2012
Về Những Điều Hối Tiếc và Quyết Tâm
Tháng Mười Một năm 2012


Về Những Điều Hối Tiếc và Quyết Tâm

President Dieter F. Uchtdorf

Chúng ta càng tự dâng hiến mình cho việc theo đuổi điều thánh thiện và hạnh phúc, thì có thể sẽ ít có khuynh hướng trở nên hối tiếc hơn.

Về Những Điều Hối Tiếc

Thưa Chủ Tịch Monson, chúng tôi yêu mến chủ tịch. Cám ơn chủ tịch về lời loan báo đầy soi dẫn và lịch sử về việc xây cất các ngôi đền thờ mới và sự phục vụ truyền giáo. Nhờ vào những điều này, tôi biết chắc rằng những phước lành lớn lao sẽ đến với chúng ta và với nhiều thế hệ tuơng lai.

Thưa các anh chị em, các bạn thân mến! Tất cả chúng ta ai ai cũng sẽ chết. Tôi hy vọng rằng điều này không làm cho bất cứ ai trong chúng ta ngạc nhiên.

Không một ai trong chúng ta sống thật lâu trên thế gian. Chúng ta có một số năm quý báu trên thế gian, mà theo một góc nhìn vĩnh cửu, chỉ là con số của một cái chớp mắt.

Và rồi chúng ta ra đi. Linh hồn của chúng ta “được đem trở về với Thượng Đế là Đấng đã cho mình sự sống.”1 Thể xác chúng ta nằm xuống và chúng ta bỏ lại vật chất của thế gian này khi đi đến một nơi kế tiếp của sự sống.

Khi còn trẻ, dường như chúng ta sẽ sống mãi mãi. Chúng ta nghĩ rằng những ngày trong cuộc sống của mình là vô tận, và tương lai đối với chúng ta như là một con đường liên tục trải dài bất tận trước mắt.

Tuy nhiên, khi càng lớn tuổi hơn, chúng ta càng có khuynh hướng nhìn lại và kinh ngạc thấy con đường đó thật sự ngắn biết bao. Chúng ta tự hỏi những năm tháng đã có thể trôi qua nhanh chóng như thế nào. Và chúng ta bắt đầu nghĩ về những điều mình đã chọn và những điều mình đã làm. Trong tiến trình đó, chúng ta nhớ đến nhiều giây phút tuyệt diệu đã mang đến hạnh phúc và niềm vui cho tâm hồn mình. Nhưng chúng ta cũng nhớ đến những điều hối tiếc—những điều chúng ta muốn có thể trở lại và thay đổi.

Một chị y tá chăm sóc cho những người bệnh sắp chết nói rằng chị ấy thường đặt ra một câu hỏi giản dị cho các bệnh nhân trong khi họ chuẩn bị lìa đời.

Chị thường hỏi: “Bạn có hối tiếc điều gì không?”2

Việc ở rất gần với ngày cuối cùng ấy trên trần thế thường làm cho người ta có ý nghĩ rõ ràng và mang đến sự hiểu biết và quan điểm. Vậy nên khi được hỏi về điều mình hối tiếc, những người này thổ lộ tâm tình của họ. Họ nghĩ về điều họ sẽ thay đổi nếu có thể trở lại từ đầu.

Khi xem xét điều họ đã nói, tôi rất ngạc nhiên thấy rằng các nguyên tắc cơ bản của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô có thể ảnh hưởng tốt đẹp đến hướng đi của cuộc sống chúng ta biết bao nếu chúng ta chịu áp dụng các nguyên tắc này.

Không có điều gì bí mật về các nguyên tắc phúc âm cả. Chúng ta đã học các nguyên tắc này trong thánh thư, chúng ta đã thảo luận các nguyên tắc này trong Trường Chủ Nhật, và chúng ta đã nghe các nguyên tắc này nhiều lần từ bục giảng. Các nguyên tắc và giá trị thiêng liêng này rất minh bạch và rõ ràng; các nguyên tắc này tuyệt diệu, uyên thâm và mạnh mẽ; và nhất định có thể giúp chúng ta tránh được những điều hối tiếc trong tương lai.

Ước Gì Tôi Đã Dành Ra Nhiều Thời Giờ Hơn với Những Người Tôi Yêu Thương

Có lẽ điều hối tiếc thông thường nhất mà các bệnh nhân sắp chết đã bày tỏ là ước gì họ đã dành ra nhiều thời giờ hơn với những người họ yêu thương.

Nhất là những người đàn ông thường bày tỏ nỗi buồn thông thường này—họ “rất tiếc đã dành quá nhiều thời giờ trong cuộc sống của mình để phát triển sự nghiệp.”3 Nhiều người đã bỏ lỡ cơ hội để có những kỷ niệm đặc biệt có được từ thời gian dành ra với gia đình và bạn bè. Họ bỏ lỡ cơ hội phát triển một mối liên kết chặt chẽ với những người quan trọng nhất đối với họ.

Có thật là chúng ta thường bận rộn không? Và, buồn thay, khi nghĩ rằng việc chúng ta bận rộn lại là một điều đáng vinh dự, thể như sự bận rộn tự nó là một thành tích hoặc dấu hiệu của một cuộc sống tốt lành.

Có phải vậy không?

Tôi nghĩ về Chúa và Đấng Gương Mẫu của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, và cuộc sống ngắn ngủi của Ngài ở giữa dân Ga Li Lê và Giê Ru Sa Lem. Tôi đã cố gắng tưởng tượng ra Ngài vội vã đi lại giữa các buổi họp hoặc làm nhiều việc cùng một lúc để hoàn thành những điều cấp bách trên bản liệt kê của Ngài.

Tôi không thể thấy được điều đó.

Thay vì thế, tôi thấy Vị Nam Tử của Thượng Đế sống mỗi ngày với một mục đích. Khi Ngài tiếp xúc với những người xung quanh Ngài, họ đều cảm thấy quan trọng và được yêu thương. Ngài biết giá trị vô hạn của những người Ngài gặp gỡ. Ngài ban phước cho họ, phục sự họ. Ngài nâng họ lên, chữa lành cho họ. Ngài ban cho họ ân tứ quý báu của thời giờ của Ngài.

Trong thời kỳ chúng ta, rất dễ dàng để chỉ giả vờ là dành thời giờ với những người khác. Với cái bấm chuột, chúng ta có thể “kết nối” với hằng ngàn “bạn bè” mà không hề gặp mặt một nguời nào. Công nghệ có thể là một điều kỳ diệu, và rất hữu ích khi chúng ta không thể ở gần những người thân của mình. Vợ chồng tôi sống rất xa những người yêu quý trong gia đình; chúng tôi biết điều đó như thế nào. Tuy nhiên, với tư cách là cá nhân và là một xã hội, tôi tin rằng chúng ta không tiến triển khi chúng ta kết nối với gia đình hay bạn bè hầu hết là qua việc đăng hình khôi hài trên mạng, gửi chuyển tiếp bằng email những điều tầm thường, hoặc kết nối những người thân yêu của chúng ta với các trang mạng trên Internet. Tôi nghĩ rằng loại sinh hoạt này có thể chấp nhận được trong một số trường hợp, nhưng chúng ta sẵn lòng bỏ ra bao nhiêu thời giờ cho sinh hoạt này? Nếu chúng ta không ban phát thời giờ riêng một cách tốt nhất và trọn vẹn cho những người thật sự quan trọng đối với mình, thì một ngày kia chúng ta sẽ hối tiếc điều đó.

Chúng ta hãy quyết tâm trân quý những người mình yêu thương bằng cách dành thời giờ đáng kể với họ, cùng làm việc chung với nhau, và tạo ra những kỷ niệm quý báu.

Ước Gì Tôi Đã Sống Với Tiềm Năng của Mình

Một điều hối tiếc khác mà người ta bày tỏ là họ đã không trở thành con người họ cảm thấy là họ có thể trở thành và đáng lẽ đã trở thành. Khi nhìn lại cuộc sống của mình, họ nhận thấy rằng họ đã không đạt được trọn tiềm năng của họ, và rằng họ đã bỏ dở quá nhiều điều.

Tôi đang nói ở đây không phải về việc tiến triển và đạt được thành công trong nhiều nghề nghiệp khác nhau của chúng ta. Cho dù sự tiến triển đó dường như lớn đến đâu đi nữa trên thế gian này thì cũng không đáng kể trong cuộc hành trình vĩnh cửu vĩ đại đang chờ đợi chúng ta.

Thay vì thế, tôi đang nói về việc trở thành con người mà Thượng Đế, Cha Thiên Thượng, có ý định muốn chúng ta trở thành.

Chúng ta đến thế gian này giống như lời của một thi sĩ: “đám mây vinh quang”4 từ tiền dương thế.

Cha Thiên Thượng thấy được tiềm năng thật sự của chúng ta. Ngài biết những điều về chúng ta mà bản thân chúng ta không biết. Ngài thúc giục chúng ta trong suốt cuộc đời để làm tròn mục đích tạo dựng của mình trên thế gian, để sống một cuộc sống ngay chính, và trở lại nơi hiện diện của Ngài.

Vậy thì tại sao chúng ta lại dành hết thời giờ và nghị lực của mình cho những thứ tạm bợ, không quan trọng, và nông cạn như vậy? Chúng ta có từ chối để thấy sự rồ dại trong khi theo đuổi điều tầm thường và nhất thời không?

Chẳng phải là khôn ngoan hơn để chúng ta “chứa của cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy” sao?5

Chúng ta làm điều này bằng cách nào? Bằng cách noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi, bằng cách kết hợp những lời giảng dạy của Ngài vào cuộc sống hằng ngày của mình, và bằng cách thật sự yêu mến Thượng Đế và đồng bào mình.

Chắc chắn là chúng ta không thể làm điều này nếu chúng ta trở thành môn đồ một cách miễn cưỡng, lo lắng không muốn mất thời giờ và than phiền về điều mình cần phải làm.

Đối với việc sống theo phúc âm, thì chúng ta không nên giống như một đứa bé chỉ nhúng ngón chân vào nước và rồi nói là đã bơi lội rồi. Là các con trai và con gái của Cha Thiên Thượng, chúng ta có khả năng để làm thêm rất nhiều điều. Vì thế, những ý định tốt không thôi thì không đủ. Chúng ta còn cần phải làm nữa. Còn quan trọng hơn nữa, chúng ta cần phải trở thành con người mà Cha Thiên Thượng muốn chúng ta trở thành.

Việc nói chứng ngôn của chúng ta về phúc âm là tốt, nhưng việc nêu tấm gương sống về phúc âm phục hồi còn tốt hơn nữa. Ước muốn để trung tín hơn với các giao ước của chúng ta là tốt; việc thật sự trung thành với các giao ước—kể cả sống một cuộc sống đức hạnh, đóng tiền thập phân và các của lễ, tuân giữ Lời Thông Sáng, và phục vụ những người đang hoạn nạn còn tốt hơn nhiều. Việc loan báo rằng chúng ta sẽ dành nhiều thời giờ hơn cho việc cầu nguyện, đọc thánh thư chung gia đình, và các sinh hoạt gia đình lành mạnh là tốt; nhưng việc thật sự đều đặn làm tất cả những điều này sẽ mang đến các phước lành của thiên thượng vào cuộc sống của chúng ta.

Vai trò môn đồ là nhằm theo đuổi điều thánh thiện và hạnh phúc. Đó là con đường tốt nhất và hạnh phúc cho bản thân chúng ta.

Chúng ta hãy quyết tâm noi theo Đấng Cứu Rỗi và chuyên tâm cố gắng trở thành con người mà mình đã được hoạch định để trở thành. Chúng ta hãy lắng nghe và tuân theo những thúc giục của Đức Thánh Linh. Khi chúng ta làm như vậy, Cha Thiên Thượng sẽ mặc khải cho chúng ta những điều mình không bao giờ biết được về bản thân. Ngài sẽ soi sáng con đường cho chúng ta và giúp chúng ta thấy những tài năng mình không hề biết nhưng có thật.

Chúng ta càng tự dâng hiến mình cho việc theo đuổi điều thánh thiện và hạnh phúc, thì có thể sẽ ít có khuynh hướng trở nên hối tiếc hơn. Chúng ta càng trông cậy vào ân điển của Đấng Cứu Rỗi thì chúng ta càng cảm thấy rằng mình đang ở trên con đường mà Cha Thiên Thượng đã có ý định dành cho chúng ta trong cuộc sống.

Ước Gì Tôi Đã Để Cho Mình được Hạnh Phúc Hơn

Một điều hối tiếc khác của những người biết rằng họ sắp chết có lẽ hơi đáng ngạc nhiên. Họ ước gì đã để cho mình được hạnh phúc hơn.

Chúng ta thường nuôi ảo tưởng rằng có một điều gì đó ngoài tầm tay với của mình mà sẽ mang đến hạnh phúc cho chúng ta—một hoàn cảnh gia đình tốt hơn, một tình trạng tài chính tốt hơn, hoặc thử thách gay go được chấm dứt.

Chúng ta càng lớn tuổi, thì càng nhìn lại và nhận thấy rằng những hoàn cảnh bên ngoài không thật sự quan trọng hoặc không quyết định hạnh phúc của chúng ta.

Chúng ta mới là quan trọng. Chúng ta quyết định hạnh phúc của mình.

Cuối cùng, chính các anh chị em và tôi quyết định hạnh phúc của mình.

Vợ tôi Harriet, và tôi thích đạp xe đạp. Thật là kỳ diệu để đi ra ngoài và vui hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên. Chúng tôi thích đạp xe theo một vài lộ trình, nhưng chúng tôi không lưu ý quá nhiều xem mình đã đi được bao xa hoặc tốc độ đạp xe của chúng tôi so với những người khác.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi nghĩ rằng chúng tôi cần phải tranh đua thêm một chút. Tôi còn nghĩ rằng chúng tôi có thể có thêm thời giờ hoặc đạp xe với tốc độ nhanh hơn nếu cố gắng thêm một chút. Và rồi đôi khi tôi còn mắc lỗi lớn khi nói cho người vợ tuyệt vời của mình nghe về ý kiến này.

Phản ứng điển hình của bà trước những lời đề nghị này của tôi là luôn luôn tử tế, rất rõ ràng và rất thẳng thắn. Bà mỉm cười và nói: “Dieter à, đây không phải là cuộc đua; đây là một cuộc hành trình. Hãy vui hưởng giây phút đó.”

Vợ tôi nói đúng biết dường nào!

Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta trở nên quá tập trung vào điểm tới, đến đỗi chúng ta quên tìm ra niềm vui trong cuộc hành trình. Tôi không đạp xe đạp với vợ tôi vì tôi phấn khởi về việc hoàn tất cuộc hành trình. Tôi đạp xe vì kinh nghiệm được ở cạnh bên bà thật là tuyệt diệu và thú vị.

Dường như không phải là điều rồ dại khi bỏ lỡ những kinh nghiệm tuyệt diệu và vui vẻ vì chúng ta luôn luôn mong đợi giây phút những kinh nghiệm này chấm dứt sao?

Chúng ta có lắng nghe ca khúc tuyệt vời trong khi chờ đợi nốt nhạc cuối cùng đang nhỏ dần trước khi cho phép mình thật sự thưởng thức ca khúc đó không? Không. Chúng ta lắng nghe và liên kết với mỗi nốt nhạc và mỗi lời ca.

Chúng ta có dâng lời cầu nguyện của mình chỉ với tiếng “A Men” hoặc mong đến lúc kết thúc trong tâm trí của mình không? Dĩ nhiên là không. Chúng ta cầu nguyện để được gần gũi với Cha Thiên Thượng, để nhận được Thánh Linh của Ngài và cảm nhận được tình yêu thương của Ngài.

Chúng ta chớ nên chờ đợi được hạnh phúc cho đến khi đạt tới một thời điểm tương lai nào đó, để rồi khám phá ra rằng hạnh phúc đã có sẵn—lúc nào cũng vậy! Cuộc sống không phải chỉ để được cảm kích khi nghĩ về quá khứ. Tác giả Thi Thiên đã viết: “Nầy là ngày Đức Giê Hô Va làm nên … , Chúng tôi sẽ mừng rỡ và vui vẻ trong ngày ấy.”6

Thưa các anh chị em, dù hoàn cảnh của chúng ta như thế nào đi nữa, dù những thử thách hay gian khổ của chúng ta ra sao, thì cũng có một điều gì đó mỗi ngày để vui hưởng và trân quý. Có một điều gì đó mỗi ngày có thể mang đến lòng biết ơn và niềm vui nếu chúng ta chịu thấy và cảm kích điều đó.

Có lẽ chúng ta nên nhìn ít hơn bằng mắt của mình và nhiều hơn bằng tấm lòng của mình. Tôi thích câu trích dẫn: “Một người chỉ thấy rõ bằng tấm lòng. Bất cứ điều gì thiết yếu thì mắt không thấy được.”7

Chúng ta được truyền lệnh “phải tạ ơn trong mọi việc.”8 Vậy nên không phải là tốt hơn để thấy bằng mắt và bằng tấm lòng ngay cả những điều nhỏ nhặt mà chúng ta cũng có thể tạ ơn, thay vì tập trung vào điều tiêu cực trong tình trạng hiện tại của mình sao?

Chúa có hứa: “Kẻ nào tiếp nhận mọi điều với lòng biết ơn thì sẽ được làm vinh quang; và những của cải trên thế gian này sẽ được ban thêm cho kẻ ấy, phải, ngay cả gấp trăm lần thêm nữa.”9

Thưa các anh chị em, với các phước lành dồi dào của Cha Thiên Thượng, kế hoạch cứu rỗi rộng lượng của Ngài, các lẽ thật thiêng liêng của phúc âm phục hồi, và nhiều vẻ đẹp của cuộc hành trình trên trần thế này, thì “chúng ta không có lý do để hoan hỷ hay sao?”10

Do đó, chúng ta hãy quyết tâm để được hạnh phúc.

Về Những Quyết Tâm

Một ngày nào đó, rồi chúng ta sẽ qua đời. Một ngày nào đó rồi chúng ta sẽ nhìn lại cuộc sống của mình và tự hỏi chúng ta có lẽ đã tốt hơn, có lẽ đã có những quyết định tốt hơn hoặc sử dụng thời giờ của mình một cách khôn ngoan hơn.

Để tránh hối tiếc nhiều trong cuộc đời, chúng ta nên sáng suốt quyết tâm ngày hôm nay. Do đó, chúng ta hãy:

  • Quyết tâm dành nhiều thời giờ hơn với những người mình yêu thương.

  • Quyết tâm cố gắng một cách nghiêm túc hơn để trở thành con người mà Thượng Đế muốn chúng ta trở thành.

  • Quyết tâm tìm kiếm hạnh phúc, dù hoàn cảnh của chúng ta là gì đi nữa.

Tôi làm chứng rằng nhiều điều chúng ta thấy hối tiếc nhất trong tương lai có thể được ngăn ngừa bằng cách noi theo Đấng Cứu Rỗi ngày hôm nay. Nếu chúng ta đã phạm tội hoặc phạm lỗi lầm—nếu chúng ta đã có những sự lựa chọn nhưng bây giờ hối tiếc—thì chúng ta có ân tứ quý báu của Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô, mà qua đó chúng ta có thể được tha thứ. Chúng ta không thể quay ngược lại thời gian, và thay đổi quá khứ, nhưng chúng ta có thể hối cải. Đấng Cứu Rỗi có thể lau khô giọt nước mắt hối tiếc của chúng ta11 và cất đi gánh nặng tội lỗi của chúng ta.12 Sự Chuộc Tội của Ngài cho phép chúng ta bỏ lại sau lưng quá khứ và tiến tới với đôi tay trong sạch và tấm lòng thanh khiết,13 cũng như một quyết tâm để làm giỏi hơn và trở thành người tốt hơn.

Vâng, cuộc sống này trôi qua rất nhanh; những ngày của chúng ta dường như phai tàn nhanh chóng; và đôi khi cái chết dường như hiện ra với nỗi kinh hoàng. Tuy nhiên, linh hồn của chúng ta sẽ tiếp tục sống và một ngày nào đó sẽ được tái hợp với thể xác được phục sinh của chúng ta để nhận được vinh quang bất diệt. Tôi long trọng làm chứng rằng nhờ vào Đấng Ky Tô đầy lòng thương xót, chúng ta sẽ sống lại và vĩnh viễn. Nhờ vào Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc, một ngày nào đó, chúng ta sẽ thật sự hiểu và hân hoan trong ý nghĩa của câu “nọc của sự chết đã bị nuốt mất trong Đấng Ky Tô.”14

Con đường hướng đến việc làm tròn số mệnh thiêng liêng của chúng ta với tư cách là các con trai và con gái của Thượng Đế là một con đường vĩnh cửu. Thưa các anh chị em, các bạn thân mến, chúng ta phải bắt đầu bước đi trên con đường đó ngày hôm nay; chúng ta không thể lãng phí một ngày nào nữa. Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ không chờ cho đến khi sắp chết để thật sự học cách sống. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.