2012
Là Một Ky Tô Hữu Giống Như Đấng Ky Tô Hơn
Tháng Mười Một năm 2012


Là Một Ky Tô Hữu Giống Như Đấng Ky Tô Hơn

Elder Robert D. Hales

Đây là sự kêu gọi của Đấng Ky Tô cho mọi Ky Tô hữu ngày nay: “Hãy chăn chiên ta. … Hãy chăn chiên ta.”

Là một Ky Tô hữu có nghĩa là gì?

Một Ky Tô hữu là người có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, rằng Ngài đích thực là Con Trai của Thượng Đế, được Cha của Ngài gửi xuống để gánh chịu các tội lỗi của chúng ta trong một hành động yêu thương cao quý nhất mà chúng ta biết là Sự Chuộc Tội.

Một Ky Tô hữu là người tin rằng nhờ vào ân điển của Thượng Đế, Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta mới có thể hối cải, tha thứ cho những người khác, tuân giữ các lệnh truyền và thừa hưởng cuộc sống vĩnh cửu.

Từ Ky Tô hữu có nghĩa là chúng ta mang lấy danh của Đấng Ky Tô. Chúng ta làm điều này bằng cách chịu phép báp têm và tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh bằng phép đặt tay lên đầu bởi những người nắm giữ thẩm quyền của chức tư tế của Ngài.

Một Ky Tô hữu là người biết rằng trong suốt các thời đại, các vị tiên tri của Thượng Đế luôn luôn làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô. Cũng một Đấng Giê Su này, đã cùng với Cha Thiên Thượng hiện đến với Tiên Tri Joseph Smith vào năm 1820 và phục hồi phúc âm cũng như tổ chức Giáo Hội nguyên thủy của Ngài.

Nhờ vào thánh thư và lời chứng của Joseph Smith, chúng ta biết rằng Thượng Đế, Cha Thiên Thượng, có một thể xác vinh quang và trọn vẹn bằng xương bằng thịt. Chúa Giê Su Ky Tô là Con Độc Sinh của Ngài trong xác thịt. Đức Thánh Linh là một Đấng linh hồn, công việc của Ngài là làm chứng về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử. Thiên Chủ Đoàn là ba Đấng riêng biệt và khác biệt nhưng cùng hiệp một trong mục đích.

Với những giáo lý này làm nền tảng cho đức tin của chúng ta, thì có bất cứ mối nghi ngờ hay tranh luận nào về việc chúng ta, với tư cách là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, có phải là Ky Tô hữu không? Tuy nhiên, đối với mỗi Ky Tô hữu, vẫn còn có một câu hỏi giản dị: Chúng ta là loại Ky Tô hữu nào? Nói cách khác, chúng ta đang làm thế nào để noi theo Đấng Ky Tô trong cuộc hành trình của mình?

Xin hãy cùng tôi xem xét kinh nghiệm của hai môn đồ Ky Tô hữu:

“Khi Ngài đang đi dọc theo mé biển Ga Li Lê, thấy hai anh em kia, là Si Môn, cũng gọi là Phi E Rơ, với em mình là Anh Rê, đang thả lưới dưới biển, vì hai anh em vốn là người đánh cá.

“Ngài phán cùng hai người rằng: Các ngươi hãy theo ta, ta sẽ cho các ngươi nên tay đánh lưới người.

“Hai anh em liền bỏ lưới mà theo Ngài.”1

Là Ky Tô hữu ngày nay, chúng ta có cơ hội để hành động ngay lập tức, ngay tức khắc, và một cách dứt khoát, cũng giống như Phi E Rơ và Anh Rê đã làm: “Hai người bỏ chài lưới mà theo Ngài.”2 Chúng ta cũng được kêu gọi để bỏ lưới của mình, từ bỏ thói quen, phong tục và truyền thống của thế gian. Chúng ta cũng được kêu gọi phải từ bỏ tội lỗi của mình. “[Chúa Giê Su] kêu dân chúng … mà phán rằng: Nếu ai muốn theo ta, phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta.”3 Việc tự mình từ chối làm hành vi không tin kính là bắt đầu hối cải, điều đó mang đến một sự thay đổi lớn lao trong lòng cho đến khi chúng ta “không còn ý muốn làm điều tà ác nữa.”4

Sự thay đổi này, được gọi là sự cải đạo, chỉ có thể thực hiện được qua Đấng Cứu Rỗi mà thôi. Chúa Giê Su đã hứa: “Nếu loài người đến cùng ta, ta sẽ chỉ cho họ thấy sự yếu kém của họ…; và ân điển của ta cũng đủ để ban cho tất cả những ai biết hạ mình trước mặt ta; vì nếu họ biết hạ mình trước mặt ta và có đức tin nơi ta, thì lúc đó ta sẽ làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ đối với họ.”5 Khi chúng ta trở nên tốt hơn nhờ Đấng Ky Tô, thì bản tính của chúng ta thay đổi và không còn muốn trở lại với thói quen cũ của mình nữa.

Mặc dù thế, các Ky Tô hữu trung tín sẽ luôn luôn được phước để trải qua những nỗi khó khăn và thất vọng. Khi gặp phải những thử thách đã được tinh lọc này, chúng ta có thể bị cám dỗ để trở lại với thói quen cũ của mình. Sau khi Đấng Cứu Rỗi bị đóng đinh, Ngài đã hiện đến cùng các phụ nữ và cho họ biết rằng các anh em môn đồ sẽ tìm thấy Ngài ở Ga Li Lê. Khi trở lại Ga Li Lê, Vị Sứ Đồ trưởng Phi E Rơ cũng trở lại với điều ông đã biết—với điều ông đã cảm thấy thoải mái để làm. Ông giải thích: “Tôi đi đánh cá,”6 và mang theo vài môn đồ với ông.

Quả thật, Phi E Rơ và những người khác đã đánh cá suốt đêm nhưng không bắt được con cá nào cả. Buổi sáng hôm sau, Chúa Giê Su hiện ra trên bãi biển và kêu họ từ bên kia bờ: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền.” Các môn đồ ở trên thuyền nghe theo lời chỉ dạy của Ngài và nhanh chóng khám phá ra lưới của họ đầy cá đến tràn ra ngoài một cách kỳ diệu. Giăng nhận ra tiếng của Đấng Cứu Rỗi, và ngay lập tức Phi E Rơ nhảy xuống nước và lội vào bờ.7

Cùng các Ky Tô hữu đã trở lại với thói quen cũ, ít trung tín hơn, thì xin hãy suy nghĩ về tấm gương trung tín của Phi E Rơ. Chớ trì hoãn. Hãy đến nghe và nhận ra tiếng gọi của Đức Thầy. Rồi hãy trở lại với Ngài ngay lập tức và nhận được các phước lành dồi dào của Ngài một lần nữa.

Khi trở lại bờ, các anh em môn đồ thấy một bữa tiệc cá và bánh. Đấng Cứu Rỗi mời: “Hãy lại mà ăn.”8 Trong khi cho họ ăn, Ngài hỏi Phi E Rơ ba lần: “Hỡi Si Môn, con Giô Na, ngươi yêu ta chăng?” Khi Phi E Rơ bày tỏ tình yêu thương của mình thì Đấng Cứu Rỗi nài nỉ: “Hãy chăn chiên ta. … Hãy chăn chiên ta.”9

Đây là sự kêu gọi của Đấng Ky Tô cho mọi Ky Tô hữu ngày nay: “Hãy chăn chiên ta. … Hãy chăn chiên ta”—chia sẻ phúc âm của ta với người già lẫn trẻ, nâng đỡ, ban phước, an ủi, khuyến khích và xây dựng những người khác, nhất là những người suy nghĩ và tin khác hơn chúng ta. Chúng ta chăn chiên Ngài trong nhà mình bằng cách sống theo phúc âm: tuân giữ các lệnh truyền, cầu nguyện, học thánh thư, và noi theo gương yêu thương của Ngài. Trong Giáo Hội, chúng ta chăn chiên Ngài khi phục vụ trong những nhóm túc số chức tư tế và các tổ chức bổ trợ. Và chúng ta chăn chiên Ngài trên khắp thế giới bằng cách là những người hàng xóm Ky Tô hữu tốt, thực hành sự tin đạo thanh sạch và phục vụ những người góa bụa, kẻ mồ côi, người nghèo khó và tất cả những người hoạn nạn.

Đối với nhiều người, lời kêu gọi làm một Ky Tô hữu có thể dường như đòi hỏi quá nhiều, thậm chí còn nặng nề nữa. Nhưng chúng ta không cần phải sợ hãi hoặc cảm thấy không thích đáng. Đấng Cứu Rỗi đã hứa rằng Ngài sẽ làm cho chúng ta hội đủ điều kiện và có khả năng làm công việc của Ngài. Ngài phán: “Các ngươi hãy theo ta, ta sẽ cho các ngươi nên tay đánh lưới người.”10 Khi chúng ta noi theo Ngài, Ngài ban phước cho chúng ta với ân tứ, tài năng và sức mạnh để làm theo ý Ngài, điều đó cho phép chúng ta tăng trưởng bằng cách làm nhiều hơn mình hiện đang làm một cách thoải mái và làm những điều mà trước đó chúng ta chưa bao nghĩ là có thể thực hiện được. Điều này có thể có nghĩa là chia sẻ phúc âm với những người lân cận, giải cứu những người đang lạc đường về phương diện thuộc linh, phục vụ công việc truyền giáo toàn thời gian, làm việc trong đền thờ, nuôi nấng một đứa con có nhu cầu đặc biệt, yêu thương người biết hối cải, phục vụ một người bạn bị bệnh, chịu đựng những sự hiểu lầm, hoặc chịu đau khổ. Điều này có nghĩa là tự chuẩn bị mình để đáp ứng lời kêu gọi của Ngài bằng cách nói: “Con sẽ đi nơi nào Ngài muốn con đi; Con sẽ nói điều Ngài muốn con nói; Con sẽ làm điều Ngài muốn con làm; con sẽ là người mà Ngài muốn con trở thành.”11

Chúng ta noi theo Chúa Giê Su Ky Tô để trở thành người mà Cha Thiên Thượng muốn chúng ta trở thành. Tôi làm chứng rằng Ngài đang tiếp tục kêu gọi chúng ta noi theo Ngài. Nếu các anh chị em chỉ mới biết về Thánh Hữu Ngày Sau là Ky Tô hữu có lòng cam kết hoặc nếu các anh chị em đã không hoàn toàn tham gia trong Giáo Hội và muốn noi theo Ngài một lần nữa—đừng sợ! Các môn đồ đầu tiên của Chúa đều là các tín hữu mới của Giáo Hội, mới được cải đạo theo phúc âm của Ngài. Chúa Giê Su kiên nhẫn giảng dạy cho mỗi người. Ngài giúp họ làm tròn trách nhiệm của họ. Ngài gọi họ là bạn của Ngài và phó mạng sống Ngài cho họ. Và Ngài đã làm điều giống như vậy cho các anh chị em và tôi.

Tôi làm chứng rằng nhờ vào tình yêu thương và ân điển vô hạn của Ngài, chúng ta có thể trở thành các Ky Tô hữu giống như Đấng Ky Tô hơn. Hãy suy nghĩ về các đặc tính giống như Đấng Ky Tô sau đây. Chúng ta đang làm như thế nào trong việc củng cố các đặc tính này ở bên trong mình?

Tình yêu thương của Ky Tô hữu. Đấng Cứu Rỗi quý trọng mọi người. Với lòng nhân từ và trắc ẩn đối với mọi người, Ngài đã bỏ lại chín mươi chín con chiên để đi tìm một con chiên đi lạc,12 vì “dầu đến tóc trên đầu [chúng ta] cũng đã đếm cả rồi”13 đối với Ngài.

Đức tin của Ky Tô hữu. Mặc dù có những cám dỗ, thử thách, khó khăn, và ngược đãi, Đấng Cứu Rỗi tin cậy Cha Thiên Thượng và chọn vẫn luôn trung tín cùng tuân theo các giáo lệnh của Ngài.

Sự hy sinh của Ky Tô hữu. Trong suốt cuộc sống của Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã ban phát thời gian, nghị lực, và cuối cùng, qua Sự Chuộc Tội, đã phó mạng Ngài để tất cả con cái của Thượng Đế có thể được phục sinh và có được cơ hội để thừa hưởng cuộc sống vĩnh cửu.

Mối quan tâm của Ky Tô hữu. Giống như người Sa Ma Ri nhân lành, Đấng Cứu Rỗi tiếp tục tìm đến giải cứu, yêu thương và chăm sóc những người xung quanh Ngài, bất kể văn hóa, tín ngưỡng hoặc hoàn cảnh của họ là gì đi nữa.

Sự phục vụ của Ky Tô hữu. Cho dù múc nước từ một cái giếng, nấu một bữa ăn với cá, hoặc rửa chân đầy bụi bậm, Đấng Cứu Rỗi đều dành những ngày của Ngài để phục vụ những người khác—giúp đỡ người mệt mỏi và củng cố người yếu đuối.

Lòng kiên nhẫn của Ky Tô hữu. Trong nỗi buồn phiền và đau khổ của Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã kiên nhẫn mong đợi sự giúp đỡ của Đức Chúa Cha. Với lòng kiên nhẫn đối với chúng ta, Ngài chờ đợi chúng ta nhận biết điều đúng và trở về nhà cùng Ngài.

Sự bình an của Ky Tô hữu. Trong suốt giáo vụ của Ngài, Ngài đã thúc đẩy sự hiểu biết và khuyến khích sự bình an. Nhất là ở giữa các môn đồ, Ngài đã dạy rằng các Ky Tô hữu không thể tranh cãi với các Ky Tô hữu khác, cho dù họ có khác biệt gì đi nữa.

Sự tha thứ của Ky Tô hữu. Ngài dạy chúng ta phải ban phước cho những người rủa sả mình. Ngài cho chúng ta thấy cách thức đó bằng cách cầu nguyện rằng những người đóng đinh Ngài sẽ được tha thứ.

Sự cải đạo của Ky Tô hữu. Giống như Phi E Rơ và Anh Rê, nhiều người nhận ra lẽ thật của phúc âm ngay khi họ nghe phúc âm. Họ được cải đạo ngay lập tức. Đối với những người khác, điều đó có thể lâu hơn. Trong một điều mặc khải ban cho qua Joseph Smith, Đấng Cứu Rỗi đã dạy: “Những gì của Thượng Đế đều là ánh sáng; và kẻ nào nhận được ánh sáng, và bền lòng nơi Thượng Đế, thì sẽ nhận được thêm ánh sáng; và ánh sáng đó càng lúc càng sáng tỏ cho đến ngày hoàn toàn,”14 ngày chúng ta được cải đạo trọn vẹn. Chúa Giê Su Ky Tô là “sự sáng và Đấng Cứu Chuộc của thế gian; Thánh Linh lẽ thật.”15

Sự kiên trì đến cùng của Ky Tô hữu. Trong suốt cuộc sống của Ngài, Đấng Cứu Rỗi chưa bao giờ từ bỏ việc làm theo ý muốn của Cha Ngài nhưng vẫn tiếp tục trong sự ngay chính, lòng nhân từ, lòng thương xót và lẽ thật cho đến cuối cuộc sống trần thế của Ngài.

Đó là một số đặc tính của những người lắng nghe và lưu tâm đến tiếng nói của Đấng Cứu Rỗi. Là một trong số các nhân chứng đặc biệt của Ngài trên thế gian, tôi đưa ra lời chứng của người Ky Tô hữu rằng Ngài đang kêu gọi các anh chị em ngày nay: “Hãy đến mà theo ta.”16 Hãy đến bước theo con đường dẫn đến hạnh phúc vĩnh cửu, niềm vui và cuộc sống trường cửu trong vương quốc của Cha Thiên Thượng. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc, A Men.