2012
Phải Thiết Tha Nhiệt Thành
Tháng Mười Một năm 2012


Phải Thiết Tha Nhiệt Thành

Elder M. Russell Ballard

Những điều tuyệt diệu được thực hiện và gánh nặng được làm nhẹ hơn qua nỗ lực của rất nhiều bàn tay “thiết tha nhiệt thành với chính nghĩa.”

Thưa Anh Cả Perry, tôi nghĩ rằng anh phải là người trẻ nhất trong số những người 90 tuổi trong toàn Giáo Hội. Các anh chị em có thể thấy anh ấy đã nhảy ra khỏi ghế của mình như thế nào rồi.

Các anh chị em thân mến, mỗi lần tôi thưởng thức một quả cà chua hoặc một trái đào mọng nước chín cây, thì ý nghĩ của tôi quay trở lại cách đây 60 năm khi cha tôi có một vườn đào nhỏ ở Holladay, Utah. Ông giữ tổ ong ở đó để thụ phấn cho hoa đào mà cuối cùng trở thành các quả đào to, ngon ngọt.

Cha tôi yêu quý loài ong mật hiền lành của ông và ngạc nhiên trước cách mà hàng ngàn con ong mật cùng làm việc với nhau để biến nhụy hoa thu thập được từ hoa đào của ông thành mật ong màu vàng ngọt lịm—một trong những thực phẩm bổ ích nhất của thiên nhiên. Thực ra, các chuyên gia dinh dưỡng cho chúng tôi biết đó là một trong số các thức ăn bao gồm tất cả các chất—enzim, sinh tố, khoáng chất, và nước—cần thiết để duy trì sự sống.

Cha tôi luôn luôn cố gắng để cho tôi tham gia vào công việc của ông với các tổ ong, nhưng tôi rất vui sướng để cho ông chăm sóc các con ong của ông. Tuy nhiên, kể từ những ngày đó, tôi đã học được thêm về tổ ong được tổ chức rất tinh vi—một bầy ong khoảng 60.000 con.

Loài ong mật được thúc đẩy để thụ phấn, hút nhụy hoa, và làm cho mật hoa cô đọng thành mật ong. Điều đó là nỗi ám ảnh tuyệt diệu của chúng và là bản năng tự nhiên do Đấng Sáng Tạo ban cho chúng. Người ta ước tính rằng chỉ để sản xuất một pao (0,45 kilôgram) mật ong, thì một tổ ong trung bình với 20.000 đến 60.000 con ong cần phải cùng nhau đi hút nhụy của cả triệu bông hoa và đi hơn quãng đường tương đương với hai lần quãng đường vòng quanh thế giới. Trong cuộc đời ngắn ngủi của nó, chỉ có khoảng một vài tuần lễ đến bốn tháng, một con ong mật chỉ đóng góp một phần mười hai muỗng cà phê mật ong cho tổ của nó.

Mặc dù dường như không đáng kể so với tổng số, nhưng một phần mười hai muỗng cà phê mật ong của mỗi con ong là thiết yếu đối với cuộc sống của tổ ong. Những con ong phụ thuộc vào nhau. Công việc đó đáng lẽ sẽ là nặng nề đối với một vài con ong để làm thì đã trở nên nhẹ nhàng hơn bởi vì tất cả các con ong đều siêng năng làm phần vụ của chúng.

Tổ ong luôn luôn là một biểu tượng quan trọng trong lịch sử Giáo Hội của chúng ta. Chúng ta học trong Sách Mặc Môn rằng dân Gia Rết mang ong mật theo họ (xin xem Ê The 2:3) khi hành trình đến Châu Mỹ hàng ngàn năm trước. Brigham Young đã chọn tổ ong làm một biểu tượng để khuyến khích và soi dẫn nghị lực hợp tác cần thiết giữa những người tiền phong để biến vùng sa mạc hoang vu cằn cỗi xung quanh hồ Great Salt Lake thành thung lũng màu mỡ chúng ta có ngày hôm nay. Chúng ta là người thừa hưởng tầm nhìn xa và đức tính cần cù của họ.

Biểu tượng tổ ong được thấy ở bên trong lẫn bên ngoài nhiều ngôi đền thờ của chúng ta. Bục giảng nơi tôi đang đứng ở đây được làm từ gỗ của cây óc chó trồng ở sân sau nhà Chủ Tịch Gordon B. Hinckley và được trang trí bằng hình ảnh chạm khắc tổ ong.

Tất cả biểu tượng này chứng minh cho một sự kiện: những điều tuyệt diệu được thực hiện và gánh nặng được làm nhẹ hơn qua nỗ lực của rất nhiều bàn tay “thiết tha nhiệt thành với chính nghĩa” (GLGƯ 58:27). Hãy tưởng tượng những gì hàng triệu Thánh Hữu Ngày Sau có thể hoàn thành trên thế giới nếu chúng ta làm việc giống như một tổ ong với lòng cam kết được tập trung và chú trọng vào những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô.

Đấng Cứu Rỗi giảng dạy rằng lệnh truyền thứ nhất và lớn hơn hết là:

“Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi.…

“Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình.

“Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra.” (Ma Thi Ơ 22:37, 39–40).

Những lời của Đấng Cứu Rỗi rất giản dị—tuy nhiên ý nghĩa của những lời này đều rất uyên thâm và vô cùng quan trọng. Chúng ta phải kính mến Thượng Đế và yêu thương cùng chăm sóc những người lân cận như chính bản thân mình. Hãy tưởng tượng ra điều tốt lành chúng ta có thể làm trên thế gian nếu chúng ta cùng nhau đoàn kết với tư cách là các tín đồ của Đấng Ky Tô, lo lắng và bận rộn đáp ứng nhu cầu của những người khác cùng phục vụ những người xung quanh—gia đình, bạn bè, những người lân cận và đồng bào của mình.

Như trong Thư của Gia Cơ có ghi, sự phục vụ là định nghĩa chính xác của tôn giáo thanh khiết (xin xem Gia Cơ 1:27).

Chúng ta đọc về sự phục vụ được các tín hữu Giáo Hội đưa ra trên khắp thế giới và nhất là sự phục vụ nhân đạo trong những lúc khủng hoảng—hỏa hoạn, lũ lụt, bão táp, và lốc xoáy. Những đáp ứng khẩn cấp rất cần thiết và được cảm kích rất nhiều này chắc chắn sẽ tiếp tục bằng cách mang gánh nặng lẫn cho nhau. Nhưng còn cuộc sống hàng ngày của chúng ta thì sao? Hiệu quả chung của hàng triệu hành động nhỏ nhặt đầy trắc ẩn được chúng ta thực hiện hàng ngày vì tình yêu chân thật của Ky Tô hữu dành cho những người khác sẽ là gì? Theo thời gian, điều này có một hiệu quả nhằm thay đổi tất cả các con cái của Cha Thiên Thượng nhờ tình yêu thương của Ngài rộng mở cho họ qua chúng ta. Thế giới hỗn loạn của chúng ta cần tình yêu thương này của Đấng Ky Tô ngày hôm nay hơn bao giờ hết, và sẽ còn cần nhiều hơn trong những năm sắp tới.

Những hành động phục vụ đơn giản hàng ngày dường như có thể không phải là nhiều do một mình bản thân họ, nhưng khi được coi như là tập thể, thì những hành động này trở thành giống như một phần mười hai muỗng cà phê mật ong do chỉ một con ong đóng góp cho tổ ong. Tình yêu thương của chúng ta đối với Thượng Đế và con cái của Ngài có chứa đựng quyền năng và khi thật sự được thể hiện trong hàng triệu hành động nhân từ của Ky Tô hữu, thì tình yêu thương đó sẽ gia tăng và nuôi dưỡng thế giới với nhụy hoa duy trì sự sống của đức tin, hy vọng, và bác ái.

Chúng ta cần phải làm gì để trở thành giống như các con ong mật đầy tận tụy và có được lòng tận tụy đó thành một phần bản tính của mình? Nhiều người trong chúng ta có ý thức về bổn phận của mình khi tham dự các buổi họp Giáo Hội của mình. Chúng ta làm việc siêng năng trong sự kêu gọi của mình, và nhất là vào các ngày Chủ Nhật. Điều đó chắc chắn là đáng được khen ngợi. Nhưng tâm trí của chúng ta có thiết tha nhiệt thành với những điều tốt đẹp trong những ngày còn lại trong tuần không? Chúng ta chỉ làm bổn phận của mình một cách máy móc, hoặc có thật sự cải đạo theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô không? Làm thế nào chúng ta giúp một phần nhỏ đức tin đã được phát triển trong tâm trí chúng ta trở thành một phần của linh hồn mình để có thể được nuôi dưỡng vun bồi càng sâu hơn trong tâm hồn chúng ta? Làm thế nào lòng chúng ta có thể thay đổi lớn lao như An Ma nói là thiết yếu đối với hạnh phúc và sự bình an vĩnh cửu của mình? (xin xem An Ma 5:12–21).

Hãy nhớ rằng, mật ong chứa đựng tất cả các chất cần thiết để duy trì cuộc sống trần thế. Và giáo lý cũng như phúc âm của Đấng Ky Tô là cách duy nhất để đạt được cuộc sống vĩnh cửu. Chỉ khi nào chứng ngôn của chúng ta vượt quá những gì trong tâm trí để trở nên ăn sâu vào trong tâm hồn thì động cơ thúc đẩy của chúng ta để yêu thương và phục vụ sẽ trở thành giống như Đấng Cứu Rỗi. Chính lúc đó, và chỉ lúc đó mà thôi, chúng ta mới trở thành các môn đồ được cải đạo sâu xa của Đấng Ky Tô mà Thánh Linh cho phép ảnh hưởng đến tâm hồn của đồng bào chúng ta.

Khi không còn quan tâm đến vật chất của thế gian này nữa, thì chúng ta cũng sẽ không còn khát vọng đến danh lợi của loài người hoặc tìm cách thỏa mãn niềm tự hào của chúng ta (xin xem GLGƯ 121:35–37). Thay vì thế, chúng ta mang lấy các đức tính giống như Đấng Ky Tô mà Chúa Giê Su đã dạy:

  • Chúng ta hiền dịu, nhu mì, và nhịn nhục (xin xem GLGƯ 121:41).

  • Chúng ta nhân từ, một cách không giả dối và không gian xảo (xin xem GLGƯ 121:42).

  • Chúng ta đầy lòng bác ái đối với mọi người (xin xem GLGƯ 121:45).

  • Tư tưởng của chúng ta luôn luôn đức hạnh (xin xem GLGƯ 121:45).

  • Chúng tôi không còn ý muốn làm điều tà ác nữa (xin xem Mô Si A 5:2).

  • Đức Thánh Linh là bạn đồng hành thường xuyên của chúng ta và các giáo lý của chức tư tế sẽ nhỏ giọt xuống tâm hồn ngươi như những hạt sương từ thiên thượng (xin xem GLGƯ 121:45–46).

Các anh chị em thân mến, tôi không đang khuyến khích việc cực đoan nhiệt tình hay cuồng tín tôn giáo. Hoàn toàn ngược lại đấy! Tôi chỉ đề nghị rằng chúng ta tiến bước một cách hợp lý trong sự cải đạo hoàn toàn của mình theo phúc âm của Đấng Ky Tô bằng cách hấp thụ các giáo lý phúc âm vào tâm hồn mình để hành động và sống phù hợp—và với tính liêm khiết—theo điều chúng ta tuyên xưng là chúng ta tin.

Tính liêm khiết này đơn giản hóa cuộc sống của chúng ta và gia tăng độ nhạy cảm của mình đối với Thánh Linh và với nhu cầu của những người khác. Tính liêm khiết này mang lại niềm vui vào cuộc sống và sự bình an cho tâm hồn của chúng ta—loại niềm vui và bình an đến với chúng ta khi chúng ta hối cải tội lỗi của mình và tuân theo Đấng Cứu Rỗi bằng cách tuân giữ các lệnh truyền của Ngài.

Chúng ta thực hiện sự thay đổi này bằng cách nào? Làm thế nào chúng ta ghi khắc tình yêu thương này của Đấng Ky Tô vào lòng mình? Có một hành động giản dị hàng ngày mà có thể tạo ra sự khác biệt cho mỗi tín hữu của Giáo Hội, kể cả các anh chị em là các em trai và em gái, các em thiếu niên và thiếu nữ, những người thành niên độc thân, và các bậc cha mẹ.

Hành động giản dị là: Trong lời cầu nguyện buổi sáng vào mỗi ngày mới của các anh chị em, hãy cầu xin Cha Thiên Thượng hướng dẫn các anh chị em để nhận ra một cơ hội nhằm phục vụ một trong số các con cái quý báu của Ngài. Sau đó hãy đi suốt cả ngày với tâm hồn đầy đức tin và tình yêu thương của các anh chị em, tìm kiếm một người nào đó để giúp đỡ. Hãy luôn luôn tập trung, giống như các loài ong mật tập trung vào những bông hoa để hút nhụy hoa và phấn hoa. Nếu làm như vậy, độ nhạy cảm thuộc linh của các anh chị em sẽ được gia tăng, và các anh chị em sẽ khám phá ra các cơ hội để phục vụ mà mình không hề nhận biết trước là có thể thực hiện được.

Chủ Tịch Thomas S. Monson đã dạy rằng trong nhiều trường hợp Cha Thiên Thượng đáp ứng lời cầu nguyện của một người khác qua chúng ta—qua các anh chị em và tôi—qua những lời nói và hành động nhân từ của chúng ta—qua các hành động phục vụ và yêu thương giản dị.

Và Chủ Tịch Spencer W. Kimball nói: “Quả thật Thượng Đế có để ý đến chúng ta, và Ngài trông nom chúng ta. Nhưng Ngài đáp ứng nhu cầu của chúng ta thường là qua một người khác. Do đó, điều thiết yếu là chúng ta phải phục vụ lẫn nhau” (Teachings of Presidents of the Church: Spencer W. Kimball [2006], 82).

Tôi biết rằng nếu các anh chị em làm điều này—ở nhà, ở trường học, tại sở làm và tại nhà thờ—thì Thánh Linh sẽ hướng dẫn các anh chị em, và các anh chị em sẽ có thể thấy rõ những người đang cần đến một sự phục vụ đặc biệt mà chỉ có các anh chị em mới có thể thực hiện được mà thôi. Các anh chị em sẽ được Thánh Linh thúc giục và thúc đẩy một cách kỳ diệu để giúp ảnh hưởng đến thế gian với tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô và phúc âm của Ngài.

Và hãy nhớ rằng, giống như một phần mười hai muỗng cà phê mật ong của con ong nhỏ bé cung cấp cho tổ ong, nếu chúng ta nhân các nỗ lực của mình lên mười ngàn lần, ngay cả hằng triệu nỗ lực thành tâm nữa để chia sẻ tình yêu thương của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài qua sự phục vụ của Ky Tô hữu, thì sẽ có một hiệu quả tốt lành tăng nhanh mà sẽ mang Ánh Sáng của Đấng Ky Tô đến cho thế gian luôn luôn tăm tối này. Khi đoàn kết với nhau, chúng ta sẽ mang đến tình yêu thương và lòng trắc ẩn cho gia đình mình và cho người cô đơn, nghèo khó, đau khổ và cho các con cái của Cha Thiên Thượng đang tìm kiếm lẽ thật và sự bình an.

Thưa các anh chị em, tôi chân thành cầu nguyện rằng chúng ta sẽ cầu xin trong lời cầu nguyện hằng ngày của mình để có được sự soi dẫn nhằm tìm kiếm một người nào đó để có thể đưa ra một sự phục vụ có ý nghĩa, kể cả sự phục vụ để chia sẻ các lẽ thật phúc âm và chứng ngôn của chúng ta. Vào cuối mỗi ngày, cầu xin cho chúng ta có thể nói “có” để đáp lại cho các câu hỏi: “Hôm nay, tôi đã làm điều gì tốt trên thế gian, tôi có giúp một ai đó đang hoạn nạn không?” (Hymns, số 223).

Đây là công việc của Thượng Đế. Cầu xin cho chúng ta làm công việc này một cách siêng năng như những con ong mật nhỏ bé đầy tận tâm làm công việc của chúng vậy, tôi khiêm nhường cầu nguyện trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.