2012
Hãy Hỏi Những Người Truyền Giáo! Họ Có Thể Giúp Đỡ Các Anh Chị Em và Các Bạn Đấy!
Tháng Mười Một năm 2012


Hãy Hỏi Những Người Truyền Giáo! Họ Có Thể Giúp Đỡ Các Anh Chị Em và Các Bạn Đấy!

Elder Russell M. Nelson

Tất cả những người truyền giáo, già hay trẻ, đều phục vụ với hy vọng duy nhất là làm cho cuộc sống của những người khác tốt hơn.

Các anh chị em và các bạn thân mến của tôi, chúng tôi gửi tình yêu thương và lời chào mừng đến mỗi anh chị em và mỗi người bạn. Chúng ta rất phấn khởi với lời loan báo của Chủ Tịch Thomas S. Monson vào buổi sáng hôm nay, đã thay đổi độ tuổi tối thiểu cho công việc phục vụ truyền giáo là 18 tuổi cho các thanh niên và 19 tuổi cho các thiếu nữ. Qua sự lựa chọn này, nhiều người trẻ tuổi của chúng ta có thể vui hưởng các phước lành của công việc truyền giáo hơn.

Buổi sáng hôm nay, một lần nữa, Chủ Tịch Monson đã tái khẳng định một cách hùng hồn lời tuyên bố của ông cách đây hai năm: “Mỗi thiếu niên xứng đáng và có khả năng cần phải chuẩn bị phục vụ truyền giáo. Công việc truyền giáo là một bổn phận của chức tư tế—một nghĩa vụ mà Chúa kỳ vọng nơi chúng ta là những người đã được ban cho rất nhiều.”1 Một lần nữa ông giải thích rằng đối với các em thiếu nữ, thì công việc truyền giáo là một điều lựa chọn đáng hoan nghênh nhưng không phải là trách nhiệm của các em. Và một lần nữa, ông mời nhiều cặp vợ chồng lớn tuổi nên phục vụ.

Việc chuẩn bị đi truyền giáo là rất quan trọng. Công việc truyền giáo là một hành động tình nguyện phục vụ Thượng Đế và loài người. Những người truyền giáo trang trải cho đặc ân đó bằng tiền để dành của riêng họ. Cha mẹ, gia đình, bạn bè, và những người tặng tiền cho Quỹ Truyền Giáo Trung Ương cũng có thể phụ giúp. Tất cả những người truyền giáo, già hay trẻ, đều phục vụ với hy vọng duy nhất là làm cho cuộc sống của những người khác tốt hơn.

Quyết định để phục vụ truyền giáo sẽ ảnh hưởng đến vận số thuộc linh của người truyền giáo, người phối ngẫu của họ, và con cháu của họ trong các thế hệ mai sau. Một ước muốn được phục vụ là kết quả tự nhiên của sự cải đạo, sự xứng đáng và chuẩn bị của một người.

Trong đám đông cử tọa này trên toàn cầu, nhiều người trong số các anh chị em không phải là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô và biết rất ít về chúng tôi cũng như về những người truyền giáo của chúng tôi. Các bạn đang theo dõi đại hội này vì các bạn muốn biết thêm về những người Mặc Môn, và điều mà những người truyền giáo giảng dạy. Khi học hỏi thêm về chúng tôi, các bạn sẽ thấy rằng chúng tôi cũng chia sẻ nhiều giá trị giống như các bạn. Chúng tôi khuyến khích các bạn nên giữ gìn tất cả những gì tốt lành và chân chính, rồi xem chúng tôi có thể thêm vào điều gì nữa không. Trong thế giới này đầy dẫy những thử thách, quả thật chúng ta thỉnh thoảng cần được giúp đỡ. Tôn giáo, lẽ thật vĩnh cửu, và những người truyền giáo của chúng tôi là những phần thiết yếu của sự giúp đỡ đó.

Những người truyền giáo trẻ tuổi của chúng tôi tạm hoãn lại việc học hành, nghề nghiệp, việc hẹn hò của họ, và bất cứ điều gì khác mà những người thành niên trẻ tuổi thường làm vào giai đoạn này của cuộc đời. Trong 18 đến 24 tháng, họ tạm hoãn lại tất cả mọi việc, vì ước muốn để phục vụ Chúa.2 Và có một số người truyền giáo của chúng tôi phục vụ khi họ đã lớn tuổi. Tôi biết rằng gia đình của họ được phước. Trong gia đình của chúng tôi, có tám người hiện đang phục vụ với tư cách là những người truyền giáo toàn thời gian—ba đứa con gái cùng với chồng của chúng, một đứa cháu gái, và một đứa cháu trai.

Một số các bạn có thể muốn biết về cái tên Mặc Môn. Đó là tên hiệu của chúng tôi. Đó không phải là tên thật của chúng tôi, mặc dù chúng tôi thường được biết tới là những người Mặc Môn. Từ này xuất phát từ một quyển thánh thư được biết là Sách Mặc Môn.

Tên thật của Giáo Hội là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Giáo Hội này là Giáo Hội nguyên thủy đã được tái thiết lập của Chúa Giê Su Ky Tô. Trong thời gian giáo vụ của Ngài trên trần thế, Ngài đã tổ chức Giáo Hội của Ngài. Ngài kêu gọi Các Sứ Đồ, Các Thầy Bảy Mươi, và các vị lãnh đạo khác là những người được Ngài ban cho thẩm quyền chức tư tế để hành động trong danh Ngài.3 Sau khi Đấng Ky Tô và Các Sứ Đồ của Ngài qua đời, con người thay đổi các giáo lễ và giáo lý. Giáo Hội nguyên thủy và chức tư tế bị mất. Sau Thời Kỳ Trung Cổ, và dưới sự hướng dẫn của Cha Thiên Thượng, Chúa Giê Su Ky Tô đã mang trở lại Giáo Hội của Ngài. Giờ đây, Giáo Hội sống lại, được phục hồi và hoạt động dưới sự chỉ dẫn thiêng liêng của Ngài.4

Chúng tôi noi theo Chúa Giê Su Ky Tô và giảng dạy về Ngài. Chúng tôi biết rằng sau chiến thắng vinh quang của Ngài đối với cái chết, Chúa phục sinh đã hiện ra cùng các môn đồ của Ngài trong rất nhiều dịp. Ngài ăn với họ. Ngài đi với họ. Trước khi Ngài thăng thiên, Ngài đã truyền lệnh cho họ “hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp têm cho họ.”5 Các Sứ Đồ tuân theo chỉ thị ấy. Họ cũng kêu gọi những người khác để giúp họ làm tròn lệnh truyền của Chúa.

Ngày nay, dưới sự hướng dẫn của các sứ đồ và các vị tiên tri tại thế, cũng lệnh truyền đó đã được đưa ra cho những người truyền giáo trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Những người truyền giáo này phục vụ trong hơn 150 quốc gia. Với tư cách là những người đại diện của Chúa Giê Su Ky Tô, họ cố gắng làm tròn lệnh truyền thiêng liêng đó—được chính Chúa hồi phục lại cho thời kỳ chúng ta—để mang phúc âm trọn vẹn ra nước ngoài và ban phước cho cuộc sống của dân cư ở khắp mọi nơi.6

Những người truyền giáo ở vào cuối độ tuổi niên thiếu hoặc đầu 20 tuổi là những người thiếu kinh nghiệm của thế gian. Nhưng họ được phước với các ân tứ—như quyền năng của Đức Thánh Linh, tình yêu thương của Thượng Đế, và chứng ngôn về lẽ thật—điều đó làm cho họ trở thành các sứ giả vững mạnh của Chúa. Họ chia sẻ tin lành của phúc âm là điều sẽ mang đến niềm vui đích thực và hạnh phúc trường cửu cho tất cả những người lưu tâm đến sứ điệp của họ. Và trong nhiều trường hợp, họ làm như vậy tại một nước ngoài và bằng ngôn ngữ nước ngoài.

Những người truyền giáo cố gắng noi theo Chúa Giê Su Ky Tô trong cả lời nói lẫn hành động. Họ thuyết giảng về Chúa Giê Su Ky Tô và về Sự Chuộc Tội của Ngài.7 Họ giảng dạy về sự phục hồi thật sự của Giáo Hội thời xưa của Đấng Ky Tô qua vị tiên tri ngày sau đầu tiên của Chúa là Joseph Smith.

Trước đây, các bạn có thể đã gặp, hoặc thậm chí đã làm ngơ, những người truyền giáo. Tôi hy vọng rằng các bạn sẽ không sợ họ mà hãy học hỏi từ họ. Họ có thể là một nguồn hiểu biết do thiên thượng gửi tới các bạn.

Điều đó đã xảy ra cho một người đạo Tin Lành khoảng 60 tuổi tên là Jerry sống ở Mesa, Arizona. Cha của Jerry là một mục sư Báp Tít; mẹ của ông là mục sư đạo Methodist. Một ngày nọ, người bạn thân của Jerry là Pricilla chia sẻ với ông nỗi đau đớn của bà về cái chết của đứa con của bà trong lúc sinh nở và vụ ly dị cay đắng xảy ra không lâu sau đó. Là một người mẹ độc thân vất vả, Pricilla có bốn đứa con, ba gái và một trai. Trong khi chia sẻ những cảm nghĩ sâu đậm nhất của mình với Jerry, bà thú nhận đã nghĩ đến việc tự tử. Với tất cả sức mạnh và tình thương mà Jerry có thể có được, ông cố gắng giúp bà hiểu rằng cuộc sống của bà có giá trị. Ông mời bà đi nhà thờ của ông, nhưng Pricilla giải thích rằng bà đã không còn tin vào Thượng Đế nữa.

Jerry không biết phải làm gì. Về sau, trong khi đang tưới cây trong sân vườn của mình, người đàn ông có đức tin này cầu nguyện lên Thượng Đế để được hướng dẫn. Trong khi cầu nguyện, ông đã nghe một tiếng nói đến với tâm trí mình: “Hãy chặn lại mấy thanh niên đang đạp xe đạp.” Jerry hơi hoang mang muốn biết ý nghĩa của lời này. Trong khi đang suy nghĩ về ấn tượng này, thì ông nhìn ra đường và thấy có hai thanh niên mặc áo sơ mi trắng và đeo cà vạt đang đạp xe đạp hướng về nhà ông. Kinh ngạc trước “điều trùng hợp ngẫu nhiên” này, ông nhìn họ đạp xe ngang qua ông. Rồi, khi nhận ra rằng tình huống đó đòi hỏi ông phải hành động, ông kêu lên: “Ê, mấy anh ơi, xin dừng lại! Tôi cần nói chuyện với mấy anh!”

Với cái nhìn bối rối nhưng đầy phấn khởi, hai thanh niên ấy dừng lại. Khi họ tiến đến gần, Jerry để ý thấy họ đeo thẻ tên cho biết họ là những người truyền giáo trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau Chúa Giê Su Ky Tô. Jerry nhìn họ và nói: “Điều này có thể nghe hơi lạ lùng, nhưng tôi đang cầu nguyện và được bảo là ‘hãy chặn lại mấy thanh niên đang đạp xe đạp.’ Tôi nhìn ra đường và thấy ngay mấy anh. Mấy anh có thể giúp tôi được không?”

Những người truyền giáo mỉm cười và nói: “Vâng, tôi chắc là chúng tôi có thể giúp ông.”

Jerry giải thích cảnh ngộ khốn khổ của Pricilla. Chẳng bao lâu, những người truyền giáo gặp Pricilla, con cái của bà và Jerry. Họ thảo luận về mục đích của cuộc sống và kế hoạch vĩnh cửu của Thượng Đế dành cho họ. Jerry, Pricilla, và con cái của bà tăng trưởng trong đức tin qua lời cầu nguyện chân thành, việc học hỏi Sách Mặc Môn, cũng như tình thân hữu với các tín hữu của Giáo Hội. Đức tin vững mạnh vốn có của Jerry nơi Chúa Giê Su Ky Tô còn phát triển vững mạnh hơn nữa. Những nỗi nghi ngờ và ý nghĩ tự tử của Pricilla biến thành hy vọng và hạnh phúc. Họ chịu phép báp têm và trở thành tín hữu của Giáo Hội phục hồi của Đấng Ky Tô.8

Vâng, những người truyền giáo có thể giúp đỡ trong nhiều cách. Ví dụ, một số các bạn có thể muốn biết thêm về tổ tiên của mình. Các bạn có thể biết tên của cha mẹ và ông bà nội, ngoại của mình, nhưng còn tám ông bà cố nội, ngoại của mình thì sao? Các bạn có biết tên của họ không? Các bạn có muốn biết thêm về họ không? Hãy hỏi những người truyền giáo! Họ có thể giúp đỡ các bạn đấy!9 Họ dễ dàng tiếp cận với các hồ sơ lịch sử gia đình dày cộm của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau Chúa Giê Su Ky Tô.

Một số các anh chị em là tín hữu nhưng hiện không tham gia. Các anh chị em kính mến Chúa và thường suy nghĩ về việc trở lại cùng Giáo Hội của Ngài. Nhưng các anh chị em không biết phải bắt đầu như thế nào. Tôi đề nghị các anh chị em hãy hỏi những người truyền giáo!10 Họ có thể giúp đỡ các anh chị em! Họ cũng có thể giúp đỡ bằng cách giảng dạy những người thân của các anh chị em. Chúng tôi và những người truyền giáo đều yêu mến các anh chị em cũng như mong muốn mang đến niềm vui và ánh sáng phúc âm trở lại cuộc sống của các anh chị em.

Một số các anh chị em có thể muốn biết cách khắc phục một thói nghiện hoặc sống lâu hơn và vui hưởng sức khỏe tốt hơn. Hãy hỏi những người truyền giáo! Họ có thể giúp đỡ các anh chị em! Những cuộc nghiên cứu độc lập đã cho thấy rằng các tín hữu trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là một nhóm người mạnh khỏe. Họ có số tử vong thấp nhất và tuổi thọ của họ cao hơn bất cứ nhóm nào được xác định đã được báo cáo và nghiên cứu trong một thời gian dài.11

Một số các bạn có thể cảm thấy rằng cuộc sống quá bận rộn và điên cuồng, tuy nhiên tận đáy lòng mình, các bạn cảm thấy có một khoảng trống hay day dứt, không có hướng đi hay mục đích. Hãy hỏi những người truyền giáo! Họ có thể giúp đỡ các bạn! Họ có thể giúp các bạn học thêm về mục đích thật sự của cuộc sống—tại sao các bạn có mặt ở trên thế gian này đây và các bạn sẽ đi đâu sau khi chết. Các bạn có thể học biết làm thế nào phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ ban phước cho cuộc sống của các bạn vượt quá bất cứ điều gì mình hiện có thể tưởng tượng ra được.

Nếu các bạn có lo lắng điều gì về gia đình mình, hãy hỏi những người truyền giáo! Họ có thể giúp đỡ các bạn! Việc củng cố hôn nhân và gia đình là vô cùng quan trọng đối với Các Thánh Hữu Ngày Sau. Gia đình có thể sống với nhau vĩnh viễn. Hãy yêu cầu những người truyền giáo giảng dạy cho các bạn làm thế nào điều này có thể thực hiện được cho gia đình của các bạn.

Những người truyền giáo cũng có thể giúp các bạn với ước muốn có được sự hiểu biết lớn lao hơn. Linh hồn con người khao khát nhận được sự soi sáng. Cho dù lẽ thật đến từ một phòng thí nghiệm khoa học hoặc bằng sự mặc khải từ Thượng Đế, thì chúng tôi tìm kiếm lẽ thật đó! Quả thật, vinh quang của Thượng Đế là tri thức.12

Việc trau dồi tri thức gồm có sự hiểu biết về mặt thuộc linh lẫn thể chất. Chúng tôi chú trọng vào tầm quan trọng của việc hiểu biết thánh thư. Một cuộc nghiên cứu độc lập mới gần đây nhận thấy rằng Các Thánh Hữu Ngày Sau hiểu biết nhiều nhất về Ky Tô giáo và Kinh Thánh.13 Nếu các bạn muốn hiểu Kinh Thánh rõ hơn, hiểu Sách Mặc Môn rõ hơn, và nhận thức sâu rộng hơn về tình người và vai trò làm cha của Thượng Đế, thì hãy hỏi những người truyền giáo! Họ có thể giúp đỡ các bạn!

Nhiều người trong số các bạn có ước muốn sâu xa để giúp đỡ những người đang hoạn nạn. Vì chúng tôi noi theo Chúa Giê Su Ky Tô, nên Các Thánh Hữu Ngày Sau cũng bị thuyết phục bởi những thôi thúc không bao giờ chấm dứt đó.14 Bất cứ người nào cũng có thể cùng với chúng tôi giúp đỡ người nghèo túng và trợ giúp các nạn nhân tai họa bất cứ ở đâu trên thế giới. Nếu các bạn muốn tham gia, hãy hỏi những người truyền giáo! Họ có thể giúp đỡ các bạn!

Và nếu các bạn muốn biết thêm về cuộc sống sau khi chết, về thiên thượng, về kế hoạch của Thượng Đế dành cho các bạn; nếu các bạn muốn biết thêm về Chúa Giê Su Ky Tô, Sự Chuộc Tội của Ngài, và Sự Phục Hồi của Giáo Hội Ngài được thiết lập như lúc nguyên thủy, thì hãy hỏi những người truyền giáo! Họ có thể giúp đỡ các bạn!

Tôi biết rằng Thượng Đế hằng sống. Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Giáo Hội của Ngài đã được phục hồi. Tôi khẩn thiết cầu nguyện rằng Thượng Đế có thể ban phước cho mỗi người chúng ta và mỗi người truyền giáo quý báu của chúng ta, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Thomas S. Monson, “Khi Chúng Ta Gặp Lại Nhau Lần Nữa,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, 5–6.

  2. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 4:3.

  3. Xin xem Ma Thi Ơ 10:1; Lu Ca 6:13; 10:1; Ê Phê Sô 4:11–12.

  4. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 1:30.

  5. Ma Thi Ơ 28:19.

  6. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 68:8; 84:62; 112:28.

  7. Xin xem 1 Cô Rinh Tô 2:2; 2 Nê Phi 25:26.

  8. Thư riêng của W. Tracy Watson, cựu chủ tịch Phái Bộ Truyền Giáo Arizona Mesa.

  9. Nơi nào tôi đưa ra lời mời “hãy hỏi những người truyền giáo,” thì các anh chị em cũng có thể hỏi một người bạn là tín hữu của Giáo Hội để được giúp đỡ.

  10. Những người bà con thân thuộc, bạn bè và các vị lãnh đạo Giáo Hội tích cực tham gia cũng sẽ sẵn lòng để phụ giúp.

  11. Xin xem James E. Enstrom và Lester Breslow, “Lifestyle and Reduced Mortality among Active California Mormons, 1980–2004,” Preventive Medicine, tập 46 (2008), 135.

  12. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 93:36.

  13. Xin xem U.S. Religious Knowledge Survey (Pew Forum on Religion and Public Life, ngày 28 tháng Chín năm 2010), 7.

  14. Xin xem Ram Cnaan, Van Evans, và Daniel W. Curtis, Called to Serve: The Prosocial Behavior of Active Latter-day Saints (University of Pennsylvania School of Social Policy and Practice, 2012); “Mormon Volunteerism Highlighted in New Study” (ngày 16 tháng Ba năm 2012), http://www.mormonnewsroom.org/article/mormon-volunteerism-report; Mormons in America: Certain in Their Beliefs, Uncertain of Their Place in Society (Pew Forum on Religion and Public Life, ngày 12 tháng Giêng năm 2012), 43; Robert D. Putnam and David E. Campbell, American Grace: How Religion Divides and Unites Us (2010), 444–54.