2012
Trở Thành một Môn Đồ Chân Chính
Tháng Mười Một năm 2012


Trở Thành một Môn Đồ Chân Chính

Elder Daniel L. Johnson

Trong khi tuân theo lệnh truyền của Ngài và phục vụ đồng bào của mình, chúng ta trở thành các môn đồ tốt hơn của Chúa Giê Su Ky Tô.

Những người trong chúng ta đã bước vào nước báp têm và tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh đều giao ước rằng chúng ta sẵn lòng mang lấy danh của Chúa Giê Su Ky Tô, hoặc nói cách khác, chúng ta tự tuyên bố mình là các môn đồ của Chúa. Chúng ta tái lập giao ước đó mỗi tuần khi dự phần Tiệc Thánh, và cho thấy vai trò môn đồ đó qua cách chúng ta sống. Vai trò môn đồ như vậy được thể hiện thật tuyệt diệu trong những sự kiện mới đây ở Mexico.

Đó là một mùa xuân tuyệt vời đối với các cộng đồng trồng trái cây ở miền bắc Mexico. Các cây ăn trái đang nở rộ và người ta kỳ vọng rất nhiều vào một mùa gặt dồi dào. Người ta đã lập kế hoạch để trả hết nợ, thay thế máy móc cần thiết và những vườn cây ăn trái già nua, cùng đáp ứng những cam kết cá nhân như học phí cho những người trong gia đình. Người ta đã lập kế hoạch cho những cuộc nghỉ hè của gia đình. Một bầu không khí lạc quan đang hiện diện ở đây. Rồi, vào một buổi chiều thứ Hai cuối tháng Ba, một trận bão mùa đông thổi vào, và tuyết bắt đầu rơi. Tuyết rơi cho đến ba giờ sáng. Rồi, khi các đám mây tan đi thì nhiệt độ tụt xuống nhanh. Trong suốt đêm và sáng sớm, người ta đã bỏ ra hết nỗ lực để cứu ít nhất là một phần hoa màu. Điều đó không có hiệu quả. Thời tiết quá lạnh, và hoa màu hoàn toàn bị đóng băng. Sẽ không có trái cây để thu hoạch và bán trong năm nay. Tảng sáng thứ Ba đến với sự mất mát đầy chán nản và thất vọng của tất cả các kế hoạch, kỳ vọng, và ước mơ tuyệt vời của mới ngày hôm trước.

Tôi nhận được email về buổi sáng thứ Ba khủng khiếp đó từ Sandra Hatch là vợ của John Hatch, lúc bấy giờ là đệ nhất cố vấn trong chủ tịch đoàn Đền Thờ Colonia Juárez Chihuahua. Tôi xin trích ra những phần của email đó: “John thức dậy sớm–khoảng 6 giờ 30–chạy đến đền thờ để xem chúng tôi có nên hủy bỏ phiên lễ buổi sáng hôm nay không. Anh ấy trở về nói rằng khu đậu xe và đường xá đều được dọn sạch tuyết, nên chúng tôi quyết định vẫn tiếp tục. Chúng tôi nghĩ rằng một số người phụ giúp trong đền thờ có thể không có vườn cây ăn trái nên họ sẽ đến, và chúng tôi có thể nhờ tất cả những người phụ giúp trong đền thờ để tham dự phiên lễ… . Thật là một sự việc đầy soi dẫn khi thấy hết người này đến người khác tới. Họ ở đó, sau khi đã thức trắng đêm, và nghĩ rằng họ đã thất thu vụ mùa rồi… . Tôi nhìn theo họ trong lúc chúng tôi chuẩn bị buổi họp, và họ trông rất khó để được tỉnh táo. Nhưng thay vì nghĩ rằng họ có một lý do để bào chữa cho việc không tới đền thờ, thì họ lại có mặt ở đó. Và có 38 người trong phiên lễ (một phiên lễ đông đủ người)! Đó là một buổi sáng nâng cao tinh thần đối với chúng tôi, và chúng tôi tạ ơn Cha Thiên Thượng về những người tốt đã làm bổn phận của họ, bất kể điều gì đã xảy ra. Tôi cảm nhận được một tinh thần đặc biệt ở đó vào buổi sáng hôm ấy. Tôi chắc chắn rằng Ngài đã hài lòng khi biết rằng chúng tôi yêu mến ngôi nhà của Ngài và cảm thấy rằng đó là một nơi tốt lành để có mặt vào một buổi sáng đầy khó khăn như vậy.”

Câu chuyện không kết thúc ở đó mà thật sự tiếp tục.

Hầu hết những người bị thất thu vụ mùa đều có một số đất dành sẵn mà trên đó họ trồng hoa mầu khác thay thế cho mùa ấy, chẳng hạn như ớt hay đậu. Những vụ mùa này có thể mang lại ít nhất một số thu nhập, đủ để sống sót cho đến khi thu hoạch vụ mùa năm tới. Tuy nhiên, có một anh tín hữu tốt bụng với một gia đình có con nhỏ không có đất dư và đang đương đầu với một năm không có thu nhập nào cả. Khi thấy hoàn cảnh khốn khổ của anh tín hữu này, những người khác trong cộng đồng đã tự khởi xướng cách giúp đỡ và sắp xếp một mảnh đất, sử dụng máy móc của họ để chuẩn bị cho mảnh đất, và cung cấp cây ớt để anh ấy trồng.

Tôi biết những người tôi mới vừa nói tới. Vì biết họ, nên tôi không ngạc nghiên trước điều họ đã làm. Nhưng những người không biết họ có lẽ sẽ đặt ra hai câu hỏi, cả hai câu hỏi này bắt đầu với từ tại sao. Tại sao họ chịu đến đền thờ để thực hiện bổn phận của họ và phục vụ sau khi đã thức trắng đêm, để rồi nhận ra rằng họ đã mất hết phần thu nhập lớn hơn của cả năm? Tại sao họ chịu sử dụng tài nguyên hiện rất khan hiếm và quý báu để giúp một người khác đang trong tình cảnh túng thiếu tuyệt vọng khi chính bản thân họ hiện đang ở trong tình trạng tài chính eo hẹp?

Nếu hiểu được ý nghĩa của việc làm môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, thì các anh chị em sẽ biết được câu trả lời cho hai câu hỏi này.

Việc lập giao ước để làm môn đồ của Đấng Ky Tô là khởi đầu của một tiến trình suốt đời, và con đường không hề dễ dàng. Trong khi chúng ta hối cải các tội lỗi của mình và cố gắng làm điều Ngài muốn chúng ta làm và phục vụ đồng bào của mình như Ngài đã phục vụ họ, thì chắc chắn là chúng ta sẽ trở thành giống như Ngài hơn. Để được giống như Ngài cùng hiệp một với Ngài là một mục đích và mục tiêu tối hậu—và về cơ bản chính là định nghĩa của vai trò môn đồ chân chính.

Như Đấng Cứu Rỗi đã hỏi các môn đồ của Ngài khi Ngài hiện đến lục địa Châu Mỹ: “Vậy nên, các ngươi nên là những người như thế nào?” Và rồi, để trả lời cho câu hỏi của Ngài, Ngài phán: “Quả thật, ta nói cho các người hay, các ngươi phải giống như ta vậy” (3 Nê Phi 27:27).

Việc trở thành giống như Đấng Cứu Rỗi không phải là một việc dễ dàng, nhất là trong một thế giới nơi chúng ta đang sống. Chúng ta gặp những trở ngại và nghịch cảnh hầu như mỗi ngày trong cuộc sống của mình. Điều này có một lý do, và đó là một trong số các mục đích chính của cuộc sống hữu diệt. Như chúng ta đọc trong Áp Ra Ham 3:25, ¨Và chúng ta sẽ thử thách họ bằng phương tiện này, để xem họ sẽ làm theo tất cả những gì Chúa, Thượng Đế của họ, sẽ truyền lệnh cho họ chăng.”

Những trắc nghiệm hay thử thách này thay đổi theo tính chất và cường độ. Nhưng không một ai sẽ rời cuộc sống trần thế này mà không trải qua những thử thách này. Hầu hết, chúng ta xem những thử thách như tình trạng thất thu vụ mùa hoặc mất việc làm, cái chết của một người thân, sự đau yếu, mất năng lực về thể chất, tình cảm hay cảm xúc, cảnh nghèo khó, hay mất bạn bè. Tuy nhiên, ngay cả việc đạt được các mục tiêu dường như đáng giá cũng có thể mang lại nguy cơ của riêng họ về niềm tự hào vô ích, khi chúng ta khát vọng danh lợi của loài người hơn là sự chấp thuận của thiên thượng. Những điều này có thể gồm có sự nổi tiếng của thế gian, sự thừa nhận của quần chúng, sức mạnh thể chất, tài năng về nghệ thuật, thể thao, sự thịnh vượng và giàu có. Đối với những thử thách trong ngày sau này, một số người trong chúng ta có thể có những cảm nghĩ tương tự như những cảm nghĩ đã được Tevye bày tỏ trong Fiddler on the Roof (Người Kéo Đàn trên Nóc Nhà): Nếu giàu có là một sự rủa sả, thì “cầu xin [Thượng Đế] giáng xuống tôi sự giàu có. Và cầu xin cho tôi không bao giờ có thể bình phục!”1

Nhưng những loại thử thách của ngày sau này còn có thể làm nản chí, nguy hiểm và khó khăn hơn để khắc phục so với trước đây. Vai trò môn đồ của chúng ta sẽ được phát triển và được chứng tỏ không phải bằng loại thử thách chúng ta đang trải qua mà là chúng ta chịu đựng như thế nào. Như chúng ta đã đuợc Chủ Tịch Henry B. Eyring giảng dạy: “Vậy nên, thử thách lớn lao trong đời là để xem chúng ta có chịu lắng nghe và vâng theo lệnh truyền của Thượng Đế giữa những cơn bão tố trong đời không. Nó không phải là để chịu đựng cơn bão mà là để chọn điều đúng khi cơn bão hoành hành. Và bi kịch trong đời là bị đánh rớt trong cuộc trắc nghiệm đó và vì thế không đủ tiêu chuẩn để trở về mái nhà thiên thượng của chúng ta trong vinh quang” (“Sự Chuẩn Bị Thuộc Linh: Bắt Đầu Sớm và Hãy Kiên Định,” Liahona, tháng Mười Một năm 2005, 38).

Tôi hãnh diện được làm ông của 23 đứa cháu. Chúng không bao giờ ngừng làm tôi ngạc nhiên với sự hiểu biết của chúng về các lẽ thật vĩnh cửu, ngay cả khi chúng còn rất nhỏ và trẻ tuổi. Trong khi chuẩn bị bài nói chuyện này, tôi yêu cầu mỗi đứa gửi cho tôi một định nghĩa thật ngắn về ý nghĩa của việc làm môn đồ hoặc tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi nhận được những câu trả lời tuyệt vời từ tất cả chúng. Nhưng tôi muốn chia sẻ với các anh chị em câu trả lời này của Benjamin tám tuổi: “Việc làm môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô có nghĩa là làm gương. Điều này có nghĩa là làm và chuẩn bị làm người truyền giáo. Điều này có nghĩa là phục vụ những người khác. Điều này có nghĩa là ta đọc thánh thư và cầu nguyện. Điều này có nghĩa là ta giữ ngày Sa Bát được thánh. Điều này có nghĩa là ta lắng nghe sự thúc giục của Đức Thánh Linh. Điều này có nghĩa là đi nhà thờ và đi đền thờ.”

Tôi đồng ý với Benjamin. Vai trò môn đồ là làm và trở thành. Trong khi tuân theo lệnh truyền của Ngài và phục vụ đồng bào của mình, chúng ta trở thành các môn đồ tốt hơn của Chúa Giê Su Ky Tô. Sự vâng lời và tuân phục theo ý Ngài sẽ mang đến sự đồng hành của Đức Thánh Linh, cùng với các phước lành về sự bình an, niềm vui, và an toàn mà sẽ luôn luôn đi kèm theo Đấng thứ ba này của Thiên Chủ Đoàn. Và các phước lành đó không thể nào có được bằng bất cứ cách nào khác cả. Cuối cùng, chính là qua sự tuân phục hoàn toàn theo ý Ngài đã giúp chúng ta trở thành giống như Đấng Cứu Rỗi. Một lần nữa, việc trở thành giống như Ngài và hiệp một với Ngài là mục đích và mục tiêu tối hậu—và về cơ bản chính là định nghĩa của vai trò môn đồ chân chính.

Vai trò môn đồ là điều tôi đã thấy được thực hành trong Đền Thờ Colonia Juárez và trong những cánh đồng lân cận khi các anh chị em trong Giáo Hội đã khẳng định lại rằng họ cam kết với Thượng Đế và với nhau bất chấp những thử thách cực kỳ khó khăn.

Tôi làm chứng rằng khi chúng ta tuân theo các lệnh truyền của Ngài, phục vụ những người khác, và tuân phục theo ý muốn của Ngài, thì quả thật chúng ta sẽ trở thành các môn đồ chân chính của Ngài. Tôi làm chứng như vậy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.Ghi Chú

  1. Xin xem Joseph Stein, Jerry Bock, Sheldon Harnick, Fiddler on the Roof (1964), 61.