cửu của những quang cảnh này và nhận thức rằng “không có điều gì trong toàn thể kế hoạch cứu rỗi so sánh trong bất cứ phương diện quan trọng nào với sự kiện siêu việt hơn hết trong tất cả mọi sự kiện, sự hy sinh chuộc tội của Chúa của chúng ta. Đó là điều độc nhất quan trọng nhất mà đã từng xảy ra trong toàn thể lịch sử của những tạo vật; đó là nền tảng vững chắc mà trên đó phúc âm và tất cả những điều khác dựa vào,”2 như đã được nói đến.

Tổ phụ Lê Hi đã dạy con trai Gia Cốp của ông và chúng ta ngày nay:

“Vậy nên, sự cứu chuộc sẽ đến trong và qua Đấng Mê Si Thánh; vì Ngài đầy ân điển và lẽ thật.

“Này, để đáp ứng các mục đích của luật pháp, Ngài tự hiến thân mình làm vật hy sinh để chuộc tội cho tất cả những ai có một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối; ngoài ra, chẳng một ai khác có thể được các mục đích của luật pháp đáp ứng cả.

“Vậy nên, việc tối quan trọng là làm sao phổ biến những điều này cho dân cư của thế gian, để họ biết rằng không một xác thịt nào có thể sống được trong sự hiện diện của Thượng Đế, trừ phi phải qua sự trung gian của công lao, lòng thương xót và ân điển của Đấng Mê Si Thánh là Đấng sẽ bỏ sự sống của mình theo thể cách xác thịt, và sẽ sống lại nhờ quyền năng của Thánh Linh, ngõ hầu Ngài có thể mang lại sự phục sinh cho người chết, vì Ngài là người đầu tiên sẽ sống lại.

“Vậy nên, Ngài là trái đầu mùa của Thượng Đế, và Ngài sẽ can thiệp cho tất cả con cái loài người, và ai tin Ngài thì sẽ được cứu” (2 Nê Phi 2:6–9).

Kinh nghiệm thờ phượng quý báu nhất của chúng ta trong lễ Tiệc Thánh là giáo lễ Tiệc Thánh thiêng liêng, vì giáo lễ này cung ứng cơ hội để tập trung tâm trí của chúng ta vào Đấng Cứu Rỗi và sự hy sinh của Ngài.

Sứ Đồ Phao Lô đã cảnh cáo Các Thánh Hữu đầu tiên về việc ăn bánh này và uống chén này của Chúa một cách không xứng đáng (xin xem 1 Cô Rinh Tô 11:27–30).

Chính Đấng Cứu Rỗi đã dạy dân Nê Phi: “Vì kẻ nào ăn uống máu thịt của ta một cách không xứng đáng thì kẻ đó sẽ [mang đến] sự đoán phạt cho linh hồn mình” (3 Nê Phi 18:29).

Những người dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng thì hòa hợp với Chúa và đặt bản thân mình dưới giao ước với Ngài để luôn luôn tưởng nhớ đến sự hy sinh của Ngài vì tội lỗi của thế gian, để tự mang lấy danh của Đấng Ky Tô, và luôn luôn tưởng nhớ đến Ngài, và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài. Đấng Cứu Rỗi giao ước rằng chúng ta mà chịu làm như vậy thì sẽ có được Thánh Linh của Ngài ở cùng chúng ta và rằng, nếu trung tín đến cùng thì chúng ta có thể thừa hưởng cuộc sống vĩnh cửu.

Chúa đã mặc khải cùng Joseph Smith rằng “không có một ân tứ nào lớn hơn ân tứ cứu rỗi cả” (GLGƯ 6:13), mà kế hoạch gồm có giáo lễ Tiệc Thánh là một sự nhắc nhở liên tục về sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi. Ngài đã ban cho những chỉ dẫn “điều cần làm là giáo hội phải thường xuyên nhóm họp để chia sẻ bánh và rượu hầu tưởng nhớ tới Chúa Giê Su” (GLGƯ 20:75).

Sự bất diệt đến với tất cả chúng ta là một ân tứ ban cho không và chỉ nhờ vào ân điển của Thượng Đế mà thôi, không cần có những việc làm ngay chính. Tuy nhiên, cuộc sống vĩnh cửu là phần thưởng cho sự vâng theo các luật pháp và các giáo lễ của phúc âm của Ngài.

Tôi làm chứng cùng tất cả các anh chị em rằng Cha Thiên Thượng của chúng ta có đáp ứng những lời khẩn nài ngay chính của chúng ta. Sự hiểu biết thêm vào mà đã đến với tôi tạo ra một ảnh hưởng lớn đối với cuộc sống của tôi. Ân tứ Đức Thánh Linh là một sở hữu vô giá và làm cho chúng ta có thể đạt được sự hiểu biết tiến triển liên tục về Thượng Đế và niềm vui vĩnh cửu.

Trích từ bài nói chuyện tại đại hội trung ương vào tháng Mười năm 1989; Việc in bằng chữ hoa và phép chấm câu được đổi mới.

Ghi Chú

  1. James E. Talmage, Jesus the Christ, xuất bản lần thứ 6 (1922), 671.

  2. Bruce R. McConkie, Mormon Doctrine, xuất bản lần thứ nhì (1966), 60.

In