Thưa Các Anh Em, Chúng Ta Có Công Việc Phải Làm
Là những người nam có chức tư tế, chúng ta có một vai trò thiết yếu để đóng góp trong xã hội, ở nhà, và trong Giáo Hội.
Thưa các anh em, trong những năm gần đây nhiều điều đã được nói và viết về những thử thách của những người đàn ông và các thiếu niên. Chẳng hạn, một vài ví dụ về tên của một số cuốn sách gồm có Why There Are No Good Men Left (Tại Sao Không Còn Đàn Ông Tốt Nữa),The Demise of Guys (Sự Suy Sụp của Mấy Gã Đàn Ông), The End of Men (Ngày Tàn của Đàn Ông), Why Boys Fail (Tại Sao Thiếu Niên Thất Bại), và Manning Up (Nhận Lấy Trách Nhiệm). Thật thú vị thay, hầu hết các quyển sách này dường như đều do phụ nữ viết. Trong bất cứ trường hợp nào, một đề tài chung cho những điều phân tích này xảy ra nhiều trong xã hội ngày nay, đàn ông đang nhận những thông điệp khó hiểu và dường như mâu thuẫn về vai trò và giá trị của họ trong xã hội.
Tác giả của cuốn sách Nhận Lấy Trách Nhiệm mô tả đặc điểm của đề tài đó theo cách này: “Có một quy tắc chung của nền văn minh là trong khi các cô gái trở thành phụ nữ chỉ đơn giản bằng cách đạt đến mức trưởng thành về thân thể, thì các chàng trai phải vượt qua một cuộc thử nghiệm. Họ cần phải cho thấy lòng can đảm, năng lực thể chất, hoặc tinh thông các kỹ năng cần thiết. Mục tiêu là để chứng minh khả năng của họ với tư cách là người bảo vệ phụ nữ và trẻ em; đây luôn luôn là vai trò chính yếu của họ trong xã hội. Tuy nhiên, ngày nay trong một nền kinh tế tiên tiến, khi phụ nữ tiến triển, thì vai trò của người chồng và người cha để đi kiếm tiền nuôi gia đình giờ đây là tùy chọn, và đặc tính mà người đàn ông cần có để đóng vai trò của mình—như sự bạo dạn, cam chịu, lòng can đảm, chung thủy—đều đã lỗi thời và thậm chí còn có hơi ngượng ngùng nữa.”1
Trong tinh thần nhiệt tình của họ để thúc đẩy cơ hội cho phụ nữ, là điều chúng ta hoan nghênh, thì có những người bôi nhọ đàn ông và những đóng góp của họ. Họ dường như nghĩ về cuộc sống như là một cuộc thi đua giữa nam và nữ—trong đó một phái phải chi phối phái kia, và giờ đây là đến lượt phụ nữ. Một số người lập luận rằng sự nghiệp là điều quan trọng nhất còn hôn nhân và con cái nên hoàn toàn là tùy chọn, vậy thì, tại sao chúng ta cần đàn ông?2 Trong quá nhiều các bộ phim Hollywood, các chương trình truyền hình và dây cáp, và thậm chí cả quảng cáo nữa, người đàn ông được mô tả là thiếu năng lực, chưa trưởng thành, hoặc chỉ nghĩ đến bản thân mình. Văn hóa xem thường nam giới này đang có hậu quả tai hại.
Ví dụ, ở Hoa Kỳ, người ta báo cáo rằng: “Bây giờ, nữ sinh học giỏi hơn nam sinh ở mọi cấp, từ trường tiểu học đến chương trình hậu đại học. Ví dụ, đến lớp tám, chỉ có 20 phần trăm nam sinh viết thông thạo và 24 phần trăm đọc thành thạo. Trong khi đó điểm bài thi đại học SAT vào năm 2011 là tệ nhất trong 40 năm qua. Theo Trung Tâm Quốc Gia Thống Kê Giáo Dục (NCES), tỷ lệ nam sinh bỏ học có thể là 30 phần trăm nhiều hơn nữ sinh ở trường trung học lẫn đại học. … Dự tính đến năm 2016, 60 phần trăm phụ nữ sẽ nhận được bằng cử nhân, 63 phần trăm có bằng cao học, và 54 phần trăm có bằng tiến sĩ. Hai phần ba số học sinh trong chương trình giáo dục đặc biệt dành cho học sinh chậm tiến đều là nam sinh.”3
Một số đàn ông và thiếu niên coi các tín hiệu tiêu cực như là một cái cớ để trốn tránh trách nhiệm và không bao giờ thực sự trưởng thành. Với sự quan sát thường quá chính xác, một giáo sư đại học nhận xét: “Đàn ông vào lớp học với cái mũ lưỡi trai đội ngược và lời bào chữa [không thỏa đáng của họ] là ‘cái chương trình vi tính dùng để viết văn bản đã làm hỏng bài tập của tôi’. Trong khi đó, phụ nữ đang kiểm soát lịch trình hằng ngày của họ và xin giấy giới thiệu để đi học trường luật.”4 Một nhà nữ phê bình phim bày tỏ quan điểm đầy mỉa mai rằng “những gì chúng tôi có thể trông cậy vào đàn ông, nếu chúng tôi may mắn và lựa chọn để có một người cộng sự, thì chỉ được như thế thôi—một người cộng sự. Một người nào đó đứng vào chỗ riêng của mình ngay cả khi người ấy tôn trọng vị thế riêng của chúng tôi.”5
Thưa các anh em, đối với chúng ta thì điều này không thể được như vậy. Là những người nam có chức tư tế, chúng ta có một vai trò thiết yếu để đóng góp trong xã hội, ở nhà, và trong Giáo Hội. Nhưng chúng ta cần phải là người đàn ông mà phụ nữ có thể tin cậy, trẻ em có thể tin cậy, và Thượng Đế có thể tin cậy. Trong Giáo Hội và vương quốc của Thượng Đế trong những ngày sau này, chúng ta không thể có các thiếu niên và những người đàn ông không tham gia. Chúng ta không thể có các thiếu niên thiếu kỷ luật tự giác và chỉ sống để vui chơi. Chúng ta không thể có những người thành niên trẻ tuổi không có mục tiêu cho tương lai, là những người không nghiêm túc trong việc lập gia đình và đóng góp thực sự cho thế giới này. Chúng ta không thể có những người chồng và người cha không lãnh đạo về mặt tinh thần trong nhà. Chúng ta không thể có những người sử dụng Thánh Chức Tư Tế theo Ban của Vị Nam Tử của Thượng Đế, lãng phí sức mạnh của họ trong hình ảnh sách báo khiêu dâm hoặc dành cuộc sống của họ cho mạng Internet và máy vi tính (mỉa may thay, điều đó là thuộc vào thế gian mà không sống trong thế gian).
Thưa các anh em, chúng ta có công việc phải làm.
Các em thiếu niên, các em cần phải học giỏi trong trường rồi học tiếp sau khi tốt nghiệp trung học. Một số các em sẽ muốn theo học ở trường đại học và theo đuổi nghề nghiệp trong ngành kinh doanh, nông nghiệp, chính quyền, hoặc các ngành nghề khác. Một số các em sẽ xuất sắc trong lãnh vực mỹ thuật, âm nhạc, hoặc giảng dạy. Những em khác sẽ chọn sự nghiệp trong quân đội hoặc học nghề. Trong những năm qua, tôi đã có một số người thợ lành nghề làm việc trong các dự án sửa chữa ở nhà của tôi, và tôi đã ngưỡng mộ sự siêng năng làm việc và kỹ năng của những người này. Điều thiết yếu là các em phải trở nên thông thạo trong bất cứ nghề nghiệp nào mà các em chọn để có thể nuôi gia đình cũng như đóng góp hữu ích cho cộng đồng và đất nước của mình.
Mới gần đây tôi có xem một video cho thấy một ngày trong cuộc sống của một thiếu niên 14 tuổi ở Ấn Độ tên là Amar. Em dậy sớm và làm hai công việc, trước và sau giờ học, sáu ngày rưỡi một tuần. Thu nhập của em là một phần đáng kể cho sinh kế của gia đình em. Em vội vã về nhà trên chiếc xe đạp cũ kỹ từ công việc thứ hai sau khi trời tối và bằng cách nào đó tìm ra được một vài giờ để làm bài tập trước khi ngả lưng xuống cái giường của mình trên sàn nhà vào khoảng mười một giờ đêm giữa các anh chị em của em đang ngủ. Mặc dù tôi chưa bao giờ gặp em ấy, nhưng tôi cảm thấy hãnh diện về em ấy vì tính siêng năng và lòng dũng cảm của em ấy. Em ấy đang làm hết sức mình với nguồn tài nguyên và cơ hội giới hạn, và em ấy là một phước lành cho gia đình của em ấy.
Các anh em là những người lớn—những người cha, người thành niên, người lãnh đạo, thầy giảng tại gia—là những người gương mẫu xứng đáng và giúp thế hệ đang vươn lên là các thiếu niên trở thành đàn ông. Hãy dạy cho họ các kỹ năng giao thiệp và các kỹ năng khác: cách tham gia vào một cuộc chuyện trò, cách làm quen và giao tiếp với người khác, cách nói chuyện và hiểu phụ nữ cũng như thiếu nữ, cách phục vụ, cách vận động tích cực và vui hưởng các sinh hoạt giải trí, cách theo đuổi sở thích mà không trở nên bị nghiện, cách để sửa chữa lỗi lầm và có những lựa chọn tốt hơn.
Và như vậy, đối với tất cả những người đang lắng nghe, bất cứ nơi nào sứ điệp này có thể đến với các anh em, tôi nói như Đức Giê Hô Va đã nói cùng Giô Suê: “Hãy vững lòng bền chí” (Giô Suê 1:6). Hãy can đảm và chuẩn bị hết sức mình, bất cứ hoàn cảnh của mình ra sao đi nữa. Hãy chuẩn bị để làm một người chồng và người cha tốt; chuẩn bị để làm một công dân tốt và hữu ích; chuẩn bị để phục vụ Chúa, là Đấng mà các anh em đang nắm giữ chức tư tế của Ngài. Cho dù các anh em đang ở bất cứ nơi nào, Cha Thiên Thượng đều quan tâm đến các anh em. Các anh em không cô đơn đâu; các anh em có chức tư tế và ân tứ Đức Thánh Linh.
Trong số nhiều chỗ các anh em đang được cần đến, thì một trong những chỗ quan trọng nhất là nhóm túc số chức tư tế của các anh em. Chúng ta cần nhiều nhóm túc số để mang đến sự nuôi dưỡng thuộc linh cho các tín hữu vào ngày Chủ Nhật cũng như phục vụ. Chúng ta cần những người lãnh đạo của nhóm túc số tập trung vào làm công việc của Chúa, và hỗ trợ các thành viên của nhóm túc số cũng như gia đình của họ.
Hãy nghĩ đến công việc truyền giáo. Các em thiếu niên, các em không có thời gian để lãng phí. Các em không thể chờ để nghiêm túc chuẩn bị cho đến khi 17 hoặc 18 tuổi. Các nhóm túc số Chức Tư Tế A Rôn có thể giúp các thành viên của mình hiểu được lời thề và giao ước của chức tư tế và sẵn sàng cho sự sắc phong làm anh cả; các nhóm này có thể giúp các thành viên hiểu và chuẩn bị cho các giáo lễ của đền thờ; và các nhóm túc số này có thể giúp các thành viên sẵn sàng làm cho công việc truyền giáo được thành công. Các nhóm túc số Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và Hội Phụ Nữ có thể giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị những người truyền giáo biết Sách Mặc Môn và sẽ đi truyền giáo với lòng cam kết trọn vẹn. Và trong mỗi tiểu giáo khu và chi nhánh, cũng các nhóm túc số này có thể hợp tác hữu hiệu với những người truyền giáo toàn thời gian đang phục vụ ở đó.
Chủ Tịch Thomas S. Monson đã lặp lại lời kêu gọi của Đấng Cứu Rỗi là một công việc liên quan mà chủ yếu là trách nhiệm của chức tư tế, để giải cứu những người đã rời xa phúc âm hoặc những người đã trở nên bất mãn vì bất cứ lý do nào. Chúng tôi đã thành công rất nhiều trong nỗ lực này, kể cả công việc xuất sắc của các thiếu niên. Một nhóm túc số Chức Tư Tế A Rôn trong Tiểu Giáo Khu Tây Ban Nha Rio Grande ở Albuquerque, New Mexico, đã hội ý với nhau xem họ có thể mang trở lại người nào, và sau đó cùng đi theo nhóm đến thăm mỗi người này. Một em thiếu niên nói: “Khi họ đến cửa nhà em, em cảm thấy rất quan trọng,” và một người khác tâm sự: “Em cảm thấy vui trong lòng vì một người nào đó thật sự muốn em đi nhà thờ; điều đó làm cho em muốn đi nhà thờ bây giờ.” Khi các thành viên trong nhóm túc số mời một thiếu niên trở lại, họ yêu cầu em này đến nhà thờ với họ vào lần đến thăm sau, và em này đã làm như vậy. Họ không những mời em ấy tham dự nhà thờ; mà họ còn làm cho em này trở thành một phần của nhóm túc số ngay lập tức.
Một công việc khó khăn nhưng thú vị của chức tư tế là lịch sử gia đình và đền thờ. Hãy đợi một lá thư của Đệ Nhất Chủ Tịch đoàn sắp tới đề cập đến một sự kêu gọi mới và một tầm nhìn xa hơn về phần công việc thiết yếu này mà chúng ta đều phải làm.
Nhóm túc số của chúng ta cũng tạo thành một tình huynh đệ tương trợ lẫn nhau. Chủ Tịch Gordon B. Hinckley có lần đã nói: “Thưa các anh em, đó sẽ là một ngày kỳ diệu—đó sẽ là một ngày hoàn thành các mục đích của Chúa—khi các nhóm túc số chức tư tế của chúng ta trở thành sức mạnh cho mỗi người nam thuộc vào nhóm túc số đó, khi mỗi người nam như vậy có thể nói một cách thích hợp: ‘tôi là thành viên của một nhóm túc số chức tư tế của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi sẵn sàng trợ giúp các anh em của tôi với tất cả các nhu cầu của họ, vì tôi tin rằng họ cũng sẵn sàng trợ giúp tôi với nhu cầu của tôi. Khi làm việc với nhau, chúng ta có thể không bối rối và sợ hãi chống lại mọi ngọn gió của nghịch cảnh có thể thổi tới, cho dù đó là về kinh tế, xã hội, hay tinh thần.”6
Mặc dù chúng ta bỏ ra hết nỗ lực, nhưng những sự việc không luôn luôn xảy ra như chúng ta đã hoạch định, và một “ngọn gió của nghịch cảnh” có thể đến với cuộc sống của một người là thất nghiệp. Một cuốn cẩm nang của Giáo Hội lúc ban đầu nói về an sinh có ghi: “Việc một người mất việc làm là mối quan tâm đặc biệt đối với Giáo Hội vì khi mất khả năng làm việc, người ấy bị thử thách như Gióp đang bị thử thách—về tính liêm khiết của mình. Khi những ngày kéo dài thành những tuần lễ, rồi tháng và thậm chí thành những năm đầy nghịch cảnh, thì nỗi đau khổ càng nhiều hơn. … Giáo Hội không thể hy vọng sẽ cứu được một người vào ngày Chủ Nhật nếu trong tuần người ấy trải qua những thử thách nghiêm trọng nhưng không làm gì cả đối với những thử thách đó.”7
Trong tháng Tư năm 2009, vị cựu cố vấn trong Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa là Richard C. Edgley đã kể câu chuyện về một nhóm túc số gương mẫu đã huy động sự trợ giúp một thành viên bị thất nghiệp:
“Tiệm sửa xe Phil’s Auto ở Centerville, Utah, là một bằng chứng về điều mà giới lãnh đạo chức tư tế và một nhóm túc số có thể hoàn thành. Phil là một thành viên thuộc nhóm túc số các anh cả và là thợ máy làm việc tại một tiệm sửa xe ở địa phương. Rủi thay, tiệm sửa xe nơi Phil làm việc gặp khó khăn về kinh tế và đã phải cho Phil nghỉ việc. Anh ấy rất khổ sở trước cảnh ngộ này.
“Khi nghe được rằng Phil mất việc làm, vị giám trợ của anh là Leon Olsen, và chủ tịch đoàn nhóm túc số các anh cả đã thành tâm suy nghĩ xem họ có thể giúp Phil được tự lập như thế nào. Xét cho cùng, anh ấy là một thành viên, một người anh em, trong nhóm túc số và anh ấy cần sự giúp đỡ. Họ kết luận rằng Phil có kỹ năng để điều hành công việc kinh doanh tư nhân. Một thành viên thuộc nhóm túc số đề nghị rằng vì người ấy có một cái kho thóc cũ nên có lẽ có thể dùng để làm nơi sửa xe. Các thành viên khác của nhóm túc số có thể giúp thu góp các dụng cụ và đồ đạc cần thiết để trang bị cho cửa tiệm mới. Gần như ai trong nhóm túc số cũng đều có thể giúp đỡ, ít nhất là dọn dẹp cái kho thóc cũ.
“Họ chia sẻ ý kiến của mình với Phil rồi chia sẻ kế hoạch của họ với các thành viên trong nhóm túc số của họ. Kho thóc được dọn sạch và tân trang, các dụng cụ được thu góp, và tất cả đều được sắp xếp ngăn nắp theo thứ tự. Tiệm sửa xe Phil’s Auto thành công và cuối cùng đã dọn đến một địa điểm thường trực tốt hơn—tất cả cũng là nhờ vào các anh em trong nhóm túc số của anh đã đề nghị giúp đỡ trong tình trạng khủng hoảng.”8
Dĩ nhiên, như đã được các vị tiên tri lặp đi lặp lại trong những năm qua, “Công việc quan trọng nhất của Chúa mà các anh [chị] em làm sẽ luôn luôn là ở trong nhà riêng của mình.”9 Chúng ta có nhiều điều để làm nhằm củng cố hôn nhân trong xã hội càng ngày càng xem hôn nhân và mục đích của hôn nhân là không quan trọng. Chúng ta có nhiều việc phải làm trong việc dạy con cái mình phải “cầu nguyện, và bước đi ngay thẳng trước mặt Chúa” (GLGƯ 68:28). Nhiệm vụ của chúng ta không có gì hơn là giúp con cái mình cảm nhận sự thay đổi lớn lao trong lòng hoặc cải đạo theo Chúa, điều này đã được nhấn mạnh trong Sách Mặc Môn (xin xem Mô Si A 5:1–12; An Ma 26). Cùng với Hội Phụ Nữ, các nhóm túc số chức tư tế có thể xây dựng cho các bậc cha mẹ và hôn nhân, và các nhóm túc số có thể ban các phước lành của chức tư tế cho các gia đình có cha mẹ độc thân.
Thưa các anh em, vâng, chúng ta có công việc phải làm. Xin cám ơn các anh em về những hy sinh các anh em đã thực hiện và làm. Hãy tiếp tục làm như vậy và Chúa sẽ giúp các anh em. Đôi khi, các anh em có thể hoàn toàn không biết phải làm gì hoặc nói gì—chỉ cần tiến bước thôi. Hãy bắt đầu hành động, và Chúa bảo đảm rằng “một cánh cửa đầy hiệu năng sẽ mở ra cho [các anh em]” (GLGƯ 118:3). Hãy bắt đầu nói, và Ngài hứa: “Các ngươi sẽ không bị bối rối trước mặt mọi người; vì điều các ngươi phải nói sẽ được ban cho các ngươi chính trong giờ phút đó, phải, vào chính lúc đó” (GLGƯ 100:5–6). Đúng là trong nhiều phương diện, chúng ta chỉ là tầm thường và không hoàn hảo, nhưng chúng ta có một Đức Thầy hoàn hảo ban cho một Sự Chuộc Tội hoàn hảo, cũng như chúng ta kêu cầu ân điển và chức tư tế của Ngài. Khi hối cải và thanh tẩy tâm hồn của mình, chúng ta được hứa rằng chúng ta sẽ được giảng dạy và ban cho quyền năng từ trên cao (xin xem GLGƯ 43:16).
Giáo Hội, thế gian và phụ nữ đang cần những người đàn ông, những người đàn ông đang phát triển khả năng và tài năng của họ, là những người sẵn sàng làm việc và hy sinh, những người sẽ giúp đỡ người khác đạt được hạnh phúc và sự cứu rỗi. Họ đang kêu lên: “Hãy chỗi dậy, Hỡi những người đàn ông của Thượng Đế!”10 Xin Thượng Đế giúp chúng ta làm như vậy. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.