2021
Nói Về Sức Khỏe Tâm Thần
Tháng Mười Một năm 2021


9:27

Nói Về Sức Khỏe Tâm Thần

Cho phép tôi chia sẻ một vài điều tôi nhận thấy khi gia đình chúng tôi trải qua những khó khăn.

Mặc dù gia đình chúng tôi đã vui hưởng với các phước lành dồi dào trong khi bước đi trên con đường giao ước, nhưng chúng tôi cũng đã đối mặt với những thử thách cực kỳ khó khăn trong cuộc sống. Tôi muốn chia sẻ một số kinh nghiệm rất cá nhân về căn bệnh tâm thần. Căn bệnh này gồm có trầm cảm lâm sàng, lo âu trầm trọng, rối loạn lưỡng cực, chứng rối loạn tăng động giảm chú ý—và đôi khi là sự kết hợp của tất cả các điều này. Tôi chia sẻ những kinh nghiệm tế nhị này với sự chấp thuận của những người liên quan.

Trong giáo vụ của mình, tôi đã gặp gỡ hàng trăm cá nhân và gia đình với những kinh nghiệm tương tự. Đôi khi, tôi tự hỏi liệu “bệnh hoạn tàn phá” khắp xứ như đã được đề cập trong thánh thư có thể bao gồm luôn cả bệnh tâm thần không. 1 Đó là vấn đề toàn cầu, bao gồm mọi lục địa và văn hóa, và ảnh hưởng đến tất cả mọi người—trẻ tuổi, già cả, giàu sang và nghèo khó. Các tín hữu của Giáo Hội cũng không tránh khỏi.

Đồng thời, giáo lý của chúng ta dạy chúng ta phải cố gắng trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô và được toàn thiện trong Ngài. Trẻ em của chúng ta hát: “Tôi cố gắng được giống như Chúa Giê Su.” 2 Chúng ta mong muốn được hoàn hảo thậm chí giống như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô là hoàn hảo vậy. 3 Bởi vì bệnh tâm thần có thể gây trở ngại cho nhận thức về sự hoàn hảo của chúng ta, nên nó vẫn thường là một điều tránh được nhắc đến. Điều đó dẫn đến việc có quá nhiều sự dốt nát, quá nhiều nỗi đau khổ thầm lặng, và quá nhiều nỗi tuyệt vọng. Có nhiều người, cảm thấy choáng ngợp vì họ không đáp ứng được các tiêu chuẩn nhận thức, lầm tưởng rằng họ không có chỗ đứng trong Giáo Hội.

Để chống lại sự lừa gạt như vậy thì điều quan trọng là phải nhớ rằng “Đấng Cứu Rỗi yêu thương mỗi con cái của Cha Ngài. Ngài thấu hiểu trọn vẹn nỗi đau đớn và khó khăn mà nhiều người đã trải qua khi họ có nhiều thử thách về sức khỏe tâm thần. Ngài chịu đựng ‘mọi sự đau đớn, thống khổ, cùng mọi cám dỗ; … [mang] lấy những đau đớn và bệnh tật của dân Ngài’ (An Ma 7:11; sự nhấn mạnh được thêm vào; xin xem thêm Hê Bơ Rơ 4:15–16; 2 Nê Phi 9:21). Bởi vì Ngài hiểu tất cả mọi nỗi thống khổ, nên Ngài biết cách ‘để chữa lành cho kẻ vỡ lòng.’ (Lu Ca 4:18; xin xem thêm Ê Sai 49:13–16).” 4 Những thử thách thường cho thấy sự cần thiết phải có thêm các công cụ cùng sự hỗ trợ, và đó không phải là một khuyết điểm về cá tính.

Cho phép tôi chia sẻ một vài điều tôi nhận thấy khi gia đình chúng tôi trải qua những khó khăn.

Trước hết, nhiều người sẽ than khóc cùng chúng ta; họ sẽ không xét đoán chúng ta. Do những cơn hoảng loạn, lo âu và trầm cảm trầm trọng, con trai chúng tôi trở về nhà từ công việc truyền giáo của nó chỉ sau bốn tuần. Là cha mẹ của nó, chúng tôi thấy rất khó để đối mặt với nỗi thất vọng và buồn bã vì chúng tôi đã cầu nguyện rất nhiều cho sự thành công của nó. Giống như tất cả các bậc cha mẹ, chúng tôi muốn con cái mình được thành công và được hạnh phúc. Đáng lẽ công việc truyền giáo phải là một sự kiện quan trọng đối với con trai chúng tôi. Chúng tôi cũng tự hỏi những người khác có thể nghĩ gì.

Chúng tôi không biết rằng sự trở về của con trai chúng tôi lại càng làm cho nó vô cùng đau khổ. Hãy lưu ý rằng nó yêu mến Chúa và muốn phục vụ, nhưng nó không thể vì những lý do mà nó khó để hiểu. Chẳng bao lâu, nó thấy mình hoàn toàn vô vọng, đang chống chọi với cảm giác tội lỗi cùng cực. Nó không còn cảm thấy được chấp nhận mà còn bị tê liệt về phần thuộc linh nữa. Nó trở nên tiều tụy bởi những ý nghĩ về cái chết lặp đi lặp lại.

Trong khi ở trạng thái mất lý trí này, con trai của chúng tôi tin rằng hành động duy nhất bây giờ là từ bỏ cuộc sống của mình. Thực sự đã phải cần đến Đức Thánh Linh và một đạo quân thiên sứ ở cả hai bên bức màn che để cứu được nó.

Trong khi nó đang đấu tranh cho sự sống của mình và trong thời gian vô cùng khó khăn này, gia đình chúng tôi, các vị lãnh đạo tiểu giáo khu, các tín hữu, và bạn bè của chúng tôi đã cố gắng hết sức để hỗ trợ và phục sự chúng tôi.

Tôi chưa bao giờ cảm thấy tình yêu thương dạt dào như vậy. Tôi chưa bao giờ cảm nhận được một cách mạnh mẽ hơn và theo cách cá nhân như vậy về ý nghĩa của việc an ủi những người cần được an ủi. Gia đình chúng tôi sẽ luôn luôn biết ơn về tình yêu thương đó.

Tôi không thể mô tả vô số phép lạ đi cùng với những sự kiện này. May thay, con trai chúng tôi đã qua khỏi, nhưng phải mất một thời gian dài và được chăm sóc nhiều về y tế, trị liệu, và cả phần thuộc linh, để được chữa lành và chấp nhận rằng nó được yêu thương, quý trọng và cần đến.

Tôi nhận ra rằng không phải tất cả những tình huống như vậy đều có kết quả giống như chúng tôi. Tôi đau buồn với những người đã sớm mất đi người thân yêu và giờ chỉ còn lại những cảm giác đau buồn cũng như những câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Nhận xét tiếp theo của tôi là cha mẹ có thể khó xác định được những khó khăn của con mình, nhưng chúng ta phải tự học hỏi điều đó. Làm thế nào chúng ta có thể biết được sự khác biệt giữa những khó khăn liên quan đến sự phát triển bình thường và các dấu hiệu của bệnh tật? Là cha mẹ, chúng ta có trách nhiệm thiêng liêng để giúp con cái mình vượt qua những thử thách của cuộc sống; tuy nhiên, rất ít người trong chúng ta là chuyên viên về sức khỏe tâm thần. Mặc dù vậy, chúng ta cần phải chăm sóc cho con cái của mình bằng cách giúp chúng học cách bằng lòng với những nỗ lực chân thành của chúng khi chúng cố gắng đáp ứng những kỳ vọng thích hợp. Mỗi người trong chúng ta đều biết từ những khuyết điểm cá nhân của mình rằng sự tăng trưởng thuộc linh là một tiến trình liên tục.

Bây giờ chúng ta hiểu rằng “không có một cách chữa lành đơn giản nào cho sự an lạc về mặt cảm xúc và tinh thần. Chúng ta sẽ trải qua sự căng thẳng và hỗn loạn vì chúng ta sống trong một thế giới sa ngã với một thể xác sa ngã. Ngoài ra, nhiều yếu tố có thể góp phần dẫn đến việc chẩn đoán bệnh tâm thần. Bất kể sự an lạc về mặt tinh thần và cảm xúc của chúng ta như thế nào, việc tập trung vào sự tăng trưởng là lành mạnh hơn việc ám ảnh về những khuyết điểm của chúng ta.” 5

Đối với vợ chồng tôi, một điều mà luôn giúp chúng tôi là việc ở càng gần Chúa càng tốt. Giờ đây, khi nhìn lại, chúng tôi thấy cách mà Chúa đã kiên nhẫn dạy dỗ chúng tôi trong những thời điểm vô cùng bất ổn. Ánh sáng của Ngài đã hướng dẫn chúng tôi từng bước vượt qua những giờ phút tối tăm nhất. Chúa đã giúp chúng tôi thấy rằng giá trị của một cá nhân trong kế hoạch vĩnh cửu là quan trọng hơn nhiều so với bất cứ nhiệm vụ hoặc thành tựu nào trên thế gian.

Một lần nữa, việc tự học hỏi về bệnh tâm thần chuẩn bị cho chúng ta để tự giúp mình và những người khác mà có thể đang gặp khó khăn. Việc thảo luận cởi mở và chân thành với nhau sẽ giúp đề tài quan trọng này nhận được sự quan tâm xứng đáng. Xét cho cùng, thông tin đi trước sự soi dẫn và mặc khải. Những thử thách vô hình quá thường xuyên này có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai, và khi chúng ta đối phó với chúng, thì chúng dường như không thể khắc phục được.

Một trong những điều đầu tiên chúng ta cần phải biết là chúng ta chắc chắn không đơn độc một mình. Tôi mời anh chị em nghiên cứu đề tài về sức khỏe tâm thần trong phần Giúp Đỡ trong Cuộc Sống của ứng dụng Thư Viện Phúc Âm. Việc học hỏi sẽ dẫn đến sự hiểu biết nhiều hơn, chấp nhận nhiều hơn, có lòng trắc ẩn hơn, yêu thương nhiều hơn. Việc học hỏi có thể làm giảm bớt bi kịch, đồng thời giúp chúng ta phát triển và quản lý những kỳ vọng lành mạnh và những sự tương tác lành mạnh.

Nhận xét cuối cùng của tôi: chúng ta cần phải liên tục giúp đỡ lẫn nhau. Chúng ta phải yêu thương lẫn nhau và ít xét đoán hơn—nhất là khi những kỳ vọng của chúng ta không được đáp ứng ngay lập tức. Chúng ta nên giúp trẻ em và giới trẻ của mình cảm nhận được tình yêu thương của Chúa Giê Su Ky Tô trong cuộc sống của các em, ngay cả khi các em gặp khó khăn để tự mình cảm nhận được tình yêu thương. Anh Cả Orson F. Whitney, là người đã phục vụ với tư cách là một thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, đã khuyên dạy các bậc cha mẹ cách giúp con cái đang gặp khó khăn: “Hãy cầu nguyện cho … con cái của anh chị em; giữ chặt các em với đức tin của anh chị em.” 6

Tôi thường suy ngẫm về ý nghĩa của việc giữ chặt các em với đức tin. Tôi tin rằng điều đó gồm có những hành động đơn giản về tình yêu thương, sự nhu mì, lòng tử tế, và sự tôn trọng. Điều đó có nghĩa là cho phép các em phát triển theo nhịp độ tiến trình của riêng mình và chia sẻ chứng ngôn để giúp các em cảm nhận được tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi. Điều này đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn về các em và bớt suy nghĩ về bản thân mình hoặc những người khác. Điều đó thường có nghĩa là nói ít hơn và lắng nghe nhiều, nhiều hơn nữa. Chúng ta cần phải yêu thương các em, làm cho các em có khả năng, và thường xuyên khen ngợi các em trong các nỗ lực của các em để thành công và trung tín với Thượng Đế. Và cuối cùng, chúng ta nên làm mọi điều trong khả năng của mình để ở gần các em—cũng giống như chúng ta ở gần Thượng Đế.

Đối với tất cả những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bệnh tâm thần, hãy bám chặt vào các giao ước của anh chị em, cho dù anh chị em có thể không cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế vào lúc này. Hãy làm bất cứ điều gì nằm trong khả năng của anh chị em và sau đó “đứng yên … để nhìn thấy sự cứu rỗi của Thượng Đế, và thấy cánh tay Ngài được để lộ ra.” 7

Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Ngài biết rõ chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta và Ngài sẽ chờ đợi chúng ta. Trong những thử thách của gia đình chúng tôi, tôi đã tiến đến việc biết Ngài gần gũi biết bao. Những lời hứa của Ngài là đúng thật:

Tại sao ngươi thất vọng khi có ta ở cùng ngươi?

Sợ chi đừng sợ chi ta chính Đức Chúa Trời ngươi.

Và ta sẽ giúp ngươi thêm sức mạnh đứng vững vàng, …

Đừng sợ chi, ngươi sẽ đứng vững chắc trong oai quyền Ta.

Vì biết được nền tảng của chúng ta vững chắc biết bao, cầu xin cho chúng ta luôn luôn vui vẻ cất tiếng:

Hồn tôi an nghỉ đời đời bên Giê Su Ky Tô

Dù cho cuộc đời tôi đang khó khăn hay sầu lo;

Lòng tôi mãi mãi ghi sâu những lời răn dạy Ngài, …

Ngài là nơi tôi nương náu ấm áp trong cuộc đời này! 8

Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Giáo Lý và Giao Ước 45:31.

  2. “I’m Trying to Be Like Jesus,” Children’s Songbook, trang 78–79.

  3. Xin xem 3 Nê Phi 12:48.

  4. Like a Broken Vessel,” Mental Health: General Principles, ChurchofJesusChrist.org.

  5. Sheldon Martin, “Strive to Be—a Pattern for Growth and Mental and Emotional Wellness,” Liahona, tháng Tám năm 2021, trang 14.

  6. Orson F. Whitney, trong Báo Cáo Đại Hội, tháng Tư năm 1929, trang 110.

  7. Giáo Lý và Giao Ước 123:17.

  8. “Tìm Đâu Cho Thấy Một Nền Vững Vàng,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 6.