2021
Đền Thờ và Nền Móng Thuộc Linh của Anh Chị Em
Tháng Mười Một năm 2021


18:59

Đền Thờ và Nền Móng Thuộc Linh của Anh Chị Em

Khi có bất cứ biến động nào xảy ra trong cuộc sống của anh chị em thì nơi an toàn nhất cho phần thuộc linh là ở bên trong các giao ước đền thờ của anh chị em!

Anh chị em thân mến, tôi biết ơn được có mặt với anh chị em buổi sáng hôm nay để chia sẻ những cảm nghĩ trong lòng tôi.

Như anh chị em biết, chúng ta đang đại trùng tu Đền Thờ Salt Lake lịch sử. Dự án phức tạp này bao gồm việc củng cố chính nền móng ban đầu của nó, mà đã đứng vững vàng trong hơn một thế kỷ. Nhưng ngôi đền thờ này còn phải đứng lâu hơn thế nữa. Vào cuối tháng Năm, tôi đã kiểm tra tiến độ của dự án quy mô này. Tôi nghĩ rằng anh chị em sẽ biết ơn khi thấy được những gì mà Wendy vợ tôi và tôi đã thấy. Tôi nghĩ rằng anh chị em sẽ thấy lý do tại sao bài thánh ca “Tìm Đâu Cho Thấy Một Nền Vững Vàng” 1 đã trở thành có ý nghĩa mới mẻ đối với tôi.

2:4

Video về vị trí của Đền Thờ Salt Lake đang được sửa chữa: “Chúng ta đang nhìn vào nền móng ban đầu của Đền Thờ Salt Lake. Tôi đang đứng ở một khu vực bên dưới Garden Room (Phòng Khu Vườn). Khi xem xét tay nghề khéo léo thể hiện trong suốt tòa nhà này, tôi ngạc nhiên trước những gì những người tiền phong đã hoàn thành. Tôi hoàn toàn kinh ngạc khi nghĩ rằng họ đã xây cất ngôi đền thờ hùng vĩ này chỉ bằng những công cụ và kỹ thuật có sẵn cho họ cách đây hơn một thế kỷ.

“Tuy nhiên, trong nhiều thập niên sau này, nếu xem xét kỹ nền móng, chúng ta có thể thấy được những ảnh hưởng của sự xói mòn, các khoảng trống trong nền đá ban đầu và các công đoạn không được vững vàng khác nhau của công trình nề.

“Giờ đây, tôi thực sự kinh ngạc khi chứng kiến những gì các kỹ sư, kiến trúc sư và chuyên gia xây dựng hiện đại có thể làm để củng cố nền móng ban đầu đó. Công việc của họ thật đáng ngưỡng mộ!

“Nền móng của bất cứ tòa nhà nào, đặc biệt là tòa nhà lớn như tòa nhà này, phải đủ vững vàng và đàn hồi để chống chọi với động đất, sự xói mòn, cuồng phong và tiến trình lún sụt mà chắc chắn ảnh hưởng đến tất cả các tòa nhà. Nhiệm vụ củng cố phức tạp hiện đang được tiến hành sẽ củng cố ngôi đền thờ thiêng liêng này với nền móng mà có thể và sẽ đứng vững trước thử thách của thời gian.”

Chúng tôi cố gắng hết sức để tạo cho ngôi đền thờ đáng kính này, vốn càng ngày càng trở nên dễ bị hư hại, một nền móng mà có thể chống chọi với các sức mạnh của thiên nhiên vào Thời Kỳ Ngàn Năm. Tương tự như vậy, bây giờ đây là lúc mà mỗi người chúng ta thực hiện các biện pháp phi thường—có lẽ là những biện pháp mà chúng ta chưa từng thực hiện trước đây—để củng cố các nền móng thuộc linh của cá nhân mình. Những thử thách gay go mới đòi hỏi những biện pháp chưa từng có trước đây.

Anh chị em thân mến, đây những ngày sau. Nếu anh chị em và tôi phải chống chọi với những nguy cơ và áp lực sắp tới, thì điều bắt buộc là mỗi người chúng ta phải có một nền móng thuộc linh vững vàng được xây dựng trên đá của Đấng Cứu Chuộc chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô. 2

Vậy thì tôi hỏi mỗi anh chị em: Nền móng của anh chị em vững chắc đến mức nào? Và cần thêm sự củng cố nào cho chứng ngôn và sự hiểu biết của anh chị em về phúc âm?

Đền thờ là phần quan trọng nhất trong việc củng cố đức tin và sức mạnh thuộc linh của chúng ta vì Đấng Cứu Rỗi và giáo lý của Ngài chính là trọng tâm của đền thờ. Mọi điều được giảng dạy trong đền thờ, qua sự chỉ dẫn và qua Thánh Linh, gia tăng sự hiểu biết của chúng ta về Chúa Giê Su Ky Tô. Các giáo lễ thiết yếu của Ngài kết nối chúng ta với Ngài qua các giao ước của chức tư tế thiêng liêng. Rồi khi chúng ta tuân giữ các giao ước của mình, Ngài sẽ ban cho chúng ta quyền năng chữa lành và củng cố của Ngài. 3 Và ôi, chúng ta sẽ cần quyền năng của Ngài biết bao trong những ngày sắp tới.

Chúng ta đã được hứa rằng “nếu [chúng ta] đã chuẩn bị rồi thì [chúng ta] sẽ không sợ hãi.” 4 Ngày nay, sự bảo đảm này có ý nghĩa sâu sắc. Chúa đã phán rằng bất chấp những thử thách mới mẻ của ngày nay, những người nào xây dựng nền móng của họ dựa trên Chúa Giê Su Ky Tô và đã học cách tiếp cận quyền năng của Ngài, đều không cần phải nhượng bộ những lo lắng độc nhất chỉ có trong thời đại này.

Các giáo lễ và các giao ước đền thờ là từ thời xưa. Chúa chỉ dạy cho A Đam và Ê Va cách cầu nguyện, lập giao ước và dâng của lễ. 5 Thật vậy, “bất cứ khi nào Chúa có dân cư trên thế gian chịu vâng lời Ngài, thì họ đều được truyền lệnh phải xây cất đền thờ.” 6 Các tác phẩm tiêu chuẩn có đầy đủ các tài liệu tham khảo về những lời giảng dạy, y phục, lời lẽ trong đền thờ và còn nhiều nữa. 7 Mọi điều chúng ta tin và mỗi lời hứa Thượng Đế đã lập với dân giao ước của Ngài đều kết hợp lại với nhau trong đền thờ. Trong mỗi thời đại, đền thờ đã đều nhấn mạnh đến lẽ thật quý báu rằng những người lập và tuân giữ giao ước với Thượng Đế đều là con cái của giao ước.

Vì vậy, trong nhà của Chúa, chúng ta có thể lập chính các giao ước đó với Thượng Đế mà Áp Ra Ham, Y Sác và Gia Cốp đã lập. Và chúng ta có thể nhận được các phước lành tương tự đó!

Đền Thờ Kirtland và Nauvoo

Các đền thờ đã là một phần của gian kỳ này từ những ngày đầu tiên. 8 Ê Li đã truyền giao các chìa khóa của thẩm quyền gắn bó cho Joseph Smith trong Đền Thờ Kirtland. Chức tư tế đã được phục hồi trọn vẹn trong Đền Thờ Nauvoo. 9

Cho đến khi tuẫn đạo, Joseph Smith vẫn tiếp tục nhận được những điều mặc khải giúp xúc tiến sự phục hồi các giáo lễ thiên ân và gắn bó. 10 Tuy nhiên, ông nhận ra rằng cần phải hoàn thiện thêm nữa. Sau khi thực hiện lễ thiên ân cho Brigham Young vào tháng Năm năm 1842, Joseph nói với Brigham: “Điều này không được sắp xếp đúng cách, nhưng chúng ta đã làm hết sức mình trong hoàn cảnh mà chúng ta đã được đặt vào và tôi mong anh hãy nhận lấy trách nhiệm tổ chức cùng hệ thống hóa tất cả các nghi lễ này.” 11

Sau cái chết của Vị Tiên Tri, Chủ Tịch Young đã trông coi việc hoàn thành Đền Thờ Nauvoo 12 và về sau xây cất các đền thờ ở Lãnh Thổ Utah. Tại lễ cung hiến các tầng dưới của Đền Thờ St. George, Brigham Young đã mạnh mẽ tuyên bố về sự cấp thiết của công việc làm thay trong đền thờ khi ông nói: “Khi nghĩ về vấn đề này, tôi muốn cất lên một tiếng nói hùng hồn như tiếng sấm để đánh thức mọi người.” 13

Từ lúc đó trở đi, các giáo lễ đền thờ được hoàn thiện dần dần. Chủ Tịch Harold B. Lee đã giải thích lý do tại sao các phương thức, chính sách và thậm chí cả cách thực hiện các giáo lễ đền thờ tiếp tục thay đổi bên trong Giáo Hội phục hồi của Đấng Cứu Rỗi. Chủ Tịch Lee nói: “Các nguyên tắc phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là rất thiêng liêng. Không ai thay đổi các nguyên tắc và [giáo lý] của Giáo Hội ngoại trừ Chúa bằng sự mặc khải. Nhưng các phương pháp thay đổi khi sự hướng dẫn đầy cảm ứng đến với những người chủ tọa tại một thời điểm nhất định.” 14

Hãy xem việc thực hiện Tiệc Thánh đã thay đổi như thế nào trong những năm qua. Trong thời gian đầu, nước của Tiệc Thánh được ban cho giáo đoàn trong một cái bình lớn. Mọi người đều uống từ cái bình đó. Bây giờ chúng ta sử dụng ly dùng một lần riêng cho từng người. Phương thức đã thay đổi, nhưng các giao ước vẫn giữ nguyên.

Hãy suy ngẫm về ba lẽ thật này:

  1. Sự Phục Hồi là một tiến trình chứ không phải là một sự kiện, và sẽ tiếp tục cho đến khi Chúa tái lâm.

  2. Mục tiêu tối thượng của việc quy tụ dân Y Sơ Ra Ên 15 là mang các phước lành đền thờ đến cho con cái trung tín của Thượng Đế.

  3. Khi chúng ta tìm cách thực hiện mục tiêu đó một cách hiệu quả hơn, thì Chúa mặc khải cho nhiều hiểu biết sâu sắc hơn. Sự Phục Hồi đang tiếp diễn cần có sự mặc khải liên tục.

Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ thường cầu vấn Chúa xem có cách nào tốt hơn để ban các phước lành đền thờ đến cho con cái trung tín của Ngài không. Chúng tôi thường tìm kiếm sự hướng dẫn về cách để bảo đảm tính chính xác và nhất quán trên toàn cầu về điều chỉ dẫn, các giao ước và các giáo lễ trong đền thờ mặc dù có sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa.

Dưới sự hướng dẫn của Chúa và để đáp lại lời cầu nguyện của chúng tôi, những điều chỉnh mới gần đây về phương thức đã được thực hiện. Ngài là Đấng muốn anh chị em phải hiểu rõ ràng và chính xác điều anh chị em đang lập giao ước để làm. Ngài là Đấng muốn anh chị em phải trải qua trọn vẹn các giáo lễ thiêng liêng của Ngài. Ngài muốn anh chị em phải am hiểu các đặc ân, lời hứa và trách nhiệm. Ngài muốn anh chị em phải có những hiểu biết và nhận thức về phần thuộc linh mà anh chị em chưa từng có trước đây. Ngài mong muốn điều này cho tất cả những người đi đền thờ, cho dù họ đang sống ở đâu.

Những điều chỉnh hiện tại về các phương thức trong đền thờ và những điều chỉnh khác sẽ tiếp theo sau, là bằng chứng liên tục cho thấy rằng Chúa đang tích cực hướng dẫn Giáo Hội của Ngài. Ngài đang tạo cơ hội cho mỗi chúng ta củng cố các nền móng thuộc linh của mình một cách hiệu quả hơn bằng cách tập trung cuộc sống của chúng ta vào Ngài và vào các giáo lễ và giao ước trong đền thờ của Ngài. Khi anh chị em mang giấy giới thiệu đi đền thờ của mình, một tâm hồn thống hối và một ước muốn tìm hiểu đến ngôi nhà của sự học hỏi của Chúa thì Ngài sẽ dạy cho anh chị em.

Nếu khoảng cách, những thử thách về sức khỏe, hoặc những hạn chế khác ngăn cản anh chị em tham dự đền thờ trong một thời gian thì tôi mời anh chị em dành thời gian thường xuyên để ôn luyện trong tâm trí của mình những giao ước mà anh chị em đã lập.

Nếu anh chị em chưa thích tham dự đền thờ, thì hãy đi thường xuyên hơn—chứ không phải đi ít hơn. Hãy để Chúa, qua Thánh Linh của Ngài, giảng dạy và soi dẫn anh chị em ở đó. Tôi hứa với anh chị em rằng theo thời gian, đền thờ sẽ trở thành một nơi an toàn, an ủi và mặc khải.

Nếu tôi có thể nói chuyện riêng với mỗi người thành niên trẻ tuổi thì tôi sẽ khẩn nài với các em nên tìm kiếm một người bạn đời mà các em có thể được làm lễ gắn bó trong đền thờ với người đó. Các em có thể tự hỏi điều này sẽ tạo ra sự khác biệt nào trong cuộc sống của các em. Tôi hứa rằng nó sẽ tạo ra mọi sự khác biệt! Khi kết hôn trong đền thờ và quay trở lại nhiều lần, các em sẽ được củng cố và hướng dẫn trong các quyết định của mình.

Nếu tôi có thể nói chuyện với mỗi người chồng và người vợ nào vẫn chưa được làm lễ gắn bó trong đền thờ thì tôi sẽ khẩn nài anh chị em nên có những bước cần thiết để tiếp nhận giáo lễ tối quan trọng và làm thay đổi cuộc sống đó. 16 Điều đó sẽ tạo ra sự khác biệt không? Chỉ khi nào anh chị em muốn tiến triển vĩnh viễn và ở bên nhau mãi mãi. Ước nguyện ở bên nhau mãi mãi sẽ không đạt được điều đó. Không có nghi lễ hoặc hợp đồng nào khác mà sẽ giúp đạt được điều đó. 17

Nếu tôi có thể nói chuyện với mỗi người nam hay người nữ đang khao khát kết hôn nhưng chưa tìm thấy được người bạn đời vĩnh cửu của họ, thì tôi xin khuyên nhủ anh chị em đừng đợi cho đến khi kết hôn rồi mới làm lễ thiên ân trong nhà của Chúa. Hãy bắt đầu từ bây giờ tìm hiểu và kinh nghiệm ý nghĩa của việc được trang bị với quyền năng của chức tư tế.

Và đối với mỗi anh chị em đã lập các giao ước đền thờ, tôi khẩn nài với anh chị em hãy cố gắng—một cách thành tâm và kiên định—để hiểu các giao ước và giáo lễ trong đền thờ. 18 Cánh cửa thuộc linh sẽ mở ra. Anh chị em sẽ học cách vén mở bức màn che ngăn cách thiên thượng và thế gian, cách cầu xin các thiên sứ của Thượng Đế phụ giúp anh chị em và cách tốt hơn để nhận được sự hướng dẫn từ thiên thượng. Các nỗ lực siêng năng của anh chị em để làm như vậy sẽ củng cố thêm nền móng thuộc linh của anh chị em.

Anh chị em thân mến của tôi, khi nào công trình tu bổ Đền Thờ Salt Lake được hoàn tất, thì sẽ không có nơi nào an toàn hơn là ở bên trong ngôi đền thờ đó nếu có động đất ở Thung Lũng Salt Lake.

Tương tự như vậy, khi nào có bất cứ biến động nào xảy ra trong cuộc sống của anh chị em thì nơi an toàn nhất cho phần thuộc linh là ở bên trong các giao ước đền thờ của anh chị em!

Xin hãy tin tôi khi tôi nói rằng khi nền móng thuộc linh của anh chị em được xây dựng vững chắc dựa trên Chúa Giê Su Ky Tô thì anh chị em không cần phải sợ hãi. Khi trung thành với các giao ước của mình mà đã được lập trong đền thờ, anh chị em sẽ được củng cố bởi quyền năng của Ngài. Rồi khi nào trận động đất thuộc linh xảy ra, anh chị em sẽ có thể đứng vững nhờ vào nền móng thuộc linh vững chắc và không lay chuyển của mình.

Anh chị em thân mến, tôi yêu thương anh chị em. Tôi biết các lẽ thật này: Thượng Đế, Cha Thiên Thượng của chúng ta, muốn anh chị em chọn trở về nhà với Ngài. Kế hoạch tiến triển vĩnh viễn của Ngài không phức tạp mà tôn vinh quyền tự quyết của anh chị em. Anh chị em được tự do lựa chọn mình sẽ trở thành người như thế nào—và anh chị em sẽ sống với ai—trong thế giới mai sau!

Thượng Đế hằng sống! Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô! Đây là Giáo Hội của Ngài đã được phục hồi để giúp anh chị em hoàn thành số mệnh thiêng liêng của mình. Tôi làm chứng như vậy trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem “Tìm Đâu Cho Thấy một Nền Vững Vàng,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 6.

  2. Để cho “khi nào quỷ dữ … [tung] những ngọn [gió] mạnh của nó ra, … thì nó sẽ không có quyền năng nào trên [chúng ta] … vì nhờ đá mà [chúng ta] được xây cất trên đó, là một nền móng vững chắc, là một nền móng mà nếu loài người xây dựng trên đó họ sẽ không thể nào đổ ngã được” (Hê La Man 5:12; sự nhấn mạnh được thêm vào).

  3. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 109:15, 22.

  4. Giáo Lý và Giao Ước 38:30; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 10:55.

  5. Xin xem Môi Se 5:5-6.

  6. Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Đền Thờ.”

  7. Ví dụ, xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 28; 29; Lê Vi Ký 8. Đền tạm của Môi Se được gọi là “trại chứng cớ” (Dân Số Ký 9:15) và một “đền tạm chứng cớ” (Xuất Ê Díp Tô Ký 38:21). Đền thờ của Sa Lô Môn bị phá hủy vào năm 587 trước Công Nguyên, một vài năm sau khi gia đình Lê Hi rời khỏi Giê Ru Sa Lem. Xô Rô Ba Bên trùng tu ngôi đền thờ này vào khoảng 70 năm sau đó. Lúc đó, ngôi đền thờ này bị hư hại do hỏa hoạn vào năm 37 trước Công Nguyên. Hê Rốt nới rộng ngôi đền thờ này vào khoảng năm 16 trước Công Nguyên. Sau đó, ngôi đền thờ này, mà đã được Chúa Giê Su biết đến, bị phá hủy vào năm 70 sau Công Nguyên. Nê Phi đã có những kinh nghiệm giống như đền thờ bằng cách “thường đi lên núi” để cầu nguyện (1 Nê Phi 18:3) và về sau xây cất một đền thờ ở châu Mỹ “theo cách thức của đền thờ Sa Lô Môn,” mặc dù nó ít được trang trí công phu hơn (xin xem 2 Nê Phi 5:16).

  8. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 88:119; 124:31.

  9. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 110:13-16; 124:28. Nền đá móng cho Đền Thờ Nauvoo được đặt vào ngày 6 tháng Tư năm 1841, chỉ vài tháng sau khi Joseph Smith nhận được mặc khải phải xây cất đền thờ đó. Đền Thờ Nauvoo có thêm các mục đích. Ví dụ, Chúa giải thích rằng cần phải có hồ báp têm để Các Thánh Hữu chịu phép báp têm cho người chết (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 124:29–30).

  10. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 131; 132. Giáo Lý và Giao Ước 128 gồm có một bức thư mà Joseph Smith viết cho Các Thánh Hữu liên quan đến phép báp têm cho người chết. Trong thư đó, ông tuyên bố rằng sự cứu rỗi cho người chết “là cần thiết và thiết yếu cho sự cứu rỗi của chúng ta, … [vì] nếu không có chúng ta thì họ không thể đạt đến sự trọn vẹn—chúng ta cũng không thể đạt đến sự trọn vẹn được nếu không có những người chết của chúng ta” (câu 15).

  11. Joseph Smith, trong Saints: The Story of the Church of Jesus Christ in the Latter Days , quyển 1, The Standard of Truth, năm 1815–1846 (năm 2018), trang 454.

  12. “Sử Gia George A. Smith của Giáo Hội kết luận rằng đã có 5.634 anh chị em nhận được lễ thiên ân của họ trong Đền Thờ Nauvoo mà chỉ mới được hoàn thành một phần vào tháng Mười Hai năm 1845 và tháng Một năm 1846. Lễ gắn bó của các cặp vợ chồng vẫn tiếp tục cho đến ngày 7 tháng Hai, [năm 1846,] đến thời điểm đó có hơn 2.000 cặp vợ chồng đã được chức tư tế kết hợp cho thời tại thế và thời vĩnh cửu” (Bruce A. Van Orden, “Temple Finished before Exodus,” Deseret News, ngày 9 tháng Mười Hai năm 1995, deseret.com; xin xem thêm Richard O. Cowan, “Endowments Bless the Living and Dead,” Church News, ngày 27 tháng Tám năm 1988, thechurchnews.com).

  13. “Anh chị em nghĩ rằng các tổ phụ sẽ nói gì nếu họ có thể nói từ cõi chết? Họ sẽ không nói rằng: ‘Chúng tôi đã ở đây hàng ngàn năm, ở đây trong ngục tù này, chờ đợi cho gian kỳ này đến sao’? … Sao, nếu họ có khả năng, thì những tiếng nói hùng hồn như tiếng sấm của thiên thượng sẽ vọng đến tai chúng ta, nếu chúng ta có thể nhận biết tầm quan trọng của công việc chúng ta đang tham gia. Tất cả các thiên sứ trên thiên thượng đang nhìn vào số ít người này và khuyến khích họ để cứu rỗi gia đình nhân loại. … Khi nghĩ về vấn đề này, tôi muốn cất lên một tiếng nói hùng hồn như tiếng sấm để đánh thức mọi người” (Discourses of Brigham Young, do John A. Widtsoe tuyển chọn [năm 1954], trang 403–4).

  14. Harold B. Lee, “God’s Kingdom—a Kingdom of Order,” Ensign, tháng Một năm 1971, trang 10. Xin xem thêm lời phát biểu của Chủ Tịch Wilford Woodruff vào năm 1896; ông tuyên bố: “Với tư cách là chủ tịch của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi muốn nói rằng bây giờ chúng ta nên tiếp tục và tiến triển. Chúng ta [vẫn còn] tiếp nhận sự mặc khải. … Chủ Tịch [Brigham] Young, người kế nhiệm Chủ Tịch Joseph Smith, đã dẫn dắt chúng ta đến đây. Ông đã tổ chức các đền thờ này và thực hiện các mục đích của chức vụ kêu gọi và chức phẩm của ông. … Nhưng ông cũng như Chủ Tịch Taylor và Wilford Woodruff đã không nhận được tất cả những điều mặc khải thuộc vào công việc này. Sẽ không có kết thúc cho công việc này cho đến khi nó được hoàn thiện” (The Discourses of Wilford Woodruff, do G. Homer Durham tuyển chọn [năm 1946], trang 153–54).

  15. Xin xem 3 Nê Phi 29:8-9.

  16. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 131:2, 4.

  17. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 132:7.

  18. Anh Cả John A. Widtsoe viết: “Thượng Đế phán lời Ngài, và những mặc khải đến với người nam hay người nữ đi đền thờ, với ước muốn học hỏi, chú ý đến các biểu hiệu và các giao ước, cùng nỗ lực liên tục, kiên định để hiểu ý nghĩa đầy đủ. Lễ thiên ân bao gồm rất nhiều biểu hiệu mà chỉ có kẻ điên rồ mới cố gắng mô tả nó; lễ này bao gồm rất nhiều điều mặc khải cho những ai sử dụng sức mạnh của họ đế tìm kiếm và nhìn thấy đến mức không có ngôn từ nào của con người có thể giải thích hoặc làm sáng tỏ những sự việc có thể xảy ra trong khi phục vụ trong đền thờ. Lễ thiên ân được ban cho qua sự mặc khải mà có thể được hiểu rõ nhất bằng sự mặc khải” (trong Archibald F. Bennett, Saviors on Mount Zion [Sách học Trường Chủ Nhật, năm 1950], trang 168).