2012
Hãy Đến cùng Ta, Hỡi Gia Tộc Y Sơ Ra Ên
Tháng Mười Một năm 2012


“Hãy Đến cùng Ta, Hỡi Gia Tộc Y Sơ Ra Ên”

Elder Larry Echo Hawk

Khi đến cùng Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, và thanh tẩy tấm lòng của mình, thì chúng ta đều sẽ là công cụ trong việc làm tròn những lời hứa mạnh mẽ của Sách Mặc Môn.

Tôi đã phục vụ tình nguyện trong binh chủng Lính Thủy Đánh Bộ của Hoa Kỳ vào thời Chiến Tranh Việt Nam. Chẳng bao lâu sau khi đến Quantico, Virginia, để huấn luyện cơ bản, tôi thấy mình đứng nghiêm trước cái giường ngủ của tôi trong trại lính cùng với 54 tân binh Lính Thủy Đánh Bộ khác. Tôi gặp huấn luyện viên quân sự của tôi, một cựu chiến binh cứng rắn, chiến đấu gan lì, khi ông đá cánh cửa mở tung ra để vào phòng của trại lính và bước vào trong khi hét lên những lời thô tục.

Sau phần giới thiệu đáng sợ này, ông bắt đầu đi từ cuối phòng của trại lính và đứng giáp mặt với mỗi tân binh với những câu hỏi. Không ngoại trừ một ai, người huấn luyện viên này tìm ra điều gì đó về mỗi tân binh bằng một cách có phương pháp để to tiếng nhạo báng, với lời lẽ thô tục. Ông ta bước xuống hàng trong khi mỗi người lính thủy đánh bộ hét to câu trả lời như đã được lệnh: “Vâng ạ” hoặc “Thưa Trung Sĩ Huấn Luyện Viên, không ạ.” Tôi không thể nào thấy chính xác điều ông ta đang làm, vì chúng tôi đã được lệnh phải đứng nghiêm với đôi mắt nhìn thẳng ra phía trước. Đến phiên mình, tôi có thể biết là ông ta đã chụp lấy cái túi vải của tôi và đổ hết đồ đựng trong ấy ra ngoài tấm nệm ở đằng sau tôi. Ông xem xét kỹ đồ đạc của tôi, rồi bước lại đứng trước mặt tôi. Tôi tự chuẩn bị cho sự tấn công của ông. Trong tay ông là quyển Sách Mặc Môn của tôi. Tôi đoán là ông sẽ hét tôi, thay vì thế, ông ta đến gần bên tôi và thì thầm: “Anh là người Mặc Môn hả?”

Như đã được lệnh, tôi hét lên: “Thưa Trung Sĩ Huấn Luyện Viên, vâng ạ.”

Một lần nữa tôi chờ đợi điều tệ hại nhất. Thay vì thế, ông ta ngừng lại và giơ cao tay đang cầm quyển Sách Mặc Môn của tôi lên, và rồi bằng một tiếng nói rất nhỏ nhẹ, ông ta nói: “Anh có tin vào quyển sách này không?”

Tôi lại hét to lên: “Thưa Trung Sĩ Huấn Luyện Viên, có ạ.”

Vào thời điểm này, tôi chắc chắn rằng ông ta sẽ hét lên những lời miệt thị người Mặc Môn và Sách Mặc Môn, nhưng ông chỉ im lặng đứng đó. Một lát sau, ông đi trở lại chỗ giường ngủ của tôi và thận trọng đặt quyển Sách Mặc Môn của tôi xuống. Sau đó ông ta đi tiếp ngang qua tôi mà không hề dừng lại rồi tiếp tục nhạo báng và miệt thị tất cả các tân binh còn lại với lời lẽ thô tục.

Tôi thường tự hỏi tại sao người trung Lính Thủy Đánh Bộ thô bạo đó đã miễn cho tôi vào ngày đó. Nhưng tôi biết ơn là mình đã có thể nói không ngần ngại là: “Vâng, tôi là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô” và “Vâng, tôi biết Sách Mặc Môn là chân chính.” Chứng ngôn này là một ân tứ quý báu đã được ban cho tôi qua Đức Thánh Linh với sự giúp đỡ của hai người truyền giáo và một người cố vấn nhóm túc số các thầy tư tế.

Khi tôi 14 tuổi, hai người truyền giáo là Lee Pearson và Boyd Camphuysen, đã dạy cho gia đình tôi về phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô, và tôi đã chịu phép báp têm. Hai năm sau, người cố vấn nhóm túc số các thầy tư tế của tôi là Richard Boren, đã yêu cầu tôi đọc Sách Mặc Môn. Tôi chấp nhận lời yêu cầu đó, và tôi đã đọc ít nhất là 10 trang sách mỗi tối cho đến khi đọc xong.

Trên trang tựa, tôi đọc rằng sách này “Viết cho dân La Man, là dân còn sót lại của gia tộc Y Sơ Ra Ên; và cả cho dân Do Thái và dân Ngoại nữa.” Lời giới thiệu Sách Mặc Môn: Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô, nói rằng dân La Man “chính là tổ tiên của dân Da Đỏ Mỹ Châu.” Trong khi tôi đọc Sách Mặc Môn, thì dường như đối với tôi sách ấy viết về các tổ tiên dân Da Đỏ Mỹ Châu của tôi. Sách kể câu chuyện về một dân tộc, mà một phần trong số họ về sau được mô tả là dân La Man, đã di cư từ Giê Ru Sa Lem đến “vùng đất hứa” (1 Nê Phi 2:20) khoảng năm 600 Trước Công Nguyên. Đó là câu chuyện về những sự giao tiếp của Thượng Đế với các dân cư thời xưa này ở đâu đó trên lục địa Châu Mỹ. Câu chuyện này gồm có câu chuyện về giáo vụ của Chúa Giê Su Ky Tô ở giữa họ tiếp theo Sự Phục Sinh của Ngài. Những đoạn trong Sách Mặc Môn gợi ý rằng theo thời gian họ bị phân tán khắp nơi trên lục địa Châu Mỹ và các hải đảo của vùng biển gần đó (xin xem An Ma 63:9–10). Các vị tiên tri của họ báo trước rằng có nhiều nhóm dân Ngoại cuối cùng sẽ tới vùng đất hứa này, và cơn thịnh nộ của Thượng Đế sẽ giáng xuống dân La Man, và họ sẽ bị phân tán, trừng phạt và hầu như bị hủy diệt (xin xem 1 Nê Phi 13:10–14).

Ông cố nội của tôi là Echo Hawk, một người Da Đỏ Pawnee, sinh ra vào giữa thập niên 1800 ở nơi mà bây giờ được gọi là Nebraska. Khi ông 19 tuổi, dân Pawnee bị bắt buộc phải nhường quê hương rộng 23 triệu mẫu Anh cho những người đi khai hoang. Vào năm 1874, dân Pawnee đi mấy trăm dặm về phía nam đến một vùng nhỏ dành riêng cho dân Da Đỏ nằm trong Lãnh Thổ Da Đỏ Oklahoma. Dân số Pawnee suy giảm từ hơn 12.000 người xuống còn hơn 700 người sau khi họ tới Oklahoma. Dân Pawnee, cũng như các bộ lạc khác, đã bị phân tán, trừng phạt và hầu như bị hủy diệt.

Sách Mặc Môn có một sứ điệp đặc biệt dành cho con cháu của dân La Man, dân còn sót lại của gia tộc Y Sơ Ra Ên. Nê Phi đã đưa ra sứ điệp này trong khi giải thích khải tượng của cha ông về những ngày sau cùng: “Và vào ngày đó, dòng dõi còn sót lại của chúng ta sẽ biết rằng, chúng thuộc về gia tộc Y Sơ Ra Ên, và chúng là dân giao ước của Chúa; và rồi chúng sẽ biết và hiểu được về tổ tiên của chúng, và chúng cũng hiểu được về phúc âm của Đấng Cứu Chuộc của chúng, là phúc âm đã được Ngài thuyết giảng cho tổ phụ chúng. Vậy nên chúng sẽ hiểu được về Đấng Cứu Chuộc của chúng và những điểm trung thực trong giáo lý của Ngài, ngõ hầu chúng có thể biết được cách thức đến cùng Ngài và được cứu.” (1 Nê Phi 15:14).

Sách Mặc Môn là thánh thư. Sách chứa đựng phúc âm trường cửu trọn vẹn. Tiên Tri Joseph Smith đã viết rằng “Sách Mặc Môn là một cuốn sách đúng thật nhất trong số tất cả các sách trên thế gian, và là nền tảng của tôn giáo chúng ta, và một người sẽ đến gần Thượng Đế hơn nhờ tuân theo những lời giảng dạy trong sách đó thay vì tuân theo bất cứ cuốn sách nào khác.” (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch của Giáo Hội: Joseph Smith [2007], 64). Do đó, sách có một sứ điệp dành cho tất cả mọi người trên thế gian.

Khi đọc Sách Mặc Môn lần đầu tiên vào năm 17 tuổi, tôi đã tập trung vào lời hứa của Mô Rô Ni: “Và khi nào các người nhận được những điều này, tôi khuyên nhủ các người hãy cầu vấn Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, trong danh Đấng Ky Tô, để xem những điều này có thật không; và nếu các người cầu vấn với một tấm lòng chân thành, với chủ ý thật sự cùng có đức tin nơi Đấng Ky Tô, thì Ngài sẽ biểu lộ lẽ thật của điều này cho các người biết, bởi quyền năng của Đức Thánh Linh” (Mô Rô Ni 10:4).

Trong khi quỳ xuống cầu nguyện, tôi đã nhận được sự làm chứng hùng hồn của Thánh Linh rằng Sách Mặc Môn là chân chính. Lời chứng đó đã giúp tôi vạch ra hướng đi suốt đời mình.

Tôi khuyến khích tất cả mọi người hãy đọc Sách Mặc Môn: Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô.

Tôi đặc biệt yêu cầu dân còn sót lại của gia tộc Y Sơ Ra Ên, con cháu của những người dân trong Sách Mặc Môn, dù cho các anh chị em có thể đang ở đâu đi nữa, hãy đọc và đọc đi đọc lại Sách Mặc Môn. Hãy học hỏi về những lời hứa trong Sách Mặc Môn. Hãy tuân theo những lời giảng dạy và tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy lập và tuân giữ các giao ước với Chúa. Hãy tìm kiếm và tuân theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh.

Tôi kết thúc với những lời nói của A Ma Lê Ki, một vị tiên tri khác trong Sách Mặc Môn: “Và giờ đây, hỡi đồng bào yêu dấu của tôi, tôi mong rằng các người hãy đến cùng Đấng Ky Tô, là Đấng Thánh của Y Sơ Ra Ên, và chia xẻ sự cứu rỗi của Ngài cùng quyền năng cứu chuộc của Ngài. Phải, các người hãy đến cùng Ngài, và hãy dâng tất cả tâm hồn mình như một của lễ hiến dâng lên Ngài, và hãy tiếp tục nhịn ăn và cầu nguyện, và kiên trì đến cùng; và như Chúa là Đấng hằng sống, các người sẽ được cứu” (Ôm Ni 1:26).

Khi đến cùng Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, và thanh tẩy tấm lòng của mình, thì chúng ta đều sẽ là công cụ trong việc làm tròn những lời hứa mạnh mẽ của Sách Mặc Môn. Tôi làm chứng về điều này trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.