2012
Trở Thành Các Bậc Cha Mẹ Hiền
Tháng Mười Một năm 2012


Trở Thành Các Bậc Cha Mẹ Hiền

Elder L. Tom Perry

Có nhiều cách các bậc cha mẹ hiền có thể được giúp đỡ và hỗ trợ cần thiết để giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô cho con cái của họ.

Tôi đã đạt tới một sự kiện quan trọng vào mùa hè này—Tôi ăn mừng sinh nhật thứ 90 của mình. Khi ta đạt tới những sự kiện nào đó trong cuộc sống của mình, thì rất hữu ích và hữu dụng để ngẫm nghĩ về những sự kiện và kinh nghiệm của thời đã qua. Các em trẻ tuổi đang lắng nghe hoặc đọc bài nói chuyện này có thể không có ấn tượng gì mấy với một người đã sống đến 90 tuổi, nhưng vào lúc tôi sinh ra, việc sống thọ như vậy được xem là một thành tích lớn. Mỗi ngày tôi đều biết ơn Cha Thiên Thượng đã ban phước cho tôi với một cuộc sống thọ.

Có rất nhiều điều đã thay đổi trong suốt cuộc đời của tôi. Tôi đã thấy sự phát triển của thời đại công nghệ và thời đại tin học. Xe hơi sản xuất hàng loạt, và điện thoại và máy bay là những sáng tạo quan trọng trong thời thơ ấu của tôi. Ngày nay, cách chúng ta tìm kiếm, chia sẻ và sử dụng thông tin thay đổi hầu như mỗi ngày. Vào tuổi này, tôi rất kinh ngạc trước sự thay đổi nhanh chóng của thế giới nơi chúng ta đều đang sống. Rất nhiều phát minh ngày nay kích thích óc tưởng tượng có tiềm năng làm cho cuộc sống của chúng ta được tốt hơn.

Với tất cả những thay đổi nhanh chóng xảy ra xung quanh, chúng ta nghiêm túc cầu nguyện và cố gắng để bảo đảm rằng các giá trị của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô vẫn tồn tại. Một số giá trị này đang có nguy cơ bị mất. Một giá trị nằm ở đầu bản liệt kê và là điều kẻ nghịch thù chủ yếu nhắm vào, là sự thiêng liêng của hôn nhân và tầm quan trọng chính yếu của gia đình. Hai điều này tạo thành một mái gia đình bền vững và an toàn trong đó mỗi người con của Cha Thiên Thượng nhân từ có thể có được ảnh hưởng tốt và đạt được các giá trị vĩnh cửu.

Trong khi mong đợi lễ ăn mừng sinh nhật 90 này trong cuộc đời của tôi, gia đình tôi bắt đầu giúp tôi nhớ lại và biết ơn đối với những kinh nghiệm trong cuộc sống thọ của tôi. Ví dụ, đứa cháu gái bà con thu góp và chia sẻ với tôi vài lá thư tôi đã viết cho cha mẹ tôi cách đây gần 70 năm từ căn cứ lính thủy đánh bộ của tôi trên hòn đảo Saipan thuộc vùng Thái Bình Dương trong Đệ Nhị Thế Chiến.

Một trong các lá thư này làm cho tôi đặc biệt chú ý. Đó là là một lá thư tôi viết cho mẹ tôi để bà mở ra đọc vào ngày Lễ Mẹ của năm 1945. Tôi xin chia sẻ một vài phần của lá thư này với các anh chị em với hy vọng rằng các anh chị em sẽ thấy tại sao tôi sẽ mãi mãi biết ơn cha mẹ nhân từ của tôi về các bài học tôi đã học được từ lời giảng dạy của họ trong nhà. Cha mẹ tôi là tấm gương sáng nhất tôi vẫn còn nhớ được về các bậc cha mẹ hiền đã đặt hôn nhân của họ và việc nuôi nấng con cái làm ưu tiên cao nhất của họ một cách thích hợp.

Lá thư tôi viết trong ngày Lễ Mẹ của năm 1945 bắt đầu như sau:

“Mẹ kính mến,

“Trong bốn năm vừa qua, con đã gặp nhiều bất hạnh khi ở xa mẹ vào ngày Lễ Mẹ. Mỗi năm, con đều muốn được ở cạnh mẹ và nói với mẹ là con yêu mẹ biết bao và nghĩ về mẹ nhiều biết bao, nhưng vì một lần nữa điều này không thể thực hiện được, nên con sẽ phải làm điều tốt kế tiếp và gửi những ý nghĩ của con qua thư từ.

“Năm nay, hơn bao giờ hết so với những năm khác, con nhận biết rằng việc có được một người mẹ tuyệt vời đã giúp đỡ con như thế nào. Trước hết, con nhớ những điều nhỏ nhặt mẹ thường làm cho con. Bất cứ lúc nào ra khỏi giường vào buổi sáng, con chưa hề bao giờ phải lo lắng là sẽ tìm ra một cái áo sơ mi và đôi vớ sạch hay không. Con chỉ cần mở tủ ra, và con sẽ tìm thấy chúng. Vào bữa ăn, con luôn luôn biết rằng con sẽ tìm ra một món ăn ưa thích được nấu ngon nhất. Vào buổi tối, con luôn luôn biết rằng con sẽ tìm thấy những tấm trải giường sạch sẽ trên giường và đủ chăn đắp để giữ cho con được thoải mái. Cuộc sống ở nhà thật sự là một niềm vui khôn xiết.”

Khi đọc hai đoạn đầu của lá thư này, tôi đã sửng sốt thấy hai đoạn thư này được viết thật cảm động biết bao. Có lẽ, cuộc sống trong một cái lều và ngủ trong màn chống muỗi trong trại lính đã làm cho ý nghĩ của tôi quay về với căn nhà thật đặc biệt của mình.

Lá thư của tôi viết cho mẹ tôi tiếp tục:

“Nhưng cảm nghĩ sâu đậm hơn của con đối với mẹ là nhờ vào tấm gương mẹ nêu lên cho con thấy. Cuộc sống của gia đình chúng ta rất vui vẻ đến nỗi chúng con muốn noi theo gương mẹ, tiếp tục cảm nhận cùng một niềm vui mà chúng con có lúc còn nhỏ. Mẹ luôn luôn dành ra thời giờ để dẫn gia đình đi chơi núi, và chúng con có thể trông cậy vào mẹ để làm bất cứ điều gì từ việc leo núi đến chơi banh với chúng con. Cha Mẹ không bao giờ đi nghỉ hè một mình. Cha mẹ luôn luôn đi với gia đình. Giờ đây, con ở xa nhà nên con luôn luôn thích nói về cuộc sống của con ở nhà vì cuộc sống đó rất là vui vẻ. Giờ đây, con không thể bỏ qua những lời giảng dạy của mẹ vì hành động của con sẽ phản ảnh cách mẹ dạy dỗ con. Cuộc sống là một thử thách lớn đối với con để xứng đáng được gọi là con trai của Nora Sonne Perry. Con rất hãnh diện về danh hiệu này, và con hy vọng rằng con sẽ luôn luôn xứng đáng với cái danh hiệu ấy.

“Con hy vọng rằng năm tới, con sẽ được ở bên mẹ để cho mẹ thấy thời gian thú vị con đã dự tính sẽ cho mẹ thấy vào ngày Lễ Mẹ trong suốt bốn năm qua.

“Cầu xin Chúa ban phước cho mẹ trong tất cả những điều kỳ diệu mẹ đã làm cho thế gian đầy hỗn loạn này.

“Với tất cả lòng kính mến của con, Tom.”1

Khi đọc lại lá thư của mình, tôi cũng suy nghĩ về văn hóa của gia đình, tiểu giáo khu, giáo khu và cộng đồng nơi tôi đã lớn lên.

Văn hóa được định nghĩa như là lối sống của một dân tộc. Có một văn hóa phúc âm duy nhất, các giá trị và kỳ vọng cùng lối thực hành chung cho tất cả các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Văn hóa phúc âm này, hoặc lối sống, phát xuất từ kế hoạch cứu rỗi, các giáo lệnh của Thượng Đế, và những lời giảng dạy của các vị tiên tri tại thế. Văn hóa được thể hiện trong cách chúng ta nuôi dạy gia đình mình và sống cuộc sống cá nhân của mình.

Lời chỉ dạy đầu tiên cho A Đam về trách nhiệm trên trần thế của ông nằm trong Sáng Thế Ký 2:24: “Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ trở nên một thịt.”

Việc một người nam và người nữ kết hợp với nhau để được kết hôn một cách hợp pháp và hợp thức không những là sự chuẩn bị cho các thế hệ tương lai để thừa hưởng thế gian, mà còn mang đến niềm vui và mãn nguyện lớn nhất có thể tìm thấy được trong kinh nghiệm trần thế này. Điều này đặc biệt được dùng khi các quyền năng của chức tư tế tuyên bố rằng một cuộc hôn nhân phải cho thời tại thế lẫn suốt vĩnh cửu. Con cái sinh ra trong hôn nhân như vậy có một cảm giác an toàn mà không thể được tìm thấy ở một nơi nào khác.

Các bài học được các bậc cha mẹ hiền giảng dạy trong nhà ngày càng trở nên quan trọng trong thế gian ngày nay, là nơi ảnh hưởng của kẻ nghịch thù rất phổ biến. Như chúng ta biết, nó đang cố gắng làm suy yếu và hủy diệt nền tảng thật sự của xã hội chúng ta, là gia đình. Bằng cách ngụy trang tài tình và kỹ lưỡng, nó đang tấn công lòng cam kết với cuộc sống gia đình trên khắp thế gian và phá hoại ngầm nền văn hóa và các giao uớc của Các Thánh Hữu Ngày Sau trung tín. Cha mẹ cần phải quyết tâm rằng việc giảng dạy trong nhà là trách nhiệm thiêng liêng và quan trọng nhất. Trong khi các thể chế khác, như nhà thờ và trường học có thể phụ giúp cha mẹ “dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm Ngôn 22:6), thì trách nhiệm này cuối cùng vẫn thuộc vào cha mẹ. Theo như kế hoạch hạnh phúc vĩ đại, chính là các bậc cha mẹ hiền đã được giao phó cho việc chăm sóc và phát triển con cái của Cha Thiên Thượng.

Trong trách nhiệm lớn lao của chúng ta với tư cách là cha mẹ, có nhiều cách các bậc cha mẹ hiền có thể được giúp đỡ và hỗ trợ cần thiết để giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô cho con cái của họ. Tôi xin đề nghị năm điều cha mẹ có thể làm để làm cho văn hóa của gia đình đuợc vững mạnh hơn:

Trước hết, cha mẹ có thể thiết tha cầu nguyện để cầu xin Đức Cha Vĩnh Cửu giúp họ yêu thương, hiểu và hướng dẫn con cái Ngài đã gửi đến cho họ.

Thứ hai, họ có thể tổ chức việc cầu nguyện, đọc thánh thư chung gia đình, và các buổi họp tối gia đình và cùng ăn chung với nhau càng thường xuyên càng tốt, làm cho bữa ăn tối là thời gian giao tiếp và giảng dạy các giá trị đạo đức.

Thứ ba, cha mẹ có thể thụ hưởng trọn vẹn hệ thống hỗ trợ của Giáo Hội, giao tiếp với các giảng viên Hội Thiếu Nhi, những người lãnh đạo giới trẻ, các chủ tịch đoàn của lớp học và nhóm túc số của con cái họ. Qua việc giao tiếp với những người được kêu gọi và phong nhiệm để làm việc với con cái của các anh chị em, cha mẹ có thể cung ứng sự hiểu biết thiết yếu về những nhu cầu đặc biệt và riêng biệt của một đứa con.

Thứ tư, cha mẹ có thể thường xuyên chia sẻ chứng ngôn với con cái của mình, khuyến khích chúng tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế, và hứa các phước lành mà Cha Thiên Thượng đã hứa với các con cái trung tín của Ngài.

Thứ năm, chúng ta có thể tổ chức gia đình mình dựa theo các luật lệ và kỳ vọng rõ ràng, giản dị, những truyền thống và nghi thức lành mạnh của gia đình, và “kinh tế gia đình,” là nơi con cái có trách nhiệm trong nhà và có thể nhận được tiền tiêu vặt để chúng có thể học cách lập ngân sách, dành dụm và đóng tiền thập phân trên số tiền chúng kiếm được.

Những đề nghị này để tạo ra văn hóa gia đình vững mạnh hơn đều phù hợp với văn hóa của Giáo Hội. Các văn hóa gia đình của chúng ta đã được củng cố sẽ nhằm bảo vệ con cái chúng ta khỏi “những tên lửa của kẻ thù nghịch” (1 Nê Phi 15:24) là những điều được đặt vào văn hóa của bạn bè của chúng, văn hóa của thú giải trí và những người nổi tiếng được chúng ngưỡng mộ, văn hóa của tín dụng và quyền thụ hưởng, cũng như văn hóa của Internet và phương tiện truyền thông chúng liên tục tiếp cận. Các văn hóa vững mạnh của gia đình sẽ giúp con cái chúng ta sống trong thế gian chứ không trở thành “thuộc vào thế gian” (Giăng 15:19).

Chủ Tịch Joseph Fielding Smith dạy rằng: “Chính là bổn phận của cha mẹ là phải giảng dạy con cái họ các nguyên tắc phúc âm cứu rỗi này của Chúa Giê Su Ky Tô, để chúng sẽ biết được lý do tại sao chúng phải chịu phép báp têm và chúng có thể đạt được một ước muốn chân thành để tiếp tục tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế sau khi chịu phép báp têm, để chúng có thể trở lại nơi hiện diện của Ngài. Các anh chị em thân mến, các anh chị em có muốn gia đình, con cái mình không; các anh chị em có muốn được làm lễ gắn bó với cha mẹ của mình không…? Nếu có, thì các anh chị em cần phải bắt đầu giảng dạy từ lúc con cái còn thơ. Các anh chị em phải giảng dạy bằng tấm gương cũng như bằng lời giáo huấn.”2

Bản tuyên ngôn về gia đình nói rằng:

“Vợ chồng có một trách nhiệm trọng đại là phải yêu thương và chăm sóc lẫn nhau và cho con cái của mình. ‘Con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê Hô Va mà ra’ (Thi Thiên 127:3). Cha mẹ có bổn phận thiêng liêng là nuôi nấng con cái mình trong tình thương và sự ngay chính, cung cấp những nhu cầu vật chất và thuộc linh cho chúng, dạy dỗ chúng biết yêu thương và phục vụ lẫn nhau, tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế và là những công dân biết tuân theo các luật pháp ở bất cứ nơi nào chúng sinh sống . …

“… Qua kế hoạch thiêng liêng, những người cha phải chủ tọa gia đình mình trong tình thương yêu và sự ngay chính và có trách nhiệm cung cấp cho những nhu cầu cần thiết của cuộc sống và bảo vệ cho gia đình mình. Những người mẹ có trách nhiệm chính yếu để nuôi dưỡng con cái mình. Trong các trách nhiệm thiêng liêng này, những người cha và người mẹ có bổn phận giúp đỡ lẫn nhau với tư cách là những người bạn đời bình đẳng.”3

Tôi tin rằng chính là qua kế hoạch thiêng liêng mà vai trò làm mẹ nhấn mạnh đến việc nuôi dưỡng và giảng dạy cho thế hệ kế tiếp. Nhưng thật là tuyệt vời để thấy vợ chồng đã cố gắng làm những người bạn đời thật sự trong đó họ cùng nhau pha trộn ảnh hưởng và truyền đạt hữu hiệu về con cháu của họ và cho con cháu của họ.

Cuộc tấn công tà ác vào con cái của chúng ta thật là tinh vi và kịch liệt hơn bao giờ hết. Việc xây đắp một văn hóa vững mạnh trong gia đình góp phần bảo vệ nhiều hơn cho con cái chúng ta, che chở cho chúng khỏi những ảnh hưởng của thế gian.

Xin Thượng Đế ban phước cho các anh chị em là các bậc cha mẹ hiền trong Si Ôn. Ngài đã giao phó cho các anh chị em là con cái vĩnh cửu của Ngài để được chăm sóc. Là cha mẹ, chúng ta cộng sự với Thượng Đế, trong việc mang đến cho con cái của chúng ta công việc và vinh quang của Ngài. Bổn phận thiêng liêng của chúng ta là làm với hết khả năng của mình. Tôi làm chứng điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Thư do L. Tom Perry viết gửi cho mẹ ông nhân Ngày Lễ Mẹ, gửi đi từ Saipan, đề ngày 3 tháng Năm năm 1945.

  2. Joseph Fielding Smith, trong Conference Report, tháng Mười năm 1948, 153.

  3. “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, 129.